Nhà báo Phạm Anh Tuấn-Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet: “Chắc chắn rằng chúng tôi sẽ làm và sẽ bắt đầu sớm”

Thứ sáu - 26/06/2020 17:01

Đó là nhấn mạnh của nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet khi được hỏi liệu tờ báo điện tử Vietnamnet có tính đến bài toán thu phí truy cập hay không?


Dĩ nhiên để tiến tới bài toán này, Tổng Biên tập VietNamNet cũng luôn xác định, báo chí thu phí thì không đơn giản là áp công cụ thu tiền vào tờ báo sẵn có mà phải có chiến lược đầu tư, sản xuất nội dung “đáng đồng tiền bát gạo”.
 

Giải quyết tận gốc khó khăn chỉ có một cách duy nhất là đa dạng hóa nguồn thu

 
+ Việc phụ thuộc vào chỉ một nguồn thu duy nhất là quảng cáo khiến ngành công nghiệp báo chí toàn cầu phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Điều này đã bộc lộ rất rõ bởi những ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến “lời giải cho bài toán nguồn thu” của báo điện tử chưa thưa ông?

- Số liệu thống kê của Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN - IFRA) cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, số tiền thu về từ quảng cáo luôn chiếm từ 70 - 80% doanh thu của các báo điện tử. Thực tế này đã giúp ngành báo chí tiến hành chuyển đổi số rất nhanh nhưng hậu quả của tình trạng này là sự phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Cũng vì thế, để có được nguồn thu nhằm duy trì hoạt động, nhiều tờ báo phải chạy theo view (lượt xem). Đây cũng là một phần lý do khiến hình ảnh của báo chí và giới truyền thông ngày càng bị méo mó đi trong mắt công chúng. Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà quảng cáo đã quyết định trì hoãn các chiến dịch marketing, có tờ báo giảm doanh thu đến 80%.

Dự đoán của Cục PTTH&TTĐT cho thấy, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam có thể sụt giảm từ 15-20% trong tương lai gần. Xét trong dài hạn, doanh thu quảng cáo vẫn sẽ sụt giảm, có thể lên đến 50%, thậm chí là cao hơn nữa nếu so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều tờ báo điện tử đang tiến hành cắt giảm nhân sự và tối ưu bộ máy nhằm hạn chế ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp ngắn hạn. Để giải quyết tận gốc khó khăn này, các tờ báo điện tử chỉ có một cách duy nhất là đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo.
111
+Và câu chuyện của tờ New York Times đạt được thành tích đáng kính nể với kỷ lục 587.000 người trả phí mới trong quý I/ 2020, chắc hẳn là câu chuyện khiến thủ lĩnh một tờ báo điện tử hàng đầu hiện nay ít nhiều sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này chứ, thưa ông? 

-Bắt đầu phát triển mô hình thuê bao trả tiền từ năm 2011, tính đến nay, The New York Times đã có hơn 5 triệu độc giả đăng ký mua báo online định kỳ (subscriptions). Đáng chú ý khi 20% trong số này, tương đương với hơn 1 triệu thuê bao là người dùng mới phát sinh trong năm 2019. Với mức phí 9,99 USD/tháng trong năm đầu và 15,99 USD/tháng trong những năm tiếp theo, The New York Times đã kiếm về tới hơn 800 triệu USD từ độc giả online trong năm vừa qua.

Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm nay khi chỉ trong quý 1 của năm 2020, tờ báo này đã chứng kiến mức tăng kỷ lục với hơn 587.000 thuê bao mới. Đây là khoản bù đắp quan trọng do sự thiếu hụt từ nguồn thu quảng cáo. Không phải tờ báo nào cũng làm được như New York Times, tuy nhiên đây cũng không phải là hình mẫu duy nhất. Nhiều tòa soạn khác trên khắp hành tinh đang tích cực đổi mới trong bối cảnh công nghệ đang làm thay đổi thói quen của độc giả. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

+ Mặc dù câu chuyện “kiến tạo doanh thu” từ độc giả ở Việt Nam còn khá nhiều tranh cãi nhưng có ý kiến cho rằng: Với báo điện tử, thu phí từ độc giả chính là sự đa dạng nguồn thu, một xu hướng của tương lai, báo điện tử Việt Nam không là ngoại lệ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy. Các tờ báo online đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn thu của mình hơn. Thay vì chảy từ túi các doanh nghiệp, dòng tiền của báo chí hiện đại đang chảy nhiều hơn từ túi người xem các tờ báo điện tử.  Người dùng đang có xu hướng quay trở lại với thói quen đọc báo trả tiền, kể cả với những tờ báo online. Đây là một sự thật bởi lượng người chấp nhận trả tiền khi đọc báo online tăng trưởng với tỷ lệ 15% mỗi năm và xu thế này vẫn còn đang tiếp tục. Xét trên bình diện toàn cầu, chỉ có 13,4 triệu người chấp nhận trả tiền để đọc báo qua mạng vào năm 2014. Đến năm 2019, con số này đã là 41,3 triệu người.

Trong một thế giới đầy rẫy tin giả từ các trang mạng xã hội, ham muốn của người dùng với những tin tức chất lượng chưa bao giờ lớn đến vậy. Chính điều này đã tác động đến xu hướng phát triển của báo chí cũng như làm thay đổi hành vi người dùng. Thay vì viết nội dung nhiều view để “ăn tiền" quảng cáo, báo chí trong nước nên bắt đầu suy nghĩ về việc thay đổi phương thức kinh doanh sang mô hình đăng ký thuê bao. Tuy nhiên đồng thời với nó phải là chất lượng nội dung được cải thiện.

Không đảo ngược được xu thế thì đi theo xu thế càng nhanh càng tốt

+ Nhưng quả thực, câu chuyện thu phí truy cập “nói thì dễ mà làm rất khó”, thậm chí đó là con đường e rằng không dành cho số đông. Với báo điện tử ở Việt Nam những điều khó đó hiện nay là gì thưa Tổng Biên tập?

- Sự phát triển của Internet đem tới một nguồn thông tin miễn phí khổng lồ và là nguyên nhân khiến doanh thu của nhiều tờ báo bị sụt giảm nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng trên, một số tờ báo đã bắt đầu triển khai việc thu tiền đối với người đọc báo online. Điều này được thực hiện bằng cách tạo nên một bức tường phí (paywall) giữa người dùng và nội dung thông tin trên màn hình máy tính.

Việc kiếm nguồn thu từ độc giả được thực hiện qua 3 mô hình: thu phí cứng, thu phí mềm và bán trả phí. Mô hình thu phí cứng yêu cầu người dùng phải trả một khoản phí cố định hằng tháng để tiếp cận với nội dung của một tờ báo online. Phương pháp này sẽ mang lại một nguồn tiền lớn và thường xuyên cho những tờ báo có người đọc trung thành. Tuy vậy, từ chối độc giả nếu không trả tiền là một tùy chọn mang đầy tính rủi ro cho các tòa soạn. Không phải người đọc nào cũng sẵn sàng trả phí.

The Times đã mất tới 90% độc giả online của mình khi việc thu phí hàng tháng được triển khai. Ở hình thức thu phí mềm, tờ báo sẽ đặt ra một giới hạn cụ thể số lần người đọc được tiếp cận với nội dung miễn phí. Financial Times và sau đó là New York Times là những báo tiên phong trong mô hình này. Cả 2 tờ báo đều cho phép người dùng truy cập 10 bài viết mỗi tháng trước khi yêu cầu họ phải trả phí. Đây là mô hình khá hiệu quả khi The New York Times đã có hơn 5 triệu người đăng ký và trở thành tờ báo online trả phí thành công nhất hiện nay. Với Financial Times, sau khi trở thành tờ báo top đầu ở mảng độc giả của mình, tờ báo chuyên về tài chính này đã chuyển sang mô hình thu phí cứng. 

Với mô hình thu phí mềm, một thách thức đặt ra là các tòa soạn phải lựa chọn ngưỡng bắt đầu thu phí là bao nhiêu? Có bao nhiêu nội dung được cho đi? Và cho đi đến bao nhiêu thì bắt đầu tính phí? Đây là vấn đề khó có thể tìm ra được đáp án chung. Điều này chỉ có thể giải đáp thông qua việc phân tích và thử nghiệm.

Đối với mô hình thứ 3 là bán trả phí, người dùng sẽ được truy cập vào một lượng lớn nội dung miễn phí. Tuy nhiên, độc giả sẽ phải trả tiền để tiếp cận với những nội dung chuyên sâu hoặc để có được những trải nghiệm tốt hơn. Dù áp dụng mô hình nào thì đều có rủi ro mất đi một lượng độc giả không trả phí đều. Rất nhiều tờ báo lo ngại thu phí thực hiện chưa thành công mà quay lại thu tiền quảng cáo cũng không xong vì lượng người đọc đã sụt giảm do họ bỏ đi khi bị thu phí. Đây là lo lắng khiến nhiều tờ báo chưa dám áp dụng mô hình nội dung thu phí.

+ Từ xu thế truyền thông quốc tế, thấy rõ một điều rằng độc giả rồi sẽ phải quen với việc phải trả tiền cho nội dung. Nhưng bản thân tờ báo phải có được những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo”. Vietnamnet đã nghĩ đến một ngày nào đó không còn xa, trong chiến lược phát triển, sẽ nhắm đến con đường chông gai này chứ, thưa Tổng Biên  tập?

- Khi đã chắc chắn không đảo ngược được xu thế thì đi theo xu thế càng nhanh càng tốt. Chúng tôi đã suy nghĩ đến việc này và sẽ có kế hoạch để thực hiện sớm. Muốn người đọc trả tiền để đọc báo thì nội dung phải là thứ không thể thiếu của họ, do vậy muốn triển khai báo chí thu phí thì không đơn giản là áp công cụ thu tiền vào tờ báo sẵn có mà phải có chiến lược đầu tư, sản xuất nội dung đáng đồng tiền bát gạo độc giả bỏ ra. Không dám nói trước là thành công hay không nhưng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ làm và sẽ bắt đầu sớm.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Vân 
(Báo Nhà báo và Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây