Với khát vọng thi ca

Thứ sáu - 12/06/2020 10:23

Tác giả: Vương Tâm

 
Tôi gặp nhà thơ Vũ Xuân Hoát (sinh năm 1947 - tuổi Đinh Hợi) lần đầu tiên, tại trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội, ngày ấy còn ở phố Hàng Dầu. Khi đó anh vẫn còn mặc bộ đồ bộ đội biên phòng, nơi anh mới rời quân ngũ, chừng mấy năm. Anh liền đọc cho tôi nghe mấy câu thơ đầu tiên viết về Hà Nội: “Giã rừng sốt rét về đây/ Phố Hàng Bạc đấy! Lạ ngây bước khờ/ Liễu dâng đáy kiếm lặng bờ…”. Tôi cảm động và nhớ mãi.

Người chiến sĩ làm thơ, làm báo
111
Nhà thơ Vũ Xuân Hoát


Năm 1965, chàng trai Vũ Duy Hoát (tên khai sinh của Vũ Xuân Hoát), rời quê hương Nghĩa An, Ninh Giang (Hải Dương), xung phong đi quân ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Ngày ấy, giặc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc nước ta, thanh niên nô nức lên đường. Được biên chế vào đơn vị bộ đội biên phòng, người lính trẻ Vũ Duy Hoát bắt đầu những chặng đường gập ghềnh, khắp các cung đường biên giới. Có thời anh còn sang bên nước bạn Lào công tác cùng với những khó khăn khôn lường. Nhưng có lẽ, những kỷ niệm đặc biệt trong thời gian đóng tại đồn biên phòng, sống cùng với người Mông, đã ghi dấu ấn khó phai. Bởi bắt đầu từ đây, những giai điệu dân ca, ngọt ngào, trong sáng trở thành suối nguồn sáng tạo thơ ca trong anh. Những cơn sốt rét. Những cơn mưa rừng xối xả ngày đêm. Vượt núi băng đèo. Hồn thơ người chiến sĩ trong anh không bao giờ vơi cạn. Những bài thơ đầu tiên, với bút danh Vũ Xuân Hoát, bắt đầu từ những cánh rừng biên giới. Đến năm 1972, anh đã được giải thơ của báo Công an nhân dân vũ trang (tiền thân báo Biên Phòng ngày nay). Và cũng chỉ mấy năm sau, cái tên Vũ Xuân Hoát còn được xướng lên, trong giải bài thơ hay trong năm, báo Văn nghệ (1978).

Thấm thoát đã mươi năm ôm súng ngủ rừng. Anh ôm mộng thơ ca về với Hà Nội. Chính trong giai đoạn này, chúng tôi càng có dịp gần nhau. Tôi và anh đã cùng đi đây đó, viết bài và nhiều lần run rẩy trong rét mướt, ăn chung cái bánh mì chia đôi cho đỡ đói giữa đường. Những năm bao cấp đầy khốn khó. Vừa làm báo, anh vừa phải lo đời sống cho vợ con, ở quê. Nhiều năm anh đã phải ăn ngủ tại trụ sở báo ở phố Hàng Buồm. Tôi đã cùng anh kiếm từng bạc lẻ, trong những chuyến giao hàng thuê, hay bán thuốc lá điếu cho công nhân đi làm ca đêm. Anh ki cóp từng đồng gửi về cho vợ con. Vậy mà năm khoảng 1982, anh vẫn cắp sách đi học khóa 3, trường Viết văn Nguyễn Du. Nhưng rồi đến năm cuối, anh lại phải bỏ dở chừng, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Lại đúng vào thời điểm đổi tiền. Cuộc sống chồng chất khó khăn. Thêm nữa vợ con từ quê ra lắm nỗi lo toan. Anh lại quay về làm báo Người Hà Nội, với công việc của một phóng viên, cần mẫn chăm chỉ.

Có điều lạ, tuy lúc nào Vũ Xuân Hoát cũng bay bổng với những vần thơ, nhưng anh lại là một cây bút viết phóng sự xã hội khá sắc sảo. Liên tiếp anh được nhận giải báo chí viết về đề tài con người thủ đô. Đặc biệt, mấy chân dung lao động thủ đô, qua bài anh viết đã có sức ảnh hưởng đáng kể. Có người sau đó trở thành anh hùng trong chiến đấu. Lại có người, từ công nhân được đưa lên làm giám đốc vì tài năng, và lao động trung thực. Dường như trong thời gian này, thơ Vũ Xuân Hoát mỗi lúc một thăng hoa, bởi những trải nghiệm, nóng bỏng tâm thế của một thi nhân với xã hội. Tập thơ đầu tiên của Vũ Xuân Hoát: Cơn giông Hồ Gươm đã được trao giải thưởng thơ 5 năm (1986-1990) của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Đây là bước tiến vượt bậc của Vũ Xuân Hoát, mở ra một không gian mở cho một nhịp điệu, một sắc thái thơ riêng anh. Giọng thơ Vũ Xuân Hoát luôn ẩn chứa những triết lý nhân sinh, sau nét ung dung tự tại của một kẻ sĩ đất Hà thành. 

Rồi công việc làm báo lôi cuốn anh mải miết với thời gian. Năm tháng qua đi. Ra được vài ba tập thơ, nhưng sau đó anh bận với trăm thứ việc của một thư ký tòa soạn, rồi phó Tổng biên tập (2003), và Tổng biên tập (2005) báo Người Hà Nội. Vũ Xuân Hoát là một trong số ít Tổng biên tập được phát triển từ phóng viên của báo đi lên. Chính vì thế, báo Người Hà Nội thời anh làm có một bản sắc riêng biệt, với sự cộng tác đông đảo của những tác giả nổi tiếng, trong Nam ngoài Bắc. Nhưng có lẽ với thơ, anh luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn, đúng như cảm xúc khi anh viết: “Giầu, nghèo cũng một kiếp người/ Tình yêu anh đánh mất thời đương xoan/ Phút này cái phút chứa chan/ Em ào ạt đến lấp tràn hồn tôi”. “Em” đây không chỉ là tình yêu, mà còn là thơ mà anh hằng đeo đuổi, khao khát sáng tạo…
 
Đường thơ bao nỗi

Có lẽ với nhà thơ Vũ Xuân Hoát, cái thuở của Cơn giông Hồ Gươm (1988), Chân trời mới thắp (1990), hay Thời tôi biết (1996) đã qua. Sự tiếp nối của Thiên quê (2000) đến Quê bạn (in 2008), Vũ Xuân Hoát đã thể hiện một gương mặt thơ khác hẳn. Một sự chuyển động mới, trong cảm xúc hình tượng, ngôn ngữ thơ ca. Một thi pháp mới ư? Hẳn thế! Nói anh là một vận động viên luôn bứt phá vượt lên phía trước quả không sai. Nhà thơ đã có một bản khắc “tự họa” chân dung mình, khá độc đáo. Đọc cả trăm bài thơ, trong tập thơ mới Đùa chơi mặt nạ của anh mới thấy rõ chặng đường sáng tạo của anh. Tôi tin sẽ có sự bàn thảo trái chiều, rất sôi nổi về thơ Vũ Xuân Hoát. Nhưng với tôi, một chân dung thơ Vũ Xuân Hoát mới đã hình thành, với nét gồ ghề, góc cạnh. Thơ anh thể hiện nhiều tìm tòi, khám phá, tạo sự ám ảnh khác lạ.

Nếu trước đây, người đọc có thể thấy manh nha một Vũ Xuân Hoát đã có nét là lạ, như: “Cái lưỡi cày/ Ngủ đi/ Nhai lại chi luống cày/ Lật ải” (Qua trâu vàng); hay như trong bài Người trong mơ, anh viết: “Nụ cười xuyên một ánh nhìn/ Hóa điên/ Thu vỡ/ Sương viền sắc tơ”. Thì giờ đây anh quan niệm: “Tư duy hình tượng và tư duy logic, tính phi lý trong sự có lý đồng thời song hòa ở nghệ thuật thi ca. Có người nói: tư tưởng kia mới là chính là cốt lõi của thơ. Chữ chỉ là vỏ bọc. Đúng vậy! Không sai. Nhà thơ như một nhà ngôn ngữ học, biết khiển cái chữ, đặt chữ đúng vị trí biểu đạt, sao cho thơ sinh khí, tràn hình ảnh, liên tưởng đa chiều. Và, người sáng tạo ra ngôn ngữ thi ca mới đích thực thi sỹ”. Nhưng như thế vẫn chỉ là nguyên lý thông thường, anh còn phát triển một màu sắc thi ca của mình có nét độc đáo, rằng: “Thơ ở toàn bài, từng câu, đều có đủ các thanh, không trùng lặp chữ nào trong trang, đặt đúng chỗ tâm trạng, tự thân, không gò ép, thật khó thay! Tôi chọn hướng đi này để làm thơ. Hay dở thế nào, cũng tùy ở sự thưởng thức. Lối khác biệt, biết đâu bị vứt sọt rác, chẳng hạn. Vâng! Phá cách ấy, có chừng…”. Vậy là anh đã hình dung, sự thành hay bại còn chưa biết, nhưng vẫn tiến lên phía trước, với lý tưởng thẩm mỹ của mình. Đó là một triết lý nghệ thuật thơ ca dị biệt, mộng ảo xen lẫn hiện thực, về cả hình thức và nội dung. Đây là câu chuyện muôn thuở bao năm qua luôn khơi gợi tranh luận. Giờ đây lại được nhắc lại trong anh.

“Kim chỉ nam” về thơ mà Vũ Xuân Hoát suy ngẫm chiêm nghiệm, đã cuốn anh theo những nhịp phách mới. Thứ nhất tiêu chí đủ các thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) trong từng câu. Hai là không trùng lặp chữ trong trang. Nguyên chỉ thế thôi cũng đã làm khó cho người làm thơ. Vậy mà nhà thơ đã làm. Ta thử đọc “Bao mất mát, hy sinh rừng già ơi! Sao nhãng: có thể nào/ Tàn khốc tung trời, không át nổi chất tình si về mùi hương con gái/ Rung cho nhịp thời này, địa chỉ: - Giấc chiêm bao/ Đâu túi ngực bạn mình: Email mở - tràn tâm tư kết nối” (Mùi con gái-2015). Đó là cảm xúc khi anh bắt gặp hình ảnh: “Túi ngực bạn mình, dòng hẹn tình, nét mực đạn xuyên/ Ngàn lá xé bay nhoàng chớp lóe”. Một cảm giác lỡ làng cho đồng đội. Một bức thư ướp hương con gái đã ở lại. Không còn lời hẹn về. Một bài thơ xúc động, với hình ảnh ảo diệu “địa chỉ: - Giấc chiêm bao”. Đó là một thành công.

Càng về sau, nhất là trong những năm gần đây, nhà thơ Vũ Xuân Hoát khai thác hết năng lượng thơ ca theo thi pháp của mình. Anh có những phát triển mạnh bạo hơn. Với thi phẩm Đùa chơi mặt nạ (2016), nỗi niềm thơ nặng trĩu tâm can, sau sự “Ngộ” trong giác tuệ rằng: “Người ta đeo mặt nạ/ Cả một đám đông/ Mặt cũ mặt mới thời gian gần sắc mặt/ Đủ kiểu dáng tuồng lên những loạt hòa đồng”. Tứ thơ có những phát hiện, phía sau của cuộc sống giả trá, bon chen, là những mặt nạ giỡn đùa. Nhà thơ sau những dấn thân, trải nghiệm, tìm lại được chính mình: “Ta tháo mặt nạ ra/ Tháo lời hứa trở về/ Sống bình thường như đã/ Tựa hồ trong cơn mê”. Đó cũng chính là bản lĩnh của một thi sĩ. Người đọc luôn bắt gặp những áng thơ hay, đậm chất nhân sinh đã hình thành, trong phong cách thơ của Vũ Xuân Hoát, từ những tập thơ đầu tiên. Nếu ai đó đồng cảm cùng anh, ắt hẳn sẽ thích thú những thi phẩm độc đáo, như: Vịnh chiếc láTa già cũ lắmMưa mơ tưởng… hay có thể là những Trầm ca nhạc TrịnhGiọng hót và thơNgôi nhà chiêm bao… hoặc Cây tình nhânTự vấnTôi chỉ… Tập thơ đã hiển hiện một chân dung thơ, đậm chất tự thú, sau những đam mê, mơ tưởng.
 
Thanh dòng

Đọc thơ Vũ Xuân Hoát, tôi càng thấy bị cuốn hút, bởi những nỗi niềm bừng thức mộng ảo của anh. Anh đã tự viết cho mình và cũng như viết cho tôi rằng: “Chỉ mình ta lạc lõng khác người/ Quẩn quơ mãi vị đắng ngoài thể thức/ Tiếng Việt thanh dòng mãi diễn mấy mươi…”. Đó là sự tìm lại mình sau bao trầm luân, khao khát. Nhà thơ đắm chìm trong nghệ thuật thi ca. Hết phá cách đến ngộ chữ. Nhưng rồi với Thanh dòng (2018), chữ của anh dùng để chỉ sự trong sáng tiếng Việt, và đã vượt ra khỏi “Ngôi nhà chiêm bao” để “Tự vấn” rằng: “Những câu thơ hồ hởi suốt một thời/ Đánh võng ta bằng sự cả tin không tính đếm”. Người đọc bị thơ anh hấp lực, bởi những tâm sự rất khắc nghiệt, sau những đam mê chữ nghĩa.

Tôi đặc biệt thích bài thơ ngắn của anh, với tiêu đề Tôi chỉ (2018), mà anh mới làm gần đây. Bài thơ như một nút kết, cũng là sự trả lời cho chính anh và bạn đọc, trên chặng đường dài sáng tạo thi ca. Tôi đồng cảm với anh, khi bứt thoát khỏi mộng mị, rằng: “Tôi chỉ là một lão nông cố nặn ra diêm dúa/ Giữ chặt niềm say mới tưởng có riêng mình/ Việc tẻo teo nghĩ đường khua gậy múa/ Cuốc đỉnh mây võ giọng luống thiên đình”. Chà! Thú vị biết bao sau những lời tự thú. Thơ là thế đó!?. Tự sự nhưng lại là nỗi niềm tác giả mở lối con đường về với thi ca. Bởi nhà thơ đã nhận ra chân gốc của nó: “Từng chữ biết ta dở trò cấy gặt/ Quất lằn tâm hạ giới mở giữa tầm/ Trâu húc ngà, đủng lối ọ đi… trũng bước/ Tĩnh dấu chiều quê ngả gọi lấm bông cầm…” (Tôi chỉ)

Một hành trình thơ, Vũ Xuân Hoát tìm tòi tạo dựng, cuối cùng quay về bản ngã của một chàng thi sĩ chân quê. Chính vì thế, mảng thơ về quê hương của anh là những chùm thơ hay, cùng với những câu thơ đáng nhớ như: “Cây rơm lõm ruột chờ ai/ Con bò rút nắng gió nhai rỗng chiều” (Bò), hoặc trong bài Gà, nhà thơ viết: “Nắng gân cổ gáy vàng quanh khóm lá/ Ngẫm chặng đường qua cãi vã ngày đi…”. Giờ đây, tôi đã cùng anh ngẫm ra một thuở: “Mải xa… nhớ thuở đèn khêu/ Đồng sâu còn chấm mái lều bỏ hoang. Minh về tìm sóng lênh loang/ Tiếng gà gõ sáng mở toang cửa chờ” (Mình về). Dường như sự giác tuệ đã mách bảo trái tim nhiều điều hơn. Tác giả trở nên trầm tư: “Có gì mới hơn, quay trở về nguồn gốc/ Giọng ca dao ru bổng tuổi mình”. Rồi chính anh tự triết luận về thơ: “Tiếng Việt nói nhát gừng in trong trí nhớ/ Đượm vị riêng hóa thực ảo những miền mơ” (Chặng đường-2017).
Vũ Xuân Hoát luôn trăn trở, đổi mới, nhưng không khi nào lạc lối vào thế giới ký bí, u ám. Thơ anh luôn ẩn giấu những niềm khao khát, say mê khám phá, bên cạnh lại tỏa lan, một không gian tâm hồn trong trẻo, mơ mộng. Bạn đọc yêu thơ anh cũng chính bởi những miền tâm thức đó: - Tình yêu cuộc sống, sáng tạo thi ca, và luôn tìm lại chính mình.
Nguồn Văn nghệ số 24/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay971
  • Tháng hiện tại7,701
  • Tổng lượt truy cập3,242,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây