Nhà báo lão thành Phan Quang: Tiếp tục đổi mới, coi trọng đổi mới phương thức hoạt động của Hội
Thứ hai - 27/04/2020 14:50
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt nam, Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc phỏng vấn nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Người Làm Báo.
PV: Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được thành lập ngày 21/4/1950 sau 25 năm nền báo chí Cách mạng Việt Nam trưởng thành trong gian khó, kể từ ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản Báo Thanh Niên (21/6/1925). Xin ông đánh giá ý nghĩa của việc ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam?
Nhà báo lão thành Phan Quang: Thành lập các tổ chức nhân dân, thông qua đó vận động, tổ chức các phong trào đòi độc lập, tự do là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử cho thấy, sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không lâu, ngay trong năm 1930 và mấy năm tiếp sau đó, đã nhanh chóng ra đời các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...
Thành lập các hội, đoàn về văn hóa, báo chí càng có ý nghĩa quan trọng, bởi đó là những phương tiện không thể thiếu, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đòi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận - đấy không chỉ là quyền của báo chí và của những người làm báo mà là quyền dân chủ hàng đầu, không thể thiếu của người dân bất kỳ thuộc tầng lớp, nghề nghiệp, đẳng cấp nào. Ý nghĩa căn cốt, sâu xa của việc ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ngày 21/4/1950, khởi nguồn từ các phong trào và tổ chức tiền thân chính là ở chỗ đó.
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, bao gồm lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam, có nhiều hoạt động đặc biệt, đáng tự hào không phải bất cứ tổ chức, đoàn thể nào cũng có. Mùa xuân năm 1936 tại Pháp, Mặt trận Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, Đảng Xã hội và phái tả Pháp lên cầm quyền, từ đó tạo ít nhiều cơ hội cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ dân sinh ở nước ta, cho dù ách thực dân tại các nước bị họ đặt ách đô hộ vẫn rất hà khắc, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn hoạt động và chỉ đạo phong trào ấy trong vòng bí mật.
Tháng 7 năm 1936, Hội nghị Trung ương Đảng quyết định chuyển sang hoạt động công khai, hợp pháp trong một số lĩnh vực, cho ra đời nhiều cơ quan báo chí hợp pháp dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, do các nhà cách mạng vừa tạm ra khỏi nhà tù và nhà yêu nước như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn An Ninh, Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Hải Khách, Nguyễn Thị Lựu, Lâm Mộng Quang, Khuất Duy Tiến... sáng lập, điều hành. Các phong trào đòi dân chủ, dân sinh của các tầng lớp nhân dân ta rộ lên ở cả ba miền, trên nhiều lĩnh vực, trong đó báo chí luôn là đội quân đi đầu. Những sự kiện đó là niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 27/3/1937, sau một thời gian vận động, tổ chức, họp trù bị, Hội nghị Báo giới Trung Kỳ họp chính thức. Các nhà yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ nhiệm báo Tiếng Dân, chí sĩ Phan Bội Châu đang bị Pháp giam lỏng tại Huế không đến dự nhưng đều có thư hoan nghênh. Nhà báo Võ Nguyên Giáp thay mặt báo giới Bắc Kỳ và nhà báo Hà Huy Tập thay mặt báo giới Nam Kỳ về Huế dự Hội nghị.
Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 24/4/1937 tại Hà Nội, 200 nhà báo thuộc mọi xu hướng chính thức họp Đại hội Báo giới Bắc Kỳ do nhà báo Phan Tử Nghĩa làm Chủ tọa và nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí làm Thư ký. Nhà báo Hải Triều thay mặt các nhà báo Trung Kỳ từ Huế ra dự và phát biểu ý kiến. Hội nghị Báo giới Nam Kỳ, do đặc điểm và hoàn cảnh tại Nam Bộ hồi bấy giờ, họp muộn hơn. Các hội nghị và đại hội báo chí nói trên có tác dụng thức tỉnh nhiều nhà báo tiến bộ, tranh thủ sự đồng tình của báo chí cánh tả Pháp tại Đông Dương và cả ở nước Pháp.
Tôi cố tình trả lời hơi dài và có phần nào ra ngoài khuôn khổ câu hỏi của bạn, nhưng đấy là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng và là niềm tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, mà những người làm báo đang tác nghiệp trên cả nước và ở nước ngoài ngày nay không thể không am tường.
PV: Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, chúng ta tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối. Xin ông giới thiệu khái quát về sự hình thành Hội Nhà báo Việt Nam?
Nhà báo lão thành Phan Quang: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo xuất sắc, danh nhân văn hóa, là người sáng lập Báo chí Cách mạng Việt Nam với sự ra đời của Báo Thanh niên năm 1925.
Người luôn quan tâm đến việc thành lập tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đất nước ta phải đối mặt vô vàn khó khăn, thế nước nói theo lời người xưa như “ngàn cân treo sợi tóc”, trong khi tập trung sức lực, trí tuệ lãnh đạo đất nước, Bác Hồ vẫn quan tâm đến việc thành lập tổ chức của những người làm báo Việt Nam. Bác giao cho nhà báo Xuân Thủy, với danh nghĩa Chủ nhiệm Báo Cứu quốc xuất bản hằng ngày, đứng ra tổ chức điều hành việc đó. Do hoàn cảnh khó khăn, ai cũng bận quá nhiều việc, mãi đến năm 1945, gần một trăm nhà báo thay mặt báo giới cả nước mở Đại hội tại Hà Nội thành lập “Đoàn Báo chí Việt Nam”. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, bút danh Tiên Đàm được bầu làm Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng thư ký Đoàn. Đoàn chưa kịp triển khai được nhiều công việc thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các nhà báo tản về hoạt động tại nhiều vùng trong cả nước, có một số làm việc tại nội thành do thực dân Pháp tạm chiếm.
Phải chờ hơn ba năm nữa, ngày 21/4/1950, Bác Hồ mới chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội thành lập Hội họp tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - địa điểm này nay được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng, các Phó Hội trưởng là Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng. Nhà báo Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.
PV: Là một trong những cây đại thụ của giới báo chí, ông đã gắn bó với Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều chặng đường lịch sử, theo ông Hội Nhà báo Việt Nam sau 70 năm xây dựng và phát triển đã có đóng góp gì cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta?
Nhà báo lão thành Phan Quang: Qua 70 năm, Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là tổ chức của những người đi tiên phong trong công tác tư tưởng, những chiến sĩ lấy cây bút và trang giấy làm vũ khí, đấu tranh “phò chính trừ tà” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), chúng ta đã làm được nhiều, rất nhiều việc, không thể nào kể hết qua một cuộc trả lời phỏng vấn.
Tôi xin dùng lại câu quen thuộc: “Những người làm báo Việt Nam, mà Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức nòng cốt, suốt 70 năm qua đã đồng hành cùng dân tộc ta, đất nước ta. Trong mọi thành tựu của nước Việt Nam đều có phần đóng góp dù còn khiêm nhường của những người làm báo Việt Nam và tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của nó, Hội Nhà báo Việt Nam; trong những mặt cả hệ thống chính trị nước ta chưa làm được hoặc phạm sai lầm, thiếu sót đều có phần trách nhiệm của những người làm báo Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam”.
PV: Trong cuốn sách “55 Năm Hội Nhà báo Việt Nam” xuất bản năm 2005, tại phần kết “Năm mươi lăm năm nhìn lại”, ông có viết: “Dù sao nhìn từ phía Hội, đổi mới phương thức hoạt động của mình hiện nay không chỉ là yêu cầu tình thế, mà là đòi hỏi bức xúc tự thân và lâu dài”. Nhận định này sau 70 năm hoạt động, Hội cần tiếp tục thực hiện như thế nào, thưa ông?
Nhà báo lão thành Phan Quang: 20 năm qua tính từ đầu thiên niên kỷ này, bốn nhiệm kỳ Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, hay nếu tính từ ngày xuất bản cuốn “55 năm Hội Nhà báo Việt Nam” bạn vừa nhắc đến, thì qua 15 năm với ba nhiệm kỳ, chúng ta đã làm được nhiều việc trước đây khó hình dung. Vị thế của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam trong nhân dân và trên trường quốc tế ngày càng tỏa sáng.
Mặt khác, chúng ta cũng có những thiếu sót, sai lầm, đặc biệt về suy thoái đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội của một số hội viên Hội Nhà báo và người liên quan đến công tác báo chí, truyền thông. Đó là điều người dân đang quan tâm và tất cả chúng ta băn khoăn trăn trở, và chúng ta trên dưới phải đồng lòng, quyết tâm khắc phục cho bằng được.
Giải pháp cơ bản trước mắt cũng như về lâu dài của báo giới Việt Nam và của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của nó, Hội Nhà báo Việt Nam, là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó chúng ta đổi mới, đổi mới toàn diện, đổi mới thường xuyên, bởi đổi mới là một quá trình dài lâu, đổi mới không có điểm ngừng.
Vì những lẽ trên, nếu cần phải viết phần kết “70 năm nhìn lại”, tôi vẫn chép gần nguyên văn câu viết bạn vừa dẫn: “Báo chí ta cần phải đổi mới, những người làm báo và Hội Nhà báo Việt Nam cần phải đổi mới, trong đó có phần đổi mới phương thức hoạt động của Hội”