Nhà văn Đỗ Hữu Tấn với "cuộc chiến vùng ao"

Thứ năm - 02/04/2020 12:18
Tôi và nhiều bạn đọc cùng đồng nhất gọi anh Đỗ Hữu Tấn là nhà văn bởi qua tập truyện "Cuộc chiến vùng ao" gây được sự chú ý của bạn đọc và giới phê bình văn học. Anh xuất bản gần chục cuốn sách, trong đó hai tập văn xuôi và còn lại các tập thơ. Như vậy thơ anh in nhiều hơn văn. Nhưng tôi thích chất văn của anh hơn, nên tôi gọi anh là nhà văn.
111
Chân dung nhà văn Đỗ Hữu Tấn
Nhà văn Đỗ Hữu Tấn (1938 – 2003) quê ở xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nhà văn Đỗ Hữu Tấn có 4 người con, thì 3 người theo bố mẹ làm nghề dạy học. Riêng cô Minh Nghĩa theo nghề báo, hiện là trưởng phòng phóng viên kinh tế - Báo Hưng Yên. Người con trai duy nhất là Đỗ Hữu Nhân, sau khi tốt nghiệp Khoa Triết học ở trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn Hà Nội về giảng dạy một thời gian và làm Giám đốc trường Chính trị Nguyễn Văn Linh. Hiện nay Đỗ Hữu Nhân là Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên.

Tốt nghiệp khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1960, nhà văn Đỗ Hữu Tấn được giữ lại làm giảng viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ tháng 10.1961 anh chuyển về quê dạy học. Vì anh biết ở Hưng Yên thời gian này cả tỉnh với 10 huyện, thị mà chỉ có một trường cấp III. Anh nghĩ, lúc này quê hương đang cần mình, mình về là cần thiết và đúng lúc góp phần đào tạo những nhà tri thức tương lai cho quê hương. Nhà văn Đỗ Hữu Tấn từng làm Hiệu phó, Hiệu trưởng ở các trường cấp III Kim Động, Thị xã Hưng Yên, Tiên Lữ. Tuy dạy học và làm công tác quản lý, nhưng anh vẫn dành thời gian viết truyện, làm thơ và viết lý luận phê bình văn học. Năm 1961-1962, anh đã cộng tác viết vài cho một số Báo, Tạp chí văn học ở Hà Nội. Bài phê bình giới thiệu thơ "Tiếng Sóng - một thành công quan trọng của thơ Tế Hanh" đăng trên Tạp chí văn học - 1961 đã được giới phê bình văn học đánh giá cao, những phát hiện đổi mới trong thơ Tế Hanh ở giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Qua 5 tập thơ, anh cũng có những câu hay, bài hay, tính khái quát và phát hiện cao.
 

"Trăm đạo quân không thắng nổi cặp tình nhân
Từ cội nguồn, tình yêu không đẳng cấp
Yêu là yêu, không thể gì phân cách
Em công chúa cưng. Anh đánh dậm cùng đường!

Núi như thực, như mơ cuộc gặp gỡ lạ lùng
Sông bãi ấy, hai vóc hình nguyên thuỷ ấy...
Duyên kỳ ngộ ấy có đâu kỳ thú vậy
Như chuyện tình Chử Đồng Tử, Tiên Dung...


Về văn xuôi, ngoài tập truyện ngắn Thạch Sanh (in 1998) anh có truyện ngắn "Cuộc chiến vùng ao" (Nhà xuất bản Thanh niên in 1990). Truyện này in lần đầu ở Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng gây tiếng vang trong dư luận và cũng khiến anh cũng bị “lên bờ xuống ruộng”. Là người gần gũi anh những năm tháng ấy, tôi được chứng kiến khá tường tận, xin kể chi tiết sau:

Nhà văn Đỗ Hữu Tấn nguyên là Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Kim Động, Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên), nguyên Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên từ tháng 4/1998 đến tháng 12/1999. Năm 1990 ông viết truyện ngắn “Cuộc chiến vùng ao” đăng trên Văn nghệ Hải Hưng số tết 1990. Do tựa đề của truyện có hai từ “cuộc chiến...”, ông sợ bạn đọc hiểu lầm cuộc chiến ấy bằng súng gươm thật, nên ngay hai dòng vào đầu đề ông viết : “Các bạn đọc đừng vội sợ. Cuộc chiến tranh này chỉ xảy ra xung quanh cái ao nhỏ của gia đình tôi...”. Đấy cũng là lời trấn an bạn đọc yếu bóng vía. Nhưng rồi lại “chạm vía” tới mấy đồng chí lãnh đạo huyện PT- huyện sở tại mà tác giả đang là hiệu trưởng trường trung học phổ thông. Nội dung cốt truyện, nhân vật chính kể về vụ việc cái ao của gia đình do cha mẹ để lại, nay đưa vào HTX. Lập tức, khi tạp chí Văn nghệ Hải Hưng số ấy, sau khi phát hành, một số đồng chí lãnh đạo huyện PT cho là bôi nhọ danh dự lãnh đạo huyện. Họ liền phát đơn lên: Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ yêu cầu xử lý Ban biên tập tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. Họ còn gửi đơn tới đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo đề nghị phải kỷ luật tác giả bằng hình thức là cách chức hiệu trưởng của tác giả. Trong lúc các cơ quan của tỉnh đang tìm hướng giải quyết, thì họ kéo đến trụ sở Hội văn nghệ tỉnh chất vấn đồng chí tổng thư ký, kiêm tổng biên tập tạp chí là nhà thơ Văn Anh; yêu cầu phải thu hồi tạp chí số đó, số sau thì phải cải chính, với lý do: Trong truyện “Cuộc chiến vùng ao” đã xúc phạm tới danh dự của đồng chí phó chủ tịch huyện, làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo huyện. Nghe xong, nhà thơ Văn Anh bình tĩnh “chất vấn”  lại: -Thế đồng chí phó chủ tịch UBND huyện PT của các đồng chí tên thật là gì?


Một người trong nhóm ấy đã trả lời: - Là Nguyễn Văn Th

Nhà thơ Văn Anh nói tiếp:  “Nhưng trong truyện của anh Đỗ Hữu Tấn nêu là Phạm Văn Khoa cơ mà, các đồng chí nhớ cho, đã là truyện ngắn là hư cấu. Đấy có phải là truyện ký, ghi chép, phóng sự báo chí đâu. Nhân vật trong truyện là phó chủ tịch Phạm Văn Khoa chứ không phải là phó chủ tịch huyện PT bằng xương bằng thịt. Nếu các đồng chí thắc mắc, chúng tôi sẽ đề nghị tác giả Đỗ Hữu Tấn số sau cho đăng lại truyện ngắn này mang tên thật của đồng chí phó chủ tịch huyện PT”.

Nghe nói ban biên tập sẽ đăng lại truyện ngắn “Cuộc chiến vùng ao”, nhân vật phó chủ tịch huyện PT bằng tên thật, các vị đó tái mặt liền lảng sang chuyện khác rồi cáo từ ra về.


Năm 1991, nhà xuất bản Thanh Niên in tập truyện ngắn của nhà văn Đỗ Hữu Tấn mang tựa đề “Cuộc chiến vùng ao” – tập truyện này sau được nhận giải  thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn  lần 3 (1991-1995). Tại buổi lễ nhận giải, tôi thấy nhà văn Đỗ Hữu Tấn cười rất tươi, tay cầm hoa, tay ôm tấm bằng, lúc bước xuống bục, đi qua chỗ tôi anh ghé tai nói nhỏ: “Lúc đầu, cái này (anh chỉ vào dòng chữ ghi trên tấm bằng “Cuộc chiến vùng ao”) bị dọa đánh nốc ao, vậy mà vẫn không sao, lại ẵm giải cao, Thiện ạ!” Tôi cười, bắt tay và chia vui cùng anh.

Năm 1997 tái lập tỉnh Hưng Yên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên cũng tách từ Hội VHNT Hải Hưng. Năm sau 1998 anh về đảm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Hội kiêm tổng biên tập Tạp chí Phố Hiến. Tháng 12/1999 anh về nghỉ hưu. Thời gian công tác ở Hội kiêm phụ trách tạp chí Phố Hiến, anh đã phát hiện, nâng đỡ, tạo điều kiện cho một số cây bút tiếp tục phát triển tài năng như Lê Hồng Thiện, Nguyễn Quang Hiệp, Đàm Quang May và một số trẻ hơn như Nguyễn Thành Tuấn, Đàm Huy Đông, Khuông Thị Mến, Ngọc Mài vv...

Riêng tôi, khi chuẩn bị in tập thơ đầu "Trăng của mỗi người" đã được anh trực tiếp sửa chữa và góp ý một số bài về tứ, về từ ngữ: Bài "Diều và Trăng" có câu tôi viết:

"Cánh diều bạn với trời mây
Ông trăng bạn với biển đầy, sông trôi"


Anh sửa cho tôi: "ông trăng" thành "cánh trăng" thật hay hơn nhiều. Điệp từ "cánh" làm cho câu thơ đẹp hơn, vui hơn, ngộ nghĩnh hơn. Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước tôi gặp anh lần đầu, bữa ấy anh tìm đến nhà tôi khi tôi đã có nhiều bài thơ thiếu nhi đăng trên báo, anh dẫn hai con anh cháu là Nghĩa, cháu Nhân tìm đến nhà tôi để các cháu gặp chú Thiện, nói chuyện thơ thiếu nhi. Dù thân thiết với anh như anh em, nhưng khi đọc thơ văn của tôi, bao giờ anh cũng góp ý thẳng thắn, khen thật để phát huy, chê thật để tôi nhận ra cho lần sau viết hay hơn, ví dụ như bài anh viết giới thiệu tập thơ đầu tay "Trăng của mỗi người" của tôi là tập thơ đầu tay viết chưa đều tay. Thời anh còn làm Tổng Biên tập Tạp chí Phố Hiến đã giới thiệu và nâng đỡ một số tác trẻ như: Đàm Huy Đông, Khương Thị Mến, Nguyễn Thành Tuấn...\

Nhà văn Đỗ Hữu Tấn là vậy! Tuy anh không phải là một nhà báo thuần tuý, nhưng khi phụ trách tạp chí Phố Hiến, số nào anh cũng cho đăng từ một đến hai bài ký có tính chất báo chí, hoặc bài nêu gương điển hình người tốt việc tốt. Anh được kết nạp Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, không chỉ ở vị trí phụ trách Tạp chí Phố Hiến mà là ngoài nhà văn, anh còn có tố chất báo chí. Tập truyện "Cuộc chiến vùng ao" của anh mặc dù không phải là các tác phẩm báo chí nhưng nó phản ánh chân thật về cuộc sống, thật đến nỗi người ta tưởng là tác phẩm phóng sự, báo chí.


Nhà văn Đỗ Hữu Tấn là một người bình dị, lịch lãm, có vốn học, vốn đọc phong phú... nhưng lại khiêm tốn. Với tôi, anh không chỉ là nhà văn, người thầy của các thế hệ học trò, mà anh còn là người anh, người thầy của cả tôi nữa. Tiếc thay, anh đã ra đi quá sớm, ở tuổi 65 khi vốn sống và sức viết của anh hãy còn sung mãn.

 
Lê Hồng Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây