Duyên với nghiệp

Thứ tư - 19/02/2020 16:20
Trước khi đến với nghề báo, tôi là người lính tham gia bảo vệ biên giới. Nay đã nghỉ hưu, nhìn lại chặng đường công tác thấy mình thật may mắn khi trở thành người làm báo và cho rằng đó là duyên nghiệp.
111
Ảnh minh họa
Nghề đã chọn người...
Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều bằng hai câu thơ:
          "Đã mang lấy nghiệp vào thân,        
          Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".


Câu thơ mang hàm ý thâm sâu về nghề và nghiệp khi mỗi người đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Thế hệ chúng tôi đâu có được chọn nghề như các bạn trẻ ngày nay. Vậy mà cũng đã bươn trải vươn lên trong nghề để từ một phóng viên đài huyện trở thành nhà báo. Lớp tuổi chúng tôi sinh ra và lớn lên vào cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, tưởng rằng đất nước trọn niềm vui, thì giặc thù lại gây hấn ở biên giới Tây Nam, rồi phía Bắc.

Mùa xuân năm 1979, khi đang học cuối lớp 10 thì Trung Quốc xua quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh Tổng động viên. Chúng tôi lên đường trong "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới" mà không một chút so đo. Lớp 10C chúng tôi có 55 người, đầu tuần đông đủ, đến cuối tuần vắng 12 bạn vì đã nhập ngũ. Thời cuộc đã đưa chúng tôi từ những học sinh non nớt trở thành người lính. Ngày tháng ở thao trường đã rèn chúng tôi trở thành chiến sỹ thực thụ. Huấn luyện xong, đơn vị hành quân lên Tây Bắc tham gia chấn giữ biên cương. Hình ảnh nhà Bưu điện, nhà ga ở Phố Lu, các ga Pom Hán, Thái Niên, Cam Đường (Bảo Thắng, Lào Cai) bị giặc đốt trơ trụi. Đường sắt từ Phố Lu lên đến ga Cốc Lếu bị địch bóc hết ray. Toàn bộ cầu cống đường tàu cũng bị mìn đánh sập. Cả vùng biên giới tan hoang, mới thấy sự tàn bạo của kẻ thù 40 năm trước vẫn còn in đậm trong tâm trí.

Tuy giặc tuyên bố rút quân, nhưng chúng thường xuyên gây hấn buộc người lính phải cảnh giác, luôn trong tư thế sẵn sàng. Những đêm lạnh cóng của núi rừng Tây Bắc như cắt thịt da là những chiến dịch, những cuộc diễn tập, truy lùng thám báo đầy thử thách. Những năm tháng đó chủ nhật, Tết đều nghỉ lệch ngày để đề phòng địch tấn công. Những cái Tết xa nhà, những đêm giao thừa không tiếng pháo, sự thiếu vắng của bóng hình phụ nữ, tiếng khóc trẻ thơ làm nên nỗi nhớ nhà da diết. Năm cái Tết ở biên ải, chúng tôi có một số được đi học sỹ quan, một số nhận quân hàm sỹ quan tại chức phục vụ tại đơn vị. Còn tôi được cử đi học sỹ quan, nhưng sức khỏe không đảm bảo phục vụ lâu dài. Hoàn thành nghĩa vụ, tôi được chuyển ngành về công tác ở Đài truyền thanh huyện như một lẽ tự nhiên không hề tính toán. Đến cơ quan nhận công tác, một số người hỏi sao không xin vào các cơ quan lương thực, thực phẩm, công ty cấp 3, Hợp tác xã mua bán, phòng thuế hoặc phòng thương nghiệp, làm việc ở cơ quan này nghèo "Nói không có người nghe, đe chẳng có người sợ". Tôi trả lời cơ quan nhà nước thì chỗ nào chả như nhau. Họ đã cười ồ. Ông Trưởng đài vốn là Trưởng Ban văn hóa xã lên công tác từ thời kỳ chống Mỹ giao cho tôi làm phóng viên- biên tập. Ông là người thầy đầu tiên chỉ cách cho tôi viết tin và biên tập chương trình. Lúc đó hoạt động của đài huyện khá đơn sơ: Biên tập chương trình xong, giao cho phát thanh viên đọc thẳng, hai ngày làm một chương trình 15 phút (3 chương trình/tuần). Thấy công việc khá thích hợp, tôi an tâm rồi cuốn theo những dòng sự kiện. Tiếp xúc với thực tế, tôi biết nhiều người đã cạy cục chuyển từ các cơ quan văn hóa- xã hội sang các cơ quan kinh tế vì câu:

          "Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài.
          Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo"

Quả thực ở cuối thời kỳ bao cấp, đất nước khó khăn người ta trọng vật chất, vị nể nơi quản lý vật chất xã hội là một lẽ đương nhiên. Tôi thấy công việc ở đài phù hợp với khả năng, nên cứ thế yên tâm công tác.
 
Vui buồn cùng nghiệp...


Trở thành phóng viên đài huyện, tôi vô cùng bỡ ngỡ. Ngoài kiến thức phổ thông và năm tháng quân ngũ, tôi hoàn toàn mù tịt về nghiệp vụ. Sau một tháng làm quen, ông Trưởng đài giao chỉ tiêu viết hàng tháng, sau đó giao luôn việc làm biên tập tập chương trình. Lúc đó đài huyện gồm 6 người được chia thành hai tổ: Biên tập 3 người cả Trưởng đài và 3 kỹ thuật. Lúc đó Đài Phát thanh Hà Bắc (cũ) tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 30 phóng viên của 16 đài huyện, thị xã. Tôi tham dự và được gặp gỡ khá nhiều anh em phóng viên ở các đài bạn cũng từ bộ đội chuyển ngành. Lớp học được nhà báo Vũ Huy Ba, phóng viên đài tỉnh giảng về phần tin. Nhà báo Vũ Trọng, Phó trưởng Phòng Biên tập giảng về biên tập chương trình. Qua đợt tập huấn tôi đã vỡ vạc về nghề nghiệp. Từ nền tảng nghiệp vụ mỏng manh đó, không kể sớm khuya trưa tối, tôi luôn thao thức trăn trở với nghề và tích cực cộng tác với đài, báo tỉnh. Khi nghiệp đã ngấm, tôi thấy nghề cũng không ít gian lao, vất vả trong hành trình đi tìm "cái mới", chính là phản ánh sự vận động của xã hội. Tôi luôn nghĩ rằng tác phẩm báo chí của ta phải "mới" chứ không "lạ" để phục vụ số đông công chúng và phải đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân lên trên hết, từ đó phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Trong hoạt động nghề nghiệp, tôi cũng gặp không ít chuyện phiền lòng. Khi còn bao cấp, cơ quan cử tôi đến cửa hàng thực phẩm "xin" mua lòng lợn. Cầm tờ giấy giới thiệu trên tay, người ta khước từ và còn hỏi: "Đài mà cũng xin lòng à?". Bực quá, tôi xé luôn tờ giấy giới thiệu, nói với ông cửa hàng phó: “Thế chúng tôi không phải là người à?". Từ đó đến khi cửa hàng thực phẩm phải giải thể, tôi không bao giờ quay lại. Rồi chuyện ông Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã vô cơ mắng khi tôi về làm việc. Tuy rất bực nhưng tôi vẫn bình tĩnh trả lời: "Đồng chí có thể mắng tất cả những người ngồi đây, nhưng trừ tôi. Đồng chí không làm việc, tôi về!". Cơ quan có 2 nhân viên xin nghỉ việc một lúc do khó khăn và tôi cũng có ý định thôi việc khi có "khoán 10". Gia đình đã động viên nên ở lại tiếp tục công tác. Tuy mò mẫm nhưng tôi mạnh dạn cộng tác với đài tỉnh và báo tỉnh. Tháng 10-1986, bài viết đầu tiên "Chiến sỹ công an tận tụy" của tôi được phát trên đài tỉnh. Tháng 7-1988, Báo Hà Bắc in bài "Tình người đất Cam", lần đầu tiên tôi được nhận báo biếu là bước ngoặt trong nghề.

Thấm thoắt 10 năm làm biên tập- phóng viên đài huyện, tháng 10-1993 tôi được cử đi học lớp đại học báo chí tại chức mở tại tỉnh Hà Bắc (cũ) và được bổ nhiệm làm Phó trưởng Đài phụ trách nội dung. Lớp học nghiệp vụ báo chí chia thành 2 giai đoạn: Một số thi tốt nghiệp năm 1996, một số kéo dài đến cuối năm 2000 mới thi tốt nghiệp, trong đó có tôi. Học xong nghiệp vụ kết hợp với kinh nghiệm thực tế, tuy phải làm biên tập tôi vẫn thường xuyên đi cơ sở với phương châm: "Nhà báo phải đứng ở đầu nguồn sự kiện" để vững tin trong quá trình phản ánh. Khi được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam, tôi được học "Quy ước đạo đức nhà báo", coi đó là lá chắn an toàn cho mình hoạt động nghiệp vụ.

Khi tách tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo đài cấp huyện sản xuất 5 chương trình thời sự tổng hợp mỗi tuần để cập nhật với tình hình thời sự. Mỗi chương trình có thời lượng 15 phút, phát 10 buổi sáng- chiều. Đến năm 2001, thời lượng của đài nâng lên 30 phút/chương trình. Công việc tăng lên, biên chế thì ít, tôi cùng anh chị em phóng viên phải căng mình để đảm bảo thời lượng và mở các chuyên, tiết mục làm phong phú chương trình. Phóng viên của đài hầu hết đều viết gấp 2 đến 3 lần chỉ tiêu. Để đáp ứng với yêu cầu phát triển của báo chí, tôi tự trang bị máy vi tính, máy ảnh, máy ghi âm để làm việc. Có các thiết bị hỗ trợ, tôi tích cực cộng tác với báo, đài tỉnh ngày càng nhiều và hiệu quả hơn.

Những năm gần đây tôi còn cộng tác với Tạp chí Sông Thương và một số báo của Trung ương khá thường xuyên. Trung bình mỗi năm tôi thường viết hơn 500 tác phẩm phát ở đài huyện và hơn 100 tác phẩm được in, đăng trên các cơ quan báo chí, tờ tin, đặc san của tỉnh và một số báo của Trung ương, trong đó có cả báo Nhân dân. Những năm tháng gắn bó với nghề, tôi luôn sống trong cảm giác phải trả nợ theo một vòng xoáy không dứt. Khi có các cuộc thi viết và liên hoan cấp tỉnh, tôi cũng dành thời gian tham gia và đạt được khá nhiều giải thưởng chung của tập thể và cá nhân, là động lực để tiếp tục phấn đấu.

Với đồng nghiệp ở cơ quan, tôi luôn góp ý chân thành về cách đặt vấn đề, cách viết, xây dựng kho tư liệu cá nhân với mong muốn cùng tiến bộ. Với anh chị em đồng nghiệp đài, báo tỉnh thường xuyên phối hợp, giúp đỡ khi cần. Khi tác nghiệp, tôi không lạm dụng điện thoại để lấy tài liệu, mà chỉ dùng để liên hệ với cơ sở hoặc phúc đáp thông tin. Qua hoạt động báo chí tôi có thêm nhiều bạn bè và tâm đắc nhất là tổ chức Hội Nhà báo đã nâng bước chân tôi đến với mọi miền Tổ quốc. Trong 34 năm cầm bút công tác ở đài truyền thanh huyện, tôi chưa bao giờ bị lỗi, bị tai nạn nghề nghiệp được cấp trên và bè bạn đánh giá cao. Quý nhất là tôi được tặng huy chương "Vì sự nghiệp báo chí ""Vì sự nghiệp phát thanh ".
 
Ngẫm lại thấy cuộc đời cầm bút của mình là cái duyên tiền định, bởi khi tôi học phổ thông thì môn văn chỉ ở dạng trung bình, thua xa các môn tự nhiên. Nhưng cuộc đời lại cho tôi cầm bút. Từ bỡ ngỡ đến yêu nghề là cả một quá trình học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ. Học ở trường, học ở bạn bè đồng nghiệp, học những người xung quanh, học từ báo đài để cập nhật và trưởng thành. Với tôi nghề đã chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Tuy khởi đầu có rất nhiều khó khăn, nhưng hãy từng bước vượt qua bằng nhiều cách thức, nhưng trước tiên phải yêu nghề. Học hỏi và tích lũy, có ngày sẽ mang đến thành công!

         
Thân Văn Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây