Mỗi phóng viên khi trở về đều mang trong mình một trái tim giàu có
Thứ tư - 05/02/2020 09:37
Nhà báo Vũ Thanh Hường – Trưởng phòng Sự kiện và Nghệ thuật, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí Đài THVN, đạo diễn chương trình “Giai điệu tự hào” đã có những chia sẻ về quá trình tác nghiệp để có được những hình ảnh, thước phim chân thật nhất đem lại nhiều cảm xúc và thành công cho chương trình “Giai điệu Tự hào: Những người con của biển” – Chương trình được tôn vinh “Chương trình của năm” tại VTV Award 2019.
Nỗi niềm riêng vẫn ngời sáng với biển
“Đứng trước câu chuyện nghị lực về con người bám biển, vươn lên vì biển, đang sống vì biển nếu không làm một điều gì đó thì rõ ràng mình đã để quên những người lính đang canh gác nơi đảo xa, quên những ngư dân ngày đêm đương đầu với bão tố quyết tâm bám biển, quên cả những con người đã thác xuống cho biên cương của Tổ quốc…”, nhà báo Vũ Thanh Hường mở đầu câu chuyện.
“Những người con của biển” là câu chuyện về những con người can trường bám biển, về những tình yêu vượt chiều rộng của đại dương và chiều dài của năm tháng, về những người con ra khơi bảo vệ Tổ quốc khi chỉ vừa tuổi đôi mươi. Đó là câu chuyện của nụ cười lạc quan và tiếng hát đưa mỗi con người vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, của những trái tim yêu thương, trách nhiệm và dũng cảm như câu chuyện của gia đình ông Đặng Văn Thanh, Trạm trưởng trạm hải đăng ở đảo Sinh Tồn. Suốt 25 năm qua dù mưa giông giữ dội hay nắng cháy thiêu người ông vẫn luôn nỗ lực hết mình để giữ cho ánh sáng không bao giờ tắt trên vùng biển, cùng với 25 năm đó là thanh xuân của người vợ tần tảo gửi tình yêu đến chồng bằng những lá thư đi về theo những chuyến tàu đi ra đảo. Đó còn là câu chuyện về những đứa trẻ sinh năm 1997 được đặt tên là Bão Biển, Hận Biển. Những đứa trẻ được sinh ra trong mất mát đau thương do cơn bão thế kỷ Linđa gây ra với hơn 3.000 người chết và mất tích. 22 năm sau đó, nỗi đau vẫn còn hằn nguyên trên gương mặt những người góa phụ và những mẹ mất con vẫn không nguôi hy vọng về một ngày đoàn tụ… Và đặc biệt hơn, là câu chuyện về những người lính trẻ, giữa nơi trung khơ, chỉ có niềm tin, tình yêu biển đảo quê hương, trọng trách với Tổ quốc, dân tộc là thành lũy vững chắc cho tinh thần và ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sự khắc nghiệt của thời tiết để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Họ cũng luôn sẵn sàng thác xuống cho từng mỏm đá, từng vuông đất quê hương.
Kể lại những câu chuyện này, nhà báo Thanh Hường không khỏi xúc động: “Trong chương trình người xem có thể thấy rất nhiều hình ảnh bão tố, những cơn sóng dữ như thác đổ, những đau thương và mất mát… đó là những chi tiết, những hình ảnh khiến ekip làm chương trình không khỏi bị ám ảnh và đau xót”.
Nhưng rồi, cũng vẫn nỗi đau ấy, vẫn những con người ấy với những hoàn cảnh khác nhau, những nỗi niềm riêng vẫn ngời sáng chung tình yêu và đam mê với biển. Những người lính vẫn xung phong nối dài đến với các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, những người mẹ, người vợ, người con vẫn sẵn sàng thành những ngọn hải đăng trên đất liền, thành hậu phương vững chắc cho người thân tiếp tục làm nhiệm vụ. Có mặt trên những bến cảng, nhìn không khí tấp nập, rộn ràng… mới thấy hết tinh thần, nghị lực, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi ngư dân vươn khơi bám biển. Trong ánh mắt, giọng nói của những con người đó có niềm tin mãnh liệt và tâm niệm chân thành: ra khơi không chỉ là mưu sinh mà còn là trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì đây chính là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền trên biển.
Hành trình của những đêm không ngủ
Trong câu chuyện của đạo diễn Thanh Hường là một cuộc hành trình dài của nhóm phóng viên, ê kíp thực hiện. Để xây dựng và sản xuất được một chương trình đặc sắc và ý nghĩa về biển đảo như một lời tri ân, ngợi ca vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam, Đài THVN khi đó đã cử đoàn phóng viên lăn lộn cùng hải trình, đồng hành với chiến sĩ hải quân đến với Trường Sa, với Nhà giàn KD1 với đảo lớn, đảo nhỏ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Những phóng viên trong ê kíp làm chương trình đều còn rất trẻ, họ là 8x và rất nhiều người trong ê kíp đều là 9x. Họ không hề có trải nghiệm, nhưng ở họ có sự nhiệt tình và nguồn năng lượng. Họ đến và làm “Giai điệu tự hào” bằng chính niềm đam mê của mình.
Chưa bao giờ các phóng viên lại tác nghiệp trong một điều kiện đặc biệt như hai tuần đó. Không giờ giấc, không lịch trình, mọi phóng viên đều sẵn sàng chuyển tàu để thực hiện nhiệm vụ bất kỳ lúc nào. Có những chuyến tàu cập bến trên đảo chỉ vỏn vẹn có 5 tiếng đồng hồ, nhưng họ đã nhanh chóng tỏa đi khắp mặt đảo, tranh thủ đến từng phút, từng giây, tìm gặp từng nhân vật để quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn…
Vất vả vô cùng nhưng cũng là niềm vinh dự lớn lao của phóng viên khi được tác nghiệp trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. “Phóng viên của chúng tôi đã được trực tiếp đứng canh gác, đổi gác cùng những chiến sĩ ngoài đảo, thấm những câu chuyện của lính đảo khi ở xa đất liền trong thời gian dài. Họ cũng đi theo những chuyến tàu của ngư dân, trước bốn bề sóng nước, những con tàu nhỏ bé như những chiếc lá trực chờ cơn gió to là lật úp. Trước những cơn bão biển, các trang hộ cứu nạn cứu hộ trở nên quá thô sơ, cảm giác nguy hiểm lúc nào cũng rình rập. Giữa biển cả, tính mạng con người trở nên vô cùng mong manh…Tất cả những điều đó, phải trực tiếp trải nghiệm chúng tôi mới thấy được rằng câu chuyện còn nhiều trăn trở như thế!”, nhà báo Thanh Hường tâm sự.
Những ngày tác nghiệp ở Trường Sa chắc chắn sẽ là một kỷ niệm đặc biệt đối với ê kíp. Mỗi phóng viên khi trở về đều mang trong mình một trái tim giàu có hơn bởi tình đồng bào, đồng chí chứa chan nơi đầu sóng ngọn gió. Tất cả những trải nghiệm sâu sắc đó đã đem lại những cảm xúc rất thật, chất liệu quý giá cũng như động lực to lớn cho ê kíp để nỗ lực mang lại một chương trình mang tính thời sự nhưng cũng đầy cảm xúc như “Giai điều tự hào – Những người con của biển”.