Công tác nhân sự nhiệm kỳ XI Hội Nhà báo Việt Nam:Trăn trở & Kỳ vọng
Thứ hai - 06/01/2020 16:30
"Nhân sự các cấp Hội phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, kinh nghiệm trong hoạt động báo chí và hoạt động Hội, đặc biệt là năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm".
Điều mục về công tác nhân sự, Văn bản số 177/HD-HNBVN với nội dung hướng dẫn tổ chức Đại hội các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc HNBVN lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh. Tuy nhiên, làm thế nào để có được đội ngũ làm công tác Hội năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm thực sự là kỳ vọng nhưng cũng là nỗi trăn trở của các cấp Hội. Báo Nhà báo & Công luận đã ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các nhà báo nguyên là lãnh đạo HNBVN các cấp xung quanh vấn đề này.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch HNBVN khóa VIII & khóa IX:
Phải là người có uy tín cao và tâm huyết để “thu phục nhân tâm”
Theo tôi, ngoài các tiêu chí như đã nêu trong văn bản 177, chọn nhân sự làm công tác Hội phải là những người tâm huyết và có uy tín - uy tín trong hội viên, uy tín trong xã hội, uy tín với các cơ quan báo chí. Để đạt được điều này, họ phải là những người thực sự làm báo, say nghề, tâm sáng, sống trong lòng đời sống báo chí nước nhà. Trong bối cảnh hiện nay, khi biên chế bị thu hẹp, khi nguồn chi từ ngân sách cũng bị cắt giảm dần, làm công tác Hội không dễ dàng chút nào; Nếu không có tâm huyết, không biết tìm việc mà làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm để khai thông nguồn lực thì sẽ rất khó thúc đẩy hoạt động Hội. Làm lãnh đạo Hội không giống như làm lãnh đạo bên chính quyền, không giống như làm lãnh đạo ở cơ quan báo chí. Do vậy, lãnh đạo Hội càng cần có uy tín - mình như là tấm gương sáng tận tụy, biết nghề, yêu nghề, tâm sáng thì mới đoàn kết, tập hợp được hội viên. Uy tín bao gồm cả việc kết nối được các mối quan hệ với các cơ quan báo chí; kết nối quan hệ với lãnh đạo các ban ngành; kết nối các mối quan hệ xã hội rộng lớn, với cộng đồng doanh nghiệp và với công chúng báo chí.
Với nhiều thay đổi mạnh mẽ về bối cảnh làm báo hiện nay, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HNB các cấp “bắt nhịp” với thời cuộc, đặc biệt là nguồn nhân lực cho người làm chuyên trách Hội Nhà báo, không có phương án nào hay hơn là chọn lựa từ trong đội ngũ những người làm báo biết nghề, yêu nghề. Nhân sự cấp Hội Nhà báo địa phương và Trung ương đi vào chi tiết không hoàn toàn giống nhau. Và tùy từng cấp Hội, địa phương hoặc Trung ương để có phương án chọn độ tuổi. Nhìn chung, ở cấp Trung ương, bao quát công tác Hội cả nước, cấu tạo nhân sự Ban Chấp hành nên ưu tiên hợp lý cho cán bộ làm công tác Hội chuyên trách, để từ đó mà đào tạo, bồi dưỡng, đưa họ phụ trách các phòng ban chuyên môn, xây dựng đội ngũ làm công tác chuyên trách có phẩm chất và năng lực, tâm huyết, tận tâm cho công việc của Hội.
Ở đây, tôi xin nhấn mạnh, với người đứng đầu - đứng mũi chịu sào ở cấp Hội địa phương, ở các Liên Chi hội, ở cấp Hội Trung ương, tất nhiên tùy từng cấp mà có vai trò, vị trí khác nhau. Mong mỏi và kỳ vọng của tôi về người đứng đầu, tôi cho rằng người đó, bên cạnh sự vững vàng, có bản lĩnh chính trị, vẫn phải là người có uy tín cao và tâm huyết để “thu phục nhân tâm”, “ngọn cờ quy tụ và tập hợp hội viên”, quy tụ các cơ quan báo chí. Để người đứng đầu làm việc hiệu quả, phát huy tốt trách nhiệm của mình, việc chọn lựa cấp phó, các ủy viên Thường vụ có uy tín năng động, tận tâm là hết sức cần thiết và quan trọng. Bởi đội ngũ giúp việc cho người đứng đầu không mạnh, không đều tay, không sáng tạo và năng nổ, người đứng đầu sẽ rất khó triển khai hoạt động những mặt công tác thường xuyên của Hội.
Nhà báo Nguyễn Uyển – Nguyên Trưởng Ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam:
Nhân sự Ban Chấp hành Hội nên “tinh tuyển”
Từng tham gia Ban Chấp hành HNBVN các khóa IV, khóa V & VII, tôi nhận thấy số lượng thành viên tham gia Ban lãnh đạo Hội rất gọn gàng, chỉ từ 39 đến 57 người, nhưng chất lượng của tổ chức Hội vẫn không ngừng được nâng cao.
Cho nên tôi thiển nghĩ, Đại hội nhiệm kỳ Khóa XI tới của HNBVN nên cân nhắc sao cho số lượng tham gia Ban Chấp hành hợp lý, trên tinh thần “tinh tuyển” trong một cơ cấu nhân sự hợp lý, gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực. Đương nhiên, quyền quyết định số lượng thuộc về Đại hội, nhân sự được lựa chọn thuộc quyền của đại biểu thông qua lá phiếu của mình, nên trước đó cần bàn bạc kỹ lưỡng. Nói “tinh tuyển” là nói tới chất lượng các nhà báo tham gia Ban Chấp hành Hội. Họ phải là nhà báo tiêu biểu cho các Hội Nhà báo của khu vực, của miền vùng, của các Liên Chi hội và các Chi hội nhà báo, tạp chí trực thuộc. Họ phải là những nhà báo hoặc những người quản lý báo chí có bản lĩnh chính trị cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng. Thông thạo nghề báo, có tài bao quát quản lý báo chí hoạt động đúng Luật định, đúng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”... Bởi lẽ HNBVN là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, chỉ như thế mới mong họ nhiệt tâm, có trách nhiệm bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức cho hội viên nhà báo. Người giữ vai trò chủ chốt như Chủ tịch, Thường trực Hội từ Trung ương tới các Hội trực thuộc, rất cần phải thạo nghề báo, có năng lực quy tụ hội viên, năng lực truyền đạt, khích lệ cảm hứng cho các hội viên nhà báo sáng tạo và chăm lo đổi mới thông tin... Có vậy, mới làm tốt lời Bác dạy tại Đại hội II- HNBVN (1959): “Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghề nghiệp”!
Nhiệm kỳ X vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam nói chung, Thường trực Hội NBVN nói riêng rất xứng đáng là “điểm tựa” tin yêu của các hội viên nhà báo. Xưa, cán bộ Hội cần nhất là lòng nhiệt tình, sức vượt khó, vượt khổ; nay ngoài những đức tính trên cần kế thừa và phát huy thì bản lĩnh, trí tuệ, thông thạo nghề, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong thông tin cần được đặt lên trên hết. Chỉ như thế mới mong Ban Chấp hành và từng thành viên Ban Chấp hành khóa XI tới mới góp phần xứng đáng để không ngừng “Nâng cao vai trò, vị thế hoạt động của HNBVN trong tình hình mới” theo tinh thần Chỉ thị 37 của Ban Bí thư T.Ư Đảng!
Nhà báo Hoàng Tiến – nguyên Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Bắc (cũ) - tỉnh Bắc Giang:
Cần có các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo phải hết sức thạo nghề
Tôi thấy làm báo bây giờ rất khó khăn, phức tạp bởi vì chúng ta đang hòa nhập với quốc tế và nhiều luồng tư tưởng xâm nhập vào. Người làm báo là người định hướng xã hội cho nên nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì không thể nào làm báo được. Vì thế, đội ngũ những người lãnh đạo báo, lãnh đạo Hội lại càng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bởi vì, hàng ngày hàng giờ trên các mạng xã hội thông tin rất nhiều nếu chúng ta không đủ trình độ, không đủ tư duy để phân biệt đâu là đúng đâu là sai thì rất nguy hiểm. Nhiều khi không cẩn thận lại tiếp tay cho các thế lực thù địch. Nó làm hại chúng ta, làm quấy nhiễu, làm mất đoàn kết nội bộ. Vững vàng rồi nhưng còn cần phải nhạy bén chính trị. Kẻ địch tung ra “đòn” này thì mình phải có “đòn” khác tấn công lại, có như thế thì mới là báo chí cách mạng. Tôi cho là người lãnh đạo trong bối cảnh báo chí như bây giờ hết sức vất vả, khó khăn.
Do đó, Đại hội tới đây cần có các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo phải hết sức thạo nghề. Thạo nghề là rất quan trọng, bởi có thạo nghề thì anh sẽ có bản lĩnh chính trị, anh có nhạy cảm chính trị. Từ đó anh mới chỉ huy tờ báo của mình, cơ quan Hội Nhà báo của mình làm tốt nhiệm vụ được. Có hai điều tôi nghĩ là những người làm báo cần phải ghi nhớ trong tâm mình, đó là bản lĩnh chính trị, nhạy cảm chính trị và đạo đức làm nghề trong sáng. Có như thế mình mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho. Nhân dân tin ai? Tin ở báo. Lòng tin của nhân dân đối với báo, đài là rất đáng quý mà phải xây dựng nhiều năm nên người làm báo, người làm công tác Hội cần phải trân trọng. Lãnh đạo báo cũng như lãnh đạo Hội, hai vai trò nhưng cùng một mục tiêu. Một đằng làm báo, một đằng là tập hợp lại lực lượng báo chí, vì một nền báo chí cách mạng phát triển. Dù là công việc nào thì sau tất cả, cái tâm cái đức của mình để lại cho con cháu thế hệ kế thừa, đấy mới là điều quan trọng nhất. Đó chính là đạo đức mà chúng ta luôn cần trong bất cứ thời kỳ nào, nhiệm kỳ nào.
Theo Hà Vân