Kỷ niệm nhỏ về “cây đa, cây đề”

Thứ tư - 08/01/2020 17:08
Tết đến xuân về, tôi lại nhớ “cây đa cây đề”, những bậc đàn anh trong nghề đã đi xa mãi mãi… Qua khứ đã thành quá vãng, nhưng sức xuân của những “cây cao bóng cả” ấy thì vẫn tươi xanh trong ký ức tôi!

Kỷ niệm xưa

Nhà báo Hoàng Tùng là một chính khách, một nhà bình luận hàng đầu trong làng báo Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Với Tạp chí Người Làm Báo, mỗi khi cần bài “đinh” của số báo nào đó là tôi lại đặt bài ông. Khi thì đến nhà, khi thì gọi điện. Tuổi cao sức yếu, nhưng nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vẫn hồ hởi vui vẻ nhận lời ngay. Ở ông hầu như không có chút khái niệm quan cách. Ông còn nói vui mấy câu thân thiện “Lại đặt hàng chứ gì”. Thế là chỉ hôm sau hoặc qua ngày đó là tôi nhận được bài của ông. Rất nhanh, nhà báo Hoàng Tùng thường viết tay bằng bút bi, bài ngắn gọn, khái quát một vấn đề báo chí đang thời sự trên giấy kẻ ô ly vở học sinh. Có chỗ khó đọc phải nghĩ, luận mãi mới ra. Vất vả nhất là cô đánh máy. Rồi mọi thứ cũng qua thôi. Nói không quá, với nhà báo Hoàng Tùng, kinh nghiệm nghề nghiệp, bề dày hiểu biết báo chí, hoạt động Hội… của ông thật sâu rộng. Cộng thêm sức nghĩ, sức viết bậc thầy, một bài báo mấy trang viết về báo chí… “dễ ợt”. Chỉ có điều là phải biết “gõ” đúng ông mới ra bài đôi khi rất cần mà lại gấp về thời gian. Xin kể câu chuyện nhỏ để thấy sức xuân không tuổi, trí tuệ, tình yêu nghề nghiệp của nhà báo đã lớn thể hiện qua việc viết bài cộng tác với Tạp chí của ông.
111
Chân dung nhà báo Hoàng Tùng (Nguồn ảnh: Internet)
Một lần, tôi nhận nhiệm vụ từ Tổng Biên tập (TBT) lo bài cho số kỷ niệm ngày thành lập Tạp chí Người Làm Báo. Cần có ý kiến nhận xét của nhà báo Hữu Thọ - “Người hay cãi”. Về nhà báo Hữu Thọ, làng báo ai chả biết, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại. Khi tôi xin gặp ông, ông đã nghỉ các “ghế” lãnh đạo. Ông là một nhà báo lớn, nguyên TBT Báo Nhân Dân, từng là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nằm trong ban lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam. Tất cả những chức vụ ấy giờ đã ở phía sau đời ông. Sách ông viết đã xuất bản một số cuốn, trong đó có “Người hay cãi” nỗi tiếng. Hữu Thọ vẫn là Hữu Thọ - một nhà báo đàn anh. Hôm tôi đến nhà, trông thấy tôi, bà xã của nhà báo Hữu Thọ vui vẻ: “Có chuyện gì thế Nguyên?”. Tôi thưa: “Xin lỗi chị! Em đến không báo trước, để hỏi ý kiến anh về tạp chí của Hội”. “Anh Thọ có nhà, để tôi hỏi anh”. Lúc sau, nhà báo Hữu Thọ xuất hiện, bảo tôi vào nhà. Sau khi nghe tôi đặt vấn đề, ông đồng ý, trao đổi nhanh gọn về Tạp chí Người Làm Báo. Tôi ghi lại và tổng hợp ý kiến của ông thành một bài ngắn đăng trong số chuyên đề kỷ niệm sự kiện đáng nhớ năm đó. Khi tôi viết những dòng này, nhà báo Hữu Thọ đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh ông hôm ấy giản dị, sôi nổi, say sưa nói về tờ Tạp chí của Hội vẫn còn hiện hữu trong tôi.
111
Nhà báo Hữu Thọ: Ảnh: Hoàng Long.
Trưởng thành từ thực tiễn

Trong làng báo, những người lớn tuổi, tôi tin, không ai là không lưu giữ một kỷ niệm hay đọc một bài báo nào đó của nhà báo Lê Điền. Ông là một chuyên gia hàng đầu trong giới báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tôi may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà báo Lê Điền phụ trách Tạp chí Người Làm Báo đầu những năm 90 thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, Tạp chí Người Làm Báo chịu một tổn thất lớn – Phó TBT phụ trách, nhà báo Đỗ Cao Đáng đột ngột qua đời trong chuyến đi tập huấn nghề nghiệp ở Liên Xô. Nhà báo Lê Điền được lãnh đạo Hội giao phụ trách Tạp chí mà nhà báo Đỗ Cao Đáng để lại. Hầu như ông không được chuẩn bị trước ngày nào? Nói như vậy vì nhà Lê Điền lúc đó là ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, có thể lo công việc chỉ đạo ngay Tạp chí. Ông từng là cây bút viết về nông nghiệp hàng đầu của Báo Nhân Dân, TBT báo Đại Đoàn Kết. Có bề dày nghề nghiệp đồ sộ. Nét đầu tiên tôi cảm nhận được từ nhà báo Lê Điền là ông không quan cách khi ngồi vào chiếc ghế “quan báo” này. Phóng viên có thể gặp ông bất cứ lúc nào, có thể hỏi ý kiến, trao đổi, đề xuất một vấn đề ở hành lang, sân cơ quan. Tầm nhìn bao quát báo chí sâu rộng, đau đáu, tâm huyết, say nghề là những gì dễ dàng cảm nhận từ nhà báo Lê Điền.

Luôn mới, không thỏa hiệp với cũ, món. Ở ông luôn có cái nhìn, tư duy mới mẻ dù ông đã cao tuổi. Và cũng cập nhật đời sống báo chí, muốn đưa vào tờ Tạp chí của Hội. Tôi nhớ, hôm đó, TBT Lê Điền gợi ý, giao làm mấy trang về các vấn đề báo chí đang nóng. Tôi đã phỏng vấn một số cây bút nổi tiếng như Thế Văn, Nguyên Thành, Mai Thục… và ông hài lòng. Nhưng ông không nuông chiều phóng viên mà đòi hỏi nghiêm khắc, chấn chỉnh “đến nơi, đến chốn” nếu họ có gì sai trái. Tôi khi đó cũng mới về tạp chí được một hai năm, may mắn học được ở bậc đàn anh cách làm báo hiện đại này. Được ông chỉ bảo công việc nên tôi đã trưởng thành về nghề. Hình ảnh nhà báo Lê Điền, thấp đậm, đầu hói tóc trắng với điếu thuốc lá luôn trên tay đã in đậm trong tâm trí tôi từ đó đến tận bây giờ…

Còn nữa, những nhà báo lão thành, những “cây đa cây đề” trong làng báo mà tôi may mắn được gặp gỡ, làm việc trong đời. Hôm nay, các bậc đàn anh ấy đã đi xa mãi mãi để lại trong tôi sự biết ơn, những bài học quý báu: Người làm báo cần có trách nhiệm nghề nghiệp và nghĩa vụ công dân cao nhất trước ngòi bút của mình. Cây cao bóng cả  in bóng qua thời gian.
   Minh Phan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây