Chút kỷ niệm về Nguyễn Văn Tý

Thứ sáu - 03/01/2020 10:31
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, ông đã từng về Hưng Yên sinh sống từ năm 1962 đến năm 1967. Tại Hưng Yên, ông đã gắn bó với mảnh đất quê nhãn và đã có nhiều sáng tác rất nổi tiếng. Để tưởng nhớ tới người nhạc sĩ tài hoa, Người làm báo Hưng Yên xin mời độc giả đọc bài: “Chút kỷ niệm về Nguyễn Văn Tý”để tưởng nhớ tới ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1924 tại TP Vinh, Nghệ An. Mất ngày 26/12/2019 tại TP Hồ Chí Minh. Ông đã có gần 7 năm gắn bó với mảnh đất Hưng Yên. Sau đây xin giới thiệu một số bài của nhà thơ Lê Hồng Thiện viết về ông.
111
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ. Ảnh: Tư liệu.
Chim hót trên cánh đồng đay:

Bước vào năm 1961, tỉnh Hưng Yên phát triển rộng rãi việc trồng đay lấy tơ xuất khẩu. Biết tin có nhạc sĩ trên Trung ương "đi thực tế" tại địa phương, đồng chí Lê Quý Bình, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh uỷ liền "phôn" sang Ty Văn hoá mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý làm văn phòng Tỉnh uỷ. Trong buổi gặp gỡ thân mật ấy, đồng chí Bí thư tỉnh nói rất kỹ về chủ trương trồng cây công nghiệp, về thuỷ lợi hoá của tỉnh trước mắt và lâu dài. Nghe nói, nhạc sĩ càng hiểu giá trị chiến lược của cây đay, anh thấy lý thú, bởi lời đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã tạo được chất men cho đề tài mới mẻ và hấp dẫn này.

Sáng hôm ấy, tôi dẫn nhạc sĩ ra thăm cánh đồng đay xanh bát ngát một màu xanh của làng tôi ven sông Hồng. Anh vừa đi, mắt vừa mê mải nhìn đay, miệng lẩm bẩm... Thỉnh thoảng một vài con chim xanh đậu xuống ngọn đay, vít cong rồi lại vút lượn lên bầu trời cao, anh đưa mắt nhìn theo chúng ... Lòng người cũng cảm hứng như chim hay sao mà nét mặt anh cười vui thế.

Buổi tối hôm ấy, tôi xuống chơi ở khu văn công tỉnh. Ngó vào phòng anh, qua ô cửa sổ thấy anh đang một mình ngồi cặm cụi viết. Chốc chốc những ngón tay anh gõ nhịp xuống mặt bàn, rồi lại đứng dậy đi đi lại lại, tay cầm phấn viết những dòng lời vào khung nhạc trên bảng đen. Nhạc sĩ sáng tác say sưa, đang tìm giai điệu cho nhạc hay đặt lời cho ca từ, anh mê mải đến nỗi tôi dắt chiếc xe đạp hỏng líp của mình kêu cùng cục quanh ngoài phòng mà anh vẫn khong nghe tiếng, cả khi tôi dắt nó vào sát vách tường.
Hôm sau, anh lên nhà tôi cho xem bản nhạc và lời với đầu đề "Chim hót trên cánh đóng đay". Biết tôi với không sành nhạc, anh lại tự hát cho tôi và cô em gái tôi cùng nghe. Hấp dẫn quá, nhạc viết đã hay, hát càng hay. Giọng anh lúc bấy giờ không kém gì các ca sĩ "thường thường bậc trung" (hồi ấy Nguyễn Văn tý mới trên 40). Bài hát mở đầu bằng hai câu:

"Ra đứng mà trông, con sông Hồng đẹp
Bãi cát bồi phù sa đang nối tiếp..."

Bãi cát bồi ven sông Hồng này là chỗ đoạn dòng sông Hồng chảy ra hai tỉnh Nam Định Hưng Yên. Phía dưới kia là cửa Luộc, thuộc địa phận Thái Bình - nơi con gà gáy cả ba tỉnh nghe tiếng.

"... Con chim chiền chiện nó hót rằng
Bà con ta có biết..."

Con chim chiền chiện ấy là hình ảnh tôi và anh bắt gặp nó chao lượn trên cánh đồng đay xanh mướt tận trời mây của buổi sáng hôm trước.

Ít lâu sau, bài hát in trong tập san Văn nghệ Hưng Yên số Tết 1962. Từ đó, nó đi vào đời sống tinh thần của nhân dân tỏng tỉnh, qua các đợt hội diễn khu vực, dưới cơ sở, các cô gái vùng đay nào mà chả thuộc. Từ Thái Bình rồi ngoại thành Hà Nội, Hà Tây vv... đâu trồng đay, làm đay thì ở đó lời ca "Chim hót trên cánh đồng đay" lại vang ngân.
111
Chủ yếu những tác phẩm của nhạc sĩ là viết về đồng quê và người lao động
Với cây đàn ghi ta và bài hát "Múa hát mừng chiến công"

Từ năm 1962 đến 1967, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi thực tế dài hạn ở Hưng Yên - một tỉnh đồng bằng, thời kỳ đó gọi là tỉnh "Mười năm, chín hạn" (nói như nhà thơ Xuân Diệu - hạn hán đến nỗi con đỉa nằm vắt ngang rãnh cày mà chết khô). Thế mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sống năm, sáu năm ở đây. Ông đồng cam, cộng khổ với nông dân để viết hàng chục nhạc phẩm mang tính kịp thời lại có giá trị nghệ thuật, bám sát phong trào xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp, thuỷ lợi hoá, hợp tác tín dụng, phong trào ba sẵn sàng ... Ấy là những bài: "Bài ca năm tấn", "Bài ca cô gái chăn nụôi", "Bài ca khoai nước, dong riềng", "Tấm áo mẹ vá năm xưa", "Em đi làm tín dụng", "Bài ca cô nuôi dạy trẻ", "Ngợi ca người phụ nữ Việt Nam"...

Năm ấy, Nguyễn Văn Tý biệt phái về biên chế ở phòng Văn nghệ, Ty văn hoá Hưng Yên, cạnh hồ Bán Nguyệt thị xã Hưng Yên ngày nay. Vốn là một nghệ sỹ đa tài, giàu cảm xúc, ban ngày ông xuống cơ sở tìm hiểu thực tế, tối về từ 10h đến 2-3h sáng ông lại ngồi vào bàn sáng tác bằng chiếc đàn ghi ta thô sơ, còn chiếc dương cầm thì ông để lại nhà số 96 phố Huế (Hà Nội).

Việc sáng tác vào thời điểm ban đêm như vậy rất thuận lợi cho người nghệ sỹ, nhưng cũng bất tiện cho anh em không phải là "nghệ sỹ" trong cơ quan, chưa nói là phải che chắn ánh sáng trong thời kỳ có chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Vì biết ông từng là người từng dính dáng đến một số vụ việc phức tạp những năm 1957-1958, một số anh em trong cơ quan Ty văn hoá nhìn ông với con mắt không bình thường. Một đêm, bỗng cảm xúc giai điệu ùa đến, không ngủ được, mặc dù đã 11h khuya, ông bật đèn ngồi dậy, rồi dùng cây đàn ghi ta ghi lại những giai điệu và những cảm xúc ấy. Một cán bộ bảo tàng ở phòng bên cạnh chạy sang quát: "Anh không ngừng đàn, tôi đập đàn ra cho mà xem, ai lại ... Đêm hôm khuya khoắt để cho người ta ngủ chứ".  Nguyễn Văn Tý chỉ nói một câu nhẹ nhàng: "Tôi ghi nốt một đoạn nhạc thôi". Nói rồi ông tắt điện, ra đóng cửa phòng. Nhưng nào có ngủ, ông lẩm bẩm và đành ghi lại bằng trí nhớ.

Hôm sau, Nguyễn Văn Tý đề nghị với đồng chí Hoàng Trị, phó Ty văn hoá phụ trách văn nghệ xin sang ở tạm khu văn công tỉnh vào buổi tối. Đúng là "ngày làm việc bên Ty, tối đi sáng tác".

Sau này tôi mới biết bài hát mà Nguyễn Văn Tý sáng tác lặng thầm trong đêm ấy là bài "Múa hát mừng chiến công", Bài hát rất vui, nào nức rộn ràng chào mừng quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ một ngàn của giặc Mỹ và gần 30 năm được dùng làm nhạc nền cho buổi phát thanh "Khắp nơi ca hát" vào sáng chủ nhật hàng tuần của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát ấy đã hơn 60 tuổi. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng đã bước vào tuổi 95. Ông sinh năm 1924 tịa TP Vinh- Nghệ An. Nguyên quán Vĩnh Phúc).
 
                                                                    Lê Hồng Thiện



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây