Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Một nền báo chí chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp sẽ có sức mạnh chống tin giả”

Thứ tư - 15/01/2020 15:24
Trong câu chuyện về cuộc chiến chống tin giả, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh về vai trò quan trọng của báo chí trong việc tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho công chúng, hạn chế cơ hội cho những đối tượng dùng tin giả để kích động trục lợi. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh “người thư ký của thời đại” phải tỉnh táo trước những thông tin lệch lạc, chủ động đấu tranh dập tắt tin giả, nâng cao ý thức xây dựng, định hướng và tạo niềm tin cho xã hội…
111
Nhà báo Hồ Quang Lợi
Chống tin giả sẽ vẫn rất cam go, khốc liệt

+ Trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp, tin giả đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Trong vai trò là nhà lãnh đạo HNBVN ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Rõ ràng, truyền thông xã hội đang làm thay đổi mạnh mẽ môi trường thông tin với một khối lượng tin tức khổng lồ được chia sẻ hàng ngày trên mạng xã hội. Cùng với đó, vấn nạn tin giả đang hoành hành, tác động rất lớn tới tâm lý của công chúng và đang ảnh hưởng vô cùng lớn tới hệ sinh thái thông tin toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam. Nó có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, hình ảnh, phát ngôn gây sốc với nội dung xuyên tạc, sai trái. Thậm chí còn có cả những website, tài khoản mạng xã hội cố tình lồng ghép những thông tin thật giả lẫn lộn, đánh lừa công chúng. Môi trường thuận lợi để tin giả lan truyền nhanh với tốc độ chóng mặt chính là mạng xã hội. Điều đáng bàn là việc chống tin giả, đang và sẽ vẫn vô cùng cam go, khốc liệt bởi hàng ngày, hàng giờ, tin giả tìm mọi con đường, mọi cách thức để len lỏi, gieo rắc, phát tán thông tin xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Thậm chí khiến chính các cơ quan báo chí cũng bị lúng túng trong xử lý thông tin.

+ Sự lúng túng của các cơ quan báo chí, cụ thể là gì, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

Đó là một thực tế. Với tốc độ phát triển nhanh, đa dạng của mạng xã hội như hiện nay, nếu chúng ta không nhận thức kịp thời và có những hành xử phù hợp,  những người làm báo dễ bị rơi vào “mê trận” của thông tin trong thời đại số. Câu chuyện của áp lực đưa tin nhanh đôi khi sẽ khiến cho chúng ta vội vã, thiếu kiểm chứng mà  hời hợt, thiếu trách nhiệm ngay với chính thông tin của mình. Ngoài ra, các tòa soạn báo cũng bị nhiều áp lực như số lượng phát hành, lượt xem gắn với nguồn thu  từ quảng cáo. Một bộ phận phóng viên, biên tập viên làm việc thiếu nghiêm túc, động cơ không trong sáng, lơi lỏng trong biên tập. Thậm chí, báo chí cũng lao theo, càng tìm cách câu view thì lại càng dễ dính vào bẫy tin giả. Đó chính là điều kiện để nhiều “tin rác”, tin giả len lỏi, trà trộn vào với những thông tin chính thống, làm vẩn đục môi trường báo chí.

+ Ông từng nhận định rằng “Đưa tin đúng chưa đủ mà các nhà báo phải có trách nhiệm vạch trần, dập tắt tin giả, tin bóp méo sự thật trên mạng xã hội”. Nhưng sức công phá của tin giả còn khiến các cơ quan báo chí “lúng túng” như vậy thì chuyện “vạch trần dập tắt tin giả” liệu có quá sức, thưa ông?

Tất nhiên là không dễ nhưng đó là trách nhiệm và sứ mệnh của người làm báo, không thể khác được, tôi nghĩ vậy. Đó cũng là một phần trong cuộc chiến “sống còn” trên mạng xã hội- một môi trường “nuôi dưỡng” tin gải. Dù không thể thắng được về tốc độ đưa tin nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo. Tôi tin tưởng, tính thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông số hiện nay. Vì thế báo chí phải có nguồn gốc rõ ràng, tạo được sức hút với công chúng kéo họ đến với mình, tránh sa đà vào những tin tức không chính thống. Đồng thời phải thể  hiện tính phản biện, tính chiến đấu trước những thông tin sai trái, vốn thường được không ít người đọc và chia sẻ trên mạng. Thêm nữa, cần tuyên truyền để người dùng mạng xã  hội có thêm kỹ năng và có trách nhiệm cao với mỗi  hoạt động của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn  hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu.
111
Báo chí đã và đang có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước. Ảnh; Quang Vinh.
“Barie” tránh bẫy tin giả, hạn chế phát tán tin giả

+ Nhưng nếu như trong cuộc chiến này, những người làm báo không đủ kiên trì, bền bỉ… thậm chí “sa bẫy” tin giả thì sẽ dễ dẫn đến chính báo chí là nguồn phát tán tin giả, thưa ông?

Đúng vậy. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải nâng cao trách nhiệm từ chính cơ quan báo chí và nhất là các nhà báo, bởi chỉ một dòng status không chuẩn mực của nhà báo trên mạng cũng có thể ảnh hưởng  nghiêm trọng đến uy tín cá nhân hay tổ chức, từ đó thông tin lan truyền, khó kiểm soát trên mạng xã hội, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch tấn công ngược, gây hoang mang dư luận. Do đó, người làm báo luôn phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết, có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng và hình thành dư luận xã hội. Cùng với đó, bản thân chúng ta phải không ngừng vươn lên làm chủ, từ đó không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung các ấn phẩm. Nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức làm nghề của người làm báo cách mạng, để báo chí luôn là lực lượng tiên phong chủ lực trên mặt trận thông tin.

+ Những ảnh hưởng và tác hại của tin giả là rất rõ, nhưng dường như cách thức chúng ta đấu tranh chống lại tin giả vẫn còn đang có nhiều ý kiến. Điều đáng bàn là chúng ta đã thực sự “vào cuộc, cùng bắt tay” để chống lại vấn nạn này hay chưa, thưa ông?

Thực tế là ở Việt Nam gần đây mới bắt đầu ý thức rõ hơn về vấn đề tin giả và cũng mới được đề cập đến tại các diễn đàn, hội thảo. Nhưng việc phòng chống gần như theo kiểu đơn vị, cá nhân phải tự làm. Về mặt pháp lý thì chưa thấy một quy định pháp lý cần thết để đối phó với vấn đề này. Khi phát hiện thông tin giả, các cơ quan chức năng sẽ đến tìm người đăng tin để yêu cầu gỡ và thậm chí là phạt tiền. Nhưng hiện nay chưa hình thành một quy chuẩn mang tính hệ thống. Hiện nay, với báo chí của Việt Nam  cũng chưa có nhiều cơ quan báo chí thực sự có ý thức trong việc phòng chống tin giả một cách bài bản và chiến lược.

Tôi nghĩ, chỉ khi chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, chống tin giả là một phần trong câu chuyện “tồn tại hay là chết” của báo chí thì chúng ta mới vào cuộc một cách mạnh mẽ và hiệu quả được. Một nền báo chí giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, với một đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp, có trách nhiệm, làm nghề tử tế sẽ có sức mạnh thật sự trong cuộc chiến chống tin giả, tin xấu độc vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam!
 
Hà An (thực hiện)

Nguồn tin: Nhà báo & Công luận Xuân Canh Tý 2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây