Từ Bắc vô Nam làm báo

Thứ năm - 26/12/2019 11:20
13 năm gắn bó với nghề báo ở vùng đất biển Kiên Giang, cô sinh viên báo chí quê Thái Bình năm nào giờ đã trở thành một biên tập viên bản lĩnh, chuyên thực hiện các phóng sự “nặng ký” cho chương trình thời sự của Đài PT&TH Kiên Giang. Bút danh Kim Thoa gần như luôn xuất hiện trong hầu hết những cuộc thi báo chí lớn của tỉnh và khu vực…

Bén duyên với nghề

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng PTTH Hà Nội, trong một dịp tình cờ vào Kiên Giang thăm người thân và được giới thiệu đến Đài PT&TH Kiên Giang, ấn tượng với sự gần gũi, thân thiện của các cô chú, anh chị trong cơ quan, cô sinh viên báo chí Nguyễn Thị Thoa đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin việc vào Đài. Cũng từ đó, bút danh Kim Thoa bắt đầu xuất hiện trong những chương trình truyền hình của đài Kiên Giang. Vậy là từ một chuyến đi chơi, lần đầu tiên đến với vùng đất biển tây nam, đã trở thành cơ duyên cho hành trình 13 năm làm báo của cô gái Bắc. Kiên Giang giờ đây cũng trở thành quê hương thứ 2 của chị.
111
Phóng viên Kim Thoan đang tác nghiệp
Giữ lửa đam mê từ những chuyến đi

Thật không quá khi ví von Kiên Giang là Việt Nam thu nhỏ, bởi Kiên Giang không chỉ rộng với 15 huyện, thành phố, có biển, đảo, đồng bằng, có núi, có rừng mà còn đa dạng về văn hóa, dân tộc. Điều này thỏa mãn mong ước được đi nhiều nơi, học hỏi và phản ánh những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của phóng viên. Nhưng đồng thời cũng là khó khăn không nhỏ đối với một nữ biên tập vốn còn lạ lẫm, chưa biết gì về Kiên Giang như Kim Thoa. Chị chia sẻ, những ngày đầu làm việc, một mình phải chạy xe máy đi xuống các huyện vừa đi vừa dừng lại hỏi đường mới đến được nơi tác nghiệp. Chưa kể nhiều chỗ phải qua cầu khỉ, ngồi vỏ, thậm chí là đi bộ hàng cây số,… hết sức vất vả. Lúc đi tờ mờ sáng, về đến nhà thì trời đã tối mịt, quần áo lấm lem, chật vật. Nhiều lúc khó khăn, vất vả quá, một mình sống xa gia đình, chị đã nghĩ đến thôi việc, về quê, nhưng sau đó, thấy sản phẩm của mình được đăng tải, phát sóng, bao nhiêu mệt mỏi, vất vả lại như tan hết. Và cho đến giờ chị vẫn gắn bó với nghề, vẫn có những chuyến công tác đều đặn xuống địa phương. Bởi vì theo chị, một khi đam mê đã đủ lớn, mọi khó khăn, thách thức đều sẽ vượt qua.
111
Nhà báo nữ - cần lắm sự đam mê (Ảnh minh họa)
Chuyên về gương người tốt, việc tốt

Với tính chất công việc tại phòng thời sự, một phóng viên thường được lãnh đạo phòng giao phụ trách cùng lúc rất nhiều lĩnh vực. Bản thân Kim Thoa, hiện đang đảm nhận chuyên mục viết người lao động của Liên đoàn lao động tỉnh, điện lực, doanh nghiệp, dân vận, thanh niên… Đồng thời chạy tin theo sự kiện hàng ngày và một số đề tài theo chủ điểm tuyên truyền khác. Tuy nhiên, đối với chị lĩnh vực chị thích viết nhất vẫn là gương người tốt việc tốt. 13 năm làm nghề, chị không thể nhớ hết mình đã viết về bao nhiêu gương người tốt, việc tốt. Mặc dù giờ đây chị phải đảm nhận tuyên truyền nhiều mảng đề tài nhưng chị vẫn không quên liên hệ, tìm kiếm để mỗi tháng có ít nhất 1 bài viết cho lĩnh vực gương điển hình. Trong suy nghĩ của chị, phát hiện, được gặp và đưa vào sản phẩm chân dung những con người tiêu biểu, những mô hình tiêu biểu không chỉ giúp cuộc sống thêm tốt đẹp, thực hiện trách nhiệm của một người làm báo phải lản tỏa cái hay, cái đẹp cho cộng đồng, mà còn giúp chính bản thân có thêm động lực tự hoàn thiện để sống có ích hơn. Nhiều bài viết của chị như: Về thương binh đã cụt 2 tay nhưng vẫn nỗ lực phát triển kinh tế, nuôi dạy các con ăn học thành tài đã được cựu chiến binh chọn là tấm gương điển hình cho nhiều thương binh noi theo và bài viết này đạt giải nhỉ của tỉnh. Hay bài viết về “nặng lòng với sự nghiệp giáo dục” cũng đạt giải đặc biệt khu vực liên hoan phát thanh truyền hình Nam sông Hậu; bài “Hũ gạo tình thương – kết nối những tấm lòng” đạt giải nhì khu vực lần thứ 14…

Trưởng thành từ nghề báo

Chị Thoa cho biết: “Đi nhiều tôi có điều kiện góp nhặt kiến thức, làm giàu kinh nghiệm sống cho bản thân và những trải nghiệm với nghề, giúp tôi trưởng thành hơn”. Cũng chính vì thế, bài viết “40 năm làm từ thiện để xây dựng những công trình vì dân” cũng được chị thực hiện từ những chuyến công tác xa. Được đầu tư nghiêm túc, công phu. Tác phẩm của chị đã được Ban Tổ chức ghi nhận và đoạt giải Nhì giải báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long 2019. Đây cũng là động lực để chị Kim Thoa tiếp tục vượt qua khó khăn, cống hiến theo đuổi đam mê viết báo của mình. Chỉ tính trong năm 2019 chị đã đoạt được 9 giải thưởng gồm 2 giải nhất, 3 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích tại các cuộc thi báo chí như: về dân vận khéo, học tập và làm theo Bác, công nhân và công đoàn, giải báo chí viết về xây dựng Đảng do Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh phát động và nhiều tác phẩm đạt giải báo chí chất lượng cao.

Ít ai biết, trước khi làm ở phòng thời sự, Kim Thoa đã từng có 3 tháng công tác tại phòng chuyên đề. Tính chất công việc của 2 phòng khá khác biệt. Tuy nhiên, ít nhiều khi làm chuyên đề, phóng viên nữ sẽ đỡ áp lực hơn. Bởi phóng viên thời sự là đi nhiều, đòi hỏi nhanh, chính xác và phải sản xuất tin bài liên tục. Một sự kiện quan trọng, phóng viên phải vừa biên tập nội dung, vừa xử lý thông tin và tìm nơi để chuyển hình ảnh chỉ trong vòng 30 phút. Đối với một đài địa phương, còn thiếu thốn trang thiết bị, máy móc cộng thêm toàn bộ phóng viên phải di chuyển bằng xe máy đến các địa phương, có nơi cách trung tâm đến hơn 100 cây số thì quả là thách thức lớn. Ấy vậy mà công phóng viên ngoại hình nhỏ nhắn Kim Thoa đã bền bỉ làm thời sự được 13 năm. Chị cho biết, một phần vì mê nghề, một phần vì bản thân chị tự cảm thấy mình có những tố chất mà nghề cần đó là tư duy nhanh, sáng tạo và khả năng tác nghiệp mọi hoàn cảnh. Bình quân 1 tháng, chị cũng sản xuất từ 15 đến 20 tin, phóng sự ở rất nhiều lĩnh vực để góp phần tạo nên chương trình thời sự có giá trị đối với cuộc sống.
Nam Nguyễn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây