Nhà báo Hà Cừ: Một năm hai tập thơ nặng tình đời

Thứ hai - 18/11/2019 17:09
Vừa qua, tôi đi Hải Dương dự cưới có gặp anh Hà Cừ nguyên TBT báo Hải Dương và anh Nguyễn Văn Bình, TBT báo kiêm Giám đốc Đài Hải Dương. Nhà báo Hà Cừ tặng tôi 2 tập thơ được anh in năm 2018. Anh xuất thân làm báo, được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam, làm TBT báo địa phương mà lại thành danh trong lĩnh vực thơ văn như anh quả không nhiều. Có thể kể đến TBT báo Thái Bình - Bút Ngữ, TBT báo Vĩnh Phú - Nguyễn Uyển, phó TBT báo Yên Bái - Hoàng Thế Sinh...
111
Một năm in 2 tập thơ, đó cũng là cố gắng đáng khâm phục dành cho nhà báo, nhà thơ Hà Cừ. Đọc nhanh 2 tập thơ, cảm nhận Hà Cừ vẫn rất nặng tình đời, nặng tình người. Nghe thế có người bảo thơ không nặng tình... thì nhẹ tình hay sao(!). Không. Đọc 2 tập: “BUÔNG” và “HAI - BỐN VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC” của Hà Cừ không chỉ có những vần thơ đẹp đến nao lòng về quê hương bản quán, về tình yêu con người; mà thơ  anh còn lo lắng cho nhân tình thế thái, anh phản biện sự đời còn những oan khuất bất công và anh lên án những thói hư tật xấu trong xã hội. Phản biện vốn là thuộc tính của báo chí và Hà Cừ  là nhà báo, anh mang phản biện của báo vào thơ để tăng hiệu quả cho thơ. Vì thơ đâu chỉ có “yêu thiên nhiên đẹp” mà trong thơ cũng phải có chất thép, “Nhà thơ cũng phải biết xung phong” như Bác Hồ từng thúc giục các thi sỹ.

Trước hết Hà Cừ học cách phản biện của người xưa qua những câu ca dao tục ngữ, anh gián tiếp phê phán những thói hư tật xấu đang tồn tại:
             “Để là hòn đất ai ơi
          Cất thành ông bụt nói lời thật kinh
              Tai bay vạ gió rập rình
          Qua cầu rút ván nghĩa tình ở đâu
            Cha chung chẳng khóc chẳng sầu
        Của chùa không đóng ai cầu mặc ai
            Không ăn đạp đổ dài dài
        Làm vua làm giặc không ngoài tầm tay
             Cháy nhà hàng xóm ai hay
            Nén bạc tờ giấy cứ bay la đà...”
                                                   (Bài: NGÀN NĂM LỜI CỦA ÔNG BÀ)
 Trước một xã hội tốt xấu lẫn lộn, cái xã hội mà nhiều khi cái ác, cái tham chưa bị trừng trị đích đáng, Hà Cừ tự vấn nhưng cũng là để mọi người suy nghĩ: “Độc ác tham lam khoác vai cùng dối trá... Trên dưới xa gần lương thiện trốn vào đâu” (Bài: HỎI). Hay trước vấn nạn rác đang tràn lan trong một xã hội quản lý còn nhiều yếu kém, Hà Cừ cũng dằn vặt và thẳng thắn cật vấn:
         “Xưa ra đường mấy khi gặp rác
          Nay rác sinh ra tự trong nhà
          Xưa nước đục đánh phèn đánh trong          
                                                      chum trong vại
         Nay đục cả biển, hồ, sông, suối, đánh sao đây?”    
                                                                                        (Bài: RÁC)

Trong 2 tập thơ vừa ra mắt, Hà Cừ còn nêu ra những nghịch cảnh của xã hội như vợ đi lao động tại Hàn, còn người chồng ở nhà... với những lo lắng rập rình, hoặc anh nói về những người nông dân vất vả thấm đầy mồ hôi, cũng có khi là Hà Cừ thương những tiếng rao bán hàng trong mưa, trong nắng, trong đêm đông hay lúc hạ về...
111
Hai tập thơ của Hà Cừ có nhiều bài hay về làng quê, về tình người. Thơ lục bát hai câu, bốn câu của anh về quê, về bạn đời đẹp như một bức tranh. Anh vốn là họa sỹ trình bày báo mà. Thơ anh cũng không kém phần thông minh và trữ tình mà nhiều bạn văn bạn thơ đã nhận xét. Tôi ngưỡng mộ Hà Cừ là nhà báo mà  thành danh được trong văn thơ nghệ thuật. Để kết cho vài dòng thô kệch dám mạnh mồm nhận xét về thơ Hà Cừ, tôi xin chép toàn văn bài “BUÔNG” được anh đặt tên cho một tập thơ để các bạn cùng đọc vì chúng ta sắp được đón tháng Giêng, đón Tết, đón Xuân rồi:
              “Mùa Xuân đang nói điều gì
             Mà nghe hoa cỏ thầm thì cỏ hoa
              Em buông xanh gió hiên nhà
           Long lanh buông cả nõn nà đầy Giêng”
                                      Nguyễn Công
          
   
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây