Nhà báo Huy Thịnh – Làm báo hay đâu phải chuyện dễ!
Thứ năm - 31/10/2019 14:44
Báo giới Thủ đô thường nhắc đến Huy Thịnh với cảm tình thật đặc biệt, mặc dù tiếp xúc rất “dị ứng” bởi các cười kiêu điệu, ánh mắt nhìn tinh quái “cú vọ” của người đàn ông vừa qua tuổi 50 này. Đọc những bài viết chính luận của ông trên mặt báo là có thể thấy rõ tính cách ấy. Đã đến tuổi “tri thiên mệnh”, Huy Thịnh có đằm hơn trong tâm tưởng nhưng vẫn “phong độ” như thời trai trẻ. Cái thời vừa cầm bằng tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm anh lính Cụ Hồ, làm phóng viên chiến tranh đến ngày đất nước thống nhất, sau đó lại “tất tưởi” sang đất bạn Campuchia làm chuyên gia và phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam suốt thập kỷ 1980. 10 năm trên AngKor, Huy Thịnh đã kịp trau dồi ngôn ngữ Khơ me khá nhuần nhuyễn.
Ông đã dịch 5 tập thơ văn Campuchia ra tiếng Việt, trong đó nổi tiếng là Truyện thơ Tum-Tiêu, một tình sử đặc sắc của nước bạn. Năm 1990, Huy Thịnh mới “trở lại mái nhà xưa”, làm bào Hà Thành. Hiện giữ cương vị Trưởng ban Ban biên tập Hà Nội Mới cuối tuần.
Gặp ông ngay trong Tòa soạn, với ý định chuyện trò nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 năm nay, chưa kịp mở lời bạn đồng nghiệp thân mến của tôi vừa pha trà, vừa muốn rướn đôi mắt tinh quái hỏi luôn: Chuyện làm báo thời nay phải không? Ta bắt đầu từ đâu nhỉ…?
Vũ Hà: Từ chuyện dễ và khó của nghề nghiệp…
Huy Thịnh: Dễ vì chưa bao giờ có tự do báo chí như bây giờ. Người làm báo lại có Luật báo chí bảo hộ. Mỗi báo lại có tiêu chí của mình, có định hướng rõ ràng. Như tờ Hà Nội Mới là cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội. Cứ “đường ray” này mà hành nghề thì không mấy khó khăn. Nhưng để tờ báo luôn luôn đúng định hướng, phải hấp dẫn đông đảo đối tượng bạn đọc, không dễ dàng gì. Hiện giờ có trên 800 tờ báo và tạp chí trong cả nước. Để báo mình vào trong tốp 10, càng không phải là dễ dàng.
Vũ Hà: Báo Hà Nội Mới có nhiều ấn phẩm, riêng tờ “Cuối tuần” anh trực tiếp đảm trách, làm thế nào đáp ứng được hai yêu cầu trên, đúng định hướng và hấp dẫn?
Huy Thịnh: Nhà có năm bẩy người con, anh phải là anh, không phải vì cái tên riêng, mà phải có tính cách riêng. Như trang 1 mục thời luận, có “chuyện trong tuần”. Đấy phải là chuyện “nóng” nhất trong tuần lễ vừa qua, được nhiều độc giả quan tâm nhất. “Nóng” ở đây không chỉ nêu vấn đề người ta đang chờ đợi, mà bài viết phải đưa ra chính kiến, có luận bàn, có chứng lý thực tế, có thể đưa ra giải pháp. Ví như việc Luật Xuất bản vừa được Quốc hội đưa ra xem xét, sửa đổi, bổ sung. Chuyện “khi bóng đá không còn là bóng đá” đề cập cảnh lửa cháy, máu đổ trên sân cỏ. Chuyện “bài học nào khi tiền tỷ bốc hơi”? trên thị trường chứng khoán: Tranh biện và đưa cả phản hồi của độc giả. Có lập luận, tranh biện thẳng thắn, có phản hồi nhiều chiều dư luận, như vậy độc giả mới tìm đọc. Hay mục “đằng sau những số phận” là những chuyện người thật, việc thật. Không dành riêng cho những người nổi tiếng, mà cho tất cả những số phận những con người bình thường. Và nhiều tiểu mục khác mà chỉ riêng “Cuối tuần” mới có. Đấy là khuôn mặt riêng, tính cách riêng của anh, không trộn lẫn với ai khác, dù là những người “chung một dòng máu…”
Vũ Hà: Tờ Hà Nội Mới hàng ngày tôi thấy nhiều người đặt mua, có mặt thường xuyên trên các sạp báo. Còn báo “Cuối tuần” hình như…
Huy Thịnh(cả cười): Hình như “khiêm tốn” chứ gì. Lượng phát hành bao nhiêu, người đọc nhiều hay ít chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay”. Chỉ biết rằng, chưa bao giờ anh em chúng tôi hài lòng về mình, luôn luôn tìm tòi, cải tiến tờ báo. Với phương châm “độc giả cần gì, mình có”, chứ không phải cái gì mình có cứ “tống” lên trang báo. Muốn thế phải biết lắng nghe, luôn lắng nghe xem bạn đọc cần gì, mối quan tâm của họ là gì, điều gì họ đang trông chờ báo lên tiếng, để mách bảo, khuyên nhủ, giải thích. Như vừa qua vấn đề “nóng”, được người dân quan tâm như việc nhà chung cư cho người thu nhập thấp, chuyện “bão giá”, lạm phát, rồi chuyện tiền nhàn rỗi nên tích vàng, đôla hay gửi tiết kiệm, chuyện thi cử, độc quyền sách giáo khoa… Chúng tôi còn mở nhiều chuyên trang, chuyên mục, như “Góc khuất”, “Góc nhìn văn hóa”, “Hà Nội tạp văn”, “Chuyện làng văn nghệ”, “Tiếng Việt và đời sống”, “Điểm hẹn chiều thứ bẩy”… Nghĩa là phải có nhiều “chiêu thức” sao cho hấp dẫn người đọc, trang trí trình bày thế nào bắt mắt người xem. Tất cả là do sự năng động, chủ động của anh chị em…
Vũ Hà: Nhưng làm thế nào phát huy tính năng động, chủ động của các đồng sự?
Huy Thịnh: Tôn trọng và thật tình. Tôn trọng mọi ý tưởng, sở trường, sở đoản của mỗi người. Ai phụ trách lĩnh vực nào phải chuyên sâu, phải là chuyên gia của bản báo về lĩnh vực ấy. Không can thiệp thô bạo phong cách viết của họ. Cán bộ phụ trách chỉ “căn chỉnh” vấn đề cho chính xác, câu chữ chuẩn mực, giữ gìn sự trong sáng của Tiêng Việt. Trước khi làm điều đó, trao đổi với nhau thật tình. Gợi ý cho phóng viên tự điều chỉnh. Vừa “ấm tình đồng nghiệp” vừa được việc. Chẳng cần phải đao to búa lớn với nhau làm gì…
Vũ Hà: Thế còn với cộng tác viên?
Huy Thịnh: Làm nghề lâu năm anh chẳng lạ. Cộng tác viên là lẽ sống còn của tờ báo. Chỉ chăm chắm dăm người trong ban biên tập, có tài thánh cũng không thể xoay xỏa hết bài vở. Rất dễ sa vào đường mòn, nhạt nhẽo. Cứ “lối cũ ta về”, bài nào cũng giọng điệu, sao có thể “câu khách”. Bởi vậy, mỗi phóng viên chúng tôi đều có danh sách dài hàng gang tên tuổi cộng tác viên. Xuân thu nhị kỳ lại trân trọng mời cộng tác viên đến tòa soạn trao đổi, mạn đàm, lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình của họ. Còn trong thâm tâm bao giờ cũng coi cộng tác viên là những thượng khách. Chấp nhận đủ phong cách viết, miễn là nhiều thông tin mới lạ, có cái nhìn đúng đắn, rộng mở, độc đáo. Cố nhiên phải từ chối những bài viết đi ngược tiêu chí của báo, viết nhạt nhẽo, cẩu thả, cực đoan…
Vũ Hà: Nếu có thể ngắn gọn về cái dễ, cái khó của nghề làm báo, Huy Thịnh nói gì?
Huy Thịnh: Viết đúng thì dễ, viết trúng mới khó. Viết dở quá dễ, viết hay, thậm khó. Để đọc cho qua, thì dễ. Để cho người ta nhớ, quá khó!
Vũ Hà: Nghĩ về nghề báo hiện nay ở xứ ta, theo ông, cần gì nhất trong những điều cần nhất?
Huy Thịnh: Tính chuyên nghiệp và bản lĩnh. Chuyên nghiệp có đẳng cấp. Bản lĩnh kiên định, vững vàng.
Vũ Hà: Tôi rất đồng thuận với ông. Nhưng làm thế nào để trở thành nhà báo chuyên nghiệp, có bản lĩnh?
Huy Thịnh: Phải luôn nhớ câu nói của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?
Vũ Hà: Cám ơn nhà báo Huy Thịnh về cuộc chuyện trò lý thú này.