Loạt 3 bài “Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đoạt giải B của nhà báo Thanh Thảo, phóng viên báo Công lý là một trong số đó. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với chị xung quanh tác phẩm này.
Theo chị báo chí có trách nhiệm như thế nào đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí?
- Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Chính vì thế mà đề tài này có thể nói là cũng “khó nhằn” với phóng viên, phần vì khó ở cách thu thập thông tin và thể hiện, phần khác vì nó có thể "động chạm" đến lợi ích một số người.
Việc phòng, chống tham nhũng hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế, việc chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát đã tạo “kẽ hở” cho việc lạm quyền để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu rèn luyện đạo đức, tham lợi, vụ lợi bất chính...
Trách nhiệm của báo chí là phải tìm ra các “kẽ hở” đó, góp tiếng nói của mình cho công tác phòng, chống tham nhũng được hiệu quả. Sự vào cuộc của báo chí không phải chỉ có tác dụng ở việc phát hiện các vụ việc tham nhũng, mà quan trọng hơn là khích lệ tinh thần đấu tranh chống tham nhũng trong toàn xã hội để cho mọi người, các tầng lớp nhân dân được giám sát và được tham gia vào công cuộc đấu tranh này, thông qua đó thúc đẩy dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.
Trở lại với tác phẩm đạt giải của chị, tại sao chị lại không lựa chọn những đề tài như điều tra phản ánh mà thay vào đó lại chú trọng những nhân tố điển hình?
- Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện, theo dõi quá trình xử lý các vụ việc; phát hiện những hạn chế, bất cập của thể chế pháp luật, cơ chế chính sách dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực…
Bên cạnh đó, theo tôi, báo chí khi tham gia vào công cuộc này cũng cần đẩy mạnh nêu gương và nhân rộng những tấm gương tốt, việc làm tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, tốt đẹp. Những nội dung này chưa được nhiều phóng viên, các đơn vị báo chí quan tâm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vấn đề đặt ra là ai nêu gương cho ai? Đó chính là: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Thêm nữa, việc nêu gương những điển hình tiên tiến là một phương pháp giáo dục hiệu quả đặc biệt là giáo dục đạo đức con người. Giáo dục đạo đức là giáo dục con người tiếp nhận và thực hành theo những chuẩn mực được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, nhất là trong những giai đoạn có những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, khi đó lối sống, các chuẩn mực đạo đức vốn đã trừu tượng, không chỉ cũng biến đổi theo mà nhiều lúc còn trở nên lẫn lộn, rối rắm, phức tạp.
Trong bối cảnh đó, chỉ ra được một tấm gương sẽ có tác dụng rất lớn trong sinh hoạt tư tưởng và định hướng tâm trạng xã hội. Khi xã hội hướng đến những giá trị đạo đức tốt đẹp thì tham nhũng, lãng phí- căn bệnh trầm kha cũng không có đất để gieo mầm.
...Và cơ duyên nào đã đưa chị đến với những người công nhân lao động ấy?
Trước đây, khi còn là phóng viên của Tạp chí Lao động Bình Dương, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với anh chị em công nhân lao động. Tôi nhận thấy, những sáng kiến của họ rất “đặc biệt” và nó đem lại lợi ích rõ ràng cho doanh nghiệp. Tôi mất khoảng 2 tháng tiếp cận và lăn lộn cùng anh chị em công nhân lao động ở các khu công nghiệp của Bình Dương để thực hiện loạt bài “Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Việc liên hệ để đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Sau đó, tôi đến gặp trực tiếp chủ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở để lắng nghe, tìm hiểu về phong trào “Lao động giỏi- Lao động sáng tạo” tại đây. Tôi may mắn, khi được các anh chị cán bộ công đoàn cơ sở hỗ trợ rất nhiệt tình, ngay cả các anh chị công nhân cũng rất hào hứng chia sẻ quá trình từ lên ý tưởng cho đến khi bắt tay vào thực hiện cải tiến.
Đối với một tỉnh phát triển công nghiệp như Bình Dương, với khoảng 1,2 triệu lao động, họ là những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu xuất sắc góp phần quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Vì sao nhân vật được chị hướng tới lại là những công nhân công đoàn, những đối tượng rất bình dị mà không phải đối tượng nào khác, thưa chị?
Chúng ta biết rằng, lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người và cũng chính lao động tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho xã hội. Đảm bảo việc làm và tăng năng suất lao động là nguồn gốc của phát triển kinh tế xã hội. Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có thể làm lợi về giá trị vật chất và giá trị tinh thần thi đua, hăng say với công việc, phát huy khả năng sáng tạo, tăng sự đoàn kết, gắn bó với đơn vị doanh nghiệp.
Bởi lẽ đó, trong loạt 3 bài “Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, tôi đã lựa chọn những doanh nghiệp, công đoàn cơ sở có cách làm hiệu quả trong việc động viên, khích lệ người lao động hăng say lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Đối tượng phản ánh của tôi trong tác phẩm còn là những công nhân lao động có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bản thân họ đã được doanh nghiệp, công đoàn cấp trên và UBND tỉnh Bình Dương tuyên dương khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động giỏi- Lao động sáng tạo”, có những sáng kiến đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Thông qua loạt bài viết chị muốn gửi đến công chúng thông điệp gì?
Một thông điệp vô cùng đơn giản, dù chúng ta làm gì, ở vị trí nào thì hãy cứ cố gắng hết mình, thành công sẽ không bỏ quên chúng ta.
Trân trọng cảm ơn chị!
Theo Minh Khuê/Báo Công luận
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên