Nhà báo Lê Minh Toản – Tổng Thư ký Tòa soạn báo Tiền Phong: "Vì bạn đọc, chúng ta phải thay đổi"

Thứ hai - 08/07/2019 10:25
“Có những số báo, chúng tôi mở 3 chuyên đề, mỗi chuyên đề chạy dọc hết cả 2 trang với lượng thông tin đầy ắp, sôi động. Cách làm chuyên đề này vừa đảm bảo nguyên tắc của nghề báo là tiếp cận sự vật, sự kiện đa diện, khách quan, biện chứng" - Tổng TKTS báo Tiền Phong Lê Minh Toản nhấn mạnh.

Giá trị thặng dư sau ngồn ngộn những thông tin

+ Ông Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong từng nói: “Chúng tôi không chạy theo sự cạnh tranh với mạng xã hội và báo điện tử về thông tin nhanh được mà buộc phải đi vào các chuyên đề. Và được biết là, một trong những người hiện thực hóa câu chuyện “chuyên đề”  này chính là anh?

- Câu chuyện nằm trong bối cảnh bùng nổ thông tin, là thách thức không chỉ riêng với báo Tiền Phong mà là với tất cả các tờ báo giấy, nhất là những tờ báo in có đi kèm một tờ online. Những tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động… trong đó có cả Tiền Phong, lượng phát hành bị ảnh hưởng không nhỏ. Với Tiền Phong, phát hành không “rơi" theo kiểu sốc mà cứ giảm dần, giảm dần đều và chúng tôi nhìn thấy được điều đó.

Tuy nhiên, Báo Tiền Phong đã tìm thấy cơ hội trong chính những khó khăn. Chúng tôi chọn đây là dịp để làm mới mình, buộc mình phải thay đổi. Tôi được Ban Biên tập giao kiến thiết lại diện mạo của tờ báo và tìm triết lý đi mới cho nó. Mặc dù triết lý có thể chưa bao quát hết tinh thần của tờ báo nhưng cũng đã chọn được một từ khóa để tờ báo giấy có thể tồn tại được. Tôi xây dựng toàn bộ đề án đổi mới tờ báo và may mắn được rất nhiều người ủng hộ, từ việc fomat, các chuyên mục, chuyên trang được tái cơ cấu, sắp xếp lại ra sao và chọn đối tượng bạn đọc đích như thế nào. Có một vấn đề cần quan tâm là, với báo giấy, khi nó đi song song với tờ online chúng ta không thể biến tờ online là phiên bản của tờ báo giấy và ngược lại. Không phải trên online có cái gì thì trên báo giấy phải có cái đó. Chúng ta không thể và không nên có một cuộc chạy đua không cân sức với báo điện tử, mạng xã hội được.
Nhà báo Lê Minh Toản – Tổng Thư ký tòa soạn báo Tiền Phong.
Nhà báo Lê Minh Toản – Tổng Thư ký tòa soạn báo Tiền Phong.
+ Vậy chạy đua như thế nào thì cân sức, thưa ông?

- Tôi nghĩ là chúng ta phải gạn lọc trong từng sự kiện. Quan điểm lớn nhất của tờ Tiền Phong là gì? Là phải tìm cho được cái mà người ta gọi là giá trị thặng dư sau ngồn ngộn những thông tin đó. Bởi vì chúng ta đã lùi lại một bước thì chúng ta phải mang đến cho công chúng của mình những lắng đọng và tinh túy nhất của thông tin ấy. Có một câu rất quen thuộc là “Khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra”, và chúng ta phải nhìn thấy nó và nắm bắt được nó. Cơ hội trong ăm ắp khó khăn và bừa bộn thách thức, đó là cách để tồn tại. Chiều hướng của tờ Tiền Phong là gì? Là chiều hướng tổ chức các chuyên đề để khai thác chuyên sâu. Trong ngổn ngang các thông tin mà người ta ném lên mạng xã hội và online thì anh phải lắng lại, đúc kết, xâu chuỗi và nâng vấn đề lên. Nếu chúng ta cũng chộp giật, trên mạng có gì chúng ta cũng đưa hết lên báo thì không khác gì chúng ta đánh nhau với cối xay gió. Báo giấy lúc đó như một người làm quản trị, không ngập vào sự vụ mà phải ngồi trên sự vụ để nhìn ra vấn đề mà bạn đọc cần, quan tâm. Quan trọng nữa là tờ báo giấy có được lợi thế mà các tờ online không có, đó là “độ mở” về giao diện.

+ Về mặt giao diện của báo giấy, tôi tưởng nó bị bó hẹp trong khuôn khổ tờ báo chứ, thưa ông?

- Đó cũng là điều thú vị của cách làm chuyên đề trên báo giấy. Nếu chúng ta biết tổ chức hợp lý thì người đọc sẽ nhìn giao diện đó mở hơn, rộng hơn, tác động vào thị giác người đọc. Nếu trên báo điện tử phải click chuột để đi tìm từng chuyên mục bổ trợ cho nhau, rồi hàng loạt các bài “ăn theo” một đề tài, rất mất công tìm kiếm, sàng lọc và khó có được cái nhìn tổng quát thì với chuyên đề trên Tiền Phong, chúng tôi tổ chức thường trên 2 trang đôi, mở ra đã thấy ngồn ngộn và rộn ràng thông tin, nó sẽ khiến thị giác người đọc thích thú hơn, nhất là lứa tuổi 35 - 50. Ví dụ như chuyên đề về điện, sẽ thấy góc này là ý kiến chuyên gia, góc kia là người dân phản ánh và góc khác là phía nhà quản lý, các cơ quan chức năng giải trình...  Có những số báo, chúng tôi mở 3 chuyên đề, mỗi chuyên đề chạy dọc hết cả 2 trang với lượng thông tin đầy ắp, sống động. Cách làm chuyên đề này, vừa đảm bảo nguyên tắc của nghề báo là tiếp cận 1 vấn đề đa diện, như là hình 3D. Chính điều đó tạo nên sự tin cậy của bạn đọc đối với một sản phẩm báo chí. 

“Chúng tôi đứng về phe nước mắt”

+ Vậy là câu chuyện “thay đổi” bắt nguồn từ nhu cầu của bạn đọc, thưa ông?

- Đúng vậy, trước đòi hỏi của bạn đọc, chúng ta phải thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào? Nếu như chúng ta cứ nghĩ rằng, ừ cần phải thay đổi mà không có sự khảo sát thực tế nhu cầu thì sự thay đổi đó sẽ không hiệu quả. Đứng trước sự thay đổi này, Tiền Phong đã có cuộc khảo sát tới các độc giả. Thay đổi vì bạn đọc, đó là triết lý và triết lý này phải được phổ biến, quán triệt đến tất cả các bạn phóng viên đó là viết những gì bạn đọc cần chứ không phải viết những cái chúng ta “khoái tay”… Tức là luôn luôn đứng ở tâm thế bạn đọc để đòi hỏi, đặt ra câu hỏi. Toàn hệ thống phóng viên Tiền Phong phải quán triệt điều đó.  Anh không thực hiện thì anh sẽ bị out. Nói một cách giản dị, anh phải viết vấn đề về cuộc sống, xã hội đang đặt ra, không phải vấn đề anh thích.

+ Như vậy đồng nghĩa với việc, đòi hỏi người viết phải “dấn thân” và ngụp lặn trong đời sống?

- Đúng vậy, chúng tôi luôn khuyến khích phóng viên tác nghiệp trên tinh thần đó. Do đó nhiều tuyến bài của Tiền Phong buộc phải dấn thân. Là anh phải nhập thân vào, hóa thân vào đó. Có những tuyến phóng sự điều tra, anh phải là cửu vạn đi, là phu hồ đi, anh phải chui xuống hầm than đi mới thấy được nỗi khắc khoải của họ... để thấy họ cần gì, để chia sẻ và thấu hiểu. Quan điểm làm báo của Tiền Phong càng ngày càng dân sinh hơn, nói đúng hơn là “chúng tôi đứng về phe nước mắt”. Thế nên, từ phóng viên đến biên tập viên luôn luôn phải tạo cho mình một “góc nhìn” đủ sâu để mà khi Thư ký cầm bản thảo của phóng viên thì ít nhất phải nhìn ra được thông điệp là gì và đối tượng hướng đến là ai? Nếu nó không nằm trong đối tượng đích mà Tiền Phong hướng đến thì sẽ bỏ, loại không thương tiếc dù phóng viên có nhọc công đến bao nhiêu.
baotienphong

+ Phóng viên nhọc công mà bị vứt bài vào thùng rác thì chắc bao nỗi ấm ức lại đổ lên đầu Tổng Thư ký tòa soạn?

- Cũng đành thôi, đó là một nghề mà có người còn bảo “như cái thùng rác” như “cái nắp cống”. Còn phóng viên báo Tiền phong thì bảo “Trên đời này chỉ có hai loại người, một là người tử tế, hai là Thư ký tòa soạn” (cười!!!). Nhưng đó là trách nhiệm của bộ phận “gác cổng” cho BBT. Chúng tôi phải thật sự công tâm, trong sáng. Những sản phẩm xen, lồng, nửa nạc, nửa mỡ vừa có chút thông tin vừa lãng đãng màu sắc PR sẽ không được chấp nhận. Tức là chắc chắn ở đây sẽ không có những sản phẩm lỗi, sản phẩm 5 ăn 5 thua, sản phẩm “thịt ba chỉ”, vừa đánh đấm, vừa mơn trớn. Điều đó không tránh khỏi trong cơ chế thị trường. Trong việc gác cổng, chỉ cần “lao xao” đi một chút thì mình sẽ... vẽ đường cho hươu chạy, hơn 100 phóng viên sẽ lao vào một cuộc chạy đua theo tiếng gọi của đồng tiền. Và lúc đó, tờ báo chính trị - xã hội sẽ đánh mất hoặc rời xa tôn chỉ mục đích của mình. Ở báo, tất cả anh em khi mà đã đồng tâm, hiệp lực, trong sáng, không vụ lợi, không toan tính thì tờ báo mới thực sự là chỗ dựa tin cậy của bạn đọc.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

 
Minh Vinh (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây