Nhọc nhằn nhà báo vùng cao

Thứ tư - 24/07/2019 08:05

Họ là một trong cả nghìn con người đang ngày đêm đánh đu với chốn thâm sơn cùng cốc để đeo đuổi thông tin cho cơ quan chủ quản của mình. Vất vả, truân chuyên, mỗi câu chữ, mỗi đồng tiền nhuận bút có thể khó đủ sức để lý giải cho việc lựa chọn, bám trụ và ở lại của họ.

 

Phải chăng nghề và nghiệp, sự đam mê, nhu cầu được đi, cùng sự bám đuổi thông tin mới là cái để lý giải cho cái sự chấp thuận, gật đầu, lên đường và ở lại với vùng cao của họ - những nhà báo luôn được anh em làm nghề gọi với cái tên đầy thân mật: “Nhà báo vùng cao”.

Hiện nay, đối với các tỉnh miền núi, ngoài lực lượng phóng viên báo, đài nơi sở tại khai thác thông tin, để nắm bắt và chiếm lĩnh “thị phần”, bạn đọc, nhiều đầu báo Trung ương (Gọi như vậy vì cơ quan chủ quản được đặt dưới Hà Nội) cũng cử nhiều phóng viên nhà báo lên đây cắm vùng. Tùy từng đặc thù, khả năng tài chính mà việc chi trả (nhuận bút, lương, thù lao vùng miền) có khác nhau nhưng tựu trung lại, đa số “Nhà báo vùng cao” mà tôi đã gặp – những người sống thực chất bằng nghề, bằng thông tin, bằng thu nhập của chính các cơ quan chi trả tôi thấy họ vẫn phần lớn đều là những người truân chuyên cả.

Những khoảnh khắc hết sức quen thuộc của nhà báo Nguyễn Thanh Thủy khi đi tác nghiệp vùng cao (người thứ 3 từ phải sang).
Những khoảnh khắc hết sức quen thuộc của nhà báo Nguyễn Thanh Thủy khi đi tác nghiệp vùng cao (người thứ 3 từ phải sang)

Nhiều anh em “Nhà báo vùng cao” tôi đã gặp, với những câu chuyện tấc lòng, khi mà sự so sánh được đưa ra, không ít người chạnh lòng. Có những người đã bảo với tôi: “Nói thật, nếu so sánh với giáo viên hay cánh lính biên phòng ở huyện biên giới hay có cái cụm từ “30A” (xã, huyện miền núi nghèo) mà cắm vào thì thu nhập của họ hơn đứt cánh ta và công việc đôi khi nhàn hơn rất nhiều. Lên đây, nghề này, vốn được dân bản và cán bộ sở tại mệnh danh “Cơm đường, cháo chợ, ở... lung tung” nhưng xem ra cứ xa thông tin, rời máy tính là đói no có ngày ngay”.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhiều người thuộc hạng “Nhà báo vùng cao” cho biết, bước chân vào nghề này thì rời xa nó cũng không phải dễ. Ngay như anh bạn tôi, một người gạo cội, có thâm niên làm “Nhà báo vùng cao” cũng đã có lần định bẻ lối giữa đường để sang làm một công việc khác, cũng là công chức, nhàn nhã và có thu nhập cao hơn nhiều. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, lại thấy anh “lối cũ ta về” và tiếp tục với sứ mệnh “Nhà báo vùng cao” trước đây đã lựa chọn. Hỏi, anh bảo, trước kêu khó, muốn rẽ lối là vậy, nhưng “về với đời thường”, lại thấy nó bứt rứt. Và suy tính, cuối cùng lại quay lại nghề trước sự ta thán của bao người, trong đó có cả những người gần gũi nhất như cha mẹ, vợ con.

Làm “Nhà báo vùng cao” – Những người sống thuần mộc nhất với nghề chả cần kể, nhìn cũng không ai bảo họ sướng, kể cả với đồng nghiệp dễ tính nhất. Đơn cử như Lê Hoàn của Tạp chí Văn Hiến. Học xong, ra trường, qua một số nơi, thấy Tạp chí Văn Hiến hợp mình, hợp nghề, Hoàn ở lại. Trước nhu cầu thông tin cho trang điện tử, sau khi nghe lãnh đạo gợi ý, không nề hà, Hoàn đã xung phong lên Hà Giang – mảnh đất nơi mệnh danh là “Tột Bắc” để cắm chốt. Trông Hoàn, từ cái xe, đến bộ đồ dùng...,  tất cả đều toát lên sự lam lũ.

Hoàn bảo, lên đây, ngoài thu nhập đủ sống thì tiền để rải đường, rải sá đối với “Nhà báo vùng cao” là cả những cái khó có thể thống kê. Cũng theo Hoàn, ở cái tỉnh miền núi này, ngoài Thành phố Hà Giang và 2 huyện miền dưới thì 7 huyện còn lại cứ ra khỏi nhà là... thấy dốc, thấy vực. Nhiều huyện muốn vào lấy thông tin, nổ máy là xe phải phọt khói xanh khói đỏ mới đi được. Cũng vì núi, dốc và đá nên thông thường nếu các tỉnh, huyện miền xuôi, đôi lốp chiếc xe máy có thể dùng đến 2 hoặc 3 năm thì trên này chỉ 6 đến 7 tháng sẽ bị đường và đá “gặm” mất, phải thay. Cũng chiếc xe ấy, nếu vùng dưới, có thể 10 năm vẫn chạy tốt nhưng trên này nếu chăm tốt thì 5 -7 năm cũng đã “quạt chả” (sắp hỏng máy) và phải thay. Phương tiện như vậy, con người “khấu hao” với nghề cũng không phải là chuyện nhỏ.

Hiện tại, với Hà Giang – một tỉnh ngút ngàn đá nhưng Tạp chí Văn Hiến chỉ có mỗi Hoàn làm “chủ sị”. Hoàn bảo với 3 huyện miền thấp của Hà Giang thì không sao chứ với 7 huyện vùng cao như Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì thì mỗi lần đi và lấy thông tin là cả một tá những sự cơ cực. Đơn cử như từ Thành phố Hà Giang lên đến Đồng Văn, có độ dài đúng 150km và là tuyến đường thử sức với kẻ yếu tim. Nếu không có sự đam mê về ngành và nghề, đam mê về câu chữ và chức danh được mệnh danh là người đưa tin cho xã hội thì khó có người theo và đeo bám được một thời gian dài.

Tuy nhiên, cũng niềm đam mê nghề và nghiệp, được tiếp cận và đưa thông tin, được chiêm nghiệm các vùng miền mà Hoàn đã bám trụ ở đây. Từ đam mê, dấn thân và đôi khi cả sự mạo hiểm, nay Hoàn đã coi Hà Giang là quê hương thứ 2 của mình, ấy là khi Hoàn đã lên duyên cùng với một cô phóng viên báo tỉnh. Dưới chân núi Mỏ Neo buông mình bên bờ sông Lô đầu nguồn đang duềnh nước vào những đợt mưa đầu Hạ, Hoàn bộc bạch: Mình sẽ bám nghề, bám mảnh đất Tột Bắc này để đưa tin viết bài nếu như không có biến cố lớn được đưa đến với cuộc đời.

Tác nghiệp nơi bìa rừng, đến với dân bằng sự đam mê vượt khó của nghề là một trong những phẩm chất của “Nhà báo vùng cao” (nhà báo Xuân Tuấn – Một trong những người được mệnh danh “Nhà báo vùng cao” đang tác nghiệp với người Ma Coong tại miền Tây Quảng Bình).
Tác nghiệp nơi bìa rừng, đến với dân bằng sự đam mê vượt khó của nghề là một trong những phẩm chất của “Nhà báo vùng cao” (nhà báo Xuân Tuấn – Một trong những người được mệnh danh “Nhà báo vùng cao” đang tác nghiệp với người Ma Coong tại miền Tây Quảng Bình).

Trong hàng ngàn “Nhà báo vùng cao” thì Kiều Thiện – Trưởng đại diện của danviet.vn (Báo điện tử Báo Nông thôn Ngày nay) tại khu vực Tây Bắc bao gồm các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cánh báo chí thường trú, hay cánh phóng viên, nhà báo hay đi công tác qua miền này hẳn chả còn gì phải lạ. Trước không phải dân đào tạo chính quy, nhưng do đam mê, trong bước đường mưu sinh, anh thanh niên sinh năm 1967 này đã “lưu lạc” lên miền Tây Bắc rồi lấy báo chí làm thú đam mê. Sau anh được Báo Sơn La tuyển lựa, từ phóng viên phụ trách huyện, bằng sự ham đi và ghi điểm về thông tin, anh trở thành Trưởng phòng phóng viên.

Về sau, để “địa hạt” thông tin được mở rộng hơn, bằng sự cộng tác và mời mọc, anh đã về Báo Nông thôn Ngày nay và đảm trách Trưởng đại diện khu vực Tây Bắc với ngút ngàn đá cùng con sông Đà hùng vĩ. Vẫn điếu cày, ba lô, xe máy là chính, Kiều Thiện ruổi rong với các cung đường. Anh bảo, làm cái thiên chức anh “Nhà báo vùng cao” này cũng có cái khổ và có cái sướng. Khổ về đi lại, tác nghiệp nhưng bù lại là sự tín nhiệm của người dân. Ở đâu người dân khó, người dân khổ là anh “phi” đến. Ghi nhận, gửi bài về cho cơ quan, rỗi bẵng đi, tạm quên, rồi một ngày trở lại, miền đất anh đã đặt chân đến, sau thông tin, đồng bào nghèo được cởi trói bằng các chính sách, các vùng đất lắm tệ nạn đã được quan tâm và thuyên giảm... Chả cần phải liên hệ đặt việc, chả phải giấy giới thiệu và rút thẻ làm nghề để trình, cứ thấy anh là nhiều người lại mang cái tên cúng cơm ra gọi, rất trân trọng và nâng niu. Với anh như thế là quá đủ để tiếp tục thêm sự đam mê cho mình và dấn bước đi lên.

Nói về cánh “Nhà báo vùng cao” ở khu vực Tây Bắc thì Nguyễn Thanh Thủy đang công tác ở VOV Tây Bắc cũng không là trường hợp ngoại lệ. Gặp Thủy ở đời thường, không ai nghĩ tiềm ẩn trong cái cơ thể nữ nhi thường tình ấy lại là một “bản năng” đi lại và xông xáo. Khắp một dải biên viễn xa tít tắp của các tỉnh kéo dài từ Sơn La, qua Lai Châu rồi tới Lào Cai, bước chân của người mẹ của một gia đình với 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học ấy vẫn đi suốt. Tâm sự, Thủy bảo, nghề báo đã được mệnh danh là cơ cực nhưng có lẽ “Nhà báo vùng cao” thì nỗi cơ cực ấy còn nhân lên gấp nhiều. Mỗi con đường tác nghiệp, cất bước ra đi là cả một sự suy tính từ đồng tiền tiêu pha, sự nguy hiểm, thậm chí còn là cả tính mạng của mình.

Nhưng vượt lên tất cả, bằng tài thao lược, thu xếp công việc gia đình nên Thủy vẫn đi, vẫn làm nghề với những tin bài trong đó mạnh nhất là vấn đề cảnh báo, điều tra trong mỗi dòng tin tức của mình!
 

Đức Tuyền

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây