Một đời đam mê và cống hiến

Thứ hai - 22/07/2019 07:30
Nhà báo, nhà văn Phan Quang bước qua tuổi 91 vừa ra mắt bạn đọc tập sách quý thứ 53 của ông “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019); kỷ niệm 94 năm ngày Bác Hồ xuất bản Báo Thanh Niên - 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019). Bạn bè, đồng nghiệp quý thân gửi thư điện tử, nhắn tin, gọi  điện thoại tới Phan Quang: “Rất chúc mừng người bạn vong niên”; “Chúc mừng anh sự thông tuệ, uyên bác - tuyệt vời!”; “Bước qua 90 mùa xuân mà  sức lao động sáng tạo của Phan Quang thật phi thường, không ngơi nghỉ!”… Ngày 15/5/2019, tại Hà Nội, cuốn sách quý này được Đài Tiếng nói Việt Nam, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ra mắt và giới thiệu  rộng rãi với đồng nghiệp, công chúng yêu sách.
 
111

Đầu tháng 5/2019, từ TP. Hồ Chí Minh, bà Xuân Phượng, một người bạn thân cũng đã bước vào ngưỡng tuổi 90 viết thư điện tử mừng người anh, người bạn cao niên Phan Quang. Được sự đồng ý của người trong cuộc, tác giả bài viết này xin chép lại nguyên văn thư điện tử Xuân Phượng gửi Phan Quang. Xuân Phượng viết: “Rưng rưng cảm động những đêm “bán cháo phổi” với những bộ phim Pháp được “dịch đuổi”, được nhìn ánh mắt trìu mến và tiếng vỗ tay của bạn bè đến xem phim, được “thù lao” một gói đường 250 g, một hộp sữa. Hai món quà này phải mang ra góc phố Hàng Đường (Hà Nội) để bán lấy tiền đi chợ cho bữa ăn của 3 đứa con; không dám cho con ăn 1 thìa đường, mặc dù chúng rất thèm. Tôi nhớ mãi một đêm trời lạnh, xem xong bộ phim “Mặt trời đỏ”, chiếu ở xưởng phim Quân đội, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ ôm lấy tôi, Vũ trao cho tôi một  bắp ngô nướng còn nóng hổi. Tôi mang về chia lại cho mấy con, chúng nó ăn ngon lành trong đêm lạnh. Bộ phim “Sông Seine đã gặp gỡ Paris” kết thúc trong tiếng vỗ tay khen hình ảnh đẹp, lời bình thấm thía, ngọt ngào, sâu lắng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà anh Quang (Phan Quang) còn nhớ những buổi chiếu phim đặc biệt ấy, làm tôi cảm động nghẹn ngào. Mặc dù tiếng Pháp của anh siêu hơn tôi, nhưng tôi không cầm lòng được mà muốn chia sẻ với anh sự rung động sâu sắc khi xem hình ảnh và lời thơ của Jacques Prévert - những vần thơ gối đầu giường của tôi. Vậy thì anh Quang chịu khó đọc vậy nhé…”. 

Trong một thư khác ngay sau đó, Xuân Phượng viết: “Anh Quang thân mến! Tôi vừa nhận được sách “Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, anh gửi tặng. Tôi đọc một mạch và muốn viết thư đến anh ngay. Qua những nhân vật anh đã gặp như Jean Lacouture, Madeleine Riffaud, Marc Riboud... tôi càng nhớ lại thời hoạt động sôi nổi của tất cả chúng ta. Nay bạn bè cùng thời còn lại không nhiều nên được đọc những thông tin đầy đủ và chính xác của anh, thật là một điều vô cùng quý báu. Sự thông tuệ của anh thật đáng trân trọng và giữ gìn. Có lẽ chữ “Xưa nay hiếm” áp dụng vào anh là chính xác và đầy đủ hơn cả.

Chỉ tiếc là hôm hội thảo (Hội thảo năm 2018 tại Hà Nội về bộ phim “Vĩ tuyến 17 -  chiến tranh nhân dân” của nhà đạo diễn phim Hà Lan Joris Ivens - PQT), chúng ta không có nhiều thì giờ nên không thể nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhưng nói ít hiểu nhiều, sự cảm thông giữa những người như chúng ta cũng không cần phải mất nhiều thời gian hay xa cách vì không gian mà giảm đi phần quý mến nhau.

Khi đang viết thư này thì tôi nhận được giấy mời của bà Anne Hidalgo, thị trưởng thành phố Paris mời tôi ngày 10/5/2019 sang dự lễ đặt tên đường: La promenade Marceline Loridan - Ivens ở ven sông Seine. Tôi rất xúc động khi nghĩ đến con người nhỏ nhắn đã từng trải qua ác mộng  trại tập trung của phát xít Đức, những bước chân nhỏ bé của bà ấy đã lặn lội trên khắp các xã Vĩnh Mốc, Vĩnh Kim (Quảng Trị) lổn nhổn đất đỏ và mảnh đạn. Và nay ở Paris đã có một con đường đi bộ hiền hòa, rợp bóng mát mang tên Marceline Loridan - Ivens, ngày ngày đón chào những bước chân tản bộ nhàn nhã của hàng vạn người trên thế giới. Vương vấn trong bầu không khí hòa bình ấy có anh linh của Marceline, của Ivens... Như một duyên nợ tiền định, năm 1958, Ivens đã làm một bộ phim tài liệu được giải Cành Cọ Vàng tại Cannes: "Sông Seine đã gặp gỡ Paris", với lời thơ của Jacques Prévert. Phần cuối của bộ phim này có mấy câu (tôi tạm dịch lời thơ khi chiếu phim này tại Hà Nội năm 1967), như sau:

…Vì vậy
Khi dưới vòm Cầu Mới
Gió ngày tàn vong thổi tắt ngọn nến của đời tôi
Khi tôi đã lánh xa những bận rộn của cuộc đời
Khi tôi đã vĩnh viễn yên thân
           Ở những nghĩa địa
           Tôi sẽ mỉm cười và tự nhủ
           Đời tôi đã từng có sông Seine
           Đã từng có tình yêu
           Đã từng có nỗi khổ đau
           Và đã từng quên lãng.
Thuở ấy
Đã từng có sông Seine
Và thuở ấy
Đã từng là Cuộc Sống...
Giữa nhốn nháo, xô đẩy của cuộc đời thường, mến gửi đến anh vài dòng để cảm ơn anh và cũng là gửi thêm vài dòng tâm sự.
Mong anh khỏe  và hy vọng đọc thêm được nhiều sách của anh”.
* * *
Xuân Phượng 90 mươi tuổi đời, với bức thư gửi người bạn tuổi 91, quả là rất minh mẫn và thông tuệ. Bà sinh năm 1929 tại  Huế, năm 1930 theo  gia đình vào Đà Lạt sinh sống; năm 1945 bà trở về Huế, là nữ sinh Trường Quốc học Huế, tham gia phong trào học sinh Cứu quốc tại thành phố quê hương. Tháng 10/1945 thoát ly gia đình đi theo kháng chiến, tham gia đoàn tuyên truyền kháng chiến Trung bộ và Liên khu 4, dưới quyền của nhà báo, nhà lý luận Mác-xít Hải Triều. Những năm hoạt động sôi nổi ở Liên khu 4, Xuân Phượng quen biết rồi trở thành bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí  thân quý với Phan Quang, phóng viên Báo Cứu quốc Liên khu 4 suốt mấy chục năm, từ đó đến nay. Xuân Phượng hoạt động trong giới báo chí, nghệ thuật, điện ảnh, thạo tiếng Pháp, làm phim; công việc thực thụ của bà nhiều khi như một nữ  phóng viên chiến trường vào sinh ra tử của thời bom đạn, coi cái chết - vì Tổ quốc nhẹ tựa lông hồng.

Từ Liên khu 4 trở ra Hà Nội tiếp quản thủ đô, Xuân Phượng cũng như nhiều cán bộ khác  làm những công việc khác nhau, do tổ chức phân công, từ nhân viên kỹ thuật quân giới; phóng viên “thóc gạo” phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; y sĩ cao cấp; phiên dịch viên; phóng viên truyền hình; đạo diễn điện ảnh… Con người đa tài, tổ chức giao việc gì hoàn thành xuất sắc việc ấy. Xuân Phượng vẫn thường nhắc lại, trong một số lần cùng gặp, tác nghiệp với Phan Quang - cũng là “con dao pha” tài hoa văn chương, báo chí - trên các nẻo đường ra trận - dịch thuật cho các  đoàn làm phim nước ngoài. Có thời điểm chiến tranh ác liệt, bất chợt gặp Phan Quang trên các tọa độ lửa bến phà Xuân Sơn, Quán Hàu, Bến Thủy… Trong một lần, tại phà Bến Thủy nối liền hai bờ sông Lam, trong bối cảnh Xuân Phượng và 2 con trai có nhiệm vụ mang gấp bài và  những thước phim quý  ra Hà Nội kịp phát sóng, buộc phải đóng vai đoàn phóng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản để được vượt phà nhanh gọn. Chuyện đang ngon trớn, phà nổ máy qua sông, Xuân Phượng gặp Phan Quang; Phan Quang cũng nhanh chóng phát hiện bạn thân và 2 con trai của bạn. Xuân Phượng nói át hết mọi chuyện, không để Phan Quang bắt chuyện với 2 con trai của chị đi cùng. Nhắc lại chuyện này, trong một kỷ niệm  bạn bè với Phan Quang, Xuân Phượng tủm tỉm cười: “Chúng tôi đã có một thời như vậy!…”.  

Năm 1986, Xuân Phượng nghỉ hưu, chuyển vào TP. HCM sinh sống và mở phòng tranh Lotus, tại 100 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1, tiếp tục gắn bó, đam mê  cuộc đời với hoạt động nghệ thuật, hoạt động đối ngoại nhân dân và báo chí. Rất yêu tranh, đam mê thưởng thức tranh, Xuân Phượng có cặp mắt tinh đời, tìm tranh, chọn tranh nghệ thuật hợp thời của các họa sĩ Việt Nam giới thiệu ra thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè 5 châu. Năm 1991, phòng tranh của Xuân Phượng  mới có 27 bức, đến năm 2018 phòng tranh Lotus của bà đã lên hơn 2.000 bức. Xuân Phượng có nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2019, Xuân Phượng  90 tuổi, nhưng công việc ở phòng tranh Lotus vẫn đều đặn đến với bà từ 9 giờ sáng đến 18 giờ chiều mỗi ngày. Năm 2016, Xuân Phượng hướng dẫn một đoàn họa sĩ đến TP. Perth, tây Australia, một vùng sa mạc độc đáo, nằm song song với những cánh rừng ngập mặn. Cuộc triển lãm tranh Việt tại Perth lần ấy thành công mỹ mãn. Một nhà báo Australia cảm phục và đã phỏng vấn Xuân Phượng: “Bà đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi chưa?”. Xuân Phượng mỉm cười: “Như bạn biết đấy, tôi nói được tiếng Pháp lưu loát và rất mê văn học Pháp. Nhà viết kịch Molière là thần tượng của tôi. Ông ấy qua đời lúc gần 80 tuổi, ngay trên sân khấu lúc đang đóng kịch. Tôi muốn noi theo tấm gương ông ấy. Nếu đến tuổi phải ra đi mà lại ra đi trong khi đang làm việc, làm triển lãm tranh thì đó là một hạnh phúc. Chết ở trên giường hay chết trong khi đang say sưa làm việc thì tôi chọn cách chết  khi đang làm việc”. Xuân Phượng cho biết, năm 2017 bà tổ chức triển lãm tranh Việt Nam tại Marriott Phú Quốc; năm 2018 làm tiếp cuộc triển lãm tranh  tại Pháp; năm 2019 sẽ là một cuộc triển lãm tranh nhiều ý nghĩa tại TP. Saint Etienne của nước Pháp, mừng sinh nhật lần thứ 90 của người phụ nữ một đời cống hiến và làm việc không ngơi nghỉ…

Nhận thư của người bạn vong niên Xuân Phượng, Phan Quang trả lời: “Tôi vẫn đang viết; vẫn đang chuyển ngữ tác phẩm văn học nước ngoài. Sức làm việc đã giảm do tuổi tác, nhưng khi còn sức thì vẫn cứ sáng tạo, đắm say với từng con chữ …”  Hai người  bạn cao niên, bước qua tuổi 90 là tấm gương sáng cho đồng nghiệp trẻ, cho con cháu về lòng yêu nghề, đam mê công việc mà mình yêu thích. Họ cũng là tấm gương sáng về tình bạn bình dị, trong sáng, trọn vẹn, thủy chung, tiếp thêm sức mạnh cho nhau trên mỗi chặng đường cống hiến…
Phạm Quốc Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
22.jpg 49.jpg 15.jpg 42.jpg 38.jpg 7.jpg 33.jpg 67.jpg 24.jpg 50.jpg 16-1.jpg 43.jpg 39.jpg 9.jpg 34.jpg 68.jpg 27.jpg 52.jpg 19.jpg 45.jpg 12-qn1.jpg 40.jpg 36.jpg 5.jpg 71.jpg 29.jpg 63.jpg 20.jpg 48.jpg 13.jpg 41.jpg 37.jpg 6.jpg a-T.jpg 31.jpg 66.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,677
  • Tháng hiện tại4,905
  • Tổng lượt truy cập3,239,769
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây