Nhớ nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm

Thứ hai - 20/05/2019 08:48
Thấm thoát đã tròn một năm, vào buổi sáng tháng năm nắng chan hòa, không gian trong trẻo, anh Hoàng Nẫm bất ngờ về với tổ tiên, cứ như một phản ứng nghề nghiệp anh chớp lấy cơ hội ánh sáng lý tưởng, vội vàng khoác máy ảnh hướng ra cánh đồng hay rặng nhãn ngoài kia để thu vào ống kính bức ảnh mà anh đã dự định. Bởi nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật ánh sáng. Sở trường của anh là ảnh đen trắng, với chiếc máy ảnh đời cũ, không dùng phim màu, không photoshop, mãi khi về hưu mới chịu thay bằng máy ảnh kỹ thuật số. Tập danh sách ảnh "ốp kính và thời gian" của anh là tập hợp ảnh đen trắng hiếm hoi, độc đáo với giới nhiếp ảnh cả nước.
600

Năm 1953, khi vừa chớm tuổi thanh niên từ nơi tản cư ở Thanh Hóa anh đã ra nhập đơn vị thanh niên xung phong tham gia mở tuyến đường hiểm trở Cò Nòi - Pha Đin, mở đường cho bộ đội dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, anh theo ông thân sinh mở quán chụp ảnh và vẽ truyền thần tại thị trấn Ân Thi, rồi được đặc cách tuyển vào phòng tuyên truyền cổ động của Ty thông tin Hưng Yên mới thành lập. Là người gần gũi, đồng hành với anh suốt thời kỳ hợp nhất tỉnh Hải Hưng cho đến những năm đầu tái lập tỉnh Hưng Yên trước sau tôi thấy ở anh một cán bộ, đảng viên đức độ, hiền lành, một nhà bác - nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng và tâm huyết. Có thể nói anh là một nhân chứng nhân lịch sử của Hưng Yên (cả thời kỳ Hải Hưng) bằng hình ảnh. Sự nghiệp của anh là hàng nghìn bức ảnh thời sự và ảnh nghệ thuật đã phổ biến trên các báo, ấn phẩm thông tin tuyên truyền, tại các cuộc triển lãm, trưng bày. Phần lớn ảnh và phim đã chụp anh cần mẫn ghi chép vào sổ và lưu trữ trong một chiếc hòm sắt, bảo quản bằng những gói vôi bột chống ẩm, vôi được thay thế định kỳ hàng năm. Chiếc hòm tư liệu phim ảnh là cả gia tài, kho báu của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm để lại. Ta có thể tìm trong đó ký ức lịch sử từ thời kỳ đổi công, rồi Hợp tác xã, phong trào làm thủy lợi với hình ảnh về công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, hình ảnh về nữ anh hùng Phạm Thị Vách và dân công vác đất ở nhiều công trường; cảnh được mùa ở Hợp tác xã Gia Tân (Gia Lộc) đến đàn lợn nuôi tập thể ở Đức Hợp (Kim Động); hình ảnh cây thông cổ ở Côn Sơn đến cây nhãn tổ chùa Hiến; hình ảnh dân quân bắt sống phi công lái máy bay phản lực của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hưng Yên; ảnh đơn vị pháo cao xạ trực chiến bắn máy bay mỹ ban đêm ở Thiện Phiến (Tiên Lữ). Tại đây anh và máy ảnh chỉ thiếu chút nữa thì bị vùi lấp vì bom Mỹ đánh trúng trận địa. Anh là phóng viên rất có tín nhiệm nên thường được các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời đích danh tháp tùng trong các cuộc tiếp đón lãnh đạo Trung ương về tỉnh, hay tác nghiệp trong các sự kiện chính trị quan trọng ở địa phương. Sau này, mỗi lần ra số báo đặc biệt, hay xuất bản sách, mở cuộc triển lãm vào những dịp kỷ niệm lịch sử quan trọng của đất nước hay của địa phương, các Ban tổ chức, Ban biên tập thường tìm đến kho lưu trữ của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm. Tôi nhiều khi không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên chứng kiến những bức ảnh sáng sủa, rõ nét như còn mới được lưu trữ bảo quản khá lâu trong chiếc hòm với những gói vôi bột chống ẩm thô sơ nhưng rất công phu của anh.

Nhớ ngày đầu tiên tái lập tỉnh, trên chuyến xe từ thành phố Hải Dương trở về Phố Hiến, anh Hoàng Nẫm đã chụp liên tục mấy cuộn phim ghi lại khung cảnh tưng bừng của nhân dân chào đón, quang cảnh nhà cửa hai bên đường và phố xá thị xã Hưng Yên vào thời khắc lịch sử này. Chúng tôi hẹn nhau sau này có dịp sẽ trưng bày triển lãm hoặc xuất bản ấn phẩm đối chứng với những hình ảnh về sự đổi mới thành tựu phát triển của tỉnh nhà so với ngày đầu tái lập. Tiếc rằng qua dịp 10 năm, rồi 20 năm tái lập tỉnh, ý định của chúng tôi đã không có cơ hội được thực hiện, vì cả tôi và anh Hoàng Nẫm đã về nghỉ hưu. Nhưng chắc rằng những bức ảnh, cuốn phim anh Nẫm ghi lại thời điểm lịch sử đó vẫn còn tươi mới, bảo quản lưu trữ trong chiếc hòm sắt của anh để lại.
Kết quả hình ảnh cho nhà báo, nghệ sĩ hoàng nẫm
Ba cha con nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm
Viết mấy lời này nhân ngày giỗ đầu nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm, đề nghị các đ/c lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Văn hoá - Nghệ thuật, cần liên hệ phối hợp với gia đình anh, tiếp nhận và có kế hoạch, biện pháp đầu tư cần thiết để kiểm kê và chuyển kho tư liệu phim ảnh lưu trữ thủ công sang bảo quản, lưu trữ bằng công nghệ vi tính (kỹ thuật số) để làm vốn có thể khai thác, sử dụng lâu dài. Tôi tin rằng, với thời gian ta sẽ càng thấy ý nghĩa giá trị lịch sử và nghệ thuật của nguồn tư liệu vô cùng quý giá, không dễ gì có được và do vậy không thể bỏ qua!
 
Nguyễn Phúc Lai
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây