“Từ thực tế bản thân, tôi thấy điều quan trọng nhất đối với mỗi phóng viên là sự say nghề, tinh thần tự học, đặc biệt là phải xây dựng cho mình tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm. Bởi nghề báo là nghề mang dấu ấn cá nhân nên mỗi tin bài mình đưa ra phải đảm bảo tính trung thực và có tính định hướng cao”.
Nhà báo Trần Ngọc Anh đã bắt đầu cuộc trò chuyện về nghề với tôi như thế. Đã gần ở tuổi “lục tuần”, trên đầu đã hai thứ tóc nhưng qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng anh, tôi vẫn cảm nhận được ở anh sự say mê và tâm huyết với nghề báo.
Không hổ thẹn với tác phẩm mình làm ra
Thú thật, tôi vẫn chưa thể hình dung được gần 40 năm trước khi đất nước đang ở thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn, chàng trai trẻ Trần Ngọc Anh đến với nghề báo như thế nào?
Nhà báo Trần Ngọc Anh: Những năm học phổ thông, tôi là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi văn của trường cấp III Khoái Châu. Nhưng khi thi Đại học, tôi lại thi vào trường Bách khoa. Vì thiếu 1,5 điểm nên họ chuyển tôi sang trường Đại học Mỏ-Địa chất. Tôi không đi và chờ thi lại. Trong khi chờ thi, địa phương có giấy gọi tôi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tôi đã trúng tuyển và nhập ngũ tại Sư đoàn 433 - Quân đoàn III. Tại đây sau khi huấn luyện tôi được tuyển vào trung đội vệ binh. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/1981, tôi cùng Trung đội làm một tờ báo tường. Thủ trường đơn vị thấy văn phong tạm được, chữ sạch sẽ nên điều tôi về Ban Quân lực. Tháng 6 năm 1982 các Thủ trưởng đã cho tôi đi học một lớp thông tín viên. Nghề báo đến với tôi chỉ đơn giản là vậy. Kể từ đó đến nay, cùng với hoàn thành nhiệm vụ được giao tôi còn dành thời gian làm một số tác phẩm và đã đoạt giải tại Liên hoan Phát thanh - Truyền thanh -Truyền hình của tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh và các giải Báo chí Trung ương.
Với tâm thế của một người con quê hương lại làm báo chính tại quê hương mình sinh ra, anh đã thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào thông qua những tác phẩm báo chí để làm nổi bật lên vùng đất và con người Hưng Yên đã có Phố Hiến nổi tiếng một thời chỉ đứng sau kinh kỳ Thăng Long?
Nhà báo Trần Ngọc Anh: Hưng Yên là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, anh hùng, nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài. Tự hào về quê hương, với trách nhiệm của một người cầm bút, trong gần 40 năm làm nghề tôi đã cùng các đồng nghiệp làm được gần 100 tác phẩm nói về mảnh đất và con người xứ nhãn. Các tác phẩm do tôi làm ra, tôi đều không cảm thấy hổ thẹn. Bởi đó là tâm huyết, là những gì mà các thế hệ người dân xứ nhãn đã kế tiếp nhau hun đúc để trở thành một thương hiệu của miền đất và con người Hưng Yên năng động với thương cảng Phố Hiến đã một thời chỉ xếp sau kinh kỳ Thăng Long. Tôi tự hào về những tác phẩm đó và tôi luôn mong muốn mảnh đất và những con người ấy mãi sẽ là niềm tự hào của không chỉ riêng tôi.
Tác phẩm là danh dự của người cầm bút
Có lẽ sẽ chẳng thể kể hết những tác phẩm mà anh đã thực hiện trong gần 40 năm qua, nhưng nếu để nói về một vài tác phẩm tâm huyết của mình anh sẽ ưu tiên nói về “đứa con” nào?
Nhà báo Trần Ngọc Anh: Tác phẩm nào tôi làm tôi đều dành cả tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm. Bởi đó là những đứa con tinh thần, là danh dự của người cầm bút. Nếu nói là ưu tiên thì không hẳn nhưng nếu để “khoe”, tôi xin “khoe” ba tác phẩm. Đầu tiên là phim phóng sự “Nữ tướng xứ nhãn lồng” nói về nữ Trưởng Công an xã Thọ Vinh, huyện Kim Động. Người đã giúp được nhiều người nghiện ma túy, cai nghiện thành công. Cùng với lực lượng công an xã, công an huyện bắt gọn ổ mại dâm hoạt động một thời gian dài trên địa bàn. Bắt gọn một ổ nhóm đánh bạc với quy mô lớn với sự canh gác vô cùng tinh vi và nghiêm ngặt. Từ một điểm “nóng” về tội phạm, tệ nạn, “nữ tướng” đã góp phần làm cho vùng quê bình an. Phim đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2004.
Thứ hai là phim tài liệu “Tầm nhìn xuyên thế kỷ”. Phim kể về cụ Đỗ Văn Pháo, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Hồng huyện Văn Lâm. Cách đây hơn 50 năm cụ Pháo đã bàn với dân, đưa ra một bản quy hoạch khu dân cư theo ô bàn cờ. Mỗi ô bàn cờ gồm 4 hộ. Không gia đình nào có ngõ, nhưng gia đình nào cũng có 2 mặt đường. Đường trục xã rộng 11 mét, đường thôn rộng 9 mét, đường xóm rộng 5 mét. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Lạc Hồng xã duy nhất của tỉnh Hưng Yên không phải giải phóng mặt bằng. Có thể nói đây là một bản quy hoạch “độc nhất vô nhị”, một bản quy hoạch có tầm nhìn xuyên thế kỷ. Điều đặc biệt tác giả của bản quy hoạch ấy là một nông dân học hết lớp 4.
Tác phẩm thư ba là phim tài liệu “Dấu son người xứ nhãn”. Tác phẩm nói về cô học trò bị ám ảnh bởi mùi thuốc trừ sâu độc hại khi còn học THCS, bởi trường cô nằm giữa cánh đồng. Mùa vụ đến mùi thuốc sâu độc hại bay vào lớp học khiến cả thầy và trò đều ngạt thở. Tốt nghiệp xuất sắc khoa tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội, cô đã từ chối nhiều lời mời hấp, quyết định trở thành giáo viên trong chính ngôi trường mà cô đã từng học. Về trường cô và các học trò đã triển khai dự án “ Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại”. Dự án của cô và các học trò đã xuất sắc vượt qua 1.600 dự án để giành Giải Nhì tại Cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức tháng 8 năm 2016 tại Hà Nội. Từ dự án này cô đã vinh dự được chọn là 1 trong 4 người Việt Nam tham gia “Diễn đàn giáo dục toàn cầu” được tổ chức tại Toronto-Cannada. Với tư duy sáng tạo, với nghị lực vượt trội cô và các đồng nghiệp đã xuất sắc vượt qua 40 nhóm với trên 400 chuyên gia đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ để xuất sắc giành Giải Đặc biệt của Diễn đàn ghi thêm một dấu son chói lọi của người Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Đó là cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động.
Qua tìm hiểu được biết ngoài những tác phẩm làm nổi bật lên con người, văn hóa và vùng đất của người xứ nhãn, anh còn tâm huyết với những đề tài mang tính phản biện, đơn cử như vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì sao vậy, thưa anh?
Nhà báo Trần Ngọc Anh: Cùng với nói về những cái hay, cái đẹp, việc làm tốt, các điển hình tiên tiến của quê hương, trong quá trình tiếp cận thực tiễn tôi cùng các đồng nghiệp cũng đã có khá nhiều tác phẩm điều tra, phản ánh, phản biện, nhằm giúp công chúng hiểu đúng, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi đi vào cuộc sống. Thông qua đó để thấy rõ hơn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong tuyên truyền, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với chính mình, với quê hương đất nước. Điển hình là phim tài liệu chỉ nhìn đã thấy sợ mà tôi và các đồng nghiệp đã thực hiện tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, huyện Văn Lâm. Hiện cả làng đang sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều người đã bị ung thư, người già trẻ nhỏ hầu hết đều bị viêm đường hô hấp. Vì nghề này thu nhập cao nên dân làng không cho phóng viên tiếp cận. Với trách nhiệm của mình chúng tôi đã tiếp cận được và đã đưa ra các thông điệp cho cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và dân làng. Phim tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2018 và được tặng Bằng khen (Giải C).
Đạo đức và danh dự đặt lên hàng đầu
Tất nhiên, một Đài tỉnh như Hưng Yên việc có thể cạnh tranh với những Đài Trung ương trong việc khai thác, tìm kiếm và triển khai đề tài là không dễ. Đó là một điều khó khăn mà ai cũng biết nhưng khó khăn ấy có đi cùng với thuận lợi và trách nhiệm trong việc rèn nghề hay không, thưa anh?
Nhà báo Trần Ngọc Anh: Nghề nào cũng có cái khó của nó. Nghề báo càng khó và nguy hiểm hơn. Vì thế người làm báo phải là người gương mẫu trong chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là phải tôn trọng sự thật và phải biết chọn lọc sự thật. Nếu làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, các tác phẩm do mình làm ra sẽ được công chúng trân trọng đón nhận và nếu ngược lại hậu quả đem lại là khó lường. Vì thế đạo đức, danh dự người làm báo phải được đặt lên hàng đầu. Nói về đề tài, làm báo ở Trung ương sân sẽ rất rộng, nhưng làm báo ở địa phương đề tài đâu có hẹp. Tuy nhiên để phát hiện được đề tài Đảng cần, dân cần, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm của người cầm bút.
Vâng, xin cám ơn anh./.
Thiên Phúc (thực hiện)
Nhà báo Trần Ngọc Anh sinh năm 1963 tại Hưng Yên, hiện là Trưởng phòng Biên tập, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên. Gần 40 năm làm nghề anh đã giành được một số giải thưởng và Huy chương như: Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2004, 5 Bằng khen Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải C Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018, Giải Khuyến Khích Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc 2017-2018, Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình Công an Nhân dân năm 2005….