Đỗ Đức Dục – Một lãnh đạo nhiệt huyết với nghề!

Thứ bảy - 02/03/2019 09:56
Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2016), nói về cội rễ tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, không thể không nhắc tới tên tuổi nhà báo – nhà văn Đỗ Đức Dục. Sinh thời, ông từng đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt Nam, khởi thủy của Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Chủ tịch HNBVN, khóa I, nhiệm kỳ 1950 – 1960; Giám đốc trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cách đây một năm, 21/4/2016, lên Điểm Mặc, chị Đỗ Hồng Lạng con gái ông Đỗ Đức Dục và bà Lý Thị Chung nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô đã chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm đẹp về sự đam mê nghề báo của cha mình, của thầy giáo mình. Bà Lý Thị Chung rưng rưng kể: “Tôi là số ít nhà báo nữ và là một trong 2 học viên trẻ nhất tại thôn Bờ Rạ, Đại Từ, Thái Nguyên. Với tôi, ông Đỗ Đức Dục không chỉ là người quản lý, mà còn là người thầy truyền nghề báo chí giàu sức thuyết phục, bởi vốn văn hóa uyên thâm, trải nghiệm với nghề làm báo, viết báo; bạo lời, nói thẳng nói thật”.

 
111
Chân dung nhà văn, nhà báo Đỗ Đức Dục

 Trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đỗ Đức Dục tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ngày 28/12/2015, giáo sư Phong Lê và Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức dốc lòng dẫn dụ, minh chứng, phân tích bày tỏ sự ái mộ về tính cách mạng trong nghiên cứu lý luận chính trị, nghiên cứu văn học Việt Nam và Pháp, trong chọn lựa tác phẩm để dịch thuật; trong phong cách viết văn viết báo của nhà văn – nhà báo Đỗ Đức Dục mà lốp đồng nghiệp hậu thế cần phải noi theo!... Ngồi bên, tôi nói với GS Hà minh Đức: - “Đình đám không kém với văn học của Đỗ Đức Dục chính là báo chí”! Giáo sư đáp ngay: - Đúng đúng. Một cây viết năng nổ. Chủ nhiệm báo Độc lập. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ thời khởi lập! Giáo sư nhỏ lời, giọng hóm hỉnh: - Nhưng hôm nay, Hội Nhà văn làm kỷ niệm… phải nghiêng hết về bên đây!... Tuy thế, kết thúc Lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vẫn khẳng định: “Trong suốt cả đời mình, Đỗ Đức Dục luôn là người có trách nhiệm cao đối với xã hội và đất nước. Những đóng góp của ông với nền báo chí và kho tàng nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam mãi mãi là vốn quý của nước nhà”!... Những lời như thế khiến tôi miên man nghĩ về Đỗ Đức Dục, sợ lớp hậu thế quên đi một nhà báo, nhà lãnh đạo Hội tầm cỡ của báo giới Việt Nam.

Ấy là sự thiển nghĩ, chứ công lao và tài trí của Đỗ Đức Dục thì đâu dễ quên. Không ít nhà phê bình chẳng hề kiệm lời khẳng định: Đỗ Đức Dục là nhà báo nhà văn có trách nhiệm rất cao với xã hội ngay từ ngày đầu cầm bút viết báo! Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức sinh hoạt sử học tưởng niệm Đỗ Đức Dục – Nhà trí thức cách mạng dấn thân; với hàng trăm trí thức nhập cuộc, “tham luận” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Cô lại trong các phát biểu, dẫn dụ vẫn là: Nhà báo – nhà văn Đỗ Đức Dục luôn thể hiện rất rõ bản lĩnh của người cầm bút đau đáu đấu tranh cho nền dân chủ của đất nước!

Làm báo, Đỗ Đức Dục bám rất chắc thời cuộc, cập nhật sự kiện, thông tin tổng hợp, truyền bá tư tưởng, phổ biến kiến thức, phục vụ thiết thực sự nghiệp cách mạng. Ngay bài báo đầu tay “Án Tết” đăng trên báo Thanh nghị tháng 3/1942, ông đã nhằm hẳn đích giúp người đọc thông thiểu pháp luật. Hoặc cắt nghĩa, phân tích, lý giải vấn đề, sự kiện đặt ra, với cả loạt bài đăng trên báo Độc Lập, như: Giải thích bản Hiện định sơ bộ Việt – Pháp (1946); Quan hệ giữa chính trị và chuyên môn (1949); Chính sách khôi phục kinh tế (1955); Mặt trận nhân dân trong cách mạng dân chủ mới Việt Nam (1949); Hai tác dụng lớn của việc thực hiện chính sách ruộng đất (1953)… Nhà báo Mai Kiều Sơn đã ví ông là “Con dao pha của làng báo”.
111
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đỗ Đức Dục

Nhà báo – nhà văn đa tôn hiệu

Đỗ Đức Dục thực sự là nhà báo – nhà văn có nhiều thành tựu với nghề. Nói chính xác, ông là người có đóng góp thiết thực với xã hội, với đất nước ở thời điểm quan trọng nên mới có nhiều tôn hiệu (được phong, được bầu, được bổ nhiệm). Mọi tôn hiệu của ông đều phát sáng. Gốc rễ tạo nên tôn hiệu chính là kiến thức uyên thâm từ dòng dõi Nhà nho; từ nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà luật học và tư duy sắc sảo của ông nên được Đảng, Nhà nước trọng dụng vào các công việc quan trọng ngay ở thời khắc khởi lập. Bởi thế, báo giới mới có cơ nói về ông với niềm hãnh diện lịch sử của hội nghề. Có cơ nhắc về ngày 27/12/1945, tại trụ sở Hội Văn hóa Cứu quốc, gần 100 nhà báo ở Hà Nội, thay mặt báo giới cả nước lập ra “Đoàn báo chí Việt Nam”. Ở đó ông Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri tân giữ chức Chủ tịch. Ông Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Tổng Giám đốc Nha thông tin tuyên truyền của Chính phủ cùng ông Đỗ Đức Dục, Chủ nhiệm báo Độc Lập làm Phó Chủ tịch. Tổng Thư ký là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng… Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, “Đoàn báo chí Việt Nam” đổi tên thành “Đoàn báo chí kháng chiến”. Tại an toàn khu Việt Bắc, nhờ sự giúp đỡ của Tổng Bộ Việt Minh, Đoàn báo chí kháng chiến đã mở lớp “Báo chí Huỳnh Thúc Kháng” do nhà báo Đỗ Đức Dục làm Giám đốc. Tiếp đó, ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên, Đại hội Hội những người viết báo đã diễn ra (nay là Hội Nhà báo Việt Nam). Kháng chiến chống Pháp kết thúc, trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam đặt tại 59 Lý Thái Tổ cho đến nay. Đây chính là nơi lui tới của Hội trưởng Xuân Thủy cùng 2 Phó Hội trưởng là Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục và Tổng Thư ký Nguyễn Thành Lê trong nhiệm kỳ (1950 – 1960)…

Tôn hiệu của nhà báo – nhà văn Đỗ Đức Dục còn mãi với những chức vị: Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam (1945 – 1960); Đại biểu Quốc hội Đại hội Tân Trào; Đại biểu Quốc hội khóa I; Ủy viên Dự thảo Hiến pháp 1946; Thứ trưởng Bộ Giáo dục 1946; Thứ trưởng Bộ Văn hóa (1955 – 1960)… Ông nghỉ hưu năm 1975, qua đời ngày 24/9/1993.

Ghi nhớ những đóng góp quan trọng suốt chặng đường gian nan của cách mạng, Nhà nước truy tặng ông Huân chương Động lập hạng Nhất. Các Bộ, Ngành, đoàn thể đã truy tặng danh hiệu cao quý nhất cho ông, với: Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng; Huy chương chiến sĩ văn hóa… Hai thành phố lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có con đường mang tên Đỗ Đức Dục. Báo giới Việt Nam hãnh diện về Đỗ Đức Dục – Một cây bút “Nổi đình đám”, năng nổ, đa năng – Một người lãnh đạo Hội nhiệt huyết với nghề!
 
Nguyễn Uyển

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây