Lưu Quý Kỳ - Cây bút giàu “thần lực” với thể tùy bút!

Thứ tư - 06/03/2019 14:43
Lưu Quý Kỳ là nhà văn – nhà báo nổi đình đám suốt thập niên 50, 60, 70 và những năm đầu 80 của thế kỷ trước. Ông là thần tượng của chúng tôi về thể tùy bút. Một cây viết rất giầu “thần lực”, cứ như có trường năng đặc biệt kết nối tất cả thực thể sức mạnh mà trời ban cho:

Mãnh liệt một tình yêu với nước, với dân, với Đảng và Bác Hồ kính yêu.

       Hình như tình yêu da diết với dân, với nước, với Đảng và Bác khiến Lưu Quý Kỳ nhập lực thể loại khoáng đạt vốn dĩ giao thoa sinh động, uyển chuyển giữa văn với báo, báo với văn để trải lòng mình bằng ngôn ngữ biểu cảm nhất. Là một nhà chính trị, trách nhiệm cao với công việc được tổ chức giao, nhưng văn và báo gắn bện với ông như cái nghề cái nghiệp, như phương tiện tất yếu để làm cách mạng. Bởi thế, tác phẩm nào của ông sáng tạo ra cũng đậm dấu ấn của người truyền tin từ nơi đầu nguồn sự kiện. Ví như các tùy bút: Chân cứng đá mềm (hay là đường mòn Hồ Chí Minh); Vui lớn buổi giao thừa; Hà Nội của chúng ta; Sông núi vào xuân; Đón xuân cả nước lên đường...v.v...(*). Đọc ông, tôi nhận ra sự tài tình trong những suy nghĩ, cảm xúc, hồi tưởng sâu sắc, lắng đọng về những vấn đề, những sự kiện, sự việc...viết lên, nói ra tùy theo dòng cảm xúc nên ngôn từ phóng khoáng, trữ tình, thâm trầm, riêng tư hòa quyện khơi khơi trong dòng chảy từ liên tưởng này đến liên tưởng khác...khiến người đọc, người nghe bị hút theo, để yêu, để tin, ngẫm ngợi, để hành động, để tự căn chỉnh. Ấy chính là “thần lực” tùy bút của Lưu Quý Kỳ. “Sông núi vào xuân”, bối cảnh là xuân Kỷ Dậu đã tới. Xuân Mậu Thân đã cười chào chúng ta để trở vào lịch sử, như một năm vẻ vang. Nhưng hoa xuân Mậu Thân còn tiếp nở, trời xuân Mậu Thân còn kéo dài, tình xuân Mậu Thân còn nóng hổi. “Chúng ta sẽ tiến đến một xuân vui nhất: Xuân Bắc – Nam sum họp. Đó mới là xuân trọn vẹn của lòng ta”. Đây là điểm đến của bài viết, là chặng đích của cuộc chiến. Giọng văn hào sảng, cảm xúc mãnh liệt, tự tin hết liên tưởng nọ tới liên tưởng kia, so sánh này tới so sánh kia; ngôn từ luyến lánh, điệp khúc mỗi lúc một hùng tráng trong mạch nối quấn quýt tình non nước một giải, tình dân tộc sắt son, với ý chí cách mạng hừng hực do Đảng và Bác khơi nguồn. Vâng, ở thời điểm đón xuân Kỷ Dậu ấy, chúng tôi hãnh diện và tự hào biết bao, khi ông viết: “Vì một mùa xuân còn vui hơn xuân cũ, hàng triệu người con yêu quý của dân tộc ta, hôm nay, chẳng màng tới “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, đang “vui tết” ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Hàng triệu thanh niên ưu tú ấy đang vui tết ngoài đồng ruộng, giữa nhà máy, trong đơn vị, ngoài công trường, bên rừng, dọc biển. Hàng triệu thanh niên đang vui tết giữa chiến trường hay trong sào huyệt địch, trên mặt đất hay dưới hầm sâu, bên bờ lộ hay giữa dòng kinh rạch, dưới gầm cầu hay trước mũi súng quân thù... Cả dân tộc ta đang vui xuân với một tình xuân vĩ đại: “tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa”...Mạnh mẽ, chân tình, hãnh diễn, hùng tráng, lãng mạn cách mạng biết bao khi tuỳ bút “Vui lớn buổi giao thừa” giọng văn róng riết: “Ta cao hơn kẻ thù một cái đầu và giàu hơn chúng nó một quả tim. Trí tuệ của ta hơn hẳn chúng. Chân ta “chân cứng đá mềm”. Cuộc sống và cơn thử thách đã tôi luyện ta, dạy cho ta ngày càng khôn, càng khéo. Kẻ địch thiếu hẳn một điều mà ta sẵn có: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cả dân tộc ta anh hùng. Cả nước ta là một rừng hoa, hoa nào cũng đẹp”.  Năm 1969, khi “Sông núi vào xuân”, đau đáu nỗi lòng thương nhớ miền Nam, mong ngày thống nhất, tình Bắc – Nam trào lên: “Lộc xuân ngày nay đâu chỉ ở trên ngọn cây. Lộc xuân đang ở tuyến đầu của Tổ quốc. Một thế hệ trẻ đang hiên ngang đạp núi trèo non, băng ngàn vượt suối, tìm lộc xuân cho cả nước, cả nhà. Hậu phương sát cánh kề vai, chia ngọt sẻ bùi cùng tiền tuyến. Dành một hạt gaọ, một củ khoai cho người anh em ruột thịt, tình xuân thêm ấm áp mặn mà”. Dân, nước, Đảng, Bác quấn quyện, kết bện trong hầu hết các tác phẩm của Lưu Quý Kỳ để lan tỏa, vang xa, lưu giữ bền sâu trong lòng người. Cũng còn bởi văn của Lưu Quý Kỳ giầu ‘thần lực” thăng hoa.
111
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ tại Phủ Chủ tịch, khoảng năm 1968
(trích từ tư liệu phim của Đài Truyền hình Nhật Bản).
Thăng hoa nhất quán trong các áng văn tùy bút

     Đằm thắm, đau thương, thổn thức...và hãnh diện biết bao...trong tùy bút “Nước về biển cả sông núi còn đây” (**) của Lưu Quý Kỳ khi Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Bác với dân, với Đảng như máu và thịt. Máu chảy ruột mềmTình tiết tùy bút cuộn trôi theo dòng cảm xúc từ đáy lòng kính yêu chân thành của ông với Bác. Sự thực đó, nhưng tác giả không thể tin, không muốn tin...rồi đặt ra bao điều tự vấn, tự đáp...Rằng: Bác “từ trần ư”?...Bác “nằm xuống ư”?...Bác “lên thiên đường”, Bác ‘về tiên cảnh”ư?...Thế thì Bác đi đâu mà vĩnh biệt chúng ta? “Cho đến khi đồng chí Lê Duẩn đọc lời Di chúc của Bác, chúng ta mới có câu trả lời. Bác nói: Bác đi gặp Cụ Các-mác, Cụ Lê-nin và các bậc đàn anh khác. Bác nói cho ta vui. Bác nói cho chúng ta khỏi buồn. Nhưng chúng ta hiểu được một sự thật. Bác vĩnh biệt chúng ta để đi vào cõi tuyệt đối. Với ba mươi mốt triệu đồng bào ta, Hồ Chí Minh là chân lý”... Tiếp nối dòng chảy cảm xúc từ cảm tính đến lý tính đến niềm tin khoa học như một lẽ đương nhiên...Lưu Quý Kỳ cho ta nhận sâu sắc thêm đạo đức, tư tưởng, phong cách, bản lĩnh cách mạng, suốt đời vì dân vì nước...và uy tín quốc tế lớn lao của Bác kính yêu, làm rạng ngời non sông đất nước ta. Bác mãi là nguồn mạch sức mạnh của chúng ta. Cảm xúc thăng hoa cao độ, chân thành và nhất quán trôi về những dòng kết đầy sức khái quát, lưu sâu vào tâm thức người đọc, người nghe: “Núi sông là nguồn của nước. Nước làm cho lúa thêm bông, hoa thêm thắm. Nước có thể trôi đi, nước có thể về biển cả, nhưng núi sông còn lại, ngàn đời xanh tươi. Mặt trời tỏa ra ánh nắng. Nắng có thể xế tà, nhưng mặt trời vẫn sáng chói, mỗi ngày mỗi mang lại chúng ta ánh bình minh”. Hình tượng cảm xúc về Bác cao đẹp biết bao. Thăng hoa mà nhất quán biết bao, gợi ta suy ngẫm về vận hội, tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam.

         Đọc tùy bút của nhà văn-nhà báo Lưu Quý Kỳ, dễ dàng nhận ra: Ông viết bằng lương tâm, chân thành; bằng tấm lòng trung kiên, trung thực, kiên định, vững chãi,   với thái độ tích cực, bản lĩnh. Tùy bút của ông giàu liên tưởng nhưng rất nhất quán về chủ đề tư tưởng, bài nào cũng găm lại những điểm nhấn. Giàu liên tưởng, nhưng ông không hề mượn ngôn từ để “đánh bóng” cho cái tôi riêng tư của mình. Tùy bút của ông luôn tràn đầy tự tin và tự nhận thức về bản thân mình, là chính mình. Tùy bút đấy, nhưng Lưu Quý Kỳ luôn tỉnh táo, bản lĩnh, chân thành; chỉ rõ lẽ phải, điều hay. Tùy bút của ông không hề tô hồng, không dày công trau chuốt ngôn từ; mà nói bằng lòng mình, viết bằng lòng mình, bằng tâm can của mình, bằng cuộc đời từng trải đầy gian nan thử thách của mình...Đọc ông, tôi có cảm giác, hạnh phúc của đời ông không phải là chức tước, cho dù ông có rất nhiều vai quan trọng trong bộ máy chính trị và báo chí, nhưng văn và báo luôn cho ông được rãi bày tâm đức, ý chí, việc làm, tình cảm chân thành với dân, với nước, với Đảng và Bác Hồ kính yêu, với nhân loại yêu chuộng hòa bình...Vì thế nên, tùy bút của ông có sức thấm sâu, lan xa, lưu đọng mãi trong tâm trí của lớp lớp nhà văn-nhà báo chúng tôi!

Rạng danh diện mạo văn học và báo chí Việt Nam

     Sinh thời, Lưu Quý Kỳ không trực tiếp luận lý, dạy bảo chúng tôi nhân cách, đạo đức của người cầm bút. Thế nhưng, với tác phẩm “Khi nhà văn trở thành lính phỉ biệt kích”, ông xỉ vả thậm tệ, lời lẽ cay độc với nhà văn Mỹ - Giôn Sten-béc rắp tâm phản bội hòa bình, phản bội nhân dân. Rắp tâm tô son trát phấn cho bọn xâm lược, bọn gây chiến, bọn giết người và lũ tay sai. Còn đối với nhân dân yêu nước, yêu hòa bình, dân chủ thì Sten-béc vu khống, xuyên tạc, thóa mạ và hết lời chửi rủa. Ông hỏi: - Sten-béc đang ở đâu đây? Đáp: - Hắn đang ngụp lặn trong cái hố xí dơ bẩn, thối tha nhất mà thế gian này có thể có! Vâng. Đúng vậy. Những kẻ cầm bút như thế ông không hề tiếc lời. Đó là bản lĩnh. Ông xả cả chuỗi lời phỉ nhổ Sten-béc là“kẻ côn đồ; trâng tráo; ngu xuẩn; ngập mình trong đống bùn thối tha nhơ bẩn”...Bởi vì: “Hắn đã đứng về phía bên kia của chiến lũy, của lương tri con người, phía bên kia của nhân đạo, phía bên kia của cuộc đấu tranh cho lý tưởng cao cả của loài người, cho độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội”. Đối lại, báo chí Việt Nam luôn kiên định lý tưởng cách mạng, một lòng thủy chung đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
 
111
Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Lưu Quý Kỳ (thứ 2 từ trái sang)
trong thời gian làm việc với Hội Nhà báo Liên Xô. Ảnh:TL

      Là nhà lãnh đạo chính trị, quản lý báo chí kiêm nhà văn - nhà báo, từng gắn bó mật thiết, sát sao với thời cuộc; từng trực diện cảnh dã man, tàn khốc của chiến tranh với thủ đô Hà Nội, có khu phố:“... Hố bom chen hố bom, ngói gạch chèn lên gạch ngói. Không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Báo chí cháy xém nằm vung vãi bên cạnh một tủ sách bị bật bung ra. Bản nháp của những bản nhạc đang sáng tác dở dang nằm cạnh một chiếc ghi ta vỡ mặt, đứt dây. Mấy mâm cơm còn bị tung tóe, đũa bát còn dính cọng rau và thức ăn”... Mới càng thấy tính tráng ca hùng vĩ trong tùy bút; “Đây là tiếng nói Việt Nam”, âm vang đĩnh đạc từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa... Ông viết, lời văn như reo lên đầy hãnh diện: “Ôi! Tiếng nói sao mà thân yêu, trìu mến. Nó mang theo lời Cha, tình Mẹ, nghĩa bè bạn anh em. Nó đem tin vui đến cho mọi gia đình, cho mỗi đồng bào đồng chí... Tiếng nói thân yêu ấy đã hòa trong hơi thở, trong cuộc sống của gần bốn mươi triệu đồng bào quyết sống với độc lập, tự do, quyết tâm xây dựng con người mới, xã hội mới”! Giàu tình với dân, với nước, với nghề lắm lắm mới có sự cảm nhận tinh tế, mới có cảm xúc trào dâng đến thế. Cảm nhận của riêng ông mà cứ như nói thay cho hết thảy chúng ta, cho những nhà báo-nhà văn sống chết với nghề.

       Sự nghiệp cách mạng của Lưu Quý Kỳ, những tác phẩm và ấn phẩm của ông, đặc biệt thể loại tùy bút đã góp phần làm rạng danh diện mạo văn học và báo chí Việt Nam ở thời điểm cách mạng gian nan và ác liệt nhất; truyền cảm hứng cho chúng ta mãi mãi yêu say với nghề.
Nguyễn Uyển

 (*) Tên tác phẩm, chữ “nghiêng” dẫn từ “Lưu Quý Kỳ Tuyển tập tác phẩm ký” của
 GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Hội NBVN ấn hành 2004.
(**) “Nước về biển cả” – NXB Thanh niên 1972.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây