Hồng Chương – Mẫu mực, bản lĩnh

Thứ ba - 05/03/2019 09:18
Tôi thuộc thế hệ sinh sau, đến muộn. Khi ông Trần Hồng Chương (Hồng Chương) là Thư ký tòa soạn Tạp chí Cộng sản (1960)  thì tôi mới chỉ là giáo sinh theo nghề sư phạm...
Tôi thuộc thế hệ sinh sau, đến muộn. Khi ông Trần Hồng Chương (Hồng Chương) là Thư ký tòa soạn Tạp chí Cộng sản (1960)  thì tôi mới chỉ là giáo sinh theo nghề sư phạm. Khi ông là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (1982) thì tôi mới vào nghề báo ở tỉnh lẻ vỏn vẹn 15 năm… Trải nghiệm với nghề mới vỡ ra, nghề báo rất khắt khe, nghề của nhiều hiểm nguy. Tôi đã thốt lên bằng ấn phẩm: “Báo chí – Nghề nghiệt ngã”!
 
111
Nhà báo Trần Hồng Chương

Thời xa ấy, những nhà báo làm công tác Hội như: Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Đào Tùng, Huỳnh Văn Tiểng, Lý Văn Sáu, Lưu Quý Kỳ, Phan Quang, Hữu Thọ, Trần Công Mân… thực sự là thần tượng nghề nghiệp của chúng tôi. Thời ấy, cho dù báo chí đã rất phát triển, nhưng những phương tiện để đọc, nghe, xem, nhìn lấy đâu dồi dào, phong phú như thời nay để dễ bề tiếp nhận, rèn rũa, ấp ủ, tích lũy… Cho nên, báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Bản tin TTXVN, Đài TNVN… vô cùng quan trọng trong công việc Tổng biên tập, Báo Vĩnh Phú của tôi vào những năm (1981 – 1989). Bởi lẽ, tờ báo của Đảng bộ tỉnh luôn phải thể hiện đậm nét sự lãnh đạo tuyện đối của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy… Nhờ các tờ báo chính thống cùng các nhà báo danh tiếng kể trên giúp tạo nên sinh khí tiếp sức tiếp lực cho chúng tôi (những người làm báo Đảng địa phương xa xôi).

Những năm làm Tổng biên tập, kiêm Chi hội trưởng (sau đổi là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh), Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân dân thực sự là người dẫn đường chỉ hướng cho tôi vận dụng tinh thần chỉ đạo của báo, tạp chí cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, để xây dựng kế hoạch tuyên truyền tháng, quý và của năm sát thực (theo như cách nói thời nay là đúng định hướng). Thêm nữa, tôi có may mắn được tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam từ khóa IV, nhiệm kỳ (1983 – 1989) do nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 nhà báo làm Phó Chủ tịch, trong đó nhà báo Hồng Chương đứng ngôi đầu của hàng Phó, sau đó ông làm Chủ tịch Hộ (tháng 01/1987,khi ông Hoàng Tùng thôi chức)…

Ngày ấy, Hội Nhà báo Việt Nam chưa có Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ như bây giờ, Ban nghiệp vụ cũng chưa thật rõ nét, nên việc bồi dưỡng nghề báo chủ yếu vẫn do cấp hội cơ sở tự lo, mà vai chính là Tổng biên tập kiêm lãnh đạo Chi hội nhà báo đảm nhiệm. Cho nên, các Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam chúng tôi khóa ấy (có tới 30 Tổng biên tập báo địa phương trong số 53 Ủy viên Ban chấp hành Hội) rất chăm chú lĩnh hội, nhập tâm, ghi chép tỉ mỉ phương hướng tuyên truyền trên báo chí do lãnh đạo Hội truyền đạt. Phần việc này chủ yếu do Phó Chủ tịch Hội – Hồng Chương đảm nhiệm…

Nhắc đến ông, nói về ông, tự dưng tôi thấy bóng hình ông như vẫn đâu đây. Vầng trán vuông và rộng, tai cao, đôi mắt sáng, thần thái thanh thoát, uy nghiêm tràn đầy nghị lực. Tôi kính trọng ông bởi tầm tư tưởng, bởi bản lĩnh chính trị, bởi lòng kiên nhẫn trong công việc. Ông đúng là nhà báo đi lên bằng công việc. Với nghề báo – tuần tự từ phóng viên, lên Thư ký toàn soạn, lên Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập. Với việc Hội – ông tham gia BCH Hội từ khóa II; khóa III và Ủy viên Ban Thường vụ, từng giữ cương vị Trưởng Ban lịch sử và Trưởng ban Kiểm tra Hội; tới khóa IV là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội… nên việc báo, việc Hội với ông đều chắc bền từ gốc rễ. Phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc như nét rất đặc trưng của một nhà báo chính luận, thư thái, cẩn trọng. Giọng trầm ấm như chuông ngân, tràn đầy âm điệu ông nhắc chúng tôi, đại thể như:
111
Tọa đàm: Nhà báo Hồng Chương với báo chí cách mạng Việt Nam

- Báo chí phải tập trung tuyên truyền điển hình và nhân tố mới. Phải chú trọng tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về các điển hình tiên tiến, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp để nhân ra diện rộng, nhưng cũng chú trọng chỉ rõ những khuyết điểm, những tồn tại phải khắc phục. Dẫn lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông nhắc nhở chúng tôi cần nằm lòng: “Báo chí phải góp phần tích cực vào việc xây dựng tư tưởng mới, con người mới… Các cơ quan báo chí phải phối hợp chặt với nhau, cùng các cơ quan tư tưởng để đạt hiệu quả cao”!... Trong mỗi kỳ họp, khi định chương trình công tác Hội gắn với thời điểm chính trị, giọng âm âm sấm dền, ông bảo: - Báo chí phải coi trọng mục tiêu kinh tế và xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng. Hết sức chú tâm vào các đích: Đảm bảo ổn định và cải thiện một bước đời sống cho nhân dân – Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất của CNXH – Giữ vững an ninh trật tự - quốc phòng… Hết sức coi trọng công tác tư tưởng: Chống bảo thủ, trì trệ… Tẩy trừ tư tưởng tiểu tư sản, tư bản chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật. Báo chí rất cần phải có những bài lý luận sâu về XHCN và xây dựng CNXH, về cuộc đấu tranh giữa hai con đường, về sử dụng sức mạnh tổng hợp… Cuối năm 1985, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 8, trong chương trình công tác Hội và nghiệp vụ báo chí, ông mạnh mẽ, nhưng chất giọng chan chan khích lệ:
- Báo chí phải xung trận. Quyết liệt đấu tranh, quyết liệt xóa bỏ tệ quan liêu bao cấp, giải quyết một số vấn đề về giá – lương – tiền nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, làm chủ thị trường XHCN!... Thời điểm này, báo chí Vĩnh Phú tập trung tuyên truyền về phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế gia đình Vĩnh Phú cũng là vùng công nghiệp tập trung… đem ý chỉ đạo của ông Hồng Chương, chúng tôi tập trung truyền đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh; khoán sản phẩm tập thể trong sản xuất công nghiệp, mở rộng quyền tự chủ sản xuất kinh doanh!...

Khi đảm nhận chức Chủ tịch Hội NBVN (1987 – 1988) cũng là thời điểm toàn Đảng toàn dân đang sôi nổi quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986), Đại hội khởi xướng đổi mới. Truyền đạt nội dung quán triệt tuyên truyền sâu rộng trên báo chí, ông nói cười rất tự nhiên, giọng âm vang tràn đầy tin tưởng: - Đây là thời điểm các cấp Hội nhà báo phải thôi thúc báo chí dồn sức vào chiến lược đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, như: Bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần… sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế trong kế hoạch hóa và quản lý kinh tế!... Về tư tưởng và tổ chức, ông nói như không thể khác được: - Báo chí nhất thiết phải góp sức phát huy mọi khả năng của con người, lấy việc phục vụ con người làm mục tiêu cao nhất!... Về đổi mới tư duy, ông cười, giọng hóm hỉnh: - Muốn đổi mới trước hết cán bộ đảng viên phải đổi mới tư duy; đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo mới mong thành công đổi mới cơ chế quản lý!... Mỗi lần nghe ông định hướng công việc, lại thêm lần chúng tôi nghĩ về tổ chức của Hội Nhà báo Việt Nam. Khi mà những người lãnh đạo chủ chốt của Hội đích danh là nhà báo, có chức có quyền trong cơ chế báo chí. Bởi xương sống của tổ chức Hội, sợi chỉ đỏ xuyết suốt tạo nên chất lượng và vị thế của Hội không gì khác chính là chất lượng nghiệp vụ báo chí của mỗi hội viên nhà báo… Hẳn là thế, nên suốt thập niên 80 của thế kỷ trước, báo chí Vĩnh Phú chúng tôi luôn quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, góp sức tạo nên điển hình của tỉnh trung du, rất thành công với lần thứ 3 tiến quân lên đồi rừng; bằng những mẫu hình trang trại vườn rừng, vườn đồi… gọi khách bốn phương tham quan học hỏi… Ngày ấy, ông Phan Quang trong vai Vụ trưởng Vụ báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương đã dẫn hầu hết Tổng biên tập các báo địa phương và một số ngành lên thăm và chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền với báo Vĩnh Phú của chúng tôi…

Ngày ấy, mỗi thành công trong công việc tuyên truyền , chúng tôi thường thầm cảm ơn, thầm tri ân sự chỉ đạo của Vụ, của Hội, của nhà báo Hoàng Tùng và nhà báo Hồng Chương!... Ngày ấy, nghe tin ông về với thế giới người hiền, cả tòa soạn chúng tôi bàng hoàng. Viếng ông tại 12 Lý Đạo Thành, tôi nấc nả gọi tên ông:

- Nhà báo Hồng Chương ơi! Sao ông vội vã ra đi!
 
Nguyễn Uyển

Nguồn tin: Trích từ tập Bút ký, tiểu luận: Rìa rừng... ngách phố của nhà báo Nguyễn Uyển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây