Nguyễn Đông Bắc – Một nhà báo vùng biên viết phóng sự hay
Thứ tư - 27/02/2019 16:38
Tôi quen nhà báo Nguyễn Đông Bắc vào một buổi tối trong lần về chơi với HNB tỉnh Lạng Sơn cuối năm 2019. Dịp đó anh là Phó TBT báo Lạng Sơn và được tỉnh điều sang làm Giám đốc Đài PTTH tỉnh. Sáng hôm sau anh tự lái xe tìm chúng tôi tại nhà khách và mời chúng tôi đi ăn sáng rồi anh mời cả đoàn về Đài Lạng Sơn chơi. Tôi ngại anh bận vì đúng hôm đó anh sang Đài nhận phòng làm việc nên xin phép để khi khác. Lúc chia tay, anh tặng tôi và các bạn cùng đi cuốn “Nơi sâu thẳm vùng biên”.
Đó là những phóng sự anh viết khi làm báo.Tôi đã đọc nhanh cuốn sách của anh gồm 46 phóng sự anh viết chủ yếu về vẻ đẹp của con người xứ Lạng cùng với hàng loạt những vấn đề nóng và gai góc của tỉnh Lạng Sơn. Vài dòng trích ngang trong cuốn sách cho biết: Nguyễn Đông Bắc sinh năm 1971, anh học mỹ thuật và biết tiếng Hán. Qua các phóng sự mà anh thể hiện, tôi khâm phục sự lao động nghề nghiệp và khẳng định anh là một tài năng báo chí vùng biên ải thậm chí là một tài năng của làng báo Việt Nam. Một thực tế là những cây bút ở các đài báo địa phương có sức viết và tầm nhìn về những vấn đề đặt ra cho địa phương cũng như cho đất nước là không nhiều, chính xác hơn là rất ít và rất nhiều tỉnh không thấy bóng dáng những nhà báo viết được phóng sự. Nhưng nhà báo Nguyễn Đông Bắc đã vượt qua được điểm yếu cố hữu này của làng báo địa phương. Trước hết, Nguyễn Đông Bắc đã dũng cảm và đi sâu vào những vấn đề nóng của tỉnh Lạng Sơn và nêu được các giải pháp mang tính xây dựng. Chỉ cần đọc những cái tít bài: “Thương lắm trẻ con vùng xa”;“Khuổi Lầy- Lầy trong cái khó”; “Lời khẩn cầu từ rừng Đình Lập”; “Tiếng vọng giữa rừng Nhất Tiến”; “Bến xe Lạng Sơn những dấu dỏi treo lơ lửng”; “Đỏ đen giữa chốn rừng già”; “Đào núi về xuôi”; “Cận cảnh con đường hàng lậu”; “Đêm trắng với rừng đại ngàn”; “90 ngày trong tổ quỷ”... cũng cảm nhận được ngòi bút của Nguyễn Đông Bắc đau cùng những cánh rừng bị tàn phá, đau cùng người thân của những thợ vàng bỏ mạng tại xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, đau cùng những người mẹ có con đang sống kiếp nô lệ ở bên kia biên giới. Anh thương những chị em gồng gánh quanh năm suốt tháng trong “Thương lắm Binh Nhì” và cảm thông nỗi vất vả người thợ trong“Thương lắm nghề thợ nhựa”, Tình thương đồng loại còn được thể hiện qua một loạt phóng sự của anh như: “Nà Hán lũ qua, cơ hàn ở lại” hay trong “Nỗi đau trầm dưới giếng vàng”...Không chỉ có thương mà Nguyễn Đông Bắc đã dũng cảm nêu nhiều vụ việc xâm hại quyền lợi của người dân mà tiêu biểu là vụ bán bến xe Lạng Sơn rồi đẩy bà con buôn bán nhỏ ra đường. Anh viết: “Bến xe Lạng Sơn trước đây” mỗi ki ốt có giá từ 200 đến 500 ngàn đồng, nay điều chỉnh thấp nhất là 800 và cao nhất là 2 triệu. Nhận được tin này nhiều người bật khóc...”. Đó cũng là tài quan sát của Nguyễn Đông Bắc: Anh chỉ ra hiện tượng nhiều trẻ em bỏ học đi ăn xin trong “Nỗi buồn Bắc Lệ”; Anh xót xa tiếc nuối khi tết đến có hàng trăm cây đào Mẫu Sơn bị đào gốc đưa về xuôi bán đã phá tan các cánh rừng đào xứ Lạng vốn đẹp đến mê người trong “Đào núi về xuôi” mà tôi cũng có lần từng viết về nạn chặt đào rừng trong bài: “Xin đừng chặt vào mùa xuân Tây Bắc”; Anh cảnh báo nạn khai thác kiểu tận thu cây dược liệu trong “Nước mắt dưới tán rừng”. Một khả năng nữa là Nguyễn Đông Bắc dám dấn thân, dám là người trong cuộc. Trong “Đêm trắng với rừng đại ngàn” anh viết: “Điều mà rất nhiều người dân phản ánh với chúng tôi là chở gỗ lậu ở Hữu Lũng như đi hội... Một đêm thức trắng để chứng kiến những xe chở gỗ khiến chúng tôi hiểu ra nhiều điều”. Qua đêm trắng này, anh tự hỏi: “Chúng ta ngăn chặn là vậy,có cả một bộ máy chính quyền, có đủ sức và mạnh về quản lý mà tại sao gỗ lậu vẫn ngang nhiên vận chuyển và máu rừng vẫn chảy là vì đâu???”. Anh còn kì công lọt qua nhiều chốt do các tay "anh chị" trông coi để lọt vào xới bạc giữa rừng giữa đồi với mỗi một ván bài có lúc lên tới cả trăm triệu để viết phóng sự“Đỏ đen giữa chốn rừng già”. Ngoài tố cáo những nỗi đau từ cờ bạc, anh còn mạnh dạn lên án cán bộ tại địa phương để xảy ra cờ bạc: “Cuộc sống của người dân Đồng Bành thực sự bị đảo lộn vào vòng xoáy cờ bạc không biết đến lúc nào. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng Lương Xuân Lăng vẫn coi như không có chuyện gì, trước máy ghi âm của tôi, ông vẫn khẳng định:“Người ta đánh tiền của người ta”. Thế mà các chi bộ, thậm chí như chi bộ Cây Hồng có thể nói là nơi đánh bạc dữ dội nhất vẫn đạt trong sạch vững mạnh, thị trấn Chi Lăng thì bị tiếng là thị trấn của cờ bạc mà Đảng bộ vẫn trong sạch vững mạnh”. Các phóng sự của Nguyễn Đông Bắc thể hiện sự quan sát tinh tường và thái độ dũng cảm trách nhiệm trước thời cuộc. Đó là những thành công chính của anh. Về mặt nghiệp vụ anh cũng rất thành công khi sưu tầm tư liệu và chọn lựa chi tiết, chọn lựa nhân vật làm cho phóng sự chân thật và hấp dẫn. Đó cũng là bút pháp của Nguyễn Đông Bắc.Một điều đáng ghi nhận trong cách thể hiện của anh là không dàn trải lan man mà thường cô đúc ngắn gọn hợp với người đọc. Người làm báo Hưng Yên xin giới thiệu một số phóng sự của anh trong mục “Những bài báo hay” tại trang này để các bạn tham khảo về sự dấn thân làm việc đầy trách nhiệm cũng như những thành công đáng trân trọng của anh.