Nhà báo- liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết: Tên anh đã 'tạc' vào năm tháng

Thứ năm - 14/02/2019 15:17
Nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết, phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, là phóng viên duy nhất của cả nước đã anh dũng ngã xuống tại một điểm cao trên biên giới xã Tả Ngải Chồ ngày 17/2/1979...
Nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết, phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, là phóng viên duy nhất của cả nước đã anh dũng ngã xuống tại một điểm cao trên biên giới xã Tả Ngải Chồ ngày 17/2/1979 khi đang trực tiếp cầm súng cùng bộ đội địa phương huyện biên giới Mường Khương dũng cảm chặn đánh quân địch từ bên kia biên giới tràn sang. Quỹ học bổng mang tên nhà báo - liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết vừa được thành lập vào 4/2018, lại nhắc nhớ đến anh, một nhà báo chiến sĩ đặc biệt.

Người thầy “vướng duyên” với nghiệp báo

Khi đọc được cuốn sách “Bùi Nguyên Khiết- Văn chương và cuộc đời” (NXB Hội Nhà văn, 2014 do nhà văn Mã A Lềnh sưu tầm và biên soạn) tôi mới thực sự hiểu thêm về một nhà báo trẻ tuổi, nhiệt huyết, đam mê, có trách nhiệm với nghề nghiệp và khi cần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì lý tưởng cách mạng cao đẹp.

111

Chân dung liệt sĩ- nhà báo Bùi Nguyên Khiết (Ảnh: GĐCC)

19 tuổi, chàng thanh niên gốc Ninh Bình- Bùi Nguyên Khiết đến mảnh đất Lào Cai với đầy ước mơ, hoài bão từ nghề dạy học. Vốn là người yêu văn chương, anh đã bị cuốn hút bởi con người và núi rừng biên cương qua một số tác phẩm của Tô Hoài, Ma Văn Kháng…

Suốt 14 năm theo nghề, anh luôn cần cù, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” nơi đây bởi theo anh thì chỉ có chất xám mới có thể thay đổi mảnh đất biên cương “đi trước về sau” này. Song song với công việc dạy học, anh còn hoàn thành khóa học đại học tại chức tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng xuất sắc rồi được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (khi ấy là ông Nguyễn Văn Huyên) trao tặng Bằng khen vì sự nghiệp giáo dục miền núi.

Năng khiếu văn chương, báo chí cùng sức hấp dẫn của con chữ đã khiến đôi chân anh không dừng lại trên bục giảng. Con người phong trần, sương gió, bụi bặm ấy trở thành phóng viên Báo Hoàng Biên Sơn từ năm 1976. Nhưng đó cũng là thời kì mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang rất cận kề. Sớm nhận ra âm mưu của kẻ địch, dưới sự chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Hoàng Liên Sơn, anh đã tích cực “đánh địch” trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Khi bọn phản động gây rối ở biên giới Hoàng Liên Sơn, dùng người Hoa làm con bài chính trị vu cáo Việt Nam “Bài xích khủng bố, tước đoạt tài sản người Hoa” gây ra sự kiện “Nạn kiều”, anh đã dồn trí tuệ, thông minh và lòng căm thù của mình vào ngòi bút, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, thâm độc và lừa bịp của chúng.

Nhà báo Nguyễn Công Đán- Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Đài PT-TH Hưng Yên trong đêm giao lưu văn nghệ “Hát với biên cương” và công bố thành lập Quỹ học bổng mang tên nhà báo - liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết vào tháng 4/2018 vừa qua đã khẳng định: “Nhà báo Bùi Nguyên Khiết là tấm gương sáng cho các nhà báo học tập, noi theo. Đó là làm báo phải biết dấn thân, làm báo phải đồng hành cùng dân tộc và chiến đấu vì hòa bình, vì tình hữu nghị của dân tộc Việt Nam”.

Anh còn viết nhiều bài trên báo chí địa phương và Trung ương vạch trần âm mưu thủ đoạn lấn đất của quân phản động ở Kho Tàu (bến mũi thuyền huyện Bát Xát), ở Nậm Chảy (huyện Mường Khương). Những bài báo của anh đã góp phần xé toang màn dối trá lừa bịp dư luận thế giới của bọn phản động, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ sự thật về việc họ lấn đất, gây rối an ninh trật tự, âm mưu thôn tính nước ta. Đó là những đòn đánh mạnh vào bọn phản động trên mặt trận dư luận rộng rãi trên thế giới.

Thế nên khi nói về Bùi Nguyên Khiết là nói đến một cây bút tài năng, trí tuệ “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” như lời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, và “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng...” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Tấm gương nhà báo – liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết khiến mỗi người chúng ta thêm tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc. Từ đó mỗi người làm báo thêm động lực, tinh thần với sứ mệnh vẻ vang mà xã hội đã đặt lên vai chúng ta.

Chiến công hiển hách, tiêu diệt địch

Có rất nhiều câu chuyện được kể lại, càng nghe càng thấy thấm thía và tự hào. Bởi trong làng báo đã có một gương mặt vừa hội tụ trí tuệ của người cầm bút, vừa có cả “tinh thần thép” của người chiến sỹ quả cảm. Theo lời kể của nhà báo Trường Túy- nguyên Tổng Biên tập Báo Yên Bái thì ngày 5/2/1979, anh em phóng viên thường trú ở thị xã Lào Cai chia tay nhau, tỏa đi các huyện biên giới công tác. Bùi Nguyên Khiết đã chọn Mường Khương, nơi tình hình biên giới đang diễn ra căng thẳng nhất. Trước buổi lên đường, anh có tâm sự với bạn bè: “Chính những nơi này cần chúng ta. Mình hy vọng chuyến đi này sẽ có nhiều bài ký và phóng sự sống để đánh vỗ mặt bọn chúng chứ!...”.

Đi theo tiếng gọi của tình yêu nghề nghiệp, Tổ quốc, Bùi Nguyên Khiết đến tác nghiệp tại chốt biên giới Lao Páo Chải. Ở đây, ngoài ngòi bút, quyển sổ và chiếc máy ảnh, anh còn được trang bị khẩu súng K63. Như một sự kiện đã được lường trước, rạng sáng ngày 17/2/1979, tiếng súng biên giới phát nổ, Bùi Nguyên Khiết lúc này đã quên đi “thân phận” của một nhà báo, mà đã trực tiếp chiến đấu với tinh thần quyết liệt, quả cảm khi súng K63 hết đạn thì dùng lựu đạn, hết lựu đạn thì dùng súng cối.

Giữa tình thế nguy nan, bấp bách khi quân địch quá đông, quân ta quá mỏng, giữa những đường đạn hai bên bắn xối xả bắn vào nhau thì đã có một đường đạn cướp đi nhà báo, “chiến sĩ” Bùi Nguyên Khiết. Anh ngã xuống khi cùng bộ đội địa phương chống trả quân địch suốt hơn sáu giờ đồng hồ. Theo nhà báo Vũ Văn Thụ- Tổng Biên tập Báo Hoàng Liên Sơn khi ấy thì trước khi hy sinh Bùi Nguyên Khiết đã lập được chiến công hiển hách, tiêu diệt được 50 tên địch, góp phần cùng bộ đội địa phương tiêu diệt được 200 tên xâm lược, làm bị thương nhiều tên khác và làm chậm bức tiến quân của địch.

111

Nhà báo Bùi Nguyên Khiết (Người đứng bên phải), trên chốt Lao Páo Chải chiều tối ngày 16/2/1979
trước lúc hy sinh mấy tiếng đồng hồ (Ảnh: GĐCC)

Hình ảnh anh nằm xuống bên cạnh một hòn đá to, trong tay vẫn còn nắm chặt quả đạn cối và chiếc máy ảnh đeo trên người như lời của nhà báo Trường Túy chia sẻ khiến chúng ta không khỏi quặn lòng, xót xa nhưng cũng đầy kiêu hãnh, tự hào. Anh ra đi giữa những ngày xuân tươi đẹp trên Mường Khương, khi hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc. Và chắc chắn rằng tâm hồn anh mãi mãi hòa vào dòng nước sông Hồng, sông Chảy nơi đây; hòa vào núi đá, đất trời Mường Khương, làm tô thắm thêm vẻ đẹp hùng vĩ, hào hùng của mảnh đất biên cương địa đầu này.

Cũng như một sự an ủi với vong linh nhà báo Bùi Nguyên Khiết, mà sau khi mất đi, anh đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, được truy kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Với nhiều cuốn sách và tác phẩm văn chương về mảnh đất này mà trong đợt xét lần đầu tiên của Giải thưởng Phan Xi Phăng- giải thưởng cao quý nhất về văn học - nghệ thuật của Lào Cai, tên của anh đã được xướng lên trang trọng. Hiện nay, ở Lào Cai đã có một con đường và một quỹ học bổng mang tên anh.

Vậy là cuộc đời 36 năm ngắn ngủi nhưng đó là quãng thời gian mà nhà báo Bùi Nguyên Khiết sống hết mình với tuổi trẻ, với nghề nghiệp, với tình yêu Tổ quốc vô bờ bến. Anh là một nhà báo đặc biệt trong gần 600 nhà báo- liệt sĩ bởi đơn thuần là phóng viên đưa tin nhưng khi biên cương bị đe dọa anh đã trực tiếp cầm súng chiến đấu như một chiến sĩ rồi “ngủ lại” trên chốt biên giới. Với những cống hiến ấy mà tên tuổi của anh dường như đã tạc vào năm tháng và là biểu tượng bất diệt của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...

Đoàn Mai

Nguồn tin: baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây