Chín mươi… mùa xuân

Thứ ba - 29/01/2019 11:09
Một ngày giữa tuần đầu tháng Tám năm 2018, trời Hà Nội “bảng lảng heo may” – cụm từ mà Phan Quang vẫn dùng. Hà Nội vào thu, mùa đẹp nhất xứ Tràng An...
Một ngày giữa tuần đầu tháng Tám năm 2018, trời Hà Nội “bảng lảng heo may” – cụm từ mà Phan Quang vẫn dùng. Hà Nội vào thu, mùa đẹp nhất xứ Tràng An. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn cuộc đời với Huế yêu thương, man mác nhớ mùa thu Hà Nội: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về thơm lừng ngọn gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua… Ngồi một mình ở phòng làm việc, Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, nhẹ nhàng hát, lưu luyến mà da diết “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Rồi chị điện thoại cho Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập VOV - PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ:

Anh ơi, mùa thu Hà Nội rất tuyệt, nơi em đáng đứng đây “có cây cơm nguội vàng, có cây bàng lá đỏ”. Nếu sáng nay, anh không bận, em đăng ký gặp anh có chút việc, nhưng chỉ liên quan chút xíu mùa thu Hà Nội thôi. Việc chính lại liên quan tới cựu Tổng Giám đốc, cựu Tổng Biên tập Phan Quang của các anh đấy!

Từ phía bên kia, Nguyễn Thế Kỷ trả lời ngay:

Trời đất, hôm nay Trường Giang “yêu” Trịnh Công Sơn “Nhớ mùa thu Hà Nội” quá ta! Giảng viên đến ngay đi, chiều nay và cả ngày mai tôi đi họp, vắng nhà!

Một mình đánh xe từ “cây bàng lá đỏ”, Trường Giang phóng tới phố Quán Sứ, con phố nằm ở trung tâm thủ đô, phía xa xa là hàng cây hoa sữa “thơm từng ngọn gió”. Nửa giờ sau, Trường Giang gõ cửa phòng làm việc của nhà thơ, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập VOV:

Rất cảm ơn anh đã nhận lời tiếp em, dù anh rất bận, sắp đến ngày kỷ niệm 73 năm Đài ta lên sóng, có biết bao nhiêu việc đang chờ đợi anh. Về nghĩa tình và cũng là trách nhiệm, em muốn anh tư vấn và quyết đoán cho việc liên quan đến bác Phan Quang… (cười)

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ lấy chai nước lọc rót vào ly thủy tinh mời khách, giọng xứ Nghệ điềm đạm:

Trường Giang ngâm thơ nay lại mê nhạc Trịnh, thật tuyệt! Mà hôm nay Trường Giang có vẻ rất thơ, rất nhạc. Để hôm nào ta giao lưu văn nghệ nhé. Nào, có chuyện gì liên quan bác Phan Quang ta cùng bàn. Ông là bậc tiền bối, người có nhiều công xây dựng Đài.
Nhà giáo, nhà báo Trường Giang vào chuyện luôn:
Thưa anh, tháng Tám này, bác Phan Quang tròn 90 tuổi đời và cũng tròn 70 tuổi nghề. Tuổi cao nhưng sức làm việc của bác vẫn rất thanh xuân. Nhân dịp này, đồng nghiệp tuyển chọn, tập hợp chín mươi chín bài viết về nhà báo, nhà văn Phan Quang in thành tập sách hơn 600 trang. Em nghĩ việc tổ chức ra mắt sách và mừng thượng thọ bác Phan Quang là rất có ý nghĩa, để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập VOV nói ngay:

Rất hay, nhưng nên tổ chức ở Đài là phù hợp nhất, bởi đây cũng là dịp Đài kỷ niệm hơn bảy thập niên lên sóng. Việc giới thiệu tập sách “Phan Quang – Chín mươi tuổi đời, bảy mươi tuổi nghề” rất xứng tầm. Nghĩa tình của anh em ở Đài dành cho bác Phan Quang nhiều năm nay là sự tin yêu, nể trọng.

Buổi sáng hôm sau, khi biết chuyện, nhà báo Phan Quang rất vui, vẫn theo bản tính khiêm nhường vốn có:

Tôi đã vào mùa đông cuộc đời, dự định không làm phiền ai điều gì nữa, nhưng rồi vẫn được bạn bè đồng nghiệp yêu quý. Đó là phần thưởng vô giá. Đành xin cúi đầu tri ân nhà Đài và tất cả!

“Phan Quang – Chín mươi tuổi đời, bảy mươi tuổi nghề”, đồng nghiệp  ở Đài tổ chức thật mỹ mãn. Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, các đồng nghiệp, bạn bè, học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên và gia đình nhà báo Phan Quang… có mặt đông đủ, nồng ấm. Nhà báo, nhà thơ, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh cảm tác tại chỗ đọc tặng ông: Trước mắt tôi/ Hàng ngàn trang sách/ Chắt ra từ vạn vạn trang đời/ Của chín mươi năm cuộc người/ Bảy mươi năm đời bút…/ Tằm nhả tơ/ Sáng óng từng con chữ/ Ấm nóng/ Tình đời, Tình bạn…

Thạc sĩ Dương Thanh Hoài, chuyên gia Văn hóa và ngôn ngữ đang làm việc tại một viện nghiên cứu của Hàn Quốc tại thủ đô Hà Nội, dịch giả của ba tập sách dày dặn được chuyển ngữ từ tiếng Hàn qua tiếng Việt “Ông chúa Đức Huệ”, “Lời nói dối hoa mỹ”, “Cảm ơn tất cả” (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2017, 2018) đến chia vui với nhà báo, nhà văn hóa Phan Quang, dù chưa một lần gặp ông, nhưng nể phục sức lao động thanh xuân và sáng tạo của dịch giả “Ngàn lẻ một đêm”. Dương Thanh Hoài mang đến tặng ông một giỏ hoa đẹp, mang về từ Hàn Quốc: “Biết tin sự kiện này qua Radio, sáng sớm nay cháu phóng xe từ Hà Đông, ghé văn phòng ở phố Kim Mã lấy giỏ hoa xứ Hàn bạn cháu vừa mang về Hà Nội chiều qua. Cháu chỉ kịp đến đây để kính chúc bác sức khỏe và hạnh phúc, mãi mãi “Sức sáng tạo thanh xuân” như anh Hồ Quang Lợi đã cảm nhận trong bài viết mang số thứ tự “99” của tập sách được giới thiệu sáng nay”. Dứt lời, thêm một lần nữa cúi gập người chào nhà báo Phan Quang, theo phong cách xứ Hàn, Dương Thanh Hoài vù ra xe, kịp chuyến công tác mới…
222
Bìa sách "Phan Quang - 90 tuổi đời 70 tuổi nghề


Mùa thu Hà Nội bảng lảng heo may, mùa đẹp nhất thành phố ven bờ sông Hồng.

Xuân Kỷ Hợi, 2019 – Đời và nghề - Phan Quang 90 mùa Xuân cuộc đời và 70  mùa xuân tình nghề, càng thêm nồng ấm tình bè bạn, đồng nghiệp, quê hương, tình đời – hạnh phúc…
 
Phạm Quốc Toản

Nguồn tin: Người làm báo Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây