Phổ thơ các nhà báo
Học hành âm nhạc chính quy, bài bản, từng lăn lộn với vai trò ca sĩ, nhạc sĩ của Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc rồi Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Không Quân đã giúp Quỳnh Hợp có sự tích lũy kiến thức, trải nghiệm quý báu khi chuyển sang công việc làm báo tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH). Tại Đài, chị là biên tập viên - MC của nhiều chương trình âm nhạc trên sóng, như: “Tác giả - tác phẩm”, “Giọng ca Việt Nam”, “Làn sóng xanh”…
Bìa bộ sản phẩm âm nhạc “Tổ quốc cánh sóng”
Chị gây dấu ấn với thính giả bởi chất giọng Hà Nội ấm áp, cách dẫn chuyện dung dị, sinh động, linh hoạt, gần gũi và hết sức tự nhiên. Đặc biệt, chị luôn là người biết cách để chuyển tải được nhiều thông tin đến người nghe với nhiều góc nhìn, cho nhiều đối tượng thính giả, gợi mở những cảm xúc từ chính người nghe. Và, để khắc ghi kỉ niệm về những năm tháng ấy, chị đã sáng tác ca khúc “Radio kết nối tin yêu” đặc tả công việc của những người biên tập viên, phát thanh viên trên sóng phát thanh.
Hơn thế nữa, năm 2010, chị còn cho ra mắt album “Nụ hồng vàng” phổ từ thơ của các nhà báo đồng nghiệp nhân kỉ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là album tuyển chọn 30 ca khúc phản ánh một góc khác bay bổng lãng mạn của người làm báo với những tác giả tên tuổi, dẫn dắt người nghe qua nhiều cung bậc cảm xúc từ nhẹ nhàng, trữ tình, lãng mạn với những tình khúc: “Chông chênh” (thơ Bùi Sim Sim), “Ðôi mắt” (thơ Nguyễn Thị Anh Ðào), “Dạ khúc trăng” (thơ Hồng Thanh Quang), “Trôi qua tháng Giêng” (thơ Hồ Thi Ca), đến những trải lòng về tình yêu sâu sắc như: “Tương tư” (thơ Ðỗ Trung Lai), “Bâng khuâng Ðà Lạt” (thơ Trần Ngọc Trác), “Chông chênh chiều” (thơ Khắc Dũng).... Có khi pha một chút hoài cổ, thấp thoáng âm hưởng dân ca như: “Nhớ sông Cầu” (thơ Trần Thế Tuyền), “Ðường dây về bản em” (thơ Nguyễn Thụy Kha), “Qua miền Quan họ” (thơ Nguyễn Vũ Quỳnh), “Chuyện tình hoa ban trắng” (thơ Ðoàn Hoài Trung)... nhưng cũng không thiếu những giai điệu hết sức hiện đại, sôi động và trẻ trung đầy sức sống: “Hát giữa đại ngàn Trường Sơn” (thơ Nguyễn Anh Nông), “Phố Sài Gòn” (lời Dương Toàn Thiên), “Nhịp phố” (thơ Vương Tâm)….
Quỳnh Hợp với Thiếu tá, nhà báo Thu Hương - Báo Hải Quân Việt Nam 5/2011
Thiêng liêng tiếng biển
Gần 40 năm sáng tác âm nhạc, Quỳnh Hợp đã ấp ủ, viết và phát hành hơn 70 album (khoảng hơn 800 ca khúc) về nhiều đề tài khác nhau và cho nhiều đối tượng khán giả, về nhiều vùng đất có chiều dài văn hóa và âm nhạc đặc trưng trên dọc dài đất nước, nhưng nổi bật hơn cả là những sáng tác của về biển đảo và người lính Hải Quân. Những tác phẩm ấy đã tạo được ấn tượng đẹp với đồng nghiệp và công chúng cả nước với ca từ đanh thép, hào sảng khẳng định chủ quyền biên hải quốc gia, gắn kết tình yêu Tổ quốc của người Việt ở khắp nơi cùng với đó là giới thiệu hình ảnh lãng mạn, kiên định của người lính biển.
Duyên cớ đầu tiên để đưa chị với mảng đề này, đó là vào năm 1988, khi chị đang học năm thứ nhất đại học thì nổ ra trận Trung quốc chiếm đoạt đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa thân yêu. Sự kiện khiến nhân dân cả nước sôi sục căm thù. Thầy trò khoa Sáng tác, Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức đêm nhạc “Tình ca hải đảo” hướng về quần đảo Trường Sa thân yêu. Trong đêm nhạc đó, Quỳnh Hợp đã ôm đàn guitar tự thể hiện bài hát “Nghe em hát ở Trường Sa”- một sáng tác nóng hổi của chị, để động viên tinh thần những người lính nơi đảo tiền tiêu. Khoảnh khắc Quỳnh Hợp ôm đàn hát đầy tự tin, kiêu hãnh đã được nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng thu gọn trong ống kính của mình. Tấm hình sau đó đã được đăng trang trọng ở trang nhất báo Hà Nội mới.
Quỳnh Hợp với 2 nữ nhà báo Thu Hương Báo Hải Quân Việt Nam, Thu Lan VOV và lính biển 5/2011
Tiếp đó vào cuối tháng 6/2011, tàu dầu khí của Việt Nam bị cắt cáp ở ngoài khơi, chị đã cho ra mắt một loạt ca khúc biểu đạt lòng căm phẫn và tinh thần yêu nước của quân và dân ta như: “Tổ quốc nhìn từ biển” (thơ Nguyễn Việt Chiến), “Đảo chìm”, “Đảo bão” (thơ Nguyễn Trọng Tạo), “Tình ca sau đêm bão” (thơ Trúc Chi), “Ba em là bộ đội Hải quân”. Đặc biệt, trong suốt 75 ngày đêm, Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng biển nước ta (năm 2014) chị đã liên tục ra mắt gần 100 ca khúc mới phổ thơ của nhiều tác giả. Có thể nói chưa khi nào từ “tiếng biển” trong chị lại hiền hòa, du dương, ầm ào, sôi sục và thiêng liêng đến thế. Vừa sáng tác vừa thu thanh, chị đã tuyển chọn và giới thiệu bộ sản phẩm âm nhạc “Tổ quốc cánh sóng” gồm một tập sách nhạc 50 ca khúc về biển đảo cùng hai album ca nhạc “Sôi lên hào khí Việt Nam” và “Tiếng biển”. Đó là những sáng tác mới nhất, nóng nhất, đa dạng về phong cách và tính chất âm nhạc biểu thị tiếng lòng của hàng triệu trái tim người Việt đang hướng về biên hải, nối đất liền với đảo xa và cổ vũ, động viên những người lính biển ngày đêm vững tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Viết báo bằng âm nhạc
Hơn 20 năm xông pha với nghề báo, đi nhiều nơi và viết cũng nhiều, chị luôn cảm ơn nghề báo đã cho chị nhiều cơ hội “nối vòng tay lớn” để có những “đứa con tinh thần” ra đời liên tục, bắt nhịp được với cuộc sống đang ào ào diễn ra và liên tục vận hành. Trong nhiều ca khúc của chị đều mang tính báo chí cao, bám sát thời sự, sự kiện, lễ hội… chuyển tải hơi thở của cuộc sống đương đại, thông điệp của thời cuộc một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển và đạt hiệu quả tuyên truyền như các album: “Lửa hội Điện Biên”, “Cảm xúc tháng tư”, “Khoảng lặng”.
Bức hình của nhà báo, NSNA Trần Hồng chụp Quỳnh Hợp biểu diễn trong chương trình đêm nhạc “Tình ca hải đảo” năm 1988
Vốn là người khá “nhạy” với những sự kiện liên quan đến người lính mà trong mỗi dịp 22/12, 27/7, chị đều có album ra mắt như: “Khúc trầm”, “Ngã ba huyền thọai”, “Vang mãi nhịp quân hành”, “Dấu chân người lính”, Khoảng lặng”. Gần đây nhất trong những ngày tháng 7/2017, chị đã ra mắt album “Tháng Bảy về…” trầm tĩnh, lắng sâu phổ thơ của nhiều tác giả. Trong đó, 2 ca khúc mà chị phổ thơ của nữ sĩ Đỗ Thị Hoa Lý đã nhắc đến những trận chiến tàn khốc nhất mà nỗi đau vẫn để lại đến bây giờ. Đó là “Tháng Bảy về” như tiếng lòng thổn thức của hai nữ tác giả khi chứng kiến những dòng người, những cựu chiến binh hành hương về dòng sông Thạch Hãn bi thương huyền thoại và “Nước mắt Vị xuyên” là câu chuyện kể 30 năm sau của trận chiến tàn khốc ở Vị Xuyên (tháng 7/1984), những người lính của sư đoàn 356 trở về chiến trường Vị Xuyên để khói hương cho đồng đội.
Vẫn biết “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” nhưng Quỳnh Hợp lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Chị luôn bị cuốn vào những chuyển biến của thời cuộc, sự kiện và đắm say vẻ đẹp của những nơi chị đặt chân đến rồi liên tục ghi lại những cảm xúc của mình bằng âm nhạc. Và một trong những điều quan trọng làm nên sự thành công trong các ca khúc của chị là khả năng phát hiện đề tài, khái quát sự việc, ra mắt tác phẩm kịp thời và đúng đối tượng. Đó chính là những đặc tính nổi bật mà nghề báo đã đem lại cho chị./.
Nguồn tin: Đức Huy/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên