Mới đó với tôi mà đã 35 năm có một cái Tết đón giao thừa trên công trình trọng điểm Quốc gia. Công trình “Thanh niên cộng sản của “tuổi trẻ cả nước xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại”, nhà máy nhiệt điện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Đó là mùa xuân năm 1985, năm đánh dấu tôi đang là cộng tác viên có nhiều tin bài nhất đăng báo Hải Hưng, phát trên Đài Phát thanh Hải Hưng và có một số tin bài đăng báo Lao Động. Đặc biệt là bài đầu tiên đăng Báo Nhân Dân.
Tôi còn nhớ mãi chương trình thời sự 12 giờ trưa ngày 16/8/1985 của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên trên loa công trường giọng đọc của phát thanh viên nổi tiếng Nguyễn Thơ: “Mời các bạn nghe bài Hiệu quả của cách khoán gọn của Đoàn Minh Tấn, đăng báo Nhân Dân số ra hôm nay”. Tôi đang lúi húi ở bể nước khu tập công nhân viên chức sửng sốt đứng lặng nghe. Lần đầu tiên tôi có bài đăng báo lớn quốc gia lại đọc ở một chương trình phát thanh lớn của đài quốc gia. Tôi chỉ là cộng tác viên, một cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua - tuyên truyền của Xí nghiệp Liên hợp lắp máy 69 (đơn vị trực thuộc LiLaMa - Bộ Xây dựng. LiLaMa là tên viết tắt của Liên hiệp các Xí nghiệp Lắp máy Việt Nam (sau đổi tên là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam). Xí nghiệp Liên hợp Lắp máy 69 lúc đó có khoảng 7 nghìn người làm nhiệm vụ lắp đặt thiết bị máy móc, cùng với hơn 15 nghìn cán bộ công nhân, chiến sĩ các đơn vị quân đội và hơn 400 chuyên gia Liên Xô, nhiều ngày cần mẫn làm việc 2 ca trên công trường. Sau 7 năm thi công bằng công nghệ không hiện đại như bây giờ, kể từ khi san lấp mặt bằng năm 1981, đến năm 1987 nhà máy nhiệt điện Phả Lại hoàn thành.
Thời kỳ đó Thủy điện Hòa Bình cũng do Liên Xô giúp mới đang xây dựng giai đoạn đầu, chưa phát điện, đất nước rất thiếu năng lượng, nhiều vùng quê chưa có điện, nhiều nơi ở thành thị phải cắt điện luân phiên. “Tất cả cho dòng điện sớm hòa lưới quốc gia” là khẩu hiệu hành động của các kỹ sư và những người thợ trên công trường. Mục tiêu của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ xây đựng Nhiệt điện Phả Lại không chỉ đáp ứng cho tưới tiêu nông nghiệp đang khát điện mà còn lấy điện cho thi công Thủy điện Sông Đà. Tôi còn nhớ rất rõ, đêm 30 Tết năm 1985, anh Vũ Mão, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn về động viên, tặng quà cho anh em đang sáng rực lửa hàn trên giàn giáo tầng cao. Sáng hôm sau mồng Một Tết, Phó thủ tướng Đỗ Mười (sau là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Tổng bí thư) cùng Bộ trưởng Xây dựng đến tận chân công trình khích lệ anh chị em công nhân đang làm việc. Cùng đi với Phó thủ tướng có cả tốp văn công hát dưới chân lò hơi cho anh em nghe.
Thực ra, trước khi bài đầu tiên đăng báo Nhân Dân tôi đã có cả trăm tin bài đăng báo Hải Hưng và phát trên Đài Phát thanh Hải Hưng từ khi khởi công nhà máy năm 1982 rồi. Không hiểu sao tôi lại hăng hái đến thế khi mà nhuận bút thời đó chẳng đáng là bao. Có lẽ vì tôi thường xuyên đọc báo, nghe đài, xem ti vi (ngày đó xí nghiệp có thư viện, có nhiều báo ngày, báo tuần, cả xí nghiệp có một ti vi đen trắng công cộng tối đến cho anh em xem) nên tôi hình dung sơ bộ thế nào là tin, thế nào là tin vắn, tin ngắn, tin sâu; thế nào là bài và bài phản ánh với bài phóng sự, bài điều tra khác nhau ở chỗ nào, dùng tít ra sao, chủ đề chính của bài cần tập trung và sử dụng chi tiết nào, số liệu thì dùng những số liệu gì, sự kiện, vấn đề thế nào là tính thời sự, viết thế nào cho có ý nghĩa đại chúng, mục đích thông tin để làm gì… Sau này khi rời ngành lắp máy đi học đại học báo chí và trở về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Hưng, tôi chiêm nghiệm thời kỳ cộng tác viên mình tự học nghiệp vụ có nhiều điều rất bổ ích.
Cũng nói thêm rằng, sau bài đầu tiên đăng báo Nhân Dân ấy, thời kỳ là cộng tác viên tôi còn có một số tin được đăng trang nhất và loạt bài dài đăng trang kinh tế của báo Nhân Dân như: Gắn chặt việc lập kế hoạch với sắp xếp lực lượng thi công; Diễn đàn kinh tế: Vài suy nghĩ về công việc và vai trò giám đốc công trường; Mỗi năm một tổ máy… Điều đáng nói trên công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại có hai đơn vị xây lắp lớn là Công ty xây dựng số 18 của Bộ Xây dựng làm phần bê tông móng máy và nhà cửa, Xí nghiệp Liên hợp Lắp máy 69 có nhiều xí nghiệp nhỏ trực thuộc làm phần lắp đặt máy móc như lò hơi, tua bin…Ngoài hai đơn vị chính kể trên còn có mấy công ty khác thi công san lấp mặt bằng, bến cảng than, đường giao thông nội bộ. Có cả đơn vị quân đội 319 làm nền đường vài chục km từ ga Bến Tắm về Phả Lại cho bên giao thông làm đường sắt chở than về nhà máy. Nhưng khi tôi viết bài về cái mới cũng như kinh nghiệm quản lý là viết chung cho cả công trường. Những tư liệu và am hiểu chuyên ngành xây dựng mà cánh nhà báo chuyên nghiệp về công trường như “cưỡi ngựa xem hoa” không hiểu sâu như tôi được. Có tư liệu rồi, vấn đề với tôi là chọn lựa chuyển thành tác phẩm báo chí thì tôi đã thành công.
Ngoài phản ánh về công trường nhiệt điện Phả Lại, tôi còn viết về huyện Chí Linh, nơi miền đất được mệnh danh là “Bát cổ” và địa linh nhân kiệt cũng được đăng ở báo Nhân Dân như các bài: “Hiệu quả đổi mới ở nhà máy thủy tinh y tế”, “Chuyển động bước đầu trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở huyện Chí Linh”, “Cây lạc Chí Linh trong chương trình xuất khẩu”…
Điều tôi tâm đắc là ngoài tin theo sự kiện, tôi chủ yếu viết về công tác quản lý, mỗi bài viết đều có tính phát hiện khi cả nước thời kỳ đó đang chuyển đổi từ cơ chế từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường với những bước đi mà Đảng và Nhà nước mầy mò, khai phá, nhất là các năm 1984, 1985 đang đột phá “giá lương tiền” để tìm ra những mô hình mới ở cơ sở “phá rào” làm ăn có hiệu quả, chuẩn bị cho ra đời Nghị quyết có tính lịch sử đổi mới toàn diện đất nước của Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986. Tổng hợp những bài báo trên cương vị cộng tác viên của tôi thời kỳ này đăng trên báo trung ương, báo Hải Hưng và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hải Hưng có đến hàng trăm tin bài mà đến nay tôi còn giữ rất nhiều bài đã đăng làm kỷ niệm.
Bây giờ nghĩ lại, duyên số nào đã đưa tôi vào nghề báo mà trước đó tôi chỉ là một cán bộ của một công ty nhà nước có danh tiếng là LiLaMa? Nếu tôi cứ ở cơ quan cũ có lẽ cũng thuận lợi? Mình chuyển sang làm báo chuyên nghiệp chắc chắn không phải vì kinh tế bởi LiLaMa khi chuyển sang cơ chế thị trường là một đơn vị rất mạnh và CBCN khá giàu. Tôi đến với nghề báo là lòng yêu nghề - Chỉ một điều duy nhất là vậy.
Đã gần 30 năm làm nhà báo chuyên nghiệp, tiền thân là viết báo in thời kỳ cộng tác viên rồi đến báo nói, báo hình khi về Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Hưng, đã làm nhiều tin, bài, phóng sự các lĩnh vực của đời sống xã hội, viết phóng sự mang chất văn học có, phóng sự điều tra có, khen chê đủ kiểu; và đã được mấy giải của Liên hoan Truyền hình Toàn quốc. Dù khi tái lập tỉnh năm 1997 về Đài Phát thanh - Truyền hình Hưng Yên làm công tác quản lý, chỉ đạo nội dung và duyệt tin bài, chương trình là chủ yếu, tôi vẫn tranh thủ cùng anh em làm một số phim tài liệu, đáng kể là các phim về biển đảo: Trường Sa, Côn Đảo và Bạch Long Vĩ. Đặc biệt là tôi làm kịch bản, đạo diễn và viết lời bình cho ba tập “Ký sự Trường Sa” gần 100 phút phát sóng trên Truyền hình Hưng Yên và một số kênh VTC cũng như trên YouTube. Riêng phim tài liệu “Vững tin ở Trường Sa” thời lượng 28 phút thì được phát nhiều lần trên nhiều kênh: VTV1, VTV4, VTV6, VOV, VTC1, VTC5, các VTV Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Cần Thơ, truyền hình Hưng Yên, Hà Nội và hàng chục đài truyền hình các tỉnh, thành phố khác, trên nhiều báo điện tử, trang mạng và YouTube. Tôi mới nghiệm ra một điều sâu sắc rằng: Làm báo học nghiệp vụ ở trường lớp là cần thiết, nhưng có ba điều quan trọng để vững vàng làm nghề báo mà nhiều nhà báo có tên tuổi như Hoàng Tùng, Hà Đăng, Hữu Thọ, Trần Lâm, Phan Quang… đã khẳng định và tôi cũng rút ra là lòng yêu nghề, có vốn sống và có năng khiếu. Vốn sống ở đây là tự học để có kiến thức rộng về chính trị, văn hóa, kinh tế; bởi làm báo là làm chính trị và như câu nói mỹ miều của nghề là “thư ký của thời đại” có chuyên môn nghiệp vụ sâu, đồng thời tích lũy kiến thức các mặt trong đời sống xã hội mà mình tiếp xúc khi đi tác nghiệp; là thu nhận, học hỏi ở nhân dân; là từng trải. Năng khiếu ở đây không chỉ là khả năng văn phong, độ cảm xúc mà còn là sự phát hiện vấn đề và kỹ năng, thủ pháp cho từng loại hình, thể loại, từng đề tài, chủ đề và nội dung cụ thể của từng tác phẩm báo chí. Thế nhưng như người xưa nói “văn ôn, võ luyện” nếu không thường xuyện cập nhật thông tin thời cuộc, không tự học nghề, làm nghề thì cũng trở lên lạc hậu khi mà mọi thứ của cuộc sống đổi mới hàng ngày.
Giờ đây, công nghệ làm báo khác xưa rất nhiều, dân trí và nhu cầu thông tin của công chúng cũng khác trước. Phải thích nghi cái mới khi toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, nhưng sự sáng tạo thì luôn là cốt lõi và vốn sống như hơi thở để có “nguyên liệu” làm ra tác phẩm báo chí; cũng như lòng yêu nghề để có tâm huyết, sự say mê thúc đẩy sáng tạo thì bất cứ bao giờ, ở đâu cũng là nền tảng của nghề báo, dù mỗi nhà báo có muôn nẻo con đường vào nghề rất khác nhau.
Đoàn Minh Tấn