Lời quê hương trong trang viết

Thứ năm - 10/01/2019 09:12
NGHIỆP DĨ GIƯỜNG NHƯ ĐÃ CHON NHÀ BÁO TRƯƠNG ĐỨC MINH TỨ NHƯ MỘT ĐỊNH MỆNH. DÙ RÀNG, HỆ LỤY TỪ NHỮNG BÀI BÁO BUỔI CHẬP CHỮNG BAN ĐẦU ĐÃ “QUẤT” CHO ANH KHÔNG ÍT LẰN ROI ĐAU ĐỚN. NGHỀ BÁO TỪNG ĐƯA ANH ĐI XA NHƯNG RỒI GỌI ANH VỀ LẠI VỚI MIỀN ĐẤT QUẢNG TRỊ QUÊ HƯƠNG CÒN NHIỀU THƯƠNG KHÓ. NƠI ĐAY, NGÒI BÚT CỦA MINH TỨ ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH, TRỞ THÀNH MỘT CÂY BÚT TÊN TUỔI, CÓ PHONG CÁCH TRONG LÀNG BÁO MIỀN TRUNG NÓI RIÊNG VÀ BÁO GIỚI NÓI CHUNG.
Có nhiều dụng công để người ta có thể “đọc” được nhau qua tính cách, ngôn phong, ứng xử hàng ngày… nhưng với nhà báo Minh Tứ, “âm bản” tâm hồn anh có lẽ là những trang viết thẫm đẫm tình đời, tình người trong suốt 25 năm cầm bút. Đất và người Quảng Trị trong quá khứ, hiện tại đều đồng hiện, hóa tính lẫn nhau thành một thứ men say phát khởi tự tâm, để anh được dự phần và nói lên bằng chính ngôn phong của riêng mình.
Trương Đức Minh Tứ say mê nghề báo và đã viết nhiều bài báo trên các báo trung ương và địa phương khi đang còn học tại khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Huế). Anh có một thời gian là phóng viên của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ).
Nhà báo Trương Đức Minh Tứ
Nhà báo Trương Đức Minh Tứ

Năm 1990, Minh Tứ trở về quê làm việc ở Báo Quảng Trị khi tòa soạn mới được thành lập. Trong thời gian này, anh bị ngay “cú sốc” nghề nghiệp khi viết phóng sự Lao bảo, những ngày sôi động. Bài báo nêu trường hợp con trai một quan chức ngành nội chính tỉnh có dính líu tới buôn lậu. Vị cán bộ này đã phát đơn kiện nhà báo vì “tội” vu khống, làm ảnh hưởng thanh danh gia đình ông ta(!?). Nhà báo Trương Đức Minh Tứ “thoát nạn” được nhờ lưu giữ đầy đủ tài liệu xác thực… Đảm trách cương vị Phó tổng biên tập Báo Quảng Trị từ năm 1997 cho đến nay, những tưởng vị trí quản lý lấy hết thời gian của ngòi bút sắc sảo nhạy bén ấy, nhưng bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc hết sức ngạc nhiên với bút lực của nhà báo Trương Đức Minh Tứ. Anh vẫn tiếp tục viết khỏe, đều đặn. Có người băn khoăn: “Đã làm quản lý rồi, còn viết làm gì”, Trương Đức Minh Tứ nói: “Viết để nuôi niềm đam mê, để kiếm sống một cách tử tế”…
Nhà báo Trương Đức Minh Tứ tâm sự, để tự khẳng định được vị trí của một cây bút có dấu ấn trong long bạn đọc là điều hết sức khó khăn, nhất là ở báo địa phương. Những bài báo của Minh Tứ đã vượt khỏi ranh giới của một địa phương, có sức lan tỏa, cộng hưởng và đồng cảm cùng với bạn đọc trong toàn quốc. Miệt mài thâm canh trên “cánh đồng chữ nghĩa”, đối với Trương Đức Minh Tứ đay cũng là cách để anh mở lòng với bạn đọc, đồng nghiệp và công tác quản lý được tốt, sát với thực tiễn hơn.
Các vấn đề xã hội, nhân sinh, từng góc khuất của thân phận luôn được soi rọi, đặt vấn đề và tìm giải pháp, thể hiện một cách chi tiết trong mỗi bài báo của nhà báo Trương Đức Minh Tứ. Bài ghi chép Người thầy giáo ấy giờ đây… của Minh Tứ về thầy giáo người dân tộc Vân Kiều Hồ Roàng khi hướng dẫn học sinh làm vườn địa lý bị trúng bom Mỹ mù cả hai mắt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi báo đăng, bạn đọc cả nước đã có nhiều đợt ủng hộ về vật chất, tinh thần giúp đỡ  thầy giáo Hồ Roàng. Tiếp đó, thầy được ngành lao động – thương binh và xã hội làm thủ tục công nhận diện chính sách thương binh. Bạn đọc còn biết đến một nữ du kích Nguyễn Thị Hoa, người con gái Hải Lăng một thời kiên trung, bất khuất; là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ phải từng ngày đối mặt với nhiều trắc trở trong cuộc sống. Nhà báo Trương Đức Minh Tứ có phóng sự Chuyện ghi bên thềm Cầu Trắng. Bài báo bắc thêm nhịp cầu từ tâm đến với những vòng tay nhân ái, giúp chị Hoa vượt lên hoàn cảnh để từng bước ổn định cuộc sống. Tiếp tục mạnh xúc cảm nhân văn đó, qua những bài báo Nỗi đau lên tiếng, Những niềm đau lặng lẽ… người đọc có thể hình dung một Trương Đức Minh Tứ từng ngày lặng lẽ ký họa lại từng chân dung, từng phận đời trong nghịch cảnh, mất mát trong cuộc sống; cảm thông và đồng hành cùng họ trong từng bước chân vững tin đi về phía ánh sáng.
“Thực tế chứng minh rằng, chỉ có những cây bút lao động không biết mệt mỏi, luôn tìm tòi cái mới, cái đẹp. Tỏ rõ thái độ trước một vấn đề, một hành vi tiêu cực trong xã hội với một cái tâm trong sáng mới đem lại thành công. Nếu không, sớm muộn sẽ bị bạn đọc bỏ rơi bên “lề thông tin” và người cầm bút tự triệt thoái thiên chức của mình lúc nào không hay”, nhà báo Trương Đức Minh Tứ nói.
… Có một quê hương nặng mang bao niềm thao thức, lặng lẽ đi về trong mỗi trang viết của nhà báo Trương Đức Minh Tứ. Ngôn từ không thể nào đánh bóng hay làm khác đi “bản lai diện mục” của một miền đất đang còn phải đối diện với bao khó khăn, thách thức để vượt “vũ môn”, hòa nhập và phát triển như tỉnh Quảng Trị. Ngẫm về chuyện nghề, anh chia sẻ: Suốt một thời gian cầm bút, đôi khi thấy mình trắng tay, bởi “tuổi thọ” của tác phẩm báo chí khá ngắn ngủi, nhiều khi chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định. Có lẽ vì thế, nhiều bài báo của nhà báo Trương Đức Minh Tứ đều được đầu tư bằng sức lao động bền bỉ, không ngừng để luôn hâm nóng cảm xúc; tạo cho ngòi bút của anh có một dấu ấn, một phong cách riêng, ít bị chi phối bởi mọi khuôn thức tẻ nhạt.
Đọc các tập bút ký, phóng sự, ghi chép của Trương Đức Minh Tứ như Cỏ xanh dưới chân thành cổ, Thông điệp cho mai sau, Dòng sông ký ức… người ta được nghe tiếng nói của quê hương đồng hiện, liền mạch trong chủ lưu bất tận nối liền quá khứ - hiện tại; có nối vui tiếp nối sau những niềm đau của bao số phận trong diễn trình của lịch sử, của hôm qua và hôm nay. Sự kiện, nhân vật trong tác phẩm của Trương Đức Minh Tứ được nhìn nhận một cách chính xác, chi tiết của tư duy báo chí, thêm vào đó là sự bay bổng, tinh tế được soi chiếu qua mỹ cảm “phép biện chứng tâm hồn” của một người viết văn. Bởi thế, từng trang viết của anh luôn có sức gợi, lay thức và luôn hấp dẫn, tạo được nhiều dư ba trong lòng người đọc. Như từng hạt muối thêm, dăm dòng lệ tiếp, ngôn ngữ của Trương Đức Minh Tứ đưa bạn đọc nhận diện, tiệm cận với bao âm vọng của cuộc đời, làm đầy thêm hành trang của họ; thi ảnh hóa trong miền – tâm – thức thẳm sâu từng phút sống đã qua, bao lượng đời đã trải, thắp sáng những vùng bóng tối, tươi mới mọi cỗi cằn…
Đất mẹ Quảng Trị - mạch nguồn dinh dưỡng nuôi ngòi bút và tâm hồn nhà báo Trương Đức Minh Tứ - nơi có căn nhà rường cũ khiêm nhường ở ngoại ô thành phố Đông Hà, luôn là chốn đi về của anh sau bao ngày tháng nhọc nhằn nặng gánh mưu sinh. Anh tựa vào kỷ niệm để tìm tấm vé thông hành trở về với tuổi thơ, nghe lại lời ru của mẹ - lời quê hương ngọt ngào; lắng lòng theo nhịp vỗ về, thao thiết của dòng sông Hiếu bên ngoài kia đang ngày đêm miệt mài xuôi trôi về biển lớn.

 
                                                                                                  Bảo Trung

Nguồn tin: Tạp chí Người làm báo Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây