Tổng Biên tập Phạm Hồng Dương: Người thức trắng đêm viết bài
Thứ hai - 18/02/2019 09:00
Từ giữa năm1980, tôi xin việc ở nhiều nơi. Khoảng tháng 10 tôi nhận được thư tay của TBT Báo Bắc Thái Phạm Hồng Dương gửi về làng tôi ở, nét chữ của ông rất đẹp, đại ý ông viết hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ tôi và thông báo BBT Báo Bắc Thái đã đồng ý nhận tôi về Báo và ông dặn tôi hãy mang giấy chuyển công tác và giấy chuyển lương để làm các thủ tục. Ngày ấy do bận việc nên tôi không thể lên ngay được...
Một vài kỷ niệm không thể nào quên Đúng một tháng sau, tôi nhận được lá thư thứ hai của ông, nội dung giống lá thư trước. Vậy là đầu tháng 12 cùng năm tôi lên nhận việc. Khoảng 8 giờ tối, tàu đến ga Quán Triều, tôi xuống ga và đạp xe vòng lại tòa soạn Báo Bắc Thái cạnh sân vận động Thái Nguyên. Ngay tối hôm đó TBT Hồng Dương cùng phó TBT Văn Giang dẫn tôi lên dãy phòng mái lợp cọ. Đây cũng là căn phòng tôi ở khoảng 3 năm cho tới khi rời tòa soạn. Khoảng 2-3 ngày sau, TBT Hồng Dương bê xuống cho tôi một chồng cao Báo Bắc Thái cùng nhiều báo cáo của các ban ngành huyện thị của tỉnh Bắc Thái. Ông bảo phải đọc cho hiểu tình hình mới có thể làm báo được. Khoảng 3 tuần sau, tôi có chuyến theo xe của Bộ CHQS tỉnh và theo chị Minh Châm là PV của tòa soạn đi làm tin đầu tiên tại huyện Đại Từ. Tối hôm tôi đi, TBT Hồng Dương mang cho tôi một chiếc cặp và một chiếc bút, ông nói: Đây là phần thưởng lao động Tiên tiến trong năm của chú, biết cháu mới từ bộ đội chuyển ngành còn thiếu đồ dùng nên chú tặng cháu. Sau 3 năm làm tại Báo Bắc Thái, tôi chuyển đi học và sau đó chuyển về làm tại Báo Hải Hưng. Một lần về nhà, tôi thấy bố tôi viết thư, tôi hỏi: bố viết thư cho ai? Bố tôi trả lời: Ông Dương bảo mấy lần viết thư cho anh mà không thấy anh trả lời và ông Dương hỏi anh ốm đau hay là chuyển công tác rồi… Vậy tôi phải viết thư để thưa chuyện với ông ấy. Hóa ra là thế. Quả thật dạo ấy tôi nhận được hai thư ông viết cho tôi và ông đều nhắc phải lấy vợ cho bố mẹ yên lòng, tôi thấy tôi không có chuyện gì mới nên vô lễ không thư cho ông … Thức trắng đêm viết bài Đó là tháng 10 năm 1983, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Linh rủ TBT Hồng Dương đi sang huyện Lục Ngạn tỉnh Hà Bắc nơi có phong trào trồng đậu tương để học tập kinh nghiệm. Hôm đó trời mưa, đất đồi vùng Lục Ngạn dính chặt vào chiếc xe Vonga cũ của Báo Bắc Thái. (Đây là chiếc xe của Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Linh bàn giao cho TBT Hồng Dương dùng). Khoảng 9 giờ tối TBT Hồng Dương về đến tòa soạn. Ông điện cho bác Thụ là họa sỹ đồng thời là người sửa morat của báo thay bài để kịp in bài viết của ông về học tập Lục Ngạn đưa cây đỗ tương trồng tại các vùng đất đồi. Mà đất đồi ở Bắc Thái ngày ấy gồm các huyện Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa, Bạch Thông rộng mênh mông. Ông muốn cổ vũ cho phong trào trồng đỗ tương trên đất đồi để thoát nghèo làm giàu cho hàng vạn nông dân. Bài viết của ông có tựa đề “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Bài viết có mấy tít phụ. Khoảng hai giờ đêm ông viết xong, ông gọi lái xe mang bản thảo ra nhà in cách báo khoảng hai cây số. Sau nửa tiếng sắp chữ, khoảng 3 giờ kém báo bắt đầu in. Đến gần 7 giờ sáng thì báo in xong khoảng 7 nghìn bản rồi Bưu điện chuyển báo đi các địa phương… Hồi đó máy in báo lạc hậu, thỉnh thoảng báo xuất bản không đúng giờ. Hôm nào báo chậm, TBT Hồng Dương đi đi lại lại dọc hành lang tỏ vẻ rất chờ đợi và sốt ruột. Thấy cảnh đó, tôi và anh Hữu Minh nói trộm rằng: Sư tử đang đau đẻ kìa. Tôi tiếc là vì đi học nên chỉ được làm báo dưới quyền TBT Hồng Dương có gần 3 năm rồi xa ông. Trong tôi ông là một nhà báo sống đẹp như đời nghệ sỹ. Dáng ông cao lớn, gương mặt ông đẹp với nụ cười má lúm đồng tiền và giọng nói trầm ấm. Ông sống chân thành và hiếu khách. Với cấp dưới có khi ông vẫn mời nước bằng cả hai tay. Cả đời ông chưa bao giờ làm hại ai mà thường chỉ giúp người làm lẽ sống. Ông rất yêu nghề và cộng tác với nhiều báo, khi nghỉ hưu ông vẫn có nhiều bài viết gửi cho các báo. Đường vào nghề báo của ông cũng như là duyên định để ông suốt đời gắn bó với cây bút và trang viết. Ông xuất thân từ một giao liên kiêm đánh máy chữ cho Báo Quân khu Tả ngạn – Nay là quân khu 3. Ông đánh máy bằng 10 ngón tay. Từ đánh máy ông học viết tin và viết báo. Khoảng những năm 60 ông về làm tại Báo Sơn Tây. Ông từng làm thư kí tòa soạn Báo Sơn Tây hồi đó. Sau này ông được về công tác tại Vụ Báo chí trực thuộc Ban Tuyên giáo TW. Ông được “xách cặp theo hầu” nhà báo Vụ trưởng vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn TW Lưu Quý Kỳ như lời ông từng nói. Chiến tranh chống Tàu nổ ra, khoảng tháng 3 năm 1979, ông được tỉnh Bắc Thái xin về làm Tổng biên tập cho suốt tới năm 1996 là năm ông nghỉ hưu. Như vậy ông có gần 18 năm làm TBT trong đó có hai năm phải làm thêm vì chưa tìm được người thay thế. Tại Báo Bắc Thái ông sáng lập và là cây viết chủ lực cho nhiều chuyên mục trong đó có chuyên mục “Người Sông Công” gồm những bài viết mang tính chiến đấu và phản biện. Ngoài ra ông còn viết nhiều bài dưới bút danh Thu An. Ông hào hoa, chơi rộng và hay kể về các nhà báo lớn như Lưu Quý Kỳ (Vụ trưởng vụ Báo chí Ban Tuyên huấn TƯ), Thép Mới( Phó TBT báo Nhân Dân), Hồng Hà (TBT báo Nhân Dân), Hà Đăng( TBT báo Nhân Dân) Hữu Thọ ( TBT báo Nhân Dân),Phan Quang ( TGĐ dài TNVN), Lê Điền, Trần Minh Tân là PV báo Nhân Dân Nguyễn Tử Văn (Vụ Báo chí) … và các TBT báo địa phương cùng thời với ông trong đó có nhiều TBT các tỉnh tôi không biết mặt nhưng cũng thuộc tên như: Hồng Lĩnh TBT Báo Hà Nội mới, Lê Trúc, Đắc Hữu TBT Báo Hà Sơn Bình, Nguyễn Mạnh TBT Báo Hà Bắc, Vũ Long TBT Báo Hải Phòng, Nguyễn Thi TBT Báo Hải Dương, Phạm Đạo TBT Báo Hà Nam Ninh, Nguyễn Huy Trợ TBT Báo Quảng Ninh, Phạm Văn Thụ TBT Báo Hoàng Liên Sơn, Nguyễn Uyển TBT Báo Vĩnh Phú… Họ đều là những cây đa cây đề của làng báo Việt Nam suốt dời gắn bó với báo chí và có những cống hiến cho nền báo chí cách mạng trong đó có TBT Phạm Hồng Dương. Ông cũng như các thế hệ làm báo lớp trước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông mất đầu tháng chạp năm 2013 tại quê nhà xã Long Hưng huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên thọ 81 tuổi.