Tôi quen Bùi Nguyên Khiết không lâu, chừng dăm sáu tháng gì đó, nhưng cũng đủ để cho tôi thấy anh là một người thẳng thắn, thiện cảm, nhiệt tình...
Bùi Nguyên Khiết vào làm báo Hoàng Kiên Sơn sau khi anh đã có tác phẩm văn học đầu tay được xuất bản. Trong tập Tiếng Việt lớp 5 của Nhà xuất bản Giáo dục đã có bài “Ông già trên núi chè tuyết” trích trong truyện “Người du kích trên núi chè tuyết” ký tên Bùi Nguyên Khiết cho các em học. Được bước hẳn vào nghề làm báo là ước mơ cháy bỏng của Bùi Nguyên Khiết. Anh vốn là một nhà giáo, nhưng cái vốn văn học của anh nếu chỉ quanh quẩn với đám học trò và cái sân trường thì thật khổ cho anh quá.
Vì vậy, anh vô cùng vui sướng, biết rằng mình đã bước vào một môi trường vô cùng thuận lợi. Anh tâm sự với tôi về những nhà văn, nhà thơ mà anh thấy rõ những cái được và chưa được của họ. Anh kể về một nhân vật tà tâm “sát phu cướp phụ” mà anh chứng kiến để làm điển hình cho những cốt truyện sau này. Anh nói về cụ Nguyên Hồng có lần đã lên Lào Cai nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ. Anh cũng biết cụ Nguyên Hồng là một con người đa cảm, vì thế khi nói chuyện đến một đoạn nào đó xúc động là cụ lại chảy nước mắt. Nhưng cụ cũng thẳng thắn chỉ vào nhà văn nọ mà nói rằng “anh khôn quá, anh láu quá, làm văn mà khôn vặt như thế thì không được, phải dại dại một chút chứ!”. Đấy là anh nói về một nhà văn quen biết. Còn về một nhà thơ cũng quen biết thì anh đọc cho tôi nghe một bài vè mà anh tự sáng tác. Tôi mới chỉ nghe qua một lần là đã thuộc ngay. Bởi vì nói thật quá, đúng quá, lại vần nữa cho nên dễ nhớ. Tôi không tiện chép ra đây sợ nhà thơ của chúng ta phật lòng, nhưng có lẽ giới văn nghệ sĩ địa phương thì không ai là không biết bài vè đó. Cũng lại khổ cho Bùi Nguyên Khiết là mới chính thức bước vào làng báo cho nên anh được phân công vào làm việc ở tòa soạn với tôi. Mục đích cũng là để cho anh một thời gian làm quen với công việc “bếp núc” của một tờ báo. Anh cũng hiểu vậy và đành chấp nhận. Làm việc “bếp núc” trong một tòa báo có nghĩa là chôn chân dưới bốn cái chân bàn, gọt sửa bài vở của người khác và tên tuổi của mình thì ẩn tích mai danh. Cho nên chưa ngồi nóng chỗ là anh đã nài nỉ để cho anh được đi viết. Bùi Nguyên Khiết được phân công viết một chuyên mục “Chuyện thời sự” nhằm đập lại những luận điệu tuyên truyền của bọn phản động. Anh tỏ ra là một người có tài dẫn những điển tích để lấy “gậy ông đập lưng ông” bằng những bài tạp văn ngắn gọn, súc tích. Và cứ như thế 5 ngày một kỳ, anh lại viết một bài tạp văn, phần lớn không ký tên, đăng trên báo Hoàng Liên Sơn, chỉ trừ có một bài “Lời thánh dạy và việc làm của họ” đăng trong số 234 ra ngày 5/12/1978 là ký tên Chu Mộng. Nhưng những bài tạp văn đó vẫn không làm cho anh hài lòng. Vì thế mà rất nhiều lần anh lại đặt vấn đề với tôi là để cho anh đi cơ sở. Bùi Nguyên Khiết có cái thú đi săn, anh có một khẩu TOZ-8 Liên Xô và một vốc đạn. Thế là vào giờ rỗi, anh thường đi la cà khắp đó đây và anh bắn rất giỏi. Thường thì không bao giờ về không, lúc thì con chim cu, khi thì con cuốc hay con chào mào.
Tòa soạn lúc đó đã rời khỏi Lào Cai về đóng trụ sở ở Yên Bái. Bùi Nguyên Khiết lại năn nỉ tôi để anh đi. Anh biết mình có lỗi với tòa soạn là đã không tiếp tục được cái chuyên mục “Chuyện thời sự” và không thể ở với tôi lâu hơn được nữa. Vì thế mà trong một bức thư cuối cùng từ Mường Khương gửi về cho tòa soạn, anh viết: “... Công việc ở nhà thôi thì trăm sự nhờ anh Cường...” (Rất tiếc là toàn bộ bức thư đó không còn giữ được). Không ngờ câu nói đó lại là câu dặn dò cuối cùng của Bùi Nguyên Khiết đối với tòa soạn, đối với chúng tôi. Tháng 2/1979, anh như con chim sổ lồng lập tức ngược lên Lào Cai và ít lâu sau thì chúng tôi được biết anh đã ở Mường Khương, nơi nóng bỏng thời sự nhất lúc bấy giờ. Như một phóng viên chiến tranh và còn hơn một phóng viên chiến tranh, anh đã cầm súng chiến đấu như một chiến sĩ thực thụ và đã anh dũng hy sinh ngày 17.2.1979 trên chốt Lao Páo Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Năm ấy anh tròn 36 tuổi.
An Thế Cường
Một số tác phẩm của nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết - Những tác phẩm đã xuất bản + Tập truyện ngắn: Đi bên những vì sao, Dáng núi, Ngôi sao xanh màu lá mạ (in chung với Ma Văn Kháng), Tiếng chim đổi mùa (của nhiều tác giả) - Những truyện ký đăng trên báo: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, Báo Phụ nữ, Tiền Phong, Hoàng Liên Sơn... Bóng dáng thân yêu, Mưa tuyết, Trên đồi dứa vụ đông, Mùa vàng thao thức, Đêm trăng trên bến mũi thuyền, Hồ Kiều làm chứng, Hoa ban sắc trắng, Gió ngàn, Hạt giống mới, Theo ong đi lấy mật, Ông lão trên núi chè tuyết và đứa cháu xa quê, Tiếng hú trong rừng mỡ... - Những bút danh của Bùi Nguyên Khiết: Bạch Hiếu Minh, Mạc Điềm, Lưu Thanh, Phong Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Huy... - Những tác phẩm chưa xuất bản: Pháo đài trên núi (truyện dài), Tập truyện về biên giới viết cho Nhà Xuất bản văn học. - Ngoài ra còn nhiều bản thảo những truyện ngắn, bút ký, ký sự văn học đang viết dở.