“Túi càn khôn” của một nhà báo lớn

Thứ tư - 09/01/2019 09:24
Mỗi năm thêm một tuổi, nhà báo Phan Quang mái tóc bạc hơn, bước chân chậm rãi, nhưng trí nhớ và sự minh mẫn của ông...
 

Mỗi năm thêm một tuổi, nhà báo Phan Quang mái tóc bạc hơn, bước chân chậm rãi, nhưng trí nhớ và sự minh mẫn của ông vẫn không khác trước mấy dù ông vẫn cho mình nay khi nhớ khi quên, nói gì viết gì cũng phải lục tìm xem lại tư liêu, sách báo và các bản ghi chép… cho đỡ sai lầm, cho được chuẩn xác.

Thực ra, với những gì người viết bài này được
“thực mục sở thị” không chỉ một lần, thì tuổi tác chỉ là một lý do, điều quan trọng hơn, chính là con người cẩn trọng, có cách làm việc khoa học ở nhà báo Phan Quang đã khiến ông luôn giữ được trọng lượng cho ngòi bút và tác phẩm báo chí mang tên mình.

Phải nói rằng, ông có phong cách một người làm khoa học, một người sưu tầm, tham khảo tư liệu nghiêm túc. Nói có sách, mách có chứng. Mỗi chữ, mỗi câu ông viết ra, đều có gốc có gác, có nguồn có cội, không tùy ý, dễ dãi.
Sách. “Bánh mì của tâm hồn”
Được ngắm những tủ sách quý của ông, được cầm xem từng cuốn sách có thể ở Việt Nam không có cuốn thứ hai, được lật giở từng trang sách, đọc tên những tác giả nổi tiếng Âu – Á với lời đề tặng hay chữ ký của họ dành cho chủ nhân cuốn sách…, mới cảm nhận thấm thía  được nụ cười rạng rỡ, ánh mắt tươi vui của ông mỗi khi nói đến sách, kể về sách và khoe… sách. Ông nói vui: Người Việt Nam mình thích khoe, có con khoe con, có của khoe của, mình khoe… sách vậy.
nhà báo Phan Quang
Nhà báo Phan Quang

Hơn một lần, tôi nghe ông nhắc đến đôi câu đối của học giả: Nguyễn Hiến Lê:
Trị ái thư, loại ái thư, thư trung hữu hữu
Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại không không
Và bài dịch của cụ Giản Chi:
Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có
Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không
“Giỏi lắm, đối rất chỉnh. Tuy nhiên cái đạo của ta không hoàn toàn giống cái đạo của cụ Nguyễn Hiến lê. Tôi khâm phục sức làm việc của Nguyễn Hiến Lê, đã có bài viết về ông: “Nguyễn Hiến Lê, hai mươi năm một trăm tác phẩm (Thương nhớ vẫn còn). Trung thành với ý tưởng trong sách chi chi cũng có, tôi chịu khó sưu tầm tư liệu. Các chuyến ra nước ngoài, ít nhiều tôi đều có sách mang về”. Ông cười, kể.
Đúng vây, các chuyến đi công tác xa của ông, sách luôn là quà, là thứ quý nhất, được trân trọng nhất, là thứ không thể bỏ lại, bởi chúng thiết yếu cho nghề nghiệp. Lễ mễ ôm chồng giáo trình ngất nghểu từ phòng bên sang cho tôi xem và chụp ảnh làm tư liệu, ông nói: “không thể đưa hết về, tôi chỉ chọn được một số thôi, dù cái nào bỏ lại cũng tiếc. Các trường báo chí của OIJ thời trước, việc in ấn không dễ, nhiều giáo trình in rôneo, chỉ những cuốn hay mới in typo. Quan điểm khác ta nhưng ta vẫn phải tìm học cái hay cái được của họ, nhất là thời hội nhập này…”. Ông lại mang ra cho xem mấy bộ sách khác: “Đây là các giáo trình chọn lọc của Trường đại học báo chí Lille, những cuốn khổ to kia, Cahiers du Journalisme, là tập san nghiệp vụ của thầy trò họ. Đây là Giáo trình nâng cao của CJPF Paris; còn đây là bộ sách nhập môn đơn giản hơn nhiều, nước Pháp giúp một số nước châu Phi dùng đào tạo ngắn ngày các nhà báo trẻ. Như cuốn này, Nghề nhà báo qua 30 câu hỏi đáp, giản đơn mà đầy đủ, tôi từng có ý định dịch ra tiếng Việt làm tư liệu tham khảo cho cộng tác viên làm báo nghiệp dư – thích thì nói vậy chứ vừa bận vừa lười, bao lâu rồi vẫn bỏ đó. Còn cuốn giáo trình chuyên nghiệp kia: Công việc thư ký tòa soạn – in năm 1990, khổ to, dày nặng, khá đắt tiền”. Ông lại cười: “Thời tôi làm công tác đối ngoại, tiêu chuẩn cán bộ A ra nước ngoài mỗi ngày chỉ có 36 đô la dùng cho ba bữa ăn và tiêu vặt, trong hoàn cảnh giá cả sinh hoạt như Paris, London…, các bạn tính hộ cho. Cho nên cuốn kia, Từ điển truyền thông, tôi đâu có mua, ấy là của cháu học bên đó, từ điển chuyên dụng không rẻ, tôi bảo ái muốn có công cụ làm việc lâu dài thì ráng ôm về…”.
Sách là để làm nghề
Đó mới là giáo trình. “Đúng. Thì mình hẵng cố làm người học trò cần mẫn đã, sau đó sẽ đọc những chuyên khảo sâu rộng hơn, cập nhật hơn, như mấy cuốn chị thấy kia, tuy nhiên người ta bàn chuyện của người ta, mình tiếp nhận cái gì cũng nên cân nhắc – Ông cẩn thận dặn dò. Cuốn chuyên khảo về thực trạng đạo đức báo chí phương Tây của Henri Pigeat nguyên chủ tịch AFP khá thú vị, tôi đã trích dẫn một số liệu từ cuốn ấy. Hay là cuốn Thực trạng của truyền thông kia. Chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới, trước sự lấn át của văn hóa Mỹ và làn sóng toàn cầu hóa, châu Âu tiến hành một cuộc điều tra, nghiên cứu liên quốc gia về cơ hội và thách thức, những vấn đều đặt ra cho báo chí truyền thống và cả các phương tiện điện tử, rồi tổng hợp lại thành hơn 160 bài viết của các học giả đầu ngành, không riêng báo chí mà có xã hội, kinh tế, luật, mỹ học…, mỗi nhà luận bàn một mặt. Bài viết đều ngắn gọn, tuy nhiên kèm theo là bản thư tịch, ai muốn đi sâu hơn, xin mời… Tôi nghĩ nhà báo chúng ta không sa đà vào học thuật mang tính hàn lâm – trừ các nhà giảng dạy – mà quan tâm các vấn đề thực tiễn. Bao quát nữa là tập tài liệu khổ lớn, in chữ cỡ 6, đọc mấy chục trang đã mỏi cứng mắt. Ấy là biên bản ghi âm gần hai tháng làm việc một ủy ban do Quốc hội Pháp lập ra vào cuối những năm 1990, khi báo in Pháp lâm vào khủng khoảng – cơ quan quyền lực cao nhất đã vào cuộc, hòng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn”.
Thấy chúng tôi quan tâm, ông nói cụ thể: Người ta lập một Ủy ban lâm thời gồm 37 nghị sĩ, mời ba chục nhà lãnh đạo các cơ quan báo in tên tuổi ở trung ương và địa phương, các chủ tịch nghiệp đoàn báo chí, mới cả ông chủ tịch ủy ban chuyên cấp thẻ nhà báo hằng năm, ông chủ tịch hiệp hội phát hành…, mỗi người được mới đến trình bày theo chủ đề, các đại biểu quốc hội nêu câu hỏi, báo cáo viên giải trình tiếp, trao đi đổi lại. Cho nên đầy ắp thực tế. Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho báo in trên ba mặt: Chính sách thuế, các vấn kinh tế và nghề nghiệp (như tại sao các tòa báo kêu phát hành sụt giảm trong khi người dân phàn nàn không mua được báo lẻ ở quán báo). Ông cười: “Phải chi báo chí nước ta cũng được quốc hội quan tâm như vậy!”.
Ngoài sách nghề nghiệp, ông chú ý những loại nào? – “Vẫn là những gì thiết thân, giúp ta có thêm kiến thức để làm tốt công việc được giao hay sở thích của mình. Biển sách mênh mông, sức con người có hạn, phải biết lựa chọn những thứ thật cần”.
Là dịch giả Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, có thể nói ngoài các nhà nghiên cứu tôn giáo, chắc không nhiều người tìm hiểu kỹ đạo Hồi, đọc kinh Koran hay kinh Vệ đà như Phan Quang.
Ông cho chúng tôi xem các bộ sách về tôn giáo. Cuốn kinh Koran khổ lớn in trang trọng kia, là quà tặng ông Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo OJJ, người Jordan, tên là AL-Suleiman lấy từ thư viện gia đình, một dịp ông ghé thăm bạn tại thủ đô Amman. Chưa kể một số hồ sơ về các tôn giáo, gồm những bài nghiên cứu rút báo, tạp chí và sách, tập dày tập mỏng nhỏ, cùng bao nhiêu là ảnh chụp tranh ảnh cổ đẹp xếp lại đó… Ông cho biết từng nảy ra ý định, hay là ta thử viết một cuốn sách phổ thông trình bày từ nguồn gốc đạo Hồi, quá trình phát triển qua các thời đại, tinh túy của nó, các giáo phái, đến vai trò Hồi giáo trên thế giới ngày nay… “Thích thì lưu giữ tư liệu và hứng lên thì nghĩ thế thôi, chứ tuổi tác và trình độ mình, sức mấy…” – ông lại cười, thanh minh cho cái “tật” ham sách.
Hai bản dịch tiếng Việt Thánh kinh đạo thiên chúa in bản trong nam bản ngoài Bắc, cách nhau mấy chục năm, mấy tập thánh ca ông chưa từng cho ai xem, hay cuốn sách trình bày cực kỳ bắt mắt. Kinh Vệ đà của Ấn Độ giáo, trang đầu có ghi dòng chữ ông ghi mua tại Bombay tháng 12.1989. Tìm hiều về lịch sử chữ quốc ngữ, ông lật cuốn khác cho xem những trang có nhiều dòng gạch dưới hoặc đánh dấu bằng bút màu cho dễ nhận tìm, đó là bộ LesJ,esuites (Các giáo sĩ dòng Tên) do tác giả Jean Lacouture biếu, trong đó có chương nghiên cứu cuộc đời giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người có công hoàn thiện chữ quốc nguwxc ta ở bước đầu. sách về Phật giáo nhiều hơn, một số cuốn quý hiếm được đóng lại bìa cứng, nhiều cuốn mua hồi mới giải phóng miền Nam giấy đã ố vàng…
Tìm hiểu tủ sách của Phan Quang, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian. Ông đang sở hữu một thư viện thực sự.
Lãnh đạo, phóng viên
Lãnh đạo, phóng viên Đài PT&TH Hưng Yên thăm nhà báo Phan Quang

Đằng sau mỗi chữ viết ra là… sách
Theo nhà báo Phan Quang, viết bút ký, phóng sự, ghi nhanh đã dành dùng cái mắt cái tai cái miệng của phóng viên là chính, vẫn không thể thiếu sách báo, tư liệu tham khảo. Mấy năm trước, có dịp trở lại Paris, ông ghé một hiệu cà phê vốn là ông lui tới của nhiều văn nghệ sĩ Pháp xưa cũng như nay là hiệu Les Deux Magots, với chủ ý sẽ viết bài báo nhỏ về một hiệu giải khát mà dám bỏ tiền ra lập riêng giải văn chương mang thương hiệu của mình (bài Quán cà phê Giải văn chương in Báo Sức khỏe & Đời sống ra số Tết năm ấy, dài chỉ có 1500 từ), ông đã cùng ban người đến hiệu để thưởng thức cà phê và hòa mình vào bầu không khí vừa ăn chương vừa dân giã, nhờ tên tuổi văn nghệ sĩ mà vẻ vang. Để tìm hiểu rõ gốc gác, ông nhờ bạn lên mạng tìm và đạt mua giúp cuốn sách cho kịp mang theo về nước – sách in nhân kỷ niệm 120 năm khai trương, không có bán tại rộng rãi. Tương tự, để viết bài ký Cà phê Paris, ông cũng tìm mua cuốn sách tồn kho: Một thiên sử về các hiệu cà phê Paris, vì: “mình là khách thi thoảng ghé qua, có thế mới mong hiểu được phần nào văn hóa ẩm thực của người nước ngoài”.
Say sưa theo chiều suy nghĩ của mình, ông nói tiếp: “Tôi còn có cuốn về lịch sử nhà hàng Fouquets sang trọng bậc nhất Paris, một hiệu ăn mà được xếp hạng “di sản văn hóa quốc gia” cơ đấy – nơi đây ngày trước tổng thống Mỹ Roosevelt từng sang mở tiệc chiêu đãi chính khách Pháp, và mới đây hơn 5 năm thôi, tân tổng thống Pháp Sarkozy nhận được tin thắng cử, đã đưa vợ đến nhà hàng chiêu đãi nhau trước khi lên xe ra quảng trường dự mít tinh của phái hữu mừng thắng lợi...”.
Tư liệu, tư liệu và tư liệu
“Vì sao cần có tư liệu? Vì sao các chuyến đi, đến đâu tôi cũng tìm bằng được tư liệu? Vì tôi không chủ trương “chỉ cần đến tận nơi dạo phố, vào siêu thị, thăm ngôi đền đã có thể viết bài tràng giang đại hải về đất nước, con người, văn hóa một nước chưa biết gì mấy”. Thăm sông Seine Paris, bạn có biết gì về lịch sử của nó? Từ một dòng sông trong xanh bị con người làm ô nhiễm nặng nề, cá chết nổi lềnh bềnh, người ta quyết tâm cải tạo môi trường, nay một số nơi ven bờ làm thành bãi tắm mùa hè cho dân. Không phải tất cả những gì anh đọc trong sách đề phô ra khoe kiến thức, tư liệu giúp người viết tự tin hơn. Qua một bài tiểu phẩm ngắn của nhà văn Ngô Tất Tố, ta đã thấy được cái nền kiến thức sâu rộng của cụ - tôi tâm đắc, vào một dịp lễ tưởng niệm cụ, đã có bài phát biểu…”.
Phan Quang nhấn mạnh, sưu tầm tư liệu không phải để bê nguyên vào bài viết, để khoe mình đã đọ bài này sách kia, mà chủ yêu làm cho độc giả tin bài viết của ta là chân thực, không tùy tiện hư cấu. “Báo chí khác văn học là thế. Nhà văn trước một cảnh đẹp có thể liên tưởng nhiều chuyện. Nhà báo cần suy nghĩ, tuy nhiên trước hết là tìm hiểu ngôi đền này có vào thời nào, ai xây nên, thờ vị Thành hoàng nào, tại sao nhà vua tôn vinh ngài… Có đủ căn cứ mới hiểu được chiều sâu thắng cảnh, từ đó nói đúng, viết đúng, có sức hấp dẫn, nhà báo không bịa đặt, chỉ được nghĩ suy, luận bình. Vì sao có nhà thành Hồ, đá xây thành lấy ở đâu, nhà báo không thể không biết. Kiến thức khoa học ta không thể qua mặt các nhà chuyên môn sử học, khảo cổ học, kỹ sư, kiến trúc… Người làm báo nào muốn tỏ ra mình bằng họ, vượt họ sẽ lòi dốt ran gay, nhưng ta cũng phải biết ít nhất một phần nhỏ những điều họ biết. Kiến thức của nhà báo ở đâu ra? Từ cuộc sống hằng ngày, qua những con người ta gặp, những điều ta quan sát, qua thông tin thời sự - đó là những tư liệu sống, mặt khác qua sách báo, hiện vật, ghi chép, thông tin, đó cũng là vốn sống được cô đúc, tái hiện qua chữ nghĩa, văn chương, hình ảnh…”.
Người làm báo ham đọc, thích đi, biết suy nghĩ cẩn trọng trước khi đặt bút, đồng thời cố gắng viết nhiều, viết thường xuyên cho nhuần cái tay, cho động cái não thì mới hy vọng… “lên tay” dần. “Chuẩn bị bài tham luận ngắn về tính hiện đại trong báo chí nước ta, tôi tìm hiểu xem bên Tây các trường phái quan niệm thế nào là hiện đại, các nhà ngôn ngữ học ta giải thích khái niệm hiện đại ra sao, rồi mới so sánh, nghĩ suy và trình bày luận giải của mình, có thể đúng có thể sai nhưng nhất thiết không ngẫu hứng. bài tham luận đọc mấy phút, mà cũng tốn khá công. Dĩ nhiên đến hội thảo khoa học chưa có gì nhiều trong đầu, cứ lắng nghe an hem vẫn có thể hứng lên phát biểu dăm, bảy phút, việc ấy không khó, nhưng làm ăn cách ấy sao xứng đáng với tầm cỡ quốc gia, quốc tế của cuộc họp mình được mời tham gia”.
Làm thế nào có sẵn ý tứ khi cần viết một bài nào đó trong tương lai? Ngay từ giờ phải ký cóp ghi chép, và quan sát, ghi chép suốt đời, tranh thủ mọi lúc, mọi khi. Đi đâu đến đâu, Phan Quang cũng thủ cuốn sổ bằng nửa bàn tay đút gọn trong túi áo, thơ thẩn phố xá Paris, ông ghi tên những loài hoa bên Tây trước đó mới được đọc qua sách nay tận mắt thấy, giá hoa bán bên vệ đường và giá bán trong chợ hoa, hoa đẹp hoa quý cũng tùy mùa khi đắt ơi là đắt, khi rẻ ê hề, y hệt cà chua bên ta vậy…
Vào nhà hàng, ông ghi giá cam, táo, bưởi, rồi sang chợ bình dân, so sánh xem sao. Một bận, đang lúi húi ghi thì bà chủ từ đâu trong nhà chạy ra hầm hầm quát, ai cho phép làm như thế, mua thì mua luôn, không mời ông đi cho. “Tôi phân bua mình là nhà báo, bà ta vặn: Nhà báo hả? thẻ nhà báo đâu, đưa xem!”. Làm gì có thẻ nhà báo nước người. Đành lẳng lặng ra khỏi cửa hang”.
Có người sẽ bảo, những thứ đời thường ấy, ở đâu chẳng vậy? Ghi chép làm gì? Rõ lẩm cẩm. Vâng, đấy chỉ là thói quen và sở thích cá nhân, không hẳn kinh nghiệm nghề nghiệp. “Tuy nhiên, đối với tôi – ông nói tiếp – thú vị xiết bao  khi xem lại ghi chép của mình, thấy hiện lên trước mắt cảnh sáng lạnh mùa đông Paris, những bó hoa tươi từ đâu mang đến khoe đủ sắc màu, nụ hoa như thể còn ngậm sương trời, mà thực tế đâu có phải vậy, chỉ chừng ấy thôi đủ thôi thúc những viết nên cái gì đó, cảm xúc này khác hẳn khi ta đọc bản liệt kê giá cả thị trường lên xuống từng tuần do nhà đương cục phát hành…”. Nhờ nếp quan sát, ghi chép, lấy tư liệu và suy nghĩ mà khi về nước viết bài Paris có gì lạ không anh?. Phan Quang dám mạnh tay: “Giống như cuộc sống ở mọi đô thị lớn ngày nay, Paris có một cái mới nữa, mới mà không lạ, cái mới thường nhật ấn xuống đầu mọi người. Ấy là giá cả sinh hoạt tăng ghê gớm, tăng không ngừng. Một kilô bánh mì đũa baguette đặc trưng của Paris, cách đây chưa lâu giá có 1 franc thì nay là 1,1 euro, gấp 8,5 lần… Trong guồng máy ấy, chi phí thưởng thức văn hóa tất yếu cũng đắt đỏ hơn”. Vậy mà nước Pháp đương đại bất kỳ dưới triều đại tổng thống nào, tả cùng như hữu, người ta đều cố lưu lại cho Paris them một công trình văn hóa to, đẹp, văn minh. “…Một điều không thể không ngợi khen là các nhà lãnh đạo nước Pháp, cho dù quan điểm chính trị của mỗi người thế nào chăng nữa, ai cũng quan tâm bồi bổ cái di sản văn hóa đồ sộ mà các thế hệ trước để lại, làm cho thủ đô vốn tráng lệ giàu sang của họ ngày mỗi tráng lệ giàu sang hơn nhờ them nhờ những công trình khoa học, văn hóa…” (Thơ thẩn Paris).
Thiếu tư liệu, làm sao phản biện?
Nhà báo cao niên Phan Quang tiếp tục chia sẻ: “Năm 1985, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện viết bài đăng tạp chí Người làm báo, có một ý tôi rất đồng tình: …Người ta kêu gọi nhà báo phải đi thực tế. Đúng, tôi tán thành. Nhưng nhà báo còn phải có tư liệu, tư liệu, tư liệu. Thiếu tư liệu, bài báo sẽ giảm sức nặng, tôi hoàn toàn nghĩ như bậc đàn anh”.
Ông tâm sự: Anh chị em phóng viên trẻ nay gặp tôi cứ bảo, bác kể lại đôi điều cho chúng tôi ghi. Ngại lắm . Trí nhớ mình đâu còn được như xưa. Về già nhớ nhớ quên quên, chuyện xảy ra năm nào, cụ thể ra sao, tuôn ra luôn e không chuẩn. Tính tôi thận trọng, không thể nói vu vơ. Vấn đề gì cũng phải suy nghĩ, cần thì xem lại tư liệu. Nhà báo không làm khoa học nhưng bài báo thì cần có căn cứ khoa học và thực tiễn, có vậy báo chí mới làm tốt chức năng phản biện, tôi nghĩ vậy. Gọi phản biện mà nói dựa theo người khác hay nói theo cảm tính, thì sức thuyết phục làm sao cao…”
Tôi có lần nghe một nhà báo kỳ cựu nói: “ Viết báo có gì mà khó, chữ sẵn trong túi, cứ việc lấy ra thôi!”. Bây giờ, một buổi sáng mùa đông năm Thìn, trước đây cây đại thụ làng báo Phan Quang, tôi tò mò tìm hiểu cái “túi càn khôn” của ông ồm những của cải tích lũy được một cách kiên trì, nhận nại qua nhiều thập kỷ. Cái túi ấy hội đủ cả kiến thức, sở trường, tư liệu. tư liệu mang lại kiến thức, kiến thức là tư liệu đã nhuần nhuyễn, đã qua chắt lọc, tiêu hóa, góp phần phát triển tài năng, không phải tư liệu nguyên thô ai cũng có thể sở hữu. Một Phan Quang giàu có, tôi nghĩ vây.
Kim Thoa

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây