Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn vừa được Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại Châu Âu trao tặng bằng khen và giải thưởng về thành tích xuất sắc trong sáng tạo các tác phẩm báo chí đã được công bố quốc tế trên Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác Quốc tế. Tạp chí Người Làm Báo có cuộc trò chuyện cùng nhà báo đa tài này. |
Lê Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại một hội nghị thương mại quốc tế ở Bratislava, Slovakia 2010
Thông thạo 4 ngoại ngữ tiếng Anh, Séc, Slovakia, Ba Lan, Lê Hoàng Anh Tuấn có 10 năm học tập và nghiên cứu tại Séc về kinh tế học, ngôn ngữ học, báo chí học. Đầu năm 2018, anh được Hội đồng các Nhà khoa học quốc tế của Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế bầu chọn làm Phó Tổng Biên tập, đồng thời được cấp thẻ Nhà báo quốc tế thông qua các bộ ngành và hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc. Anh cũng từng đoạt nhiều giải quán quân thể thao các môn Boxing, Karate, đua ô tô hạng A1 và từng là niềm tự hào lớn của cộng đồng người Việt tại Séc.
PV: Xin chào Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn. Trước tiên xin chúc mừng anh đã giành được bằng khen và giải thưởng do Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại Châu Âu trao tặng. Được biết đây là giải thưởng danh giá mà hiếm khi Hiệp hội trao tặng cho một cá nhân. Xin anh chia sẻ quá trình phấn đấu để anh đoạt được giải thưởng này?
Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn: Để đoạt được giải thưởng này, tôi vừa viết báo, vừa làm công tác biên tập, vừa ngồi Hội đồng phản biện đối với các tác giả và điều khắt khe nhất là phải trực tiếp giải thích, trả lời các câu hỏi chất vấn của 19 bộ ban ngành giám sát tại châu Âu về tất cả tác phẩm của các tác giả đăng trên tạp chí.
Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế là một tạp chí khoa học quốc tế, ngôn ngữ duy nhất bằng tiếng Anh, có chỉ số ISSN 2570-9542 với các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu về chống tham nhũng toàn cầu, hợp tác quốc tế, quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế. Thời gian đầu tạp chí hoạt động, tôi nhận được rất ít sự tin tưởng, vì có rất nhiều người không tin tôi có thể làm được nhiều việc như thế. Họ cho rằng tạp chí chỉ có thể hoạt động một đến hai số đầu. Nhưng rồi được sự ủng hộ của các nhà khoa học, các tác giả quốc tế, các bạn sinh viên quốc tế, tôi đã vượt qua dần những khó khăn ấy, đã thành công và Hiệp hội đối ngoại Châu Âu đánh giá cao điều đó.
QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO - Hội đồng biên tập – Hiệp hội đối ngoại Châu Âu, Séc (11/2017 - 2/1018): Nghiệp vụ, Chuyên ngành Biên tập
Bằng khen của Hiệp hội đối ngoại Châu Âu trao tặng cho nhà báo Lê Hoàng Anh Tuấn (Ảnh: NVCC)
PV: Cơ duyên nào khiến anh theo nghiệp báo chí? Liệu có phải xuất phát từ may mắn?
Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn: Thành công không chỉ xây dựng trên may mắn. Tôi đã từng có một sự cố tồi tệ và nó đã ném vào cuộc đời tôi những trắc trở, những trái ngang, đó là một sự khủng bố tôi về tinh thần bằng con đường truyền thông. Nhưng tôi tin “giấy không bao giờ gói được lửa”, và chẳng có điều kỳ diệu nào từ trên trời rơi xuống. Trong thời điểm cam go tưởng chừng như tuyệt vọng ấy, tố chất, nghị lực, tinh thần võ sĩ đạo đã giúp tôi đứng dậy và tôi đi tìm sự thật trong chính truyền thông, trong báo chí.
Thay đổi môi trường, chuyển hướng chuyên môn là một quyết định táo bạo. Từ động cơ dẫn đến lòng tự tin, sự quyết đoán song hành với niềm đam mê. Con người thường sợ sự thay đổi, nhưng tôi thì không, tôi muốn tự khám phá mình, chiêm nghiệm chính mình, tự khẳng định mình khi giải một bài toán mà thoạt nhìn vào người ta thấy vô nghiệm, không có đáp số. Nhưng quyết đoán không đồng nghĩa với sự liều lĩnh.
Trong lĩnh vực báo chí này, thành tố văn hóa, tri thức là điều tối cần thiết. Tôi có sự may mắn sau bao năm ngồi trên ghế các giảng đường của các trường Đại học trong và ngoài nước cùng với kinh nghiệm thực hành, phương pháp tiếp cận “vấn đề” đã đưa tôi đến với báo chí. Đồng thời, tôi cũng có sự giúp đỡ, định hướng từ người thầy kính yêu BMC để tôi có thể trở thành nhà báo quốc tế. Và từ trái tim, tôi xin cảm ơn “sự cố tồi tệ” của quá khứ, bởi “pain past is pleasure”, tạm dịch là “sự đau đớn của quá khứ thì hiện tại là hạnh phúc”.
Lê Hoàng Anh Tuấn nhận bằng tốt nghiệp tại trường Đại học tổng hợp VSB, Séc 2008. Ảnh: NVCC
PV: Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế tuy mới ra đời cách đây hơn một năm, trụ sở chính đặt tại Séc và mới đây đã có cơ quan đại diện ở Singapore. Anh có thể cho biết thêm về sự phát triển này?
Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn: Ở châu Âu có một câu nói, bản thân tôi rất tâm đắc: “Kết quả không bao giờ biết nói dối”. Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế ra đời cách đây chưa lâu, nhưng nỗ lực và sự phát triển của nó đã được công nhận. Ngay từ đầu, mục tiêu của tạp chí là đặt cơ quan đại diện tại Singapore và New York (Mỹ).
Mới đây, bằng sự nỗ lực của chúng tôi, Chính phủ Singapore đã chính thức chấp thuận cho Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế đặt văn phòng đại diện tại Singapore - là cơ quan thường trực của tạp chí tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà tôi là người phụ trách toàn bộ khu vực. Với cương vị đó, tôi luôn cố gắng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế về báo chí – truyền thông với Singapore.
THÀNH TÍCH NỔI BẬT CỦA LÊ HOÀNG ANH TUẤN - Bằng khen và giải thưởng về nghiệp vụ báo chí của Hiệp hội đối ngoại Châu Âu (21/8/2018) Lê Hoàng Anh Tuấn khoác cờ tổ Quốc Việt Nam nhận cúp bạc tại giải Kickboxing quốc tế Séc mở rộng 2006. Ảnh: NVCC
PV: Trong nghiệp làm báo, trên bước đường chinh phục thành công của chính mình, ai là người anh thần tượng và học hỏi nhiều nhất?
Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn: Tôi cực kỳ hâm mộ một nhà báo quốc tế vĩ đại, đã để lại cho nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới 1.636 bài báo, 226 bài thơ, 81 bài phát biểu và 340 bài nói chuyện…; với khoảng 174 bút danh, 5 lần xuất hiện trên bìa Tạp chí Time; sáng lập ra 9 tờ báo trong và ngoài nước và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng nước ngoài như Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… Đó chính là nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.
Trên các diễn đàn quốc tế, tôi vẫn thường xuyên chia sẻ câu nói của Bác: "Your pen is also a sharp weapon in the helping rights, preventing wrongs, journalists must be honest, if not investigated, not researched and not specified, do not say and do not write" (nguyên văn là “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, nhà báo phải viết đúng sự thật, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”). Lời dạy của Bác là tinh túy, là cốt lõi của nghề báo không chỉ riêng bản thân tôi, riêng báo chí ở Việt Nam mà trên thế giới cũng phải học hỏi.
Lê Hoàng Anh Tuấn giảng dạy tại lớp Báo in 37B Học viện Chính trị Quân sự. Ảnh: NVCC
PV: Được biết, ngoài công việc quản lý báo chí, anh còn tham gia thỉnh giảng tại nhiều trường Đại học, Học viện, trong đó có các lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí. Đánh giá của anh về môi trường giáo dục lĩnh vực báo chí ở Việt Nam so với nước ngoài như thế nào?
Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn: Tri thức, kỹ năng, đam mê, ngoại ngữ, công nghệ, đó là 5 yếu tố sinh viên báo chí cần phải tích lũy. Phải nói rằng môi trường học tập báo chí ở Việt Nam là rất tốt. Việt Nam có rất nhiều cơ quan báo chí. Các bạn sinh viên có cơ hội cộng tác với nhiều báo khác nhau.
Các nhà báo tương lai được thực hành, tiếp cận, nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm báo chí từ sớm. Nhưng theo tôi điều các bạn ấy thiếu nhất là “động cơ”. Cách tiếp cận của các bạn sinh viên nước ngoài rất khác, khi quyết định đi học Đại học tức phải có “động cơ”, học để làm gì? Họ tự đánh giá mình có thể theo học được đến khi ra trường hay không? Bởi ở nước ngoài, hệ thống giáo dục đào tạo theo hình chóp “đầu vào rộng đầu ra hẹp”, vào 10 chỉ ra 2. Ở Việt Nam, đa phần sinh viên bị tác động bởi gia đình và bạn bè, những người xung quanh… là cứ tốt nghiệp phổ thông thì phải học Đại học.
Thứ hai là phương pháp học tập. Sinh viên nước ngoài chủ yếu được học bằng phương pháp tiếp cận và tự nghiên cứu độc lập. Điều đó đòi hỏi sinh viên phải thông thạo 2 đến 3 ngoại ngữ. Về vấn đề này sinh viên Việt Nam cũng có thể đạt được, bởi khi chúng ta đánh thức được thiên tài đang ngủ yên trong chính con người của chúng ta, thì khi đó thông thạo 3 hay 5 ngôn ngữ cũng hoàn toàn là điều có thể.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh thành công trong sự nghiệp và tiếp tục truyền lửa cho những thế hệ nhà báo trẻ lương lai. Mai Sương (thực hiện) Nguồn tin: theo nguoilambao.vn |
Nguồn tin: theo nguoilambao.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên