Nhà báo Trần Ngọc Anh: Một năm đoạt 4 giải báo chí Trung ương
Thứ năm - 10/01/2019 17:09
Cùng với nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, với lòng say nghề, chỉ trong năm 2018 nhà báo Trần Ngọc Anh...
Cùng với nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, với lòng say nghề, chỉ trong năm 2018 nhà báo Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng Thư ký biên tậpĐài PT-TH Hưng Yên đã đoạt 4 giải báo chí Trung ương: Phim tài liệu “Dấu son người xứ nhãn”, tác phẩm đoạt giải C giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2018; phim tài liệu “Linh hồn làng Tiên Quán” đoạt giải khuyến khích giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc năm 2017-2018; phim tài liệu “Viên ngọc xứ nhãn lồng”, đoạt giải Khuyến khích của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Và gần đây nhất là phóng sự “Chỉ nhìn đã thấy sợ” của anh đã được nhận bằng khen tại liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 3. Hơn 35 năm làm báo, trải qua nhiều vị trí công tác,nhà báo Trần Ngọc Anh hiện là Trưởng phòng Thư ký biện tập Đài PT-TH Hưng Yên. Cùng với làm tốt công tác quản lý, anh là một trong những nhà báo có nhiều phim tài liệu, phim phóng sự được dư luận đánh giá cao. Tiêu biểu là phim phóng sự “Nữ tướng xứ nhãn lồng”, tác phẩm đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 14 - năm 2004. Kể về quá trình sản xuất các tác phẩm tham gia các Giải báo chí quốc gia anh cho biết, nếu không say nghề không thể làm được. Bởi lẽ chọn được đề tài đã khó, khi triển khai thực hiện còn khó hơn nhiều. Thành quả lao động trong năm qua của anh là phóng sự "Dấu son người xứ nhãn" tại giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức tháng 11 vừa qua đã đoạt giải C, viết về cô giáo Trần Thị Thúy - giáo viên trường THPT Đức Hợp (Kim Động). Từ một cô giáo giản dị ở vùng quê nghèo với vô vàn những khó khăn - cô đã nhận được sự thán phục của cộng đồng quốc tế tại "Diễn đàn giáo dục toàn cầu" của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, với dự án “Bảo vệ sức khỏe của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” và đã đoạt giải đặc biệt. Tác phẩm "Viên ngọc xứ nhãn lồng" đoạt giải Khuyến khích tại giải "Sáng tác quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức tháng 4/2018 nói về gương cô giáo Trần Thị Chinh, giáo viên Trường tiểu học Phụng Công, huyện Văn Giang, người đã có 28 năm gắn bó với nghề trồng người, được nhiều bạn bè, đồng nghiệp và các em học sinh yêu quý, ghi nhận. Năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong giảng dạy; sáng tạo, linh hoạt, hòa nhã trong quản lý, cô đã đưa các trường học cô từng tham gia giảng dạy và quản lý không ngừng lớn mạnh và phát triển. Tác phẩm "Linh hồn làng Tiên Quán" đoạt giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, do UBTWMTTQ Việt Nam tổ chức vào tháng 10 vừa qua nói về tấm gương nhà sư Đại đức Thích Thanh Quang trụ trì chùa Phúc Lâm, Tiên Quán - Kim Động đã tạo được khối đại đoàn kết toàn dân, gắn kết yêu thương, gần gũi, tham gia tích cực các hoạt động của địa phương, làm được nhiều việc có ích cho dân làng, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đáng nói là các tác phẩm mà anh thực hiện phần nhiều là những tấm gương điển hình, những bông hoa đẹp. Chưa dừng lại ở đó, tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38 tổ chức tại Đà Lạt cuối tháng 12 vừa qua, phóng sự tài liệu “Chỉ nhìn đã thấy sợ” phản ánh về ô nhiễm môi trường làng nghề đã dành được bằng khen (là một trong rất ít bằng khen của các Đài ĐBSH tham dự liên hoan). Đây vừa là vinh dự của cá nhân nhà báo Ngọc Anh vừa là thành tích của Đài PT-TH Hưng Yên. Chia sẻ về những vinh dự này nhà báo Ngọc Anh cho rằng: Rất phấn khởi khi nhận được các giải thưởng, tuy nhiên điều quan trọng là mình muốn giới thiêu, muốn làm nổi bật những hình ảnh đẹp, những tấm gương điển hình tiên tiến của quê hương để giúp mọi người nhận thấy giá trị của hành động tốt đẹp, để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở và phát triển nhiều thêm. Và theo nhà báo Ngọc Anh thì cái quan trọng để có những tin, bài, đặc biệt là những phóng sự hay thì trước hết nhà báo phải có niềm đam mê, sự dấn thân, không ngại khó, ngại khổ. Ngoài phát hiện đề tài thì phải theo đuổi, đeo bám đề tài (vì làm truyền hình liên quan tới hình ảnh), khéo léo khai thác những giá trị cốt lõi đề tài, tư duy hình ảnh phải chặt chẽ, đặc biệt trong thời đại công nghệ số không có chỗ cho những phóng sự khai thác một cách hời hợt. Anh tâm sự: "Có những đề tài chúng tôi phải theo đuổi mấy năm trời, tích lũy hình ảnh, đeo bám sự kiện. Có đề tài lúc đầu hướng khai thác thế này, nhưng khi trong quá trình thực hiện lại phát hiện ra những khía cạnh còn hay hơn ý tưởng ban đầu và ê kíp quyết định đi theo hướng đó và nhiều khi không phải lúc nào cũng nhận được sự hợp tác của những người trong cuộc. Nhiều khi anh em phải bỏ tiền túi ra để trang trải trong quá trình làm phim. Còn chưa nói đến thực hiện những phóng dự gai góc thậm chí còn bị đe dọa tính mạng. Nếu không có bản lĩnh nghề nghiệp thì sẽ không bao giờ làm được những tác phẩm báo chí chất lượng..." Vâng! Để có những thước phim hay, những lời bình hấp dẫn và cuối cùng sản phẩm được công chúng đón nhận thì không hề đơn giản, đòi hỏi những người làm báo, nhất là làm báo phát thanh, truyền hình phải không ngừng nỗ lực, nhanh nhạy kịp thời trước những đòi hỏi khắt khe của công chúng. Tôi đã học được từ những người đi trước như các anh phải luôn thắp lửa cho niềm đam mê và cháy hết mình với nghiệp đã chọn, tôi hiểu được rằng đã là nhà báo thì không bao giờ cho phép mình được thảnh thơi. Phải luôn tìm kiếm, không ngừng nỗ lực, trau chuốt cho những đứa con tinh thần và luôn hướng đến công chúng đang cần gì, khán, thính giả muốn nghe và xem gì, và khi sản phẩm được công chúng đón nhận thì đó mới làm niềm hạnh phúc của người làm nghề.