Nhà báo Vũ Ngọc Phác với “Năm tháng chưa xa”

Thứ năm - 31/01/2019 13:32
“Năm tháng chưa xa” là tên cuốn sách của nhà báo Vũ Ngọc Phác, nguyên phóng viên Báo Hà Nam Ninh, Nam Hà, rồi Nam Định...

“Năm tháng chưa xa” là tên cuốn sách của nhà báo Vũ Ngọc Phác, nguyên phóng viên Báo Hà Nam Ninh, Nam Hà, rồi Nam Định. Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2010, tập hợp những bài báo tiêu biểu đã đăng trong thời kỳ làm báo của Vũ Ngọc Phác. Quá trình công tác của Vũ Ngọc Phác thật giản dị: Trong 40 năm công tác thì 20 năm đầu là nhà giáo, 20 năm sau là nhà báo. Mặc dù thời gian đã lùi xa, nhưng Vũ Ngọc Phác vẫn có cảm nhận đó là những “Năm tháng chưa xa”.
011
Nhà báo Vũ Ngọc Phác (trái) và nhà thơ Đoàn Văn Cừ

Tôi nhớ mãi lần gặp đầu tiên nhà báo Vũ Ngọc Phác tại tòa soạn vào năm 1981 khi tôi về làm phóng viên Báo Hà Nam Ninh. Anh mặc chiếc áo véc đen, kẻ dọc màu đỏ nhạt, cổ quàng chiếc khăn len dài, miệng cười hiền nhỏ nhẹ:
- Bộ đôi đặc công về hả? Bao tuổi rồi?
- Tôi chưa kịp trả lời thì anh tự giới thiệu:
- Mình là Vũ Ngọc Phác, quê Hà Nam, nguyên là giáo viên dạy văn cấp 2 ở trường học sinh miền Nam số 7 đóng tại xã Vĩnh Hảo (Vụ Bản). Mình mới chuyển về báo từ năm ngoái (1980). Vợ tớ người Vụ Bản vẫn dạy học ở Vĩnh Hảo!
Nhà báo Vũ Ngọc Nam khi ấy là Thư ký Tòa soạn (anh mất năm 2013) nói nhỏ với tôi:
- Vũ Ngọc Phác được “cụ” Trần Bình giới thiệu về làm việc ở báo mình đấy (Đồng chí Trần Bình thời đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy). Vũ Ngọc Phách là nhà giáo, kiêm nhà thơ, có thơ in Báo Hà Biên (Báo Hà Nam ngày nay) từ năm 1959. Những năm 1961 – 1962, anh đã là cộng tác viên tích cực của Báo Hà Nam.
Nhà báo Phạm Khắc Xương, Phó Tổng Biên tập Báo thời đó (anh mất đầu năm 2018) nói như giải thích:
- Không phải vì “cụ” Trần Bình giới thiệu mà Ban Biên tập nhận Vũ Ngọc Phác về đâu mà anh thật sự là người có năng lực viết báo, làm thơ. Trước khi về Báo Hà Nam Ninh, anh đã có nhiều tin, bài và thơ đăng báo. Số báo Tết Đinh Tỵ 1977, năm thứ hai hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh, Vũ Ngọc Phác có cả một bài thơ dài “Khoai tây trên đất trũng” tuyên truyền về nông nghiệp. Bài thơ 9 khổ, mỗi khổ 4 câu nội dung rất báo chí(!).
Từ buổi gặp đầu tiên tại tòa soạn năm đó tôi và anh trở thành bạn vong niên, cùng phòng Văn xã – Xây dựng Đảng suốt thời gian dài, từ Báo Hà Nam Ninh, Nam Hà rồi Nam Định cho đến khi anh nghỉ hưu. Trong nghề nghiệp thật khó mà phân định rạch ròi Vũ Ngọc Phác là nhà thơ hay nhà báo. Từ một người được đào tạo ngành sư phạm, năm 1961 – 1962 dạy văn ở trường cấp 2 Thanh Hà, Thanh Liêm (Hà Nam). Là nhà giáo, anh đến với thơ và được đi học lớp bồi dưỡng Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 4) cùng thời với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Thế nhưng khi Vũ Ngọc Phác chuyển sang làm báo thì vốn văn chương đã tạo điều kiện cho các tác phẩm báo chí của anh có cảm xúc và sâu sắc hơn. “Trong báo có văn”, là đặc trưng của báo chí miền Bắc. Nhiều bài báo của Vũ Ngọc Phác đậm chất văn tiêu biểu như loạt bài: “Hoa xuân”, “Nếp nhà”, “Ăn riêng”, “Nơi hoàn lương”, “Chưa kịp nhận bằng”... thông tin cho người đọc những điều đang diễn ra trong cuộc sống bằng nhãn quan của nhà báo nhưng thấm đậm chất văn, tạo cảm xúc cho người đọc. Cũng như vậy, các bài báo “Vết thương”, “Trong tình yêu thương” viết về những sự việc và con người có thật trong cuộc sống đang chịu nỗi đau chất độc da cam đã gây xúc động cho bạn đọc. Còn khi anh được tòa soạn phân công viết về đề tài an ninh trật tự, cứ tưởng rằng nhà thơ “lãng đãng mây bay” viết về đề tài này sẽ khó nhưng thực tế lại rất hay! Bên cạnh những bút ký, ký sự dài kỳ kịp thời phản ánh những chiến công của lực lượng Công an nhân dân, số báo nào anh cũng có những mẩu chuyện, tản văn, tiểu phẩm báo chí thật nhẹ nhàng mà sâu sắc. Bạn đọc mãi không quên những mẩu chuyện mà khi đọc xong đều rút ra những bài học cần thiết trong cuộc sống. Trong bài báo “Kẻ hở”, anh kể về cặp vợ chồng sai lầm trong việc giáo dục con với cái kết bất ngờ mang tính cảnh báo: “Không có nỗi đau nào hơn nỗi đau con hư!”.
Là hội viên Hội VHNT tỉnh, có thời gian Vũ Ngọc Phác được phân công viết về đề tài văn nghệ. Mảng văn học được anh dụng công tìm kiếm, giới thiệu, phân tích, được bạn đọc và bạn văn chương khen ngợi. Trong đó có nhiều bài xuất sắc như: “Những lần được gặp nhạc sĩ Văn Cao”; “Nhà thơ Đoàn Văn Cừ và Chợ Tết”. “Đỗ Đình Thọ - Người nhiều tâm huyết với thơ Nguyễn Bính”... Đặc biệt sau khi anh viết bài “Đến thăm họa sĩ Nguyệt Hồ” đăng trên Báo Hà Nam đã có nhiều tập thể và cá nhân đến thăm, giúp đỡ cả vật chất và tinh thần trong  lúc vợ chồng họa sĩ gặp khó khăn. Tôi nhớ một lần anh viết một bài phê bình văn học, phê phán những tư tưởng chưa chuẩn trong truyện ngắn: “Con đường An Lạc” của tác giả Kim Sa Trung. Bài báo dài đúng một trang báo khổ nhỏ cuối tuần. Giọng văn quyết liệt, gay gắt nhưng có lý, có tình, mặc dù anh biết tôi là bạn đồng ngũ của Kim Sa Trung. Sau bài đó tôi cũng khó xử vì cả hai đều là bạn. Tôi biết anh và Kim Sa Trung có thời kỳ dài “ngoảnh mặt làm ngơ” mặc dù cả hai đều là hội viên Hội VHNT tỉnh.
Sinh năm 1942, cuổi Canh Ngọ, tôi thường trêu: Anh mệnh dương liễu mộc, “Gió chiều nào theo chiều ấy” nên không bị “gẫy cây, bẻ cành”. Mấy chục năm cùng phòng nghiệp vụ nhưng chẳng thấy anh phát biểu, kể cả những khi cần có chính kiến. Anh là một người lành! Nói không ngoa đến con kiến cũng không nỡ giết. Một dạo gần đây anh mua bộ quần áo màu gụ và chuyên vào các đình chùa thắp hương và bỏ tiến cúng (dù số tiền rất ít), tôi lại trêu: “Thời làm báo, chắc có tội tình chi, nhất là viết bài sai sự thật, ca ngợi quá hay, quá mức nên bây giờ phải vào chùa sám hối (?).
Anh cười hiền bảo:
- Hai mươi năm làm báo, mình tự hào là không bao giờ viết sai sự thật. Tuổi già vào chùa để tìm sự tĩnh tâm(!).
Chuẩn bị bài cho Tạp chí “Người làm báo Nam Định” số Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi đến nhà riêng anh vào một sáng lập đông trên đường Nguyễn Bính. Một ngôi biệt thự được thiết kế theo kiến trúc Nga (con trai anh kinh doanh thành đạt bên nước Nga về xây dựng). Có thể so với các nhà báo đã nghỉ hưu trên địa bản tỉnh thì Vũ Ngọc Phác có một cuộc sống đủ đầy hơn hẳn. Tiếp tôi trong căn nhà gỗ cổ có nhiều niên đại và đẩy ắp đồ cổ, lại kể về những kỷ niệm về đồng nghiệp, về nghề. Tuổi già  hay hoài niệm nên kể mãi không hết chuyện làm báo thời “Năm tháng chưa xa”. Tôi biết trong anh có ba “nhà”: nhà giáo, nhà thơ và nhà báo. Tôi không hỏi anh xem chọn “nhà” nào. Nhưng tôi khẳng định anh sẽ chọn nhà báo! Vì rằng nhà báo cho anh sự say mê, niềm vinh dự, trách nhiệm và cho anh tất cả!
Đoàn Quốc Sỹ

Nguồn tin: Người làm báo Nam Định - Số Xuân Kỷ Hợi 2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây