Nguyễn Gia Bào say mê văn chương từ nhỏ, hồi học cấp hai mỗi lần về quê ngoại ven thị ở Xích Đằng đào mương thuê được đồng tiền công nào là anh tấp tểnh ra ngay hiệu sách nhân dân ở đầu phố Lê Lợi (nay là ngã tư phố Nguyễn Thiện Thuật, Điện Biên 1) mua hàng chục cuốn văn học phương Tây về nhà như: Nam tước phonring, Bí mật bên bờ sông En-bơ, Bản án tử hình, và thơ của các nhà thơ: Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Đọc thơ tình của các thi sỹ ấy, chất lãng mạn đa tình ngấm dần vào Nguyễn Gia Bào, đầu tiên anh chép thơ của họ đem tặng cô bạn gái học cùng lớp… có cái tên rất nữ sỹ: Đoàn Thị Kinh Thi.
Lên cấp III, ngày ấy còn học ở Ấp Dâu. Vào học lớp 8, Nguyễn Gia Bào đã là cán sự văn của lớp. Sang năm 1964 đang học lớp 9, anh được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc của khối 9 và được nhận giải khuyến khích của Bộ Giáo dục. Giải thưởng lúc bấy giờ là tập ký “Tình rừng” của nhà văn Nguyễn Tuân do tác giả trực tiếp ký tặng. Chính vì lẽ đó là động lực cho Nguyễn Gia Bào ôm ấp theo nghề viết và mộng làm thi sỹ. Văn Nguyễn Gia Bào đã hay, chữ lại đẹp. Chả có thế lúc bấy giờ chị gái anh đang làm tổ trưởng tổ dân phố Lê Lợi đã mách với mấy chú Công an thị xã nhờ viết chứng minh thư. Cứ mỗi một chứng minh thư anh nhận thù lao là 5 xu (tương đương 5 ngàn đồng bây giờ). Tin Bào viết chữ đẹp đến đồng chí Lê Tẩu (quê Kim Động) lúc đó là Phó trưởng ty Công an tỉnh Hưng Yên, sau là Tổng Cục trưởng Bộ Công an nói với chị gái Nguyễn Gia Bào: “Cô cho thằng Bào đi Công an đi”. Nguyễn Gia Bào ảnh hưởng chuyện trinh thám mạo hiểm, các chuyện vụ án, kiếm hiệp nên nói được nhận vào ngành Công an là anh nhất trí ngay. Mới đầu, Nguyễn Gia Bào làm ở Cục quản lý phạm nhân do Thiếu tướng Lê Hữu Qua làm Cục trưởng. Anh được phân công làm tờ tin K54 lưu hành nội bộ. Từ đó Nguyễn Gia Bào theo hẳn nghiệp báo trong ngành Công an nhân dân cho đến lúc nghỉ hưu.
Trong thời gian làm báo, thi thoảng anh cũng dành thời gian để làm thơ, năm 1968-1970 trong đợt tham gia thi thơ về đề tài Hà Nội do Hội văn nghệ Hà Nội tổ chức bài thơ “Sông Nhị núi Nùng” của anh được giải nhì. Nhà văn Lê Tri Kỉ (Nguyên Phó giám đốc nhà xuất bản Công an nhân dân) giới thiệu Nguyễn Gia Bào đi học khóa III trường viết văn Nguyễn Du.
Năm 1982, Nguyễn Gia Bào về bộ phận thư ký Tòa soạn báo Công an nhân dân, do đồng chí Trần Liêu làm Tổng biên tập thời kỳ này Nguyễn Gia Bào viết hàng loạt bài do C15 chỉ đạo như: vụ Công an địa phương làm rõ thôn tin về kho báu của quân cờ (Quảng Bình) rồi lên Thái Nguyên viết phóng sự về vùng Na Ri. Trở vào Miền Nam, anh đến Mộc Hóa Long An viết về bọn buôn lậu qua biên giới, một lần khác ra thành phố Phan Rang, bị bọn xin đểu, anh lao xe máy tránh chúng suýt lao xuống biền, rồi lại trở về Bắc lên Tuần Giáo viết về khu tái định cư Thủy lợi Sơn La- Lai Châu. Người anh to khỏe, vóc dáng tướng phóng viên xịn - đi khắp miền Tổ quốc chỉ bằng chiếc Dream. Nguyễn Gia Bảo nổi tiếng loạt bài viết về những chuyện tình của “Thuyết buôn vua” với cô diễn viên Linh Nga, Vụ An Ly Sơn. Nguyễn Gia Bào đã giành không ít giải thưởng báo chí của Hội nhà báo Việt Nam và của Bộ Công an.
Cuộc đời làm báo của Nguyễn Gia Bào là thế cũng đủ để nói lên anh có duyên nợ với báo chí… có tiếng tăm cả nước. Nhưng còn duyên nợ với Phố Hiến quê anh thì anh không dành cho báo, mà dành cho thơ và cả nhạc nữa.
Gần chục năm nay, Nguyễn Gia Bào sức khỏe có phần giảm sút sau lần tai biến mạch máu não, anh phải ngồi bằng xe lăn. Chính lúc này sống ở Hà Nội anh vẫn da diết nhớ quê hương nhất. Anh nhớ chợ Phố Hiến, nhớ Phố Cổ, Hồ Bán Nguyệt, nhớ quê cha, nhớ Văn Miếu Xích Đằng quê mẹ và anh đã viết hàng chục bài thơ viết về thành phố Hưng Yên xưa và nay.
Xa quê lâu lâu, anh cảm thấy ân hận khi trở về:
Tôi trở về quê như người có tội
Mộ ông bà trầm mặc nỗi rêu phong
Những mái ngói như nghìn con mắt ngói
Mây Xích Đằng im lặng giữa tầng không.
Tôi trở về đây làm người có lỗi
Bạn bè đâu đứa mất đứa còn?
Đâu lớp 10A cái Hồng, cái Nhạn?
Đâu cánh tay ngà, đâu dấu chân son?
Bỏ quê không biết mất hay còn
Nay Phố Nối nối lòng tôi trở lại
Xin cỏ ven đê nói cho lời nhân ái
Mong tiếng chuông chùa độ lượng xuống đời tôi.
Cả tiếng ong bay suốt cả thuở thiếu thời
Cây nhãn, cây đay chết rồi còn dâng mật
Phố Hiến khóc hay là tôi cay mắt?
Nén hương nhòa hay dáng mẹ tôi kia.”
Thiết tưởng còn bài thơ nào viết về quê mẹ, Phố Hiến hay hơn (Tạ từ Phố Hiến) trên đây của anh.
Có lẽ tôi không phải bình luận nhiều, qua bài thơ “Tạ từ Phố Hiến” tôi thấy Nguyễn Gia Bào đã viết từ gan ruột mình sự xúc cảm của anh thể hiện trên từng con chữ, như từng giọt nước mắt tạ từ với quê hương Phố Hiến.
Cuối đời, do không có điều kiện để viết báo, viết văn Nguyễn Gia Bào chọn thơ để nói lên nỗi lòng của mình. Thật lắng đọng, bài thơ trên còn như một lời sám hối, thiết tha lan tỏa cả sang trái tim bạn đọc.
Cùng với nhà báo, nhà thơ Nguyễn Gia Bào, các đồng nghiệp của anh sinh tại quê hương Hưng Yên, nay đang sống ở Hà Nội như Hữu Ước, Hồng Thanh Quang, Lê Văn Ba, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Bá Khả, Nguyễn Duy Quyền, Đức Lượng, Lê Mạnh Tuấn, Đinh Quang Tốn… vẫn luôn hướng tâm và tầm của các anh ca ngợi Hưng Yên đẹp giàu trên từng trang viết.
Lê Hồng Thiện