Nhà báo Hoàng Tùng – Niềm ngưỡng mộ trong tôi

Thứ năm - 28/02/2019 15:02
Mời các bạn đón đọc các bài viết của Nhà báo Nguyễn Uyển viết về những nhà báo xuất sắc trong nền báo chí cách mạng Việt Nam: Nhà báo Hoàng Tùng; Nhà báo Đỗ Đức Dục; Nhà báo Hồng Chương… Mời đọc chuyên mục: “Chân dung nhà báo”. Các tác phẩm được trích trong cuốn "Bìa rừng ngách phố" của Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
 

Nhà báo Hoàng Tùng – Niềm ngưỡng mộ trong tôi
 
Nhà báo sắc sảo, sâu sát

Tôi, một người làm báo địa phương Vĩnh Phú từ năm 1966, về Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1990 (sau khi được bầu vào Thường vụ HNBVN tại Đại hội V), may mắn có gần 50 năm gắn bó, cộng tác đều đặn với Báo Nhân Dân qua rất nhiều Tổng biên tập như Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh và Thuận Hữu… Kỷ niệm công việc với mỗi Tổng biên tập Báo Đảng đọng mãi trong ký ức tôi cho dù năm tháng cứ lặng lẽ trôi vào dĩ vãng.
 
111


Rất khó quên, ấy là với nhà báo Hoàng Tùng. Bởi ông không chỉ là Tư lệnh trưởng của tờ báo Đảng uy tín, đĩnh đạc mà còn là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam giỏi giang liên tục từ khóa III cho tới khóa IV (khóa I và II, ông là Phó Chủ tịch); nghĩa là ông có tới 36 năm làm công tác Hội, với 25 năm là Chủ tịch.

Những năm tháng đất nước đánh giặc ngoại xâm, đặc biệt là “Chống Mỹ cứu nước” và “Chống chiến tranh biên giới phía Bắc” tên tuổi ông như đồng nghĩa với tên của tờ báo. Nói đến Hoàng Tùng là bạn đọc nhớ đến báo Nhân Dân – Nói đến Báo Nhân Dân là người ta nghĩ đến Hoàng Tùng. Nghĩ như thế bởi danh tiếng của ông tạo nên từ sự sắc sảo trong chỉ đạo định hướng sự lãnh đạo của Đảng qua tờ báo sát thực với thời cuộc và thời đại. Nghĩ như thế còn vì những bài xã luận ông viết trên Nhân Dân được phát trên Chương trình Thời sự  Đài tiếng nói Việt Nam thời chúng ta đánh giặc ngoại xâm, hừng hực khí phách, như lời hịch, thôi thúc giục giã chúng ta xung trận.

Ngày ấy ông Hoàng Tùng là niềm ngưỡng mộ của các nhà báo địa phương chúng tôi. Ngày ấy, tên tuổi đội ngũ dưới trướng ông đào luyện cũng rất danh tiếng luôn vang lên trong tôi với những cái tên rất khó quên như: Hữu Chỉnh, Quang Đạm, Hồng Hà, Thép Mới, Hà Đăng, Nguyễn Sinh, Hữu Thọ, Phan Quang, Lê Bình, Đặng Minh Phương, Lê Điền… Ngày ấy ở Báo Vĩnh Phú, tôi vô cùng biết ơn Báo Nhân Dân đã sôi nổi tuyên truyền Vĩnh Phú thực hiện “Khoán sản phẩm” thành công (nghĩa là “khoán chui” được thừa nhận; rồi những lần I, lần II và đặc biệt là lần thứ III Vĩnh Phú lên đồi với một loạt bài của nhà báo Hữu Thọ… như định hướng, như gợi mở cho chúng tôi tuyên truyền đậm đà trên Báo Vĩnh Phú… Ngưỡng mộ nhà báo Hoàng Tùng cùng uy danh của ông – Bí thư TW Đảng (nhiệm kỳ V của Đảng 1982 – 1986), Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nên kỷ niệm 20 năm Báo Vĩnh Phú ra số đầu tiên (1962 – 1982), Ban biên tập chúng tôi quyết định gửi thư mời ông dự Lễ Kỷ niệm báo. Thấp thỏm mong chờ rồi òa vui vì ông tới dự đúng ngày hẹn. Ngần ấy chức danh quan trọng đầy người nhưng  ông lên duy nhất chỉ có lái xe đưa đi. Lễ Kỷ niệm với hàng trăm quan khách và cộng tác viên tham dự. Chúng tôi xếp ghế mời ông và đồng chí Lê Huy Ngọ, Chủ tịch UBND tỉnh ngồi chủ trì nghi lễ. Ông gọi, rồi kéo ghế giục tôi lên ngồi cùng. Giọng hóm hình: - Tổng biên tập Báo Vĩnh Phú là chủ. Phải ngồi đúng chỗ. Chúng tôi là khách. Thế này là oách rồi! Hội trường cười vui. Họ rì rầm: Quan to mà không quan cách! Đêm hôm ấy ông nghỉ lại ở Nhà khách Tỉnh ủy, sáng ngày sau đúng giờ, ông và đồng chí Lê Huy Ngọ xuống tòa soạn đón tôi cùng đi thăm cách làm vườn rừng ở Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Trên đường trở về, ông nói với tôi: Như thế này là Báo Vĩnh Phú có đất để dụng võ rồi. Phải tuyên truyền thật đậm các điển hình tập thể và cá nhân làm vườn rừng giỏi. Viết về họ thì phải nói thật rõ cách làm dẫn đến thành công để nơi nơi làm theo. Điển hình, mô hình, nhân tố mới là “ngôn ngữ” của báo chí. Nhờ nó mà nuôi và nhân ra diện rộng. Đây chính là phương cách của báo chí, là trách nhiệm và nghĩa vụ của báo!... Vỗ vai tôi, ông bảo: - Báo Vĩnh Phú, Báo Hà Tây và Hải Phòng tuyên truyền nông nghiệp khá tốt. Các cậu được trao giải “Bông lúa vàng” về xã luận là xứng đáng, nhưng mình lưu ý: Xã luận nên viết ngắn, chữ nghĩa phải lay động được lòng người, lập luận cho thật chặt chẽ. Tổng biên tập hay ai viết thì cũng phải nhập vai: Đây là tiếng nói của Đảng, của Tỉnh ủy! (Chính những lời này của ông là gợi ý, để tôi có bài viết “Trách nhiệm xã hội của nhà báo: đăng trang nhất Báo Quân đội Nhân dân và phát trong Buổi thời sự ĐTNVN vào hôm Khai mạc Đại hội lần thứ V – HNBVN).

Tối ấy, ông vui vẻ nhận lời ăn bữa cơm thân mật với Ban biên tập Báo Vĩnh Phú ngay tại phòng khách đơn sơ của Tòa soạn. Bữa cơm quê nhưng có món ông từng “khoái khẩu” nên Chủ tịch Lê Huy Ngọ cũng bất ngờ. Ông nói vui: Loại này cứ phải: “7 món”. Các câu bớt món, vì ngại mình chứ gì? Chánh Văn phòng Cao Quang Triệu ấp úng: - Dạ. Vâng. Nhưng… (ý muốn nói vì tôi bảo như thế). Ông cười vui: Chuyện trong nhà với nhau thôi nhé!... Sau ngày ấy chuyện về ông loan truyền đến từng thành viên trong tòa soạn, họ bảo: - Nhà báo uyên thâm; cây đa cây đề; chức vị cao sang, ấy vậy mà giản dị, thân gần đến lạ lùng, không phân biệt cao thấp, thân sơ!... Ấy là chuyện nghề, là cái tình của ông với chúng tôi, những người làm báo “nhà quê” thuở ấy!

Hoàng Tùng – Chủ tịch Hội Nhà báo – Dân chủ, chịu nghe và quyết đoán

Chưa xa. Mới 25 năm. Một chiều Hà Nội (cuối năm 1983), tại Hội trường nhà cấp 4 lúc ấy, kề bên gốc đa cổ thụ trong khuôn viên Tòa soạn Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống, diễn ra Hội nghị trù bị Đại hội lần thứ IV – HNBVN. Phiên trù bị do đích thân Chủ tịch Hội – Hoàng Tùng chủ trì. Buổi họp sắp kết thúc thì bỗng đâu một con vịt mái bay vào, nhảy lên tận sàn kỳ đài, miệng càm cạp liên hồi (cả hội trường ồn ã)… Xua vịt ra. Ông Hoàng Tùng hóm hỉnh, giọng cắt khúc, cắt nhát: - Điềm lành… hay… gở đây! Vừa dứt lời thì cô văn thư hớt hải bước vào đưa cho ông một tờ thư. Ông giơ cao: - Điện khẩn à! Rồi cất giọng đọc: “Tỉnh chúng tôi đề nghị Ban nhân sự Đại hội, rút danh sách nhà báo Nguyễn Uyển, Tổng biên tập báo kiêm Chủ tịch HNB Vĩnh Phú ra khỏi nhân sự dự kiến bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam kỳ này!”. Ký tên. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. (Xin miễn nhắc tên, vì sau đó ông này bị Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm. Ông nói vì ông nhận được thư nặc danh của một người nói không hay về Nguyễn Uyển – Hơn nữa nhân vật gửi bức điện này nay đã quá cố”). Cả Hội trường ồ lên. Nhà văn Xuân Cang ngồi trên, ngoái lại bảo tôi: - Kỳ nhỉ. Thế là thế nào? Nhà văn Lê Lựu thụi lưng tôi, giọng hằn học, chửi đổng: - Chuyện chỉ gặp ở hàng huyện. Nay lại thấy tận TW! Rồi giục tôi phải nói đi chứ. Ngồi yên sao được! Cùng lúc, ông Hoàng Tùng lớn giọng: - Hơi lạ đây. Việc này thì Ban nhân sự Đại hội phải vào cuộc ngay. Phải xem xét kỹ đã. Ông cất giọng, hỏi: - Ý kiến của đại biểu Nguyễn Uyển thế nào? Tôi đáp: - Kính thưa đồng chí Hoàng Tùng. Kính thưa Đại hội. Tôi được Đại hội Hội Nhà báo tỉnh bầu là đại biểu về dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam kỳ này với 100% số phiếu tán thành. Tôi cũng không rõ nguyên nhân gì (Nhưng bụng thầm nghĩ do báo Vĩnh Phú của chúng tôi hồi ấy quyết liệt chống tiêu cực nên họ phản kích)!...
111
Nhà báo Hoàng Tùng trở về nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam (Nguồn ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Vào Đại hội chính thức. Trước ngày bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Hội, đích danh ông công bố bức điện khẩn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phú đề nghị Đại hội giữ nguyên danh sách dự kiến để Đại hội bầu tôi vào Ban Chấp hành Hội khóa IV. Nhờ đó mà tôi đã đắc cử. Không có sự cẩn trọng như thế của ông Hoàng Tùng thì tôi đã thành người chẳng ra gì từ xưa ấy!

Với công việc, tôi quý trọng cách chủ trì hội họp của ông. Hầu như ông không mấy để tâm đến lễ tân. Ngay cả tin tức trên báo chí ông thường nhắc nhở: Phải giảm lễ tân. Tôi chưa khi nào thấy ông lên giọng quan cách. Chức cao, quyền lớn nhưng rất khiêm nhường, chịu nghe. Gần giữa những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, thông tin báo chí bắt đầu bắt nhịp với sự đổi mới do Đảng ta khởi xướng, một số vụ việc tiêu cực, trong đó có cả những cán bộ hàng đầu của tỉnh (như ông Trọng Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) bị công luận phanh phui, gây nên những ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt trong nhiều kỳ họp của Ban Chấp hành Hội khóa IV. Không ít ý kiến trì triết trách nhiệm của Chủ tịch Hội với vụ việc chống tiêu cực này. Nhưng không, ông rất dân chủ, để ai đó nói hết những bức xúc của mình. Ông chăm chú nghe, rồi sau đó mới kết luận những cái chung và cũng bày tỏ ý kiến riêng của mình, không áp đặt, không lẫn lộn chung riêng làm một…

Hoàng Tùng – Minh mẫn, cẩn trọng tới tận cuối đời!

Cốt cách nhà báo – nhà chính trị của ông thể hiện rất rõ ngay cả khi ông đã nghỉ hưu tại tư gia ở số 6B – Đường Thành, Hà Nội… Tôi nhớ rất rõ, khi Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (nay là Ban Thường vụ) soạn thảo Dự thảo “Quy chế” tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí (1991), (nay là Kỷ niệm chương) cho các nhà báo lâu năm có cống hiến vào sự nghiệp báo chí cách mạng. Sau nữa, là Dự thảo “Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam”; Phó Chủ tịch Thường trực Hội, Thiếu tướng Trần Công Mân giao tôi trực tiếp xin ý kiến cựu Chủ tịch Hoàng Tùng. Ông đọc rất kỹ càng rồi nói với tôi: - Mình thấy những việc này là rất hay. Cần thiết lắm. Về Kỷ niệm chương thì ông bảo: - Thời gian 25 năm… dài quá. Nên rút xuống 20 năm thôi… Về Quy ước đạo đức, ông nói: - Các Điều nên ngắn gọn để người ta nhớ!... Vẫn chất giọng hóm hỉnh, ông nói: - Ý kiến của mình là tham khảo. Quyết định là tập thể Ban Chấp hành, là Đại hội!... Ấy là việc chung.

Việc riêng cũng khiến tôi vô cùng khâm phục ông. Tháng 4, năm 2003, Tổng biên tập Nguyễn Đoàn báo Bưu điện Việt Nam, đặt tôi viết (để đăng nhiều kỳ) về tấm gương cố Trưởng ban Giao thông Liên lạc Trung ương; Tổng Cục trưởng Bưu điện Việt Nam đầu tiên của Việt Nam là Trần Quang Bình (tức Nguyễn Văn Dĩ), người học trò, người cán bộ tận tụy, liêm khiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Quang Bình là người Nang Sa, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa quê tôi. Đọc lịch sử địa phương, tôi reo thành tiếng khi thấy ông Bình và ông Hoàng Tùng cùng chà tuổi, cùng bạn tù ở nhà tù Sơn La. Hai ông cùng vượt ngục về Chiến khu Hiền Lương quê tôi nơi nhà cách mạng Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, về quê tôi năm 1944 bắt liên lạc với anh Dĩ, giao nhiệm vụ cho anh cùng đồng chí Bình Phương (tức Nguyễn Đức Vũ) xây dựng Nang Sa, Hiền Lương thành cơ sở đón tù chính trị vượt ngục ở Sơn La về tạm trú và cũng là nơi trú chân cho các cán bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh bị khủng bố truy lùng ở miền xuôi lên. Đồng thời xây dựng nơi đây thành căn cứ du kích để chuẩn bị Khởi nghĩa dành chính quyền ở Yên Bái, Phú Thọ… Ông Hoàng Tùng trong số 50 người vượt ngục đợt 2 về đây vào tháng 02/1945…

Lựa ngày chủ nhật cuối tháng 4/2003, tôi đến nhà số 6B, Hàng Đường thưa chuyện với ông về việc tôi sẽ viết về cuộc đời nhà cách mạng Trần Quang Bình. Ông Hoàng Tùng vui vẻ: “Ờ… ờ… tốt… Tốt lắm. Trần Quang Bình (Nguyễn Văn Dĩ) một người tù, một quan chức cao cấp, trước sau như một – một con người cộng sản, một nhân cách cao quý, trong sáng, một lối sống đạo đức”! Ấy là những lời quy nạp và rồi ông tỷ mẩn kể theo lối diễn giải, chứng minh: “Nào là, Dĩ có đức tính rất đáng quý, nói ít, làm nhiều; đối với công việc của người tù thì Dĩ sửa chữa cơ khí cùng với anh em biết nghề. Dĩ để nhiều công sức dùng sắt tây làm bát, gamen, lập là cho tập thể những người tù… Nào là anh được tập thể anh em cử làm người đứng đầu “giữ trật tự”. Tại nơi tù, anh em cử anh làm người cứu tế, chăm sóc người ốm đau. Đêm đêm ở góc này gọi Dĩ ơi, cho mình viên thuốc… cứ thế rồi ông Hoàng Tùng kể đến việc Dĩ vượt tù về xây dựng cơ sở chuẩn bị Tổng khởi nghĩa… Đến việc Dĩ (Trần Quang Bình) được cử làm Tổng Cục trưởng Bưu điện đầu tiên của Việt Nam… Và ông Hoàng Tùng gói lại theo cách quy nạp: - Đây là trường hợp dùng người rất đúng, vì Dĩ có đầy đủ đức tính cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ: Trung thành, tận tụy, có ý thức trách nhiệm cao. Phong cách làm việc, lối sống của anh giúp đoàn kết được mọi người. Dĩ luôn lì người mà quên mình”! (Lời kể của ông đã góp phần giúp tôi hoàn tất bài viết “Còn mãi với thời gian” đăng trong tập bút ký Cuối đất – đỉnh giời, do Nxb Hội Nhà văn ấn hành – 2008).
 
111
Dãy phố mang tên nhà báo Hoàng Tùng (Nguồn ảnh: Báo Hà Nam)

Ngày ấy, tôi thầm reo lên: Trời ơi, một nhà báo lão thành tuổi cận kề 90 mà minh mẫn đến lạ lùng. Phải chăng đức tính đẹp, phong cách đẹp “Bút sắc, lòng trong” như chữ nghĩa của nhà báo Hữu Thọ, nên quý nhân phù trợ sự minh tuệ cho đến ngày biền biệt ra đi!... Để chúng tôi, thế hệ hậu sinh mãi mãi tôn quý, tiếc thương!
 
Nguyễn Uyển
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây