Trần Công Mân - Người cầm trịch đổi mới báo chí

Thứ sáu - 22/03/2019 16:47
Một vị Tướng bình dị, chân tình. 

       Là cộng tác viên thời còn ở tỉnh lẻ (những năm 70 – 80 của thế kỷ trước) tôi biết Thiếu tướng Trần Công Mân bởi những bài báo mà tôi viết về những tấm gương chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc gửi tới Báo Quân đội nhân dân khi ông là Tổng biên tập. Những năm 90 mươi, may mắn trực tiếp làm việc dưới quyền ông khi ông là Phó tổng Thư ký Thường trực HNBVN (nay là Phó Chủ tịch Thường trực), tôi là Ủy viên Ban Thư ký (nay là Ủy viên Ban Thường vụ) chuyên trách Công tác Hội - Hội NBVN.
111
Nhà báo - Thiếu tướng Trần Công Mân
Hội viên đông, công việc nhiều, cán bộ chuyên trách ở Hội mỏng, tôi với ông và anh em thường phải kiêm nhiệm, đồng thời phải đến với các Hội địa phưởng ở khắp các miền vùng đất nước...Quý trọng ông – Một vị Tướng từng chinh chiến  trận mạc hồi kháng chiến 9 năm - một “Tư lệnh” của báo giới và Hội Nhà báo Việt Nam thời khởi lập đổi mới hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, cao gầy, mảnh mai, ẩn chứa thần lực của sự hòa hợp giữa tâm hồn và trí tuệ; đĩnh đạc, đàng hoàng thu tụ nhân viên bằng sự gần guị, chân tình. Trong cuộc sống thường nhật, ông bình thản dân dã. Cùng ngồi vỉa hè ăn bún đậu chấm mắm tôm, nhanh nhẩu kéo ví nhận phần trả tiền. Lên Tây Bắc cũng vui vẻ ngả nghiêng chén đầy chén vơi với dân bản, cũng đung đưa trong vòng xòe rộng mở theo nhịp chiêng trống bập bùng quanh đống lửa hồng, hào hởi với dân bản Thái, bản H,Mông...

       Tâm phục, khẩu phục, chúng tôi ngầm học ông tính cần mẫn, mẫu mực trong công việc; chịu nghe, biết chia sẻ, biết truyền cảm hứng cho cán bộ mỗi khi giao việc....Năm 1990, nhiều lần ngồi xe cùng ông đến với hội viên nhà báo ở Tây Bắc, Việt Bắc non cao trập trùng hay dằng dặc dải đất miền Trung...tôi đều có đề tài mới mẻ do ông gợi cho để suy ngẫm, để soạn thảo, để thực hiện trong chức trách và khả năng của mình...Ông nói: Thời nay Hà Nội đã có vi tính, in ấn khá hiện đại, phải làm thẻ hội viên nhà báo thật tươm tất! Ấy là lời ông bàn với tôi, nhưng tôi hiểu đó là việc tôi phải làm đúng ý ông...Cũng năm đó, trên đường vào Hội Nhà báo Quảng Bình, ông bảo tôi: Tổng thư ký Phan Quang cho ý kiến: Phải tổ chức Giải báo chí toàn quốc của Hội NBVN vào năm 1991! Quan trọng là phải định cho rõ thế nào là một bài báo hay. Dựa vào đó để xây dựng Quy chế và Điều lệ giải... Khi đi vào cũng như lúc trở ra tôi và ông không ngơi bàn luận quanh chủ đích mà ông đã đề cập. Vỡ lẽ, ông thản nhiên nói: - Người chắp bút Quy chế và Điều lệ Giải chính là Trưởng ban Nghiệp vụ & Công tác Hội (ngày ấy 2 Ban nhập một). Phải làm ngay để Tổng thư ký cùng ông xem xét, trình Ban thư ký trước khi trình Ban Chấp hành Hội (Khóa V) quyết định!... Tết Tân Mùi-1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới thăm Hội Nhà báo VN trưng bầy báo Xuân, nhất trí để Hội hàng năm mở Hội Báo Xuân toàn quốc. Sau buổi ấy, ông luôn trao đổi và khích lệ tôi cùng viết bài cho các báo nói về báo Tết, Báo Xuân nét đẹp văn hóa riêng có của Việt Nam. Đồng thời nhắc tôi soạn Quy chế chấm giải báo Tết-Báo xuân, tập trung vào 2 tiêu chí cái hay và cái đẹp. Trong cái hay phải chứa đựng cái đúng, trúng, đậm đà tính dân tộc; trong cái đẹp thể hiện trên bìa cũng như các trang ruột phải đậm đà sắc thái Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt, nhưng vẫn thể hiện tính hiện đại, đổi mới của đất nước và thời cuộc...Tới việc soạn Quy chế xét tặng Huy Chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam (nay là Kỷ niệm chương) cho các nhà báo lâu năm trong nghề có đóng góp thiệt thực vào sự nghiệp báo chí VN. Thời gian làm báo để được xét tặng lúc ấy tôi ghi 25 năm làm báo chuyên nghiệp. Ông sửa lại và bảo: Nam nữ bình quyền là đúng, nhưng xét việc phải quan tâm đến giới tính; cho nên nữ nhà báo được xét tặng chỉ 20 năm. Sửa song, ông giục tôi tới nhà riêng trực tiếp xin ý kiến cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Hoàng Tùng. Sự kỹ càng, cẩn trọng, chịu nghe, chịu lấy ý kiến tham góp ở ông, khiến cho các văn bản (Dự thảo) có tính pháp quy của Trung ương Hội nhanh chóng được tập thể Ban Chấp hành Hội NBVN khóa V thông qua....Tương tự, chuẩn bị Đại Hội nhiệm kỳ Khóa VI (1995 – 2000), ông nhiều lần trao đổi sau khi đã giao việc cho tôi: Phải xây dựng thật tốt “Quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN”; nhấn mạnh, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với mục tiêu độc lập, tự do và CNXH; gắn bó mật thiết với nhân dân; thông tin trung thực, khách quan...Đây là việc khó nhưng phải hoàn tất (Dự thảo) để Ban Chấp hành Hội khóa V cho ý kiến trước khi trình Đại Hội đại biểu HNBVN Khóa VI xem xét quyết định. Nhằm tạo dư luận, ông phân công tôi viết bài gửi báo Nhân dân, Quân đội nhân dân. Riêng ông viết cả loạt bài trên tạp chí Nhà báo & Công luận (nay là T/C Người làm báo VN)...
Thiếu tướng Trần Công Mân - niềm tự hào của những người làm báo chiến sĩ
Đồng chí Trần Công Mân (người đứng bên phải) và các phóng viên Báo Quân đội nhân dân 
trên đường đi Quảng Trị (năm 1973). Ảnh tư liệu
Một “Tư lệnh” chuẩn mực, sắc sảo

      Giải báo chí toàn quốc của Hội lần thứ 2 (năm 1992) vừa kết thúc, ông có ngay bài trên tạp chí của Hội đầy tính khích lệ, chỉ hướng cần đi tới: “Giải báo chí lần này hầu hết các báo đều “hướng nội”, phản ánh nhiều mặt, từ chiến lược kinh tế-xã hội đến những chuyện đời thường, những điều bức xúc trong cuộc sống. Ngòi bút chiến đấu của các nhà báo đã không ngần ngại nêu lên những nỗi day dứt, những điều chưa được hài lòng, đề xuất, kiến nghị giải pháp để đưa đất nước tiếp tục tiến lên, đồng thời cũng rất ưu ái đối với những tấm gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng vị tha, nhân hậu, những con người bất hạnh mà không chịu cuộc sống bất hạnh, tự làm cho mình thành con người có ích cho xã hội”...Kỷ niệm ngày thành lập Đảng (2/2/ 1990) ông có bài trên Báo QĐND “Chỉnh đốn Đảng, vấn đề thời sự” với một loạt luận điểm sâu sắc: “Muốn chỉnh đốn Đảng, trước hết cần đổi mới cách xem xét đảng viên; đổi mới cán bộ, đổi mới công tác cán bộ; đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo của Đảng”! Theo đó, ông có cả xêri bài bàn về công tác Đảng, công tác cán bộ trong đổi mới: (Chất lượng đảng viên hôm nay; Nghĩ về đổi mới; Dân biết, dân bàn, dân bầu; Cần nhiều dân chủ cho sinh hoạt chính trị; Nghĩ về dân chủ; “Mở cửa” và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”; Quyền con người: Ước mơ, đấu tranh và hiện thực; Quyền con người: Điều sơ đẳng nhưng cơ bản của dân chủ; Chống tham nhũng phải bắt đầu đổi mới mạnh mẽ và đúng hướng cơ chế quản lý kinh tế-xã hội;...). Chỉ đọc tiêu đề của những bài báo đủ thấy tầm nhìn và tư duy minh tuệ của ông không dễ nhà báo nào cũng có được!...Cũng dịp này, trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông cho đăng bài: “Thanh niên – Đối tượng cần được sự quan tâm hàng đầu trong công tác vận động quần chúng”. Ông lập luận: Thanh niên là đội ngũ có kiến thức, năng động, nhạy cảm nhất với cái mới. Cho nên cần chú ý đáp ứng những nhu cầu của họ: “Một là, quyền được thông tin và mong muốn được thông tin. Hai là, sự khao khát cái mới của tuổi trẻ là điều không thể bỏ qua. Ba là, quan tâm đến điều day dứt của thanh niên: Việc làm! Bốn là, phải kiên quyết chống bất công xã hội, chống đặc quyền, đặc lợi. Năm là, cần cán bộ thanh niên mà không cần “quan thanh niên”. Giải trình những đề mục của bài viết kể trên ông phân tích, dẫn dụ hết sức sát thực. Mấy mươi năm qua rồi, đọc lại mà tính thời sự như vẫn vẹn nguyên; kiên định, dũng cảm, sắc sảo, thẳng thắn, minh bạch về tư duy đổi mới nói chung cũng như đổi mới thông tin báo chí nói riêng.
Thiếu tướng Trần Công Mân - niềm tự hào của những người làm báo chiến sĩ
Đồng chí Trần Công Mân (người ngồi đầu tiên, bên trái) thăm Thông tấn xã Giải phóng
tại Mặt trận Tây Nguyên (tháng 4-1974). Ảnh tư liệu
Suốt nhiệm kỳ ông giữ vai “Tư lênh”, báo chí sôi động bởi nhiều cuộc Hội thảo từ Trung ương đến miền vùng và cơ sở. Bàn thảo về đổi mới, ông nêu vấn đề: “Ai có thể đổi mới tư duy?”. Phân tích rồi kết lại: “Đổi mới tư duy không phải là việc riêng của một số người, mà của tất cả mọi người thì dân chủ, công khai là điều không thể thiếu. Không có tự do thông tin để thường xuyên nhận được thông tin mới và phong phú; không có tự do tư tưởng, tự do bàn bạc, thảo luận tranh luận để phân rõ đúng, sai, tìm ra chân lý, thì thực tế không có tự do chân chính. Đổi mới tư duy là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng, quan điểm, nhằm phát huy cái tiên tiến, khắc phục cái lạc hậu, nhằm phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Do vậy, nó phải là một phong trào dân chủ có định hướng”! Ông khẳng định: “Đổi mới, quy luật muôn đời mà thời sự”!  Bàn thảo về “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo”; về “Tự do báo chí”; “Về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo’....là vấn đề mà vai trò điều hành và chỉ đạo báo chí và hoạt động của tổ chức Hội của ông thể hiên rõ nhất qua Hội thảo, qua báo chí xoay quanh một vấn đề lớn: “Báo chí với sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”. Ông luôn nhấn mạnh: “Tính chính xác của thông tin báo chí là lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút. Rằng, uy tín báo chí bắt nguồn từ phẩm chất nhà báo...Đã là nhà báo thì điều trước tiên phải thông tin một cách chính xác, kịp thời, cụ thể các sự kiện xẩy ra (trong nước, địa phương, thế giới) trên các lĩnh vực kinh tế-chính trị-xã hội-văn hóa-khoa học-kỹ thuật...mà quần chúng muốn biết, cần biết!”. 

“Đôi điều về tự do báo chí” là bài viết ông truyền thông điệp tới các nhà báo VN: “Chúng ta không coi tự do báo chí là một thứ tự do tuyệt đối của cá nhân đồng nghĩa với chủ nghĩa vô chính phủ. Tự do báo chí chân chính là tự do bày tỏ mọi ý tưởng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho mưu cầu hạnh phúc của nhân dân, cho sự giải phóng của con người, làm cho con người ngày càng thêm năng động, sáng tạo. Dân qua báo chí mà được biết, được bàn những gì liên quan đến lợi ích của mỗi người và của cả đất nước. Dân cũng qua báo chí mà nói lên tiếng nói chiến đấu của mình, chiến đấu chống lại các thế lực xâm lược, nô dịch dưới mọi màu sắc, thủ đoạn cũng như chống chọi mọi thói hư, tật xấu, chống quan liêu, chống tham nhũng, hối lộ, đặc quyền, đặc lợi...để lành mạnh hóa xã hội. Nhưng chúng ta không thể coi tự do báo chí là thứ tự do bôi nhọ lịch sử, quá khứ vinh quang qua nhiều thế kỷ đấu tranh cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Và cũng như nhiều nước, kể cả phương Tây, luật pháp Việt Nam không bao giờ chấp nhận luận điệu nhân danh tự do báo chí để kích động dư luận, gây rối, làm mất trật tự xã hội, an ninh chính tri”!...

Bao việc lớn với báo giới và Hội Nhà báo VN nhiệm kỳ kế tiếp vẫn bộn bề dang dở thì ông lâm bệnh...rồi biền biệt ra đi (vào ngày 25/3/1998). Nhưng Thiếu tướng-Nhà báo Trần Công Mân vẫn là thần tượng tỏa phát, bền mãi với thời gian: Một người “cầm trịch” báo chí và Hội NBVN ở thời khởi lập đổi mới; giữ cữ, giữ nhịp chính chuẩn, không lệch, không sai bắt nhịp với thời đại, thông tin đa dạng, trung thực, nhiều chiều, nhịp nhàng, trôi trẩy!...
                                                                                           
       Nguyễn Uyển

Nguồn tin: Trích từ tập Bút ký, tiểu luận: Rìa rừng... ngách phố của nhà báo Nguyễn Uyển:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây