Tổng Biên tập Nguyễn Hồng Lĩnh: Một tấm gương mẫu mực
Thứ hai - 25/03/2019 15:57
Đức độ, kỷ cương, nhân văn, mẫu mực là những nét nổi bật của nhà báo Nguyễn Hồng Lĩnh trong 19 năm làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh tên thật là Hoàng Báu Hoằng, sinh năm 1925, quê Hà Tĩnh. Năm 1969, đang làm Giám đốc Sở Giáo dục thì ông được Thành ủy Hà Nội điều sang Báo Hànộimới làm Tổng Biên tập, vì trước đó, năm 1946 ông đã từng là Giám đốc Sở Thông tin Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. Ông là Tổng Biên tập đời thứ ba của Báo Hànộimới, sau ông Đinh Nho Khôi và ông Dương Ngà.
Ông Hồng Lĩnh về Hànộimới trong bối cảnh cơ quan liên tiếp sáp nhập hai tờ báo tư nhân là Hà Nội hằng ngày và Thời mới. Khi cấp trên lưu ý về một vài người có diễn biến tư tưởng phức tạp, có thể làm cơ quan mất ổn định…, ông Hồng Lĩnh nghĩ: Sông còn có chỗ trong chỗ đục, họ ở với người này thì thế nhưng với người kia thì có thể khác. Với quan điểm "dụng nhân như dụng mộc", ông cho mời một nhân vật cứng đầu nhất lên phòng mình trao đổi.
- Tôi đã được đọc nhiều bài viết của anh từ những năm 1950.
- Vâng, vậy Tổng Biên tập thấy thế nào?
- Viết sắc sảo, đúng là một cây bút.
- Tổng Biên tập có quá lời không đấy?
- Không, tôi thực lòng mà.
Nói đoạn, ông Hồng Lĩnh tươi cười:
- Tôi mời anh phụ trách giúp mục điều tra phê bình của báo có được không?
- Vâng, Tổng Biên tập cứ giao. Viết phê bình là sở trường của tôi mà.
Thế là từ đó Hànộimới có thêm một cây bút điều tra phê bình khá thành công, góp phần tăng uy tín của tờ báo.
Ông Hồng Lĩnh thường trao đổi với cộng sự: Cán bộ, công nhân viên chức rất muốn được sử dụng vào những công việc đúng sở trường. Tất nhiên người quản lý, người lãnh đạo phải định hướng để "sở trường" của họ cũng phải được đặt đúng trong "đường ray" nhiệm vụ chính trị của tờ báo.
Chủ trì các cuộc họp Ban Biên tập cũng như các cuộc họp cơ quan, ông Hồng Lĩnh thường lắng nghe, ghi chép ý kiến tranh luận sau đó mới kết luận. Ông bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và chắt lọc dư luận xã hội để đề ra kế hoạch công tác cho cơ quan. Ông thường nhắc nhở cán bộ, phóng viên phải sâu sát cơ sở để bài viết phản ánh được hơi thở cuộc sống.
Tổng Biên tập Hồng Lĩnh thường đến cơ quan trước giờ làm việc ít nhất 15 phút và thường 9-10h đêm mới rời nhiệm sở về nhà ăn bữa tối. Có lần tôi hỏi: "Anh thường về muộn như thế, chị và các cháu không kêu à?”. Ông cười: "Làm cách mạng làm gì có giờ!". Làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới, ông Hồng Lĩnh còn giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, trong Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và làm việc ở một số ban, ngành khác của thành phố. Việc nào được giao ông cũng hoàn thành xuất sắc.
Dù bận rộn họp hành tối ngày nhưng cứ về đến cơ quan là ông lao vào đọc, duyệt bài. Vì nếu để sai sót thì như ông nói, Tổng Biên tập phải là người chịu trách nhiệm trước hết. Ông xử lý nghiêm khắc người nào viết sai sự thật. Người ta không xấu, không có tội, báo lại nói có tội. Đến khi báo đính chính thì "kêu được mạ, má đã sưng!".
Thấm thía lời dạy của Bác Hồ: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", ông Hồng Lĩnh rất chú trọng đào tạo cán bộ và đặc biệt khuyến khích các cây bút trẻ. Có gần 10 người "thế hệ Hồng Lĩnh" được đề bạt Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập ở nhiều tờ báo ở Hà Nội và các báo ngành. Ông rất chú trọng nâng lương cho các Phó Tổng Biên tập, cán bộ chủ chốt và anh em, có người bằng và hơn cả lương của mình. Còn ông, gần 20 năm làm Tổng Biên tập không được nâng một bậc lương nào. Ông nói, năm 1954 hòa bình lập lại, ông đã làm Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, có mức lương cao hơn Tổng Biên tập rồi. Có người quan tâm hỏi lý do thì ông cảm ơn và nói vui: “Từ hồi cách mạng thành công đến giờ, Bác Hồ có được tăng lương đâu!”.
Hànộimới có chặng đường lịch sử 60 năm, ông Hồng Lĩnh "cầm quân" 19 năm, “chiến đấu” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… song không bao giờ có sai sót về chính trị và nội dung. Khó khăn, gian khổ ác liệt nào bằng những năm tháng miền Bắc bị Mỹ ném bom phá hoại, nhất là những ngày cuối năm 1972, máy bay B52 Mỹ định san bằng Hà Nội, đưa Thủ đô ta trở về thời kỳ đồ đá. Báo Hànộimới lúc đó phải tổ chức đi sơ tán, lấy tài liệu nơi bom rơi đạn nổ, viết bài, làm maket dưới hầm với vài ngọn nến, đèn dầu mà cứ 5h sáng hằng ngày, nhân dân Thủ đô đã đọc được tin chiến thắng bắn rơi máy bay Mỹ trên tờ Hànộimới. Sau chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", Tổng Biên tập Hồng Lĩnh đã mang 12 số báo của 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng ấy tặng các bạn Đức tại Berlin nhân chuyến thăm hữu nghị, khiến các bạn đồng nghiệp của ta ở xa hàng vạn cây số vô cùng thán phục.
19 năm làm Tổng Biên tập, không có một lá thư tố cáo, không có một dòng chữ nào phàn nàn về tinh thần công tác, tư cách đạo đức, tác phong của nhà báo Hồng Lĩnh. Trước các quyền lợi được hưởng ông không bao giờ nhận phần hơn. Ông bảo, điều cốt yếu nhất là yên dân, người đứng đầu chịu thiệt đi một tí thì cơ quan sẽ êm. Ông thường nhường tiêu chuẩn Tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn và dành thời gian đi thăm hỏi cán bộ, công nhân viên bị đau yếu khi “trái nắng trở trời”.
Sau chiến thắng 30-4-1975, Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC) mời đích danh Tổng Biên tập Báo Hànộimới đi thăm một số cơ sở sản xuất của họ ở nhiều quốc gia. Ông Hồng Lĩnh nói với Phó Tổng Biên tập Dương Linh:
- Anh đi OPEC thay tôi.
- Họ mời đích danh anh mà?
- Vâng, có thể thay đổi chứ, miễn là có đại diện báo ta.
Nói đoạn, ông Hồng Lĩnh vừa cười vừa vỗ vai ông Dương Linh:
- Anh đi giúp tôi vì sắp tới tôi bận hai cuộc họp quan trọng là họp Thành ủy và họp ở Ban Tuyên giáo Trung ương.
Sau khi nghỉ hưu, ông Hồng Lĩnh tham gia thành lập Hội Nhà báo Hà Nội và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hai khóa rồi mới nghỉ hẳn. Trong thời gian công tác tại đây, ông tiếp tục chăm lo đào tạo đội ngũ kế cận cho báo chí Thủ đô bằng cách mở nhiều lớp đại học báo chí tại chức, nhiều học viên nay đã trở thành nòng cốt ở nhiều tờ báo. Ông không có nhà riêng, không có vườn để "về vườn", vẫn thủy chung với căn hộ dăm chục mét vuông thuê của Nhà nước ở số 28 phố Quang Trung.
Từ năm 2010, khi sức khỏe giảm sút, ông nói với người bạn đời - bà Lưu Thị Bích Hà: "Sinh, lão, bệnh, tử. Ai rồi cũng về với tổ tiên thôi. Nếu có mệnh hệ gì thì gia đình ta phải coi đó là quy luật bình thường”. Ông tự viết sẵn "Tin buồn" và một số lời dặn dò… Rạng sáng ngày 24-7-2014, trái tim nhà báo Hồng Lĩnh ngừng đập. Theo lời dặn của ông, đám tang đã được tổ chức trang nghiêm tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Ban tổ chức lễ tang đặt biển ở nhiều nơi, nhiều chỗ: "Cám ơn các vị đến chia buồn, gia đình không nhận tiền phúng viếng". Nhiều người bùi ngùi xúc động thương tiếc ông vẫn để lại tiền phúng trên bàn thờ. Gia đình cho kiểm kê và công bố ngay sau khi đọc hết lời truy điệu: "Mặc dầu chúng tôi đã có lời đề nghị không nhận tiền phúng viếng nhưng gia đình vẫn còn nhận được 108.900.000 đồng. Gia đình xin gửi lại Báo Hànộimới để nhờ trao tặng cho các gia đình cảnh sát biển có khó khăn, phần còn lại xây dựng giúp một điểm trường học ở tỉnh Hà Giang".
Tất cả mọi người có mặt vỗ tay kéo dài, quên mất đang là đám tang.
Vâng, nhà báo Hồng Lĩnh là như vậy. Ông đã sống xứng đáng với cái tên núi Hồng Lĩnh nơi quê hương mà ông mang theo suốt đời.