Nhà báo Hữu Thọ: Trọn đời để tâm, để đức cho nghề

Thứ hai - 11/03/2019 09:41
Mùa thu năm 2010, tôi có chuyến lên Tây Bắc dài ngày với nhà báo Hữu Thọ theo lời mời của ông Trịnh Long Biên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên. Nơi đón, muốn chúng tôi tới bằng máy bay cho đỡ nhọc nhằn (vì tai nạn giao thông từ mấy Tết trước, sức khỏe của nhà báo Hữu Thọ có phần suy giảm). Hữu Thọ nhất mực từ chối, ông nói với tôi: Nghỉ hưu cả rồi, đi bằng đường xe mà chiêm nghiệm non nước hữu tình!
 
Nhà báo Hữu Thọ: Cây bút sắc, lòng trong, tâm sáng!
Nhà báo Hữu Thọ: Cây bút sắc, lòng trong, tâm sáng!
Đường dài, nhà báo Hoàng Văn Thành (khi ấy là Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Điện Biên Phủ) đưa xe đón chúng tôi, cố ý kéo giãn thời gian để khách mời đỡ mệt, rong ruổi suốt mấy ngày đường núi, nghe cơ man chuyện đời, chuyện nghề của Hữu Thọ. Chẳng cần nhắc lai lịch của ông thì thiên hạ cũng quá biết: Hữu Thọ sinh năm 1932, tại Hà Nội. Tên thật là Nguyễn Hữu Thọ, tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực tư tưởng của tổ chức cách mạng. Từng là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc huyện Thư Trì... Từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Ủy viên Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam... Suốt dặm dài Tây Bắc, chúng tôi ghé vào đâu, ngồi nghỉ ở quán xá nào thì người xứ núi vẫn nhận ra Hữu Thọ - Nhà báo! Tới đỉnh đèo Pha Đin, Hữu Thọ sà vào hàng táo mèo của đồng bào Mông hỏi han chuyện làm ăn, chụp ảnh lưu niệm. Chàng trai Mông tuổi 19 - 20, len ngang, giọng ồm ồm:

- Ông. Ông là nhà báo Hữu Thọ. Con xin được chụp hình với ông! Hữu Thọ kéo chàng trai Mông vào lòng, đưa máy ảnh giục tôi chớp! Tôi gạn chuyện:

- Xa xôi thế, làm sao cháu biết đây là nhà báo Hữu Thọ?

- Biết. Biết mà. Nhà cháu có tivi. Ông là người “nổi tiếng”... Đôi mắt ông sáng thế kia... đôi tai thế kia, vầng trán cao đẹp thế này làm sao mà không biết, không nhớ! Nói rồi chàng trai cười khoái trá cứ như vớ được của nả giữa đỉnh trời Pha Đin. Giọng đặc quánh:

- Ông ấy là nhà báo. Nổi tiếng nhà báo. Nhà báo phải như thế!...

Lời nhẹ bâng từ cửa miệng chàng trai người dân tộc nơi đỉnh đèo Pha Đin khuấy đảo cách nghĩ của tôi về Hữu Thọ: “Nhà báo phải như thế”! Tôi biết Hữu Thọ làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957. Tên tuổi Hữu Thọ nổi như sóng cồn trên Báo Nhân Dân với hàng loạt bài phóng sự điều tra về nông nghiệp - nông dân từ những năm đầu chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hữu Thọ trọn đời đam mê làm cách mạng; dùng báo chí làm phương tiện vận động cách mạng, làm công tác tư tưởng cho Đảng, cho dân, cho các nhà báo Việt Nam. Ngay cả khi giữ các trọng trách quan trọng như Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; hoặc khi là Trợ lý Tổng Bí thư thì ông vẫn viết báo đều đặn. Ông viết (dưới nhiều bút danh: Nhân Nghĩa, Nhân Chính, Hữu Thọ...). Viết đa thể loại: chính luận, bình luận, tiểu luận, bút ký, phóng sự, phóng sự điều tra, tiểu phẩm thế sự... Các bài viết của ông dù ở thời điểm nào đi nữa đều găm dấu ấn không thể nhạt phai với người đọc... Nghỉ hưu (2007) ông vẫn viết báo đều đặn, vẫn giúp giữ chuyên mục Chuyện làm ăn, Bàn góp sự đời đều đặn trên Báo Nhân Dân; Chuyện đời trên tạp chí Thế giới mới... Nhiều năm lại đây, ông làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” do Báo Sức khỏe&Đời sống của Bộ Y tế tổ chức, để dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Ông nổi danh là cây viết ngồn ngộn lượng thông tin. Viết chân thực, chắc chắn, sắc sảo. Tuổi cao, sức mọn nhưng ông vẫn là “cây cao bóng cả”, vẫn góp lời tâm huyết, thiết thực trong nhiều sự kiện của đất nước và báo giới. Tập tiểu luận Mắt sáng, lòng trong, bút sắc nói rất sâu, rất bắt lòng về bản lĩnh, đạo đức, lương tâm, nghề nghiệp cần có của người làm báo trước những vấn đề của xã hội, của thời đại. Khi ấy Đối thoại và Đối thoại 2 lại nhắc nhở trách nhiệm cao cả của nhà báo “nơi đầu nguồn sự kiện” thông tin phải góp sức tháo gỡ để xã hội phát triển hài hòa, bền vững. Thực hiện trách nhiệm cao cả đó, đòi hỏi nhà báo phải có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”! Đó là những ấn phẩm đậm dấu ấn Hữu Thọ, ở đó ông bộc lộ tâm đức của mình với nghề báo, với những gì ông muốn xây đắp, vun vỗ cho các thế hệ nhà báo Việt Nam....

Suốt dặm dài ngược - xuôi Tây Bắc, tôi luôn để tâm “khai thác tâm đức của nhà báo Hữu Thọ” để “khai sáng cho mình”. Nói về tính cẩn trọng của nghề nghiệp, ông cười khà khà kể về một nhà báo lớn tuổi nhờ bạn chí cốt viết sẵn điếu văn cho mình trước khi qua đời tới cả thập niên. Ông bảo, mình hỏi: Sao anh lại làm “điều gở” ấy? Lão nhà báo thản nhiên: Phải chính xác! Cả đời làm báo luôn chí cốt với 2 từ: chính xác! Cho nên cũng phải nói chính xác cái mình có, tránh nói quá khi nhắm mắt xuôi tay!... Hữu Thọ đắc ý kể thêm: Lê Huyền Thông là “cây viết chuyên về xây dựng Đảng” của Báo Nhân Dân. Khi lâm bệnh hiểm nghèo, biết thân phận chỉ tồn tại đôi ba ngày; anh yêu cầu mình (khi ấy là Tổng biên tập) viết sẵn“Tin buồn” để được xem trước. Mình soạn vẻn vẹn 300 từ, rồi chuyển cho anh ấy trên giường bệnh. Đọc đi đọc lại, anh ấy khẽ nhoẻn miệng cười, rồi cầm bút điền thêm một dấu phẩy (,)... Âu cũng là đức tính cẩn trọng sinh ra từ cái nghề cái nghiệp!

Điện Biên mời Hữu Thọ cốt nhờ ông bồi bổ thêm cho đội ngũ cán bộ tỉnh ủy, cán bộ làm công tác tư tưởng chủ chốt từ tỉnh tới huyện, thành phố, thị xã và báo chí... học tập và tuyên truyền sâu rộng hơn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Mấy ngày liền ở Điện Biên, hôm nào ông cũng phải đăng đàn ít nhất 2 buổi. Buổi nào khán phòng cũng chật ních người nghe. Hữu Thọ có khiếu truyền đạt “Diễn giải rồi quy nạp”, “Quy nạp rồi diễn giải” nên sâu sắc, chủ đề, lý, tình quấn bện đến lạ lùng. Ông nói: Bác Hồ quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, như gốc của cây, ngọn nguồn của dòng sông. Đức tạo ra sức mạnh, quyết định thắng lợi trong mọi công việc. Nhưng đức và tài phải luôn kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng!... Từ luận điểm bao quát ấy, Hữu Thọ phân tích, cắt nghĩa, chứng minh, lý giải, cổ vũ người nghe học và làm theo gương Bác về đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng!...
nha-bao-huu-tho-tron-doi-de-tam-de-duc-cho-nghe-2
Nhà báo Hữu Thọ với hàng nông thổ sản của đồng bào Mông trên đỉnh đèo Pha Đin
- Điện Biên tháng 9/2010
Trao đổi với chúng tôi và đồng nghiệp báo chí ở Điện Biên, Hữu Thọ bảo: Ông không thích đăng đàn mà muốn đối thoại. Trao đổi, đối thoại để học nhau, để sáng tạo hơn!...Vì thế cuộc “đối thoại” dồn vào chủ đề Cái tâm, cái đức của người làm báo. Nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề đặt ra, nào là: “Tâm đức” là gì? “Tâm đức” có ý nghĩa như thế nào với nghề báo? Nhà báo rèn tâm rèn đức bằng cách nào?... Hữu Thọ ghi chép từng ý lục vấn của đồng nghiệp rồi lần lượt giải đáp. Ông nói: Tâm là phần hồn của con người. Theo Phật học, tâm là tâm thức là trung tâm của cảm giác, của tình cảm, của ý thức và hành động. Tình cảm và ý thức của con người là gốc sinh ra tâm. Cho nên tất cả mọi điều đều do tâm tạo ra, tâm làm chủ. Tâm sinh ra những điều tốt đẹp, đồng thời cũng sinh ra những điều tệ hại. Bởi thế, mỗi nhà báo phải nhận ra tâm của mình và làm chủ cái tâm của mình. Đi theo cái hay, cái tốt, cái thiện là tâm sáng, lòng trong. Là nhà báo, chúng ta đều mong muốn giàu có về năng lực. Mà năng lực của con người lại thể hiện ở tâm ở tầm, có chuyên môn sâu, có tấm lòng đẹp. Cho nên, làm báo cũng vậy phải có nghề, phải có tấm lòng mới mong mang đến những điều tốt đẹp cho mình, cho xã hội và đất nước... Đạo đức là gì ư? Đó là tổ từ Hán Việt chỉ giá trị và tính cách của một con người. Đạo là đường, đức là tính tốt. Chung quy đạo đức là con người có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn; thể hiện nét đẹp trong phong cách sống và hành động của con người. Khi có đạo đức, con người sẽ làm chủ, sẽ hiểu mình phải làm gì trong cuộc sống với xã hội. Cho nên, muốn có đạo đức thì phải rèn luyện. Trước hết chúng ta phải học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác kính yêu. Luôn luôn nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm; xây đi đôi với chống. Nghĩa là suốt đời phải tu dưỡng đạo đức, kể cả đạo đức nghề nghiệp của người làm báo!...Buổi đối thoại không dài, nhưng dư âm từ đó tới nay vẫn đọng mãi trong tôi về một Hữu Thọ - Nhà báo sâu sắc, róng riết với những gì ông muốn truyền đạt cho lớp lớp đồng nghiệp...Lại nhớ, Hội thảo Quốc gia “90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” dịp 21/6/2015 tại Trụ sở Báo Nhân Dân, 71 hàng Trống; nhà báo Hữu Thọ tham luận đầu tiên với tiêu đề: “Mấy vấn đề về đạo đức người làm báo”. Tham luận ngắn gọn 1.500 từ nhưng chữ nghĩa cứ như chưng cất đặc quánh. Ông nói vo, giọng róng riết cảnh báo tình trạng lợi dụng báo chí để làm những điều phi pháp; và một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi... Rồi chốt lại: Thực sự, theo tôi thì đạo đức người làm báo, nói rộng ra là văn hóa báo chí đang có những vấn đề không nhỏ. Tôi nghĩ tại Đại hội Nhà báo sắp tới nên có thời gian thỏa đáng từ đại hội cơ sở để bàn sâu sắc trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ - Người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam...! Kết thúc, ông giãi bày: Với tâm huyết của một người có nửa thế kỷ cầm bút, rất yêu quý cái nghề này và rất quý trọng các bạn đồng nghiệp, chỉ trải lòng tâm sự một vài điều, có gì nói quá mong các đồng chí thông cảm! Vâng. Đó là phong cách. Là nỗi lòng đau đáu của Hữu Thọ - Cây cao bóng cả của báo giới, suốt đời vun xới để tâm, để đức cho các thế hệ nhà báo Việt Nam!
111
 Một số tác phẩm trong bộ sách được chọn lọc, tái bản của nhà báo Hữu Thọ


Nào ngờ ít ngày sau, Hữu Thọ biền biệt về thế giới người hiền (12/8/2015), để lại nỗi nhớ thương vô hạn với chúng tôi và báo giới Việt Nam!
 
Nguyễn Uyển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây