Đồng chí Xuân Thủy - Vị chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo

Thứ bảy - 02/03/2019 03:36
Thế giới và ngay cả chính người Việt Nam các thế hệ sau này, thường biết đến đồng chí Xuân Thủy với tư cách là một nhà hoạt động ngoại giao có tên tuổi. Nhưng khi mới bước vào con đường Cách mạng, ông đã là một nhà báo và là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại làng Canh, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Thân phụ ông từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX. Từ những năm 1930, Xuân Thủy đã có bài đăng trên các báo “Tin tức”, “Đời nay”… Trong thời gian bị thực dân Pháp cầm tù tại Sơn La, ông cùng với ông Trần Huy Liệu xuất bản trong nhà tù tờ báo “Suối Reo”. Vừa ra tù, ông được Trung ương trao nhiệm vụ phụ trách tờ báo Cứu Quốc của Việt Minh xuất bản bí mật từ năm 1942. Nhà báo Xuân Thủy đã trực tiếp lãnh đạo báo Cứu Quốc trong những năm 1944 - 1954.

 
111
Nhà báo Xuân Thủy

Cuối năm 1945, nhà báo Xuân Thủy vận động các ông Nguyễn Đức Thuyết, chủ nhiệm báo “Vì nước” ra đời sau cách mạng Tháng tám và nhà báo Nguyễn Tường Phượng, chủ nhiệm Tap chí “Tri Tân”, tham gia thành lập tổ chức của người làm báo Việt Nam. Tại cuộc họp trù bị ở trụ sở báo “Cứu Quốc” có nhiều đại diện các báo đoàn thể và tư nhân lúc đó ở Hà Nội, Hải Phòng tham gia. Nhà báo Xuân Thủy tuyên bố “Cụ Chủ tịch (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) rất hoan nghênh việc thành lập tổ chức của các nhà báo Việt Nam. Ông nhắc lại lời Cụ:” “Người làm báo cũng là chiến sĩ, người cầm bút, cầm súng, cầm gươm phải đoàn kết trong một mặt trận để cùng toàn dân kiến quốc và cứu quốc”. Sau đó, Đại hội báo giới được tiến hành theo chương trình nghị sự. “Đoàn báo chí Việt Nam” ra đời. Đó là tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam. Theo đề cử của nhà báo Xuân Thủy, nhà báo Nguyễn Tường Phượng được giữ chức Chủ tịch đoàn.
111
Nhà báo Xuân Thủy (đứng) trao đổi với tổ báo chí tại Hội nghị Paris về Việt Nam

Trong kháng chiến chống Pháp, các vị trong Ban Chấp hành Đoàn báo chí Việt Nam tản về các địa phương. Năm 1950, tại Quảng Nạp (thuộc chiến khu Việt Bắc), nhà báo Xuân Thủy lại đứng ra triệu tập các nhà báo, mở Đại hội thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” và ông được bầu làm Chủ tịch Hội (năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam).

Nhà báo Xuân Thủy là một nhà tổ chức có tài trong báo giới. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã quy tụ được nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ tên tuổi như Văn Cao, Như Phong, Đỗ Phồn, Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Tô Hoài, Trần Đình Thọ… làm biên tập viên, cộng tác viên của tờ Cứu Quốc Trung ương và báo Cứu Quốc Khu, Liên Khu.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê nhớ lại: Anh Xuân Thủy rất chặt chẽ và đòi hỏi cán bộ, biên tập viên phải nghiêm túc thực hiện đường lối chính trị của báo. Có lần, anh chuyển cho chúng tôi những bái báo Cứu Quốc do Bác Hồ đánh dấu những chỗ sai sót và cắt ra gửi lại cho anh… Về lề lối làm việc, anh khuyến khích tinh thần chủ động của mọi người, nhất là những anh em phụ trách tòa soạn, trị sự.
Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu) - Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968 

Ngay trong những ngày kháng chiến gian khổ, nhà báo Xuân Thủy đã bắt tay đào tạo, bồi dưỡng những người viết báo Cách mạng. Đầu năm 1949 trường báo chí cách mạng tên Huỳnh Thúc Kháng đã được thành lập ra theo sáng kiến của ông. Đó là trường báo chí Cách mạng đầu tiên ở Việt Nạm.

Nhà báo Xuân Thủy là một người giản dị, khiêm tốn. Theo lời kể của nhà văn, nhà báo Phan Quang - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam những năm 1990, khi bà con xã  Phượng Canh hội họp để quyết định lấy tên Xuân Thủy đặt cho xã nhà, ông đã đích thân về làng, mời dân làng lại và từ chối đề nghị đó.

Đến nay bà con Việt Kiều ở Pháp khi nhắc đến Hội nghị Paris đều không quên ông Xuân Thủy - Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam. Đó không chỉ là một nhà ngoại giao đại tài, mà còn là một nhà thơ tài hoa. Khi nhận xét về ông, một Việt kiếu Pháp đã nhận xét về ông như vậy, mặc dù người đó không hề biết Xuân Thủy là tác giả của hai tập thơ “thơ Xuân Thủy” và “Đường Xuân” có tiếng vang trong nước.
 Võ Năng Nhẫn


 

Nguồn tin: Theo Người làm báo Kon Tum

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây