Takanô Nhà báo có trái tim hồng bất tử

Thứ năm - 28/02/2019 15:14

Nhà báo Isaô Takanô, phóng viên tờ Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản đã ngã xuống nơi địa đầu xứ Lạng vào ngày 07/3/1979. Suốt từ đó đến nay, anh gắn với những người làm báo Lạng Sơn như duyên tiền định. Nhân kỷ niện 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ đến anh, tôi viết ra kẻo nữa lại quên.

Từ một tấm hình

Khi mới vào cơ quan công tác, tôi nhìn qua khe cửa căn phòng cuối hành lang dãy nhà cấp 4 có một tấm ảnh chụp một người đeo kính, hiền lành nhưng đầy vẻ thông minh nhanh nhẹn. Tò mò nhưng căn phòng suốt ngày khóa im ỉm vì chủ phòng là ông Nguyễn Duy Trước - Phó Tổng Biên tập khi đấy đang đi học. Mãi sau này khi căn phòng trở thành nơi ra vào trao đổi nghiệp vụ của anh em báo chí, tôi mới biết bức ảnh đó chính là Takanô, một nhà báo Nhật Bản đã ngã xuống trong chiến tranh bảo vệ biên giới. Hình ảnh ấy lúc nào cũng ám ảnh tôi, vì đó là một tấm hình đẹp, ngoài ra còn là đồng nghiệp từ một đất nước xa xôi. Anh cũng có gia đình, cha mẹ, vợ con. Thế mà vì chiến tranh anh phải xa quê hương, rồi anh dũng ngã xuống một nơi với anh còn quá xa lạ. Cũng từ đó tôi bắt đầu có ý định sẽ viết về anh vào một dịp 21/6. Bài viết này như một nén nhang xót thương một đồng nghiệp báo Đảng.

Isaô Takanô sinh năm 1943 tại thị trấn Sinhô, Tôkyô. Năm 1962 tốt nghiệp trường đại học Công nghiệp Nhật Bản, anh vào làm việc tại xưởng điện ônsichi Tôkyô và gia nhập Đảng cộng sản Nhật Bản. Năm 1967, anh được cử sang Việt Nam học tiếng Việt 4 năm. Tháng 2/1978, anh lại sang Việt Nam đảm trách công việc của đặc phái viên, phóng viên báo Akahata - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, anh được cử lên Lạng Sơn làm phóng viên chiến trường. Ngày 7/3/1979, anh bị bắn tỉa và hy sinh ngay tại đầu đường Quang Trung, cổng sau Ủy ban nhân dân tỉnh hiện nay.
 
Ngôi mộ của Takano tại nghĩa Trang Hoàng Đồng
Ngôi mộ của Takano tại nghĩa Trang Hoàng Đồng

Takanô nhà báo dũng cảm

Ông Hà Nghiên - nguyên Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn còn nhớ rất rõ, khi ông về nhận công tác tại Báo Lạng Sơn vào tháng 10/1979, thì mọi hình ảnh về Takanô còn lưu giữ rất đậm ở tòa báo. Ngay nơi Takanô bị giết hại, người dân đã dựng ngôi mộ để hàng ngày nhang khói cho anh. Theo những người chứng kiến, trong đó có ông Trần Dĩ - nguyên Bí thư Thị ủy, khi Takanô lên Lạng Sơn, thị ủy thấy đây là một dịp để nhà báo chứng kiến cảnh tàn phá của chiến tranh. Nhưng thị xã còn chưa tan khói súng, đâu đó vẫn có những toán thám báo rình rập. Thị ủy đặt mục tiêu phải bảo vệ an toàn cho Takanô, bởi chính anh sẽ  là người chuyển những thước phim, là nhân chứng sống để tố cáo tội ác chiến tranh với toàn thế giới. Thế là các trạm gác đều khuyên anh quay lại. Nhưng với tấm lòng quả cảm của một phóng viên chiến trường, anh quyết xin vào thị xã. Nhưng chỉ tác nghiệp chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, anh đã bị bắn tỉa từ phía bên kia cầu Kỳ Cùng. Kể đến đây, ông Hà Nghiên như nghẹn lại, ký ức của nhà báo chiến trường hy sinh khiến ông không cầm được nước mắt. Những tấm ảnh của Takanô chụp là những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, những du kích Lạng Sơn vẫn chắc tay súng trên từng chiến hào,  họ đi chân đất, áo mong manh nhưng lòng yêu nước thì vô bờ bến. 
Takano (đeo kính) trên đường tác nghiệp.
Takano (đeo kính) trên đường tác nghiệp.

Khói súng tan, nhà thơ Sĩ Cương đã viết một bài thơ về Takanô: “Như một mũi lê nén đầy căm uất/ Xé tan mặt đất hướng tận trời xanh/ Đó là tên anh trái tim hồng bất tử…”. Đọc cho tôi nghe nhà thơ Sĩ Cương phải dừng đến mấy lần. Ông chậm dãi từng lời như sợ tôi không nghe hết, Takanô ra đi khi vừa tròn 36 tuổi, để lại vợ mới 28 tuổi và con gái Imi 6 tuổi: “Thời chú khi nhắc đến Takanô là một biểu tượng về một nhà báo dũng cảm”, nói rồi nhà thơ lau dòng lệ, mắt ông đỏ hoe từ lúc nào, ông cẩn thận xem lại tấm ảnh Takanô: “Con người này đã mang lại cho chú một hạnh phúc, năm 1982 khi bà Michiô vợ Takanô và con gái lên thăm nơi bố hy sinh. Ông Hà Việt Tân - nguyên Tổng Biên tập đã đọc bài thơ này, khi dịch ra tiếng Nhật bà đã khóc và nằng nặc đòi gặp nhà thơ. Thế nhưng lúc ấy nhà chú chật hẹp quá, các anh ấy sợ ảnh hưởng đến nghi lễ ngoại giao nên nói chú đi vắng”. Một lần nữa ông già lau nước mắt, hình như ông đang chắt những giọt nước mắt để nhớ về một người thân yêu!

Ông Hà Nghiên chậm rãi kể, sau khi Takanô mất, ông La Thăng - Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ chỉ đạo Báo Lạng Sơn phải liên lạc với đại diện Đảng Cộng sản Nhật Bản tại Hà Nội, Báo Akahata để thắt chặt tình đoàn kết, tranh thủ giúp đỡ của bạn ủng hộ ta trong chiến tranh. Thêm nữa sau này để làm ăn kinh tế. Và giai đoạn ấy, năm nào gia đình Takanô, đại diện Báo Akahata cũng lên Lạng Sơn.

Hai lần tiếp chuyện bà Michiô

Tôi còn nhớ tháng 10/1994, bà Michiô vợ của Takanô và con gái Imi lên Lạng Sơn. Khi ấy cơ sở vật chất Báo Lạng Sơn hầu như chưa có gì. Chúng tôi tiếp gia đình bà tại phòng làm việc của ông Nguyễn Duy Trước, nơi đặt ảnh thờ Takanô. Bà rất xúc động vì những người làm báo Lạng Sơn vẫn hương khói cho chồng bà. Xúc động hơn khi mỗi lần lên, các nhà báo lại chuẩn bị những vần thơ, những bài viết về Takanô. Lần này là bài viết của nhà văn Ngọc Mai nói về Takanô. Tôi nhớ mãi một câu: “Tôi lên Lạng Sơn lần nào cũng khóc cả tuần vì xúc động, mảnh đất chồng tôi ngã xuống đầy tình người”. Lần thứ hai vào tháng 10/2008, bà Michiô đến thăm Báo Lạng Sơn, khi ấy bà rất vui vì tòa soạn đã được xây dựng khang trang. Tấm ảnh thờ Takanô vẫn còn nguyên vẹn. Thấy tôi, bà nhận ra ngay, nở một nụ cười đôn hậu làm rung cả mái tóc bạc: “cháu có khỏe không, quà của cháu đây”, anh phiên dịch dịch lại nguyên văn và bà tặng tôi chiếc lược, mấy chiếc phong bì hội họa của Nhật đến nay tôi vẫn giữ. Theo thời gian chiếc lược hồng bà tặng đã ngả màu, nhưng tình cảm của bà, của Takanô với tôi mãi không mờ phai.
 
Nguyễn Đông Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây