Nhà báo Nguyễn Khuê - Báo Điện tử Nhân đạo và Đời sống:Muốn làm nghề tốt thì không được sống vội
Thứ bảy - 11/05/2019 11:57
Trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Khuê - tác giả của hàng loạt các tác phẩm điều tra tạo được hiệu ứng với xã hội, tôi mới thấy những quan điểm về bản lĩnh của người làm báo, có những thứ tưởng như đơn giản mà không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được.
Phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Khuê - báo điện tử Nhân đạo và Đời sống xung quanh câu chuyện tác nghiệp của một phóng viên điều tra.
Phải bảo đảm an toàn cho mình và các cộng sự
+ Được biết, sau khi tác phẩm “Xe vua” ở Hải Dương” của anh (tác phẩm được trao Giải Nhì – Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông (ATGT) năm 2018) được đăng tải, với sự vào cuộc của Thanh tra Bộ Công an, có cán bộ Công an bị kiến nghị xử lý kỷ luật, tổ cân đặc biệt đã bị giải tán. Theo anh thì thành công nhất của anh ở đề tài này là gì?
- Trước tiên tôi phải cảm ơn các đồng nghiệp, các cộng sự của tôi trong quá trình thực hiện đề tài này, vì họ đã diễn những vai diễn lái, phụ xe rất đạt để có được những thứ cần thiết nhất là thâm nhập được vào đường dây bảo kê cho xe tải. Và cái quan trọng nhất là bằng chứng cán bộ công an ngửa tay nhận tiền bảo kê của lái, phụ xe. Đó là những thành công bước đầu và quan trọng nhất, và quyết định đến 50% sự thành công của đề tài.
Để tiếp cận được đường dây làm luật không khó, nhưng giáp mặt và “làm luật thành công” với tận gốc của người cầm đầu đường dây mới là điều phải tính toán. Vì với những người mang cảnh phục và quân hàm Thiếu tá như ông “Sơn cơ động” thì đã quá dày kinh nghiệm, chỉ cần chút sơ hở và gây nghi ngờ thì có thể cả đề tài sẽ bị sập.
Sau khi có bằng chứng trong tay, việc tiếp theo là xử lý tài liệu để sao cho hiệu quả mà phải bảo đảm an toàn cho mình và các cộng sự. Việc bảo đảm an toàn ở đây, ý của tôi là mình “đập chuột nhưng đừng làm vỡ bình”. Như bạn đã biết, từng có những vụ việc đồng nghiệp của chúng ta thâm nhập, điều tra để phản ánh tiêu cực. Sau đó thì chính việc thâm nhập điều tra để phản ánh chống tiêu cực thì chính nhà báo lại đưa mình vào vòng lao lý về hành vi đưa hối lộ. Đó là lý do mà tôi đã phải làm việc với Thanh tra Bộ Công an, trước khi đưa sự thật ra ánh sáng qua những bài viết của mình, để sau khi bài đăng, Thanh tra Bộ Công an nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh…
Với những thông tin, tài liệu, chứng cứ do tôi chủ động cung cấp, Thiếu tá “Sơn cơ động” đã phải thừa nhận hành vi của mình. Kết quả cuối cùng sau khi loạt bài được đăng tải là Thiếu tá “Sơn cơ động” từ Phòng CSCĐ (K20) được điều động ra Phòng CSGT (PC67), Thanh tra Bộ Công an sau khi kết luận vụ việc đã kiến nghị xử lý bằng hình thức điều chuyển khỏi lực lượng CSGT để phòng ngừa sai phạm; kiến nghị giáng cấp bậc quân hàm từ Thiếu tá xuống Đại úy; tổ cân đặc biệt bị giải tán…
+ Hình như anh là một nhà báo có “duyên” với Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về ATGT. Anh có thể chia sẻ thêm về “mối duyên” này?
- Trong 4 lần đoạt Giải thưởng báo chí tuyên truyền về ATGT thì có đến 3 tác phẩm của tôi đoạt giải là thể loại điều tra. Ngoài tác phẩm “Xe vua ở Hải Dương” thì có 2 tác phẩm điều tra khác là “Sát hạch Giấy phép lái xe kiểu “người máy” tại Trung tâm Nam Triệu” và tác phẩm “Sát hạch Giấy phép lái xe như “xóa mù chữ” ở Hà Nội”. Cả 2 tác phẩm này đều phản ánh về một thực trạng là hiện tượng bao luật, chống trượt và cấp giấy khám sức khỏe tùy tiện trong cho học viên trong sát hạch giấy phép lái xe. Sau khi bài đăng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra, nhất là tại TP. Hải Phòng, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác sát hạch giấy phép lái xe. Tại trung tâm Nam Triệu, Thanh tra Bộ phát hiện được lỗ hổng của phần mềm sát hạch là con người có thể tác động để làm sai lệch kết quả.
Còn tác phẩm về giải pháp cho thực trạng giao thông Thủ đô, về tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội thì chúng ta khỏi cần bàn, vì nó đang như căn bệnh mãn tính, thuốc thì nhiều mà việc chữa trị thì chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Theo tôi, vận động người dân bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng vẫn là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Vấn đề quan trọng ở đây là cách thực hiện sao cho người dân đồng tình ủng hộ, thay vì phải áp đặt người dân bằng những quy định gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của họ, tại sao các cơ quan chức năng không làm cho người dân tự nguyện bỏ phương tiện cá nhân bằng cách cho họ thấy tiện ích từ việc sử dụng phương tiện công cộng? Ví dụ, là lãnh đạo Sở GTVT, anh phải đặt mình vào vị trí người dân, nếu bắt anh phải bỏ xe máy để đi tàu điện metro, đi xe bus… thì anh đi bằng gì từ nhà anh ra ga tàu, bến xe? Nên anh cần tính toán đến việc xây dựng những bãi xe làm nơi trung chuyển của người dân ngay tại khu vực ga tàu, bến xe…
Giữ được nghề và có trách nhiệm với nghề
+ Là một người đã có nhiều tác phẩm điều tra thành công, theo anh, người làm báo điều tra cần có những tố chất gì?
- Câu chuyện tố chất của người làm báo nói chung, làm báo điều tra nói riêng thì đã được nhắc đến rất nhiều rồi. Làm báo hay làm bất cứ công việc gì, để có hiệu quả thì chúng ta đều phải có chuyên môn nghiệp vụ; có bản lĩnh đều sẵn sàng đối mặt với sự thật; có đạo đức nghề nghiệp… Câu chuyện này nói ra đây không có gì là mới mẻ cả, nhưng cá nhân tôi có quan điểm là: Làm báo, anh muốn làm nghề thực sự thì anh không được phép sống vội, nhất là vội kiếm tiền. Đành rằng làm gì thì cái nghề cũng là để mưu sinh, chúng ta phải sống thì chúng ta mới làm việc được. Nhưng nghề báo lại có cái đặc thù là có những lúc chúng ta phải đầu tư công sức, thời gian, kinh phí… mới có được những đề tài hay. Vậy thì nếu ai đó quá mải mê kiếm tiền, không mặn mà cống hiến thì làm sao có thể làm ra những tác phẩm báo chí để đời được?
+ Thời gian qua, có một số phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, anh có suy nghĩ gì về thực trạng này?
- Nhìn lại một hành trình dài ra đời và phát triển, báo chí đã khẳng định được vai trò và sứ mệnh cao cả của mình. Hiện nay, báo chí đã trở thành sức mạnh tri thức, phản ánh toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, là chỗ dựa cho những người yếu thế tìm đến công bằng xã hội; “Là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương”... Cũng chính vì thế mà báo chí dường như được xã hội khoác cho mình một tấm áo quyền lực vô hình - Quyền lực thứ 4 trong xã hội như cách gọi của công chúng.
Cũng chính vì vậy, nhiều người họ đang bị “ngộ độc” thứ quyền lực ấy, kết hợp với sự sống vội nên đã biến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… có sai phạm thành “con mồi” để “săn bắt”, kiếm ăn. Khi “con mồi” bị tấn công quá đáng thì hành vi của phóng viên đó dễ dàng bị trả giá. Đó chính là nguyên nhân có một số phóng viên bị bắt về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tôi nghĩ bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, khi mình đã chọn nghề và nghề đã chọn mình rồi, thì bên cạnh việc làm nghề để mưu sinh, chúng ta phải có trách nhiệm với nghề, chúng ta có giữ được nghề thì chúng ta mới có việc để mà làm, để mà mưu sinh chứ.
+ Xin cảm ơn anh!
Nhà báo Nguyễn Khuê (tên thật là Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1980 tại Thái Bình), hiện là phóng viên điều tra báo điện tử Nhân đạo & Đời sống. Trước đó, từ năm 2011 đến tháng 2/2019, anh làm việc tại báo Pháp luật và Xã hội. Anh đã 4 lần được trao Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về ATGT; 1 lần đoạt Giải Báo chí viết về Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, anh đã đoạt Giải C - Giải Báo chí Quốc gia năm 2016 với tác phẩm “Đề án Ngoại ngữ 2020 tại Thái Bình đang bị “phù phép” như thế nào?” Đồng thời, anh cũng đã vào chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2017 với tác phẩm “UBND tỉnh Thái Bình “cố đấm” cho doanh nghiệp “ăn xôi” từ một dự án BOT”.