Là cộng tác viên của Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên, tôi thường có dịp qua lại trụ sở Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên, nên tôi thường tiếp xúc với cán bộ nhân viên ở đây. Có điều làm tôi ấn tượng, mỗi lần tiếp xúc như thế không chỉ riêng ban lãnh đạo Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên mà đến các bác ở phòng bảo vệ cũng đều có chung nhận xét: "Bác Dân là người chín chắn, ứng xử có nhân có nghĩa, kể cả lúc bác "phê" ai cũng không giận - mà còn vui vẻ tiếp thu. Bởi họ nghiệm ra rằng bác ấy khen hay chê cũng đều vì lợi ích chung. Mà bác Dân đã "phê" thì người nào người ấy chỉ thấy đúng và làm việc tốt lên. Gì thì gì đều xuất phát từ văn hoá ứng xử, dân vận khéo. Đã hơn 10 năm bác ấy tuy về hưu, nhưng khi có công to việc lớn gì chúng cháu đều mời bác tham gia, lúc bác không đến được thì "phôn" xin ý kiến bác qua điện thoại, mỗi lần như thế, bác đều vui vẻ trả lời. Thật hiếm có một thủ trưởng về hưu mà vẫn được mọi người cơ quan cũ kính mến, tâm phục, khẩu phục như thế. Người ấy - có tên và chức danh thật đầy đủ là nhà báo, nhà thơ Hoàng Thế Dân. Ông sinh năm 1944 tại làng Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Một xã rất vinh dự năm 1961 được Bác Hồ về thăm và Bác nói "Nghĩa Dân" là dân có nghĩa. Chắc bác Dân, học tập câu nói ấy của Bác Hồ nên là người con Nghĩa Dân sống có nghĩa chăng? Hoàng Thế Dân xuất thân từ một nhà giáo , là con trai độc nhất trong một gia đình có bố trong đoàn quân Nam Tiến, hy sinhở chiến trường miền Nam. Mẹ nuôi anh lớn và trưởng thành. Anh vừa dạy học vừa có năng khiếu thơ văn từ nhỏ. Ngay từ năm 21 tuổi anh đã có truyện ngắn được nhận giải thưởng cuộc thi viết truyện ngắn của hai cơ quan: Hội nhà văn và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Thành tựu khởi đầu văn nghiệp của anh là văn xuôi. Sau đó anh để tâm vào làm thơ. Đến nay Hoàng Thế Dân đã cho xuất bản 6 tập thơ, thì 2 tập thơ đã được giải B, giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ ba (1990-1995) và giải B giải văn học nghệ thuật Phố Hiến (1995-2000). Như vậy cả văn và thơ Hoàng Thế Dân đều có những thành công được bạn đọc đáng ghi nhận. Truyện và thơ của anh đều xoay quanh chủ đề về giáo dục nhân phẩm, tư cách làm người. Nếu tập hợp phần truyện đã đăng báo, thì anh có tới vài chục truyện ngắn. Nhưng tác giả chưa có điều kiện in, hoặc còn khiêm tốn. Tôi từng đọc hầu hết các tập thơ của anh, tập nào cũng có nhiều câu hay bài hay. Ngay ở tập thơ đầu tay "Nhận ra nhau" (xuất bản 1993). Mấy câu thơ mở đầu thay cho lời đề từ - cũng là lời tự bạch của nhà thơ, đã cuốn hút tôi:
"Mặc người chạy trốn heo may
Tôi vun hoa rụng trải đầy lối đi
Lạnh lùng cơn gió tái tê
Mặc người xa lánh lời thề bỏ quên
Lá vàng dồn lại ngoài hiên
Tôi nhen ngọn lửa ngồi nhìn tàn canh..."
Đọc mấy câu trên, ai mà không xao xuyến ... cho mối tình bỏ ngỏ, hai câu thơ đầu vừa nhân văn, lại vừa thông cảm cho cuộc tình dang dở. Chất thơ, chất nghệ thuật: Ở hai câu đầu "Chạy trốn heo may" và "Vun hoa rụng trải đầy lối đi". Cảnh và tình người HưngYên luôn luôn xuất hiện trong 6 tập thơ: Một Chùa chuông cổ kính:
"Nhà tôi ở cạnh Chùa Chuông
Ngày rằm, mồng một hoa hương ngạt ngào...
Mẹ nghèo tóc bạc cầu mong
Trên cao Phật có thấu chăng lòng người?
Lẻ loi chỉ một mình tôi
Cầu kinh chưa thuộc, nợ đời đa mang..."
Một Đa Hoà trong "Chử Đồng Tử - Tiên Dung" thơ mộng, cổ kính với chuyện tình lãng mạn:
"Mùa xuân trẩy hội Đa Hoà
Nghe sông Hồng hát bài ca về Người.
Dập dìu én liệng mây trôi
Đầm xanh nỗi nhớ, bãi bồi mênh mông
Phải chăng Đồng Tử - Tiên Dung
Mở đường đi đến tận cùng tình duyên
Bao nhiêu oan trái ưu phiền
Nhập vào lòng để cháy lên lẽ đời..."
Là một mùa sen nở, với những câu thơ trong trẻo, mà bay bổng, giầu chất thi sĩ:
"Làng tôi vào dịp mùa sen nở
Con gái dậy thì đẹp hẳn lên
Buổi sớm bơi thuyền, hai má đỏ
Ngỡ cánh sen thơm cứ mãi nhìn.
Hái hoa cho kịp ra chợ tỉnh
Vội mấy vẫn say chuyện tâm tình
Những câu ướm hỏi đầy tinh nghịch
Tiếng cười sóng sánh mặt nước xanh.
Chẳng biết cô nào mê thành phố
Bỏ rơi lời hẹn ở bên hồ
Để mặc chàng trai ôm thương nhớ
Đẩy thuyền đi chở lá sen khô.
Vâng, đúng cả bài thơ "Mùa sen nở" là một bức tranh thơ, có cảnh có tình, có hương thơm, có con thuyền. Nhà thơ tả cảnh và người cũng đẹp. Tôi thích nhất hai câu:
"Buổi sớm bơi thuyền hai má đỏ
Ngỡ cánh sen thơm cứ mãi nhìn"
Nếu trong 6 tập thơ của Hoàng Thế Dân, cho tôi chọn hai bài hay nhất thì tôi chọn bài:
"Gió heo may" và "Mùa sen nở".
Như bạn đọc trong và ngoài tỉnh đã biết anh Hoàng Thế Dân không chỉ là một nhà thơ thuần thuý, có tên tuổi trong giới văn nghệ của tỉnh - anh còn là một nhà báo, nhà quản lý, làm công tác tổ chức, nên Hoàng Thế Dân hiểu rất rõ văn nghệ không thể tách rời phục vụ chính trị, nhất là các vấn đề có tính thời sự ở địa phương.
Ngày 1-1-1997 tái lập tỉnh Hưng Yên - chia tách từ tỉnh Hải Hưng, Hoàng Thế Dân có ngay bài thơ "Lại về Hưng Yên", với một niềm sung sướng hân hoan, khôn xiết:
"Đây rồi Hồ Bán Nguyệt
Nửa vầng trăng lung linh...
Con đê xanh thắm thiết
Ôm vòng hồ xinh xinh.
Đây rồi, Hồng Hà ơi!
Thuyền căng buồm ra biển
Nổi danh tên Phố Hiến
Thương cảng của một thời.
Ôi mặt người rạng rỡ
Đẹp hơn cả trong mơ
Và một rừng cờ đỏ
Như ngày nào xa xưa.
Sau một tuần bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc đó là Phó ban văn hoá tư tưởng trung ương phổ nhạc, và trở thành bài hát quen thuộc của nhân dân Hưng Yên và là một trong những bài hay viết về Hưng Yên của các nhạc sĩ. Suốt gần 20 năm, vừa ở cương vị là Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên, vừa lo công tác quản lý, lãnh đạo tập thể đài, ông Hoàng Thế Dân còn dành thời gian để sáng tác thơ văn là một lẽ, nhưng anh còn trực tiếp viết kịch bản, lời bình cho một số bộ phim tư liệu về đất và người Hưng Yên. Những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước vấn đề đặt ra ở nông thôn, nông nghiệp ở nước ta nói chung và ở Hưng Yên nói riêng, ruộng đồng còn manh mún, ô này, thửa nọ khó đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng,nên chủ trương của Trung ương và của tỉnh cần dồn thửa , đổi ruộng để thuận lợi gieo trồng đại trà, và đưa máy móc nông nghiệp về đồng ruộng. Vấn đề này không thể chỉ đưa một hai tin thời sự, hay một nghị quyết trên sóng trên hình, mà phải đưa vào phim vào kịch, vào văn học. Anh Hoàng Thế Dân đã mạnh dạn viết cả kịch bản cho bộ phim phóng sự tư liệu "Mặt đồng". Bộ phim "Mặt đồng" năm tham dự liên hoan phim tư liệu các đài phát hanh và truyền hình đã nhận được giải cao.
Không chỉ chăm lo nội dung, chất lượng phát sóng và truyền hình đi đúng hướng của Đảng, Nhà nước và phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, anh Hoàng Thế Dân còn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, động viên lớp trẻ đi học cao học, tạo nguồn để bổ sung cho Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên ngày một thêm mạnh về tổ chức, vững vàng về lập trường tư tưởng chuyên môn nâng cao chất lượng các chương trình. Ban lãnh đạo của Đài 100% được đề bạt từ phóng viên lên Trưởng phòng, lên Phó Giám đốc và Giám đốc. Đó là phương châm "đào tạo tại chỗ", "cán bộ nguồn chọn từ cơ sở". Việc này vừa giữ được sự đoàn kết, vừa chuyên sâu, biết người, hiểu việc, hiểu anh em trong cơ quan và đồng nghiệp.
Nhà thơ Hoàng Thế Dân đã qua nhiều công tác và nghề nghiệp khác nhau. Từ giáo viên, cán bộ chuyên viên tổ chức tỉnh uỷ, đến Phó Bí thư thị ủy .Trưởng ban dân vận tỉnh uỷ rồi là tỉnh uỷ viên, Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hưng Yên. Ở cương vị công tác nào, lúc chuyển công tác hay về hưu, anh vẫn để lại những ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp. Anh chị em công tác ở Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên học tập ở Thủ trưởng của mình là một con người có tư cách, không vụ lợi, đã nói là làm, điều gì đáng nói mới cần nói và nói thẳng, nói thật, lập trường, thái độ dứt khoát. Điều gì không nói, thì nói bằng hành động, bằng hiệu quả của công việc.
Bây giờ nhà báo, nhà thơ Hoàng Thế Dân đã xấp xỉ ở tuổi 80, sức đã yếu, tuổi đã cao, sức viết gần đây cũng yếu đi, nhưng những đóng góp của anh cho sự nghiệp phát thanh truyền hình và văn học tỉnh nhà cũng như tư cách của anh vẫn còn ghi dấu ấn với đồng nghiệp, với lớp văn nghệ sĩ, lớp trẻ và lớp già chúng tôi. Và đây là hai câu thơ của Hoàng Thế Dân đã thừa nhận về mình khi đã ở tuổi xưa nay hiếm.
"Ở tuổi già những gì tinh hoa nhất
Của một đời lắng đọng mãi vào trong"
(Bài Nhận biết trang 41
Thơ Hoàng Thế Dân, tập Dập dìu cánh én)
Sự lắng đọng tinh hoa của tuổi già ở nhà thơ, nhà báo Hoàng Thế Dân, chắc chắn tiếp tục phát huy để bạn đọc đón nhận. Đó là niềm vui của anh và của mỗi chúng tôi.
Lê Hồng Thiện