Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay/ Dân Việt: Chúng tôi định hướng tập trung vào bản sắc và chất lượng
Thứ năm - 04/07/2019 09:15
"Chúng tôi hướng đến đối tượng bạn đọc chính của tờ báo là bà con nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp làm ăn ở khu vực nông thôn, làm đậm hơn bản sắc tam nông của mình"- Tổng Biên tập Lưu Quang Định chia sẻ.
“Mọi năm chúng tôi đề ra mức tăng trưởng cho báo điện tử Dân Việt rất cao, liên tục nhiều năm, năm nào cũng đặt ra mức tăng lượng view năm sau cao hơn năm trước tối thiểu phải 50%. Nhưng năm nay, lần đầu tiên chúng tôi đặt mức tăng trưởng thấp chỉ khoảng 10%. Chỉ tiêu chung hạ xuống, từng chuyên mục không quá bị áp lực chạy theo lượng view. Thay vào đó, chúng tôi yêu cầu đầu tư sâu vào chất lượng!” –Tổng Biên tập Lưu Quang Định đã bật mí như vậy về những cải tiến khi bắt đầu câu chuyện.
Chậm lại để bước lên một nấc thang mới cao hơn
+ Vì sao view không còn là điều ông quan tâm nữa thưa Tổng biên tập?
- Thực tế trong công việc chúng tôi nhận ra rằng, điều quan trọng không chỉ là lượng view mà phải là chất lượng của view. Một bài viết có lượng bạn đọc cao nhưng thiếu chuẩn mực sẽ không chất lượng bằng bài tuy có thể có ít người đọc nhưng độ tin cậy cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc, chúng ta sẽ tìm được bạn đọc trung thành hơn và như thế sẽ tốt hơn cho tờ báo về cả uy tín chính trị nói chung và cả về kinh tế. Bởi càng ngày khách hàng quảng cáo càng đề cao uy tín, họ sẽ đánh giá chúng ta tốt hơn nếu đó là tờ báo chững chạc, chính thống, tin tức có độ tin cậy cao. Tôi nghĩ, tất yếu báo chí sẽ phải đi theo con đường này. Trong một thời điểm nào đó, công nghệ mới có thể khiến báo chí chao đảo nhưng sau một thời gian tĩnh tâm lại, các Tòa soạn báo đều thấy báo chí khác mạng xã hội ở tính định hướng, độ tin cậy, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Chính vì thế, từ đầu năm 2019 chúng tôi quyết tâm bắt đầu cải tiến theo hướng chất lượng và đi sâu vào bản sắc. Đó là một hướng đi dù kỳ công, tốn kém nhưng chúng tôi nghĩ là đúng đắn.
+ Lựa chọn một “đường cày” đi sâu vào chất lượng và bản sắc, cụ thể như thế nào thưa ông?
- Chúng tôi bắt đầu với việc xây dựng những chuyên mục mới. Ví dụ như chuyên mục “Thứ 7 cùng Phan Đăng” với góc nhìn độc lập, mang quan điểm cá nhân của một nhà báo tương đối nổi tiếng, bàn về một vấn đề nổi bật trong tuần. Hay bản thân tôi cũng nhận phụ trách một chuyên mục mới là “Dân Việt trò chuyện”, hiện đang chạy demo một số bài và đến ngày 8/6 tới đây - vào dịp kỷ niệm 9 năm ra đời Dân Việt - sẽ chính thức “chạy” đều hàng tuần với những bài công phu về các nhân vật nổi tiếng ở mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phấn đấu có 30% trong số này là những nhân vật nông dân, các chủ HTX, các doanh nghiệp, doanh nhân gắn bó với nông dân để thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là tờ báo “Sát cánh cùng nông dân Việt”. Đó sẽ là những chân dung nhân vật có câu chuyện, có số phận, có bề dày tính cách... Mỗi bài dự kiến từ 3.000 – 5.000 chữ, nhiều hình ảnh, kèm video, ký họa… và trả nhuận bút khoảng 5 triệu/bài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở hàng loạt chuyên mục mới như “Ngày mới tốt lành”, “Góc nhìn chuyên gia”, “Sổ tay nhà văn”, “Đọc sách cùng bạn”, “Điều tra độc quyền”... Chúng tôi đã lập ra một nhóm phóng viên điều tra riêng, tạo cho họ những cơ chế làm việc tốt nhất, trang thiết bị tốt nhất để hy vọng có được những sản phẩm điều tra riêng, đặc biệt trong lĩnh vực nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
+ Thưa ông, vì sao đến thời điểm này Dân Việt mới tiến hành một cuộc “cải tổ chính mình”, chứ không phải thời điểm khác?
- Nhận thức là một quá trình. Cách đây mấy năm, những ngày đầu của Dân Việt, chúng tôi cũng “say sưa” chạy theo view lắm vì thấy người ta phát triển bùng nổ quá, cứ mấy chục triệu view một ngày mà thấy mình bé nhỏ, tự nghĩ phải nỗ lực cố gắng “chạy đua”. Nhưng rồi như đã nói, trong quá trình làm, chúng tôi thấy có hai điều cần nhìn lại. Thứ nhất, khi quá tập trung vào tốc độ thông tin thì không tránh khỏi lại lơi lỏng chất lượng, lỗi, sạn, sai phải đính chính, phải xin lỗi... dần dần niềm tin của bạn đọc tới tờ báo bị ảnh hưởng. Điều thứ hai là, thực tế công việc cho thấy view không quan trọng bằng chất lượng view. Nếu như mình chạy theo lượng view thuần túy, thu hút được một lượng bạn đọc lớn, nhưng chưa chắc hiệu quả bằng bài ít người đọc hơn nhưng độ tin cậy cao hơn, tìm được những bạn đọc trung thành hơn. Sau giai đoạn “chạy ào ào” theo view, mình cũng phải đi vào chiều sâu, đi chậm lại để bước lên một nấc thang mới cao hơn. Sự điều chỉnh này mới chỉ là bắt đầu, thành hay bại cần có những thử nghiệm và thời gian nhưng chí ít, chúng tôi kỳ vọng sự thay đổi ấy sẽ làm bạn đọc hài lòng hơn.
Làm đậm hơn bản sắc tam nông của mình
+ Năm nay cũng là năm thứ 13 ông làm Tổng Biên tập. Ông vừa vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng 3 với nhiều thành tích nổi bật. Sự cải tiến rất cần đồng thuận của tập thể, ông đã “cải tổ” phóng viên như thế nào trong áp lực này?
- Mỗi lần thay đổi chúng tôi cũng phải theo các lộ trình, làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và luôn chú ý tới công tác truyền thông nội bộ. Vì nói thật là phóng viên đang say sưa với một đường đua, giờ rẽ sang một con đường khác, cũng phải điều chỉnh lại, mất thời gian hơn. Nhưng tựu trung lại khi đưa ra định hướng này, mọi người trong cơ quan rất ủng hộ, vì đa phần nhà báo đều được học hành, được đào tạo căn bản, đều hướng thiện và muốn làm những điều tốt đẹp. Chúng tôi cũng đã đầu tư đào tạo lại cho phóng viên về các kỹ năng, định hướng phóng viên, biên tập viên dành nhiều thời gian hơn để đầu tư vào biên tập. Báo điện tử thường chạy theo view, trend... nhưng đã đến lúc cũng cần nghĩ nghiêm túc hơn đến sự trong sáng của tiếng Việt. Câu chữ, chính tả, rút title, cũng phải sạch sẽ, cẩn thận hơn trước, để tờ báo ít sạn, ít lỗi...
+ Còn với báo in thì sao, tôi quan tâm đến bài toán phát hành báo, thưa ông?
- Ngày xưa, như nhiều đồng nghiệp cũng biết, nói thật là báo in NTNN nuôi báo điện tử trong những năm đầu điện tử còn bị lỗ. Nhưng cách đây 3 năm, báo in của chúng tôi có 1 cú sốc khá lớn trong vấn đề phát hành, nay cũng đã vượt qua rồi. Vượt qua nhờ vào phát triển những nguồn thu khác như: phát triển báo điện tử, làm những sự kiện rất lớn trở thành thương hiệu như: Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân; Diễn đàn Nông dân quốc gia, Chương trình Tự hào Nông dân VN, còn các hội thảo nhỏ hơn khoảng 20 cái/ năm... Dần dần, báo điện tử bắt đầu có lãi, bây giờ doanh thu từ báo điện tử đã hơn báo in. Nhưng song song với đó, chúng tôi vẫn luôn quan tâm đẩy mạnh phát hành báo in. Cuối năm 2018 tại Đại hội 7 Hội Nông dân, có một tin vui là chúng tôi đưa được 1 trong 14 chỉ tiêu Đại hội là có 100% Chi hội Nông dân cơ sở có báo NTNN. Chúng tôi đã soạn thảo một Đề án phát hành báo từ năm 2018 đến năm 2023 do đích thân đồng chí Chủ tịch HNDVN làm Trưởng ban Chỉ đạo. Phát hành từ rất nhiều nguồn: từ nguồn ngân sách, nguồn doanh nghiệp, nguồn do hội viên nông dân đóng góp. Chúng tôi đang thực hiện năm đầu của đề án, chỉ cần làm được 20-30% mục tiêu đề ra thì lượng phát hành không những không giảm mà đã tăng kha khá rồi.
+ Và trong áp lực đổi mới, tờ báo in phát triển nội dung như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi hướng đến đối tượng bạn đọc chính của tờ báo là bà con nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp làm ăn ở khu vực nông thôn, làm đậm hơn bản sắc tam nông của mình. Báo giấy liên tục được cải tiến theo hướng thâm canh hơn, “cày sâu cuốc bẫm” hơn, không làm chung chung về chính trị xã hội nữa, mà làm sâu hơn về nông dân. Các chuyên mục, các trang báo phải gắn với bạn đọc mục tiêu hơn nữa, gắn với người nông dân, gắn với các chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, kết nối đầu ra cho nông sản, bảo vệ môi trường nông thôn, văn hóa nông thôn...