"Dụng công lựa chọn đề tài, sáng tạo tác phẩm một cách nghiêm túc"

Thứ tư - 14/08/2019 21:48
Đó là chia sẻ của Nhà báo Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) - tác giả được trao giải A, Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) năm 2018

"Để có những tác phẩm báo chí chất lượng tham dự các giải báo chí lớn thì mỗi nhà báo cần dụng công lựa chọn đề tài, thâm nhập thực tiễn, nghiên cứu tư liệu và công phu sáng tạo tác phẩm một cách nghiêm túc, bài bản, lao lực"- Nhà báo Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) khẳng định.

“Chọn đề tài từ trong đời sống chính trị đang diễn ra, nghiên cứu công phu và say mê với nghề, đó là những yếu tố cơ bản đối với tác phẩm báo chí chính luận. Đối với bài viết cần người cầm bút có bút lực mạnh và quá trình rèn bút, luyện bút không ngừng sẽ tạo nên những tác phẩm báo chí viết về xây dựng Đảng hay và có chất lượng” - nNhà báo Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận xung quanh tác phẩm vừa được trao giải A, Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) năm 2018.

Nghiên cứu và viết ròng rã cả năm trời là điều hết sức bình thường

+ Mạng xã hội ngày nay là địa hạt chính trong cuộc đấu tranh chống thủ đoạn tuyên truyền của các thế lực thù địch. Điều gì đã khiến anh đi sâu vào khai thác một vấn đề nóng nhưng không dễ này?

- Loạt bài “Bóc trần và đấu tranh với thủ đoạn ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội” quả thực đã chạm đến một vấn đề khó và còn mới. Rõ ràng, trong kỷ nguyên số, không gian mạng trở thành địa hạt chính trong cuộc đấu tranh ý thức hệ. Đấu tranh ý thức hệ là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó, không ngừng nghỉ, không khoan nhượng, không có chỗ cho sự dao động, thỏa hiệp, hoạt đầu, nước đôi. Các thế lực thù địch đã lợi dụng chính những ưu thế nổi trội của các phương tiện truyền thông xã hội để phát tán diện rộng những luận điệu ngụy tuyên truyền, những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta - đang là vấn đề tâm điểm trong đời sống chính trị ở nước ta. Những luận điệu xuyên tạc trên ngày càng tinh vi, lắt léo, mang danh và núp bóng phản biện khoa học song hết sức phản khoa học. Nếu không bị bóc trần và bẻ gãy bằng lý luận, bằng hệ luận cứ, luận chứng khoa học, chặt chẽ, sẽ rất nguy hại, nhất là khi bị phát tán trên diện rộng. Vì thế tôi quyết định viết chuyên luận, qua đó góp phần bảo vệ công cuộc phòng, chống tham nhũng, gắn với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta, đang được toàn Đảng, toàn dân ta hết lòng tin tưởng, ủng hộ.

Nhà báo Lê Hải nhận giải A Giải Búa liềm vàng năm 2018.
Nhà báo Lê Hải nhận giải A Giải Búa liềm vàng năm 2018.

+ Nhưng phải nói thành thật là, xây dựng Đảng là mảng đề tài khá khô khan. Để tạo sức hấp dẫn cho loạt bài giàu tính chiến đấu này, hẳn là điều không dễ dàng, thưa anh?

- Quả thực, mỗi thể loại báo chí đều có cái khó riêng của nó. Với thể loại chuyên luận, cái khó là đòi hỏi sự dụng công trong nghiên cứu và sáng tạo tác phẩm. Chuyên luận có lẽ là khó nhất, khi so với hai thể loại còn lại là xã luận và bình luận, cùng trong thể loại chính luận. Các bài đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch phải bóc trần cơ sở kinh tế - xã hội, nguồn gốc tư tưởng - lý luận, bẻ gãy từng luận điểm bằng lý lẽ sắc bén, lập luận khoa học thuyết phục, mà đối phương, đối tượng không thể chối cãi, xuyên tạc, không tạo sơ hở để đối phương “phản đòn”; không phải là lên gân lên cốt, mà là thuyết phục bằng lý lẽ khoa học, do đó phải chuẩn bị hệ luận cứ, luận chứng đa dạng, sắp xếp các hệ luận điểm và biện luận chặt chẽ, cùng một phông nền tri thức chính trị đủ rộng, sâu và năng lực hành văn, thể hiện tác phẩm sao cho hấp dẫn. Tất cả những yêu cầu đó đòi hỏi người viết chuyên luận đấu tranh tư tưởng phải nghiên cứu công phu và say mê với nghề. Một bài chuyên luận đấu tranh tư tưởng tốt phải ấp ủ, thai nghén một thời gian dài, quan trọng nhất là lựa chọn đề tài sao cho hay, mới, ít hoặc chưa có người viết, đang bức thiết đặt ra trong đời sống chính trị, xây dựng Đảng, sau đó nghiên cứu và viết ròng rã nửa năm hay cả năm trời là điều hết sức bình thường


Càng khó thì khi vượt qua, thành quả đơm hoa kết trái sẽ càng ngọt ngào
+ Vậy động lực nào cho ngòi bút đủ “lửa” để thể hiện một cách trọn vẹn những thông điệp quan trọng, thưa nhà báo?
- Ai cũng nói rằng, xây dựng Đảng là một đề tài khó. Viết về xây dựng Đảng luôn đòi hỏi một phông nền kiến thức, tri thức chính trị khá. Tuy nhiên, đây lại là đề tài hết sức thú vị cho những tác giả say mê nghề, có tư duy tốt sẽ luôn phát hiện và lựa chọn được đề tài hay. Nhiều người vẫn ví vui, viết về xây dựng Đảng “vừa khó, vừa khô, vừa khổ”. Song càng khó thì khi vượt qua, thành quả đơm hoa kết trái sẽ càng ngọt ngào. Hơn nữa, với mỗi nhà báo chân chính tác nghiệp trong nền báo chí cách mạng nước ta, viết về Đảng, được đóng góp với Đảng những ý kiến tâm huyết của mình thông qua các tác phẩm báo chí luôn là niềm hạnh phúc, là sự tự nguyện và trách nhiệm vô điều kiện.

Quan điểm của tôi, viết về xây dựng Đảng cũng không hề khô khan, ngược lại đây là mảnh đất cho sự phản ánh và sáng tạo hấp dẫn, tràn đầy sức sống, khi nhà báo có tâm huyết, chịu khó tư duy, phát hiện, bám sát, hiểu sâu vấn đề và thực tiễn, nắm chắc lý luận, có bút lực tốt trong sáng tạo, trong thể hiện tác phẩm. Từ tác phẩm ấy góp phần giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ và có chiều sâu về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc, vì thanh danh và uy tín của Đảng ta chính là động lực quan trọng để tôi quyết tâm theo đuổi và thực hiện tác phẩm này. Thậm chí, bài viết sau khi được đăng tải đã nhận được sự quan tâm, đồng tình cao của độc giả (có cả những ý kiến ngược của các thế lực thù địch), có hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, đồng thời các cơ quan chức năng của ta có thêm kênh tham khảo để quan tâm, ban hành và thực hiện những quyết sách hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng.

+ Tham dự và giành giải cao trong cuộc thi uy tín này, sự quan tâm của cơ quan có ý nghĩa như thế nào trong quá trình thực hiện bài viết?

- Với vai trò là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng; ngọn cờ đầu về truyền bá lý luận, bảo vệ hệ tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, mà trực tiếp là đồng chí Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao, vào cuộc cùng anh em để tập trung xây dựng hệ bài có đóng góp mới về mặt lý luận và hệ bài đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Đây vừa là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tạp chí Cộng sản do Trung ương giao, vừa là tạo nguồn bài để từ đó tuyển lựa những bài viết xuất sắc nhất để tham gia giải “Búa liềm vàng”, một cách chủ động, có kế hoạch ngay từ đầu. Sự quan tâm trên là điều kiện quan trọng để những tác giả như tôi có cơ hội, môi trường thể hiện được năng lực nghiên cứu, sáng tạo tác phẩm của mình. Nếu lãnh đạo một cơ quan báo chí chưa tạo điều kiện tốt và vào cuộc cùng anh em cấp dưới, thì theo tôi khó có thể có được những tác phẩm tốt. Mỗi cơ quan báo chí cần trân trọng và nuôi dưỡng những cây bút tốt. Những cây bút này không dễ tìm kiếm được, họ được thiên phú và nếu có môi trường tốt để rèn luyện, sáng tạo nghề thì đây chính là những người sẽ tạo nên uy tín, thương hiệu của cả tờ báo, tạp chí.

+ Anh có thể chia sẻ về cách tiếp cận và triển khai tác phẩm chất lượng để có thể tham dự giải Búa liềm vàng nói riêng và các giải báo chí nói chung hiện nay?

- Để tham dự những giải báo chí lớn như giải Báo chí Quốc gia và giải “Búa liềm vàng”, để đủ sức ra “biển lớn” thi tài, cần những bài viết thực sự có chất lượng, có sức lan tỏa trong đời sống chính trị và xã hội. Những “đứa con tinh thần” đó chỉ có khi mỗi nhà báo ngay từ sớm cần dụng công lựa chọn đề tài, thâm nhập thực tiễn, nghiên cứu tư liệu và công phu sáng tạo tác phẩm một cách nghiêm túc, bài bản, lao lực, mới mong có được.

Khi đạt được giải thưởng có tầm vóc và uy tín lớn như “Búa liềm vàng” sẽ là sự khích lệ, động lực tinh thần lớn để các nhà báo, trong đó có tôi, tiếp tục nghiên cứu, trau dồi, học hỏi, sáng tạo để có thêm những tác phẩm báo chí có chất lượng.

+ Vâng, xin cảm ơn nhà báo!

Theo NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây