Nhà báo Thu Hà – Phó Trưởng ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam: Chúng tôi thay đổi nhưng chưa bao giờ là đủ với những thách thức mới

Thứ hai - 09/09/2019 08:46
Truyền hình đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, từ những hình thức công nghệ truyền thông mới, từ nhu cầu ngày càng cao của độc giả... Trong bối cảnh ấy, người làm truyền hình phải giải quyết những vấn đề hôm nay và tầm nhìn tương lai như thế nào?

Đó là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên báo Nhà báo và Công luận và nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Trưởng ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam – người đã có hơn 20 năm gắn bó với guồng quay Thời sự và chứng kiến nhiều bước phát triển của công nghệ truyền hình.
Nhà báo Thu Hà- Phó Trưởng Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam.
Nhà báo Thu Hà- Phó Trưởng Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam
Phải chuẩn bị sớm cho tương lai ngay từ bây giờ

+ Chị từng chia sẻ rằng, với người làm truyền hình, công việc luôn đòi hỏi sáng tạo, không ngừng cập nhật, đổi mới. Chắc hẳn trong bối cảnh này, câu chuyện đổi mới ấy cũng đã có nhiều “biến hóa” theo thời cuộc?

- Tất nhiên, vì báo chí trước sự thay đổi của công nghệ, cách tiêu thụ tin tức không chỉ người trẻ mà người lớn tuổi đã có những đổi khác rất nhiều. Họ liên tục thay đổi, nên công việc của người làm báo luôn phải chạy theo, nắm bắt xu hướng tương lai của công chúng. Như kênh CNN đã phải nghiên cứu phân tích bức tranh 10 năm sau của thế hệ độc giả sinh ra ở thế kỷ 21 như thế nào, họ xem ti vi ra sao, suy nghĩ về những gì xung quanh như thế nào... Thực sự, lúc nào những người làm tin tức cũng năng động và đổi mới, nhưng chưa bao giờ là đủ với những thách thức mới.

+ Tôi vẫn thấy đâu đó có người nói rằng, cứ phải là tin tức thời sự trên ti vi thì mới đáng tin. Vậy là, ở một góc độ nào đó, niềm tin dành cho truyền hình, đặc biệt là khung giờ vàng 19h mỗi tối hẳn luôn là động lực đối với người làm nghề?

- Có thể hiện tại thì các bản tin thời sự, nhất là trên VTV1 vẫn đang có độ phủ rất rộng, nhưng tin tức trên môi trường online đang là một làn sóng ngày càng mạnh mẽ. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải chuẩn bị những mô hình, những kịch bản để thích ứng và phát triển trong những năm tới. Chắc chắn những thế hệ phóng viên trẻ sẽ chứng kiến những thay đổi rất to lớn trong lĩnh vực truyền thông, nên hơn ai hết họ cần phải thích ứng và tiếp tục xây dựng được những chương trình tin tức thu hút công chúng- những công chúng sinh ra sau năm 2000. Những  thế hệ tiếp theo sẽ muốn xem những chương trình tin tức như thế nào, sử dụng loại phương tiện nghe nhìn nào? Và chúng ta làm thế nào để chuyển đổi cho phù hợp với yêu cầu đó, mà vẫn đảm bảo sự tin cậy, tính chính thống của dòng tin trên Đài Quốc gia. Đó luôn là những câu hỏi khiến chúng tôi, những người làm thời sự VTV hôm nay phải suy nghĩ từng ngày.
Các cuộc họp của Ban Thời sự thường xuyên bàn bạc về việc đổi mới các chương trình để phù hợp hơn với công chúng.
Các cuộc họp của Ban Thời sự thường xuyên bàn bạc về việc đổi mới
các chương trình để phù hợp hơn với công chúng
+ Thường thì, nhắc đến thời sự là nhắc đến tin tức cập nhật, mới mẻ. Nhưng dấu ấn của Thời sự trên VTV còn là những vấn đề “nóng”, được phân tích có chiều sâu. Có điều, làm thế nào để thời sự cân bằng được việc cập nhật thông tin hàng ngày ở hiện tại nhưng vẫn giữ được dòng chủ đạo của những vấn đề lớn có tác động trong tương lai, thưa chị?

- Đó là việc của cả Ban Thời sự chúng tôi mỗi ngày. Công chúng ngày nay rất quan tâm tới tin tức, nhưng xem nhanh và cập nhật từng phút, chứ không tính theo buổi hay theo ngày như trước kia. Vì vậy chúng tôi phải không ngừng thay đổi và đưa ra những chương trình mới, những phương thức thể hiện mới, sát hơn với nhu cầu khán giả. Nhiệm vụ chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhưng cần hòa quyện với đời sống dân sinh. Nếu chỉ phản ánh dân sinh, có thể thu hút được lượng người xem lớn nhưng mất đi mảng chủ trương, định hướng. Nếu chỉ có định hướng thì lại rất khô khan. Phải làm sao chọn được những điểm chung giữa chủ trương chính sách với góc nhìn đời sống. Người làm chủ trương, họ không chỉ ra được chủ trương này đi vào đời sống ra sao. Còn người dân không thể nào nói rằng thành quả của tôi chính là áp dụng nghị quyết nào... Và VTV chúng tôi luôn định hướng phải là cầu nối của cả hai, phản ánh lý thuyết chủ trương chính sách không khô cứng, phản ánh dân sinh một cách sinh động, hấp dẫn. Chìa khóa của tất cả những điều ấy chính là một kế hoạch vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại, vừa có giá trị cho tương lai.
Phóng viên Mạnh Cường và ekip di chuyển ở Hoàng Sa (tháng 5/2014).
Phóng viên Mạnh Cường và ekip di chuyển ở Hoàng Sa (tháng 5/2014)
Người làm thời sự phải “bắt mạch” những dòng chảy chính của thời cuộc

+ Chị nói đến “kế hoạch” cho các chương trình thời sự.  Quả là không dễ với những sự kiện... chưa xảy ra?

- Chúng ta thường nghĩ tin tức, nhất là tin “nóng” thường là xảy ra bất ngờ, và nhiệm vụ của những người làm thời sự là phải phản ứng nhanh để có nguồn tin sớm nhất, sinh động nhất để truyền tải tới khán giả. Thế nhưng càng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi càng hiểu rằng tính kế hoạch mới là quan trọng nhất, bởi lẽ khi theo dõi và nắm bắt được những dòng chảy chính của xã hội, thì chúng ta hoàn toàn có thể dự báo trước được những xu hướng lớn, qua đó nghiên cứu kỹ lưỡng, và chuẩn bị  sẵn sàng khi sự kiện vào “điểm rơi”. Giữa biết bao nhiêu tin tức thời sự mỗi ngày, người làm thời sự phải tìm được dòng chảy chính, mặc dù đôi khi dòng chảy đó lại không phải là những tin tức mà công chúng đang sôi sục tìm kiếm.

+ Nhưng làm thế nào để lựa chọn tốt “dòng chảy chính” trước quá nhiều luồng tin tức lóa mắt? Làm thế nào để những phóng viên trẻ có được một tâm thế luôn chạy, luôn đổi mới, luôn đón đầu?

- Thực ra, điều ấy phải bắt đầu từ tư duy của những người xây dựng kế hoạch cho các chương trình. Đó là những người tương đối tĩnh tâm để theo dõi, nắm bắt tin tức, tham khảo chuyên gia và tham mưu cho Hội đồng biên tập. Còn tất nhiên rồi, không gì thay thế được một guồng quay công việc, nỗ lực và sự xông xáo, tìm tòi của mỗi phóng viên để có những phóng sự ấn tượng. Sự kết hợp giữa thông tin định hướng và công tác phóng viên tại hiện trường, nếu làm tốt, sẽ tạo nên một chỉnh thể các bản tin thời sự vừa hay và vừa trúng. 

+ Vâng, xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này!
Theo NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây