Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng – Người của hai nhà
Thứ năm - 18/07/2019 16:55
Đồng nghiệp và bạn đọc thường gọi nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng bằng quý danh kép như vậy: “ nhà nhiếp ảnh, nhà báo. So với báo thì ảnh Hoàng Kim Đáng nhỉnh hơn, đằng chín lạng, đằng nửa cân”. Tìm hiểu kỹ phần trích ngang lý lịch cá nhân thì anh còn là nhà giáo chính hiệu. Hoàng Kim Đáng sinh năm 1940, tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1962 tốt nghiệp sư phạm 7+2, anh về dạy học tại địa phương. Năm 1965 thày giáo trẻ Hoàng Kim Đáng tình nguyện nhập ngũ, năm 1967 anh vào chiến đấu ở quân khu IV thuộc đơn vị 559, tại đây, anh được điều về làm báo Trường Sơn cùng với nhà thơ Phạm Tiến Duật(quê Phú Thọ), nhà thơ Nguyễn Ngọc San và hoạ sỹ Nguyễn Đức Dụ quê Hải Dương.
Tại chiến trường anh vừa chụp ảnh, vừa viết báo. Ảnh anh chụp minh hoạ cho bài viết của mình và để làm tư liệu sau này. Cây bút, cây súng và chiếc máy ảnh luôn bên mình. Viết báo, chụp ảnh thời kỳ chiến tranh, Hoàng Kim Đáng hoàn toàn tự học, chỉ có nghề dạy học anh mới học bài bản chính quy.
Thế mà, nghề ảnh, nghề báo, sau khi xuất ngũ với anh đã trở thành nghề chính cho đến lúc về nghỉ hưu. Hoàng Kim Đáng từng qua các cương vị công tác: Phóng viên báo Văn Nghệ(Hội nhà văn Việt Nam), báo Người Hà Nội, Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Vụ văn nghệ Ban tư tưởng văn hoá trung ương, Phó tổng biên tập tạp chí Nhiếp Ảnh, UVBCH Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Nhờ ở các cương vị công tác trên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng anh càng có nhiều điều kiện đi khắp mọi miền tổ quốc.
Những tấm ảnh, những trang viết của anh về đất nước, con người đều hồn hậu trong sáng, đầy ắp lượng thông tin, đặc biệt tư liệu lịch sử, chân dung danh nhân. Đến với Hội An, anh khắc hoạ bằng được dấu ấn và sự giao lưu văn hoá lịch sử trên khuôn mặt phụ nữ nơi này. Đó là văn hoá người Hoa, người Nhật, người Việt. Hướng ống kính vào các lễ hội, anh đi tìm các hồn cốt, thần thái mà phản ánh chứ không sao chép hiện thực một cánh khô khan cứng nhắc cốt chụp để có hình. Cũng cung cách làm việc như thế sau ngày tái lập tỉnh Hưng Yên(1-1-1987) anh hứng khởi trở về thị xã Hưng Yên ở tạm khu nhà cấp 4 của Sở văn hoá bên ven đê sông Hồng mấy tháng trời, anh đến từng khu phố và các vùng phụ cận khu vực Phố Hiến để chụp các di tích lịch sử, từ cây si, cây đa, đền chùa, Văn miếu Xích Đằng với hàng trăm tấm ảnh quí. Sau được chọn in trong tập Kỷ yếu Hưng Yên do nhà văn Nguyễn Phúc Lai lúc đó là GĐ sở Văn hoá kiêm chủ tịch Hội VHNT tỉnh chủ biên. Lần ấy vào gần trưa anh có đến Văn miếu Xích Đằng, ghé qua thăm tôi, vừa đến cổng bắt tay tôi xong, anh nhìn thấy một cây hồng có mấy bông vừa nở, anh dựng xe vội vàng bảo tôi :”Thiện vào lấy cho mình gáo nước lã”. Tôi ngạc nhiên hỏi Anh khát nước à ?” Anh đáp : “Không, cứ cầm ra đây cho mình”. Tôi đưa gáo nước cho anh, anh hấp một ngụm thật to rồi trở lại chỗ cây hồng phun lên các bông hoa, anh nhanh nhẹn lấy máy ảnh bấm luôn mấy kiểu. Thì ra, nhà nghệ sỹ đã “trang sức” cho hoa đeo cườm bằng những giọt nước như giọt sương mai, lấp lánh, lung linh, để ít hôm sau có được bức ảnh hoa hồng trên đất phố Hiến tươi thắm. Mới hay, làm nghệ thuật cũng phải biết thổi hồn mình vào cỏ cây, hoa lá mới thật sống động.
Thật hiếm hoi trong làng báo như nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng người song hành cả nghề báo và nghề ảnh, có tài, có duyên chụp ảnh chân dung mà lại kèm theo bài viết thật sinh động. Cái thần của ảnh chân dung, phong phú trong bài viết nữa, như các bài anh viết về: “Những lần được gặp và chụp ảnh Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà văn Nguyễn Tuân với sông Đà, Võ An Ninh-cây đại thụ nhiếp ảnh Việt Nam, Xuân này cụ Hoàng Đạo Thuý-Nhà văn hoá lớn gần 100 tuổi, TRần Quốc Vượng với Hoàng thành Thăng Long, Văn Cao trong ký ứccủa tôi, Hình ảnh giáo sư viện sỹ Tôn Thất Tùng, Nhà Viết kịch Tào Mạt-Những lần gặp…”và đặc biệt bài viết về cụ Hải Âu người chăm sóc sức khoẻ vua Hàm Nghi suốt mấy chục năm cho đến những ngày cuối đời. Tư liệu trong bài này chỉ Hoàng Kim Đáng mới có. Anh còn là người khởi xướng chụp ảnh: “ Hà Nội đẹp và chưa đẹp” từ năm (1987-1988) khi còn ở Hội văn nghệ Hà Nội, anh phân công một nhóm nhiếp ảnh thành phố đi săn những ảnh đẹp và chưa đẹp để in báo có nội dung vừa khen, vừa chê theo phương thức xây để chống, chống để xây. mục này mấy năm nay báo Người Hà Nội lại tiếp tục duy trì với 2 trang ảnh ở chuyên mục Hà Nôị đẹp và chưa đẹp. Năm 1985, sau chuyến đi dài ngày ở phố cổ Hội An, Hoàng Kim Đáng tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật lần đầu tiên tại thị xã Hội An với chủ đề: ‘Hội An đô thị cổ”. Xem xong, giáo sư Kkaria-cốpco, nhà kiến trúc sư, nhà nhiếp ảnh kiêm hoạ sỹ, trưởng đoàn chuyên gia Ba Lan sang tu bổ các kiến trúc dân tộc Chăm, nhận xét: “Thời gian được bảo tồn trong ống kính của nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng, đó là sự sáng tạo trên giấy ảnh, những tư liệu đầy chất thơ của cuộc sống chúng ta. Nghệ sỹ Hoàng Kim Đáng đã thể hiện bản chất cuộc sống một cách tài tình…”.
Thay cho triển lãm lần thứ 2, tháng 10-2010 - nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hoàng Kim Đáng chủ biên cuốn sách ảnh đồ sộ mang tên: “ Thăng Long Hà Nội qua hình ảnh” do NXB Hà Nội ấn hành. Đây là bộ sách ảnh công phu anh dày công thực hiện trong mấy năm liền. Về cuốn sách ảnh này có thể nói là biên niên lịch sử bằng ảnh về Hà Nội, trong lời tựa cuốn sách ảnh này, nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch LH các Hội VHNT, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá rất cao, ông viết : “ Anh Hoàng Kim Đáng đi nhiều, sống nhiều, từng trải nhiều, cường độ và nhịp điệu làm việc lúc nào cũng ở tình trạng thời chiến. Và anh đã lựa, cả cân nhắc rất công phu, để chỉ bấm máy khi đã phát hiện thấy thần thái…”. Nhà thơ Hữu Thỉnh còn thêm một nhận xét: “ Hoàng Kim Đáng không chụp ảnh mà chụp tình, không chụp hình mà chụp chính anh”. Hoàng Kim Đáng còn ra tập sách “ Thăng Long Hà Nội ký”, gồm bút ký, ghi chép chân dung văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, anh chuẩn bị cho ra mắt tập Thơ và ảnh nữa, thì anh quả là đa tài, nhà văn, nhà báo, nhà thi sỹ…Tuy vậy, công chúng và đồng nghiệp vẫn coi anh là nghệ sỹ nhiếp ảnh tài hoa hơn, bởi anh đã dành được nhiều giải thưởng lớn về ảnh ở quốc tế và trong nước. Về nhiếp ảnh của Hoàng Kim Đáng, Cụ Nguyến Tuân là người khó tính nhất, đã có rất nhiều nghệ sỹ tài ba chụp ảnh chân dung cụ lúc sinh thời, nhưng cụ chỉ ưng nhất ảnh chân dung cụ do Hoàng Kim Đáng chụp, và cụ đã chọn treo ở vị trí trang trọng trước bàn làm việc của cụ. Đấy mới là phần thưởng vô giá đối với Hoàng Kim Đáng, người nghệ sỹ tài ba, người con của xứ sở nhãn Lồng Phố Hiến Hưng Yên.