Nhà báo Hoàng Lâm – Tổng Thư ký tòa soạn báo Lao Động: Đầu tư nội dung là đường đi không thể chối bỏ, là cửa SINH cho báo chí
Thứ tư - 19/06/2019 16:48
“Nghề báo luôn cần những nhà báo biết tạo ra nội dung tốt, khác biệt. Đầu tư vào nội dung là đường đi không thể chối bỏ, và là cửa SINH cho báo chí...” – Nhà báo Hoàng Lâm- Tổng Thư ký tòa soạn báo Lao Động cho biết.
“Nghề báo luôn cần những nhà báo biết tạo ra nội dung tốt, khác biệt. Đầu tư vào nội dung là đường đi không thể chối bỏ, và là cửa SINH cho báo chí. Tuy nhiên đầu tư nội dung mà không đối đầu với công nghệ, mà phải tận dụng công nghệ là chuyện của làm báo hiện đại. Bài toán tận dụng công nghệ để sáng tạo nội dung vì thế đã trở thành con đường duy nhất” – Đó là câu chuyện được kể bởi nhà báo Hoàng Lâm- Tổng Thư ký tòa soạn báo Lao Động.
Tận dụng công nghệ để sáng tạo nội dung là con đường duy nhất
+ Có nhiều ý kiến cho rằng: làm sao để đổi mới, kiến tạo nội dung khác biệt trong bối cảnh thông tin hiện nay là thách thức rất lớn với các Tòa soạn. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào, thưa anh?
- Thách thức rất lớn vì nguồn thông tin mà người đọc tiếp nhận từ mạng xã hội (MXH) ngày càng nhiều. MXH mang đến vũ khí hiện đại, tiên tiến, tiếp cận với người đọc trực diện nhiều hơn. Trong bối cảnh này, thách thức lớn nhất kéo theo câu chuyện lớn đó là báo chí làm gì để khác biệt với thông tin trên MXH. Thực sự, khác biệt là rất khó và khi báo chí bị chìm lấp vào sự bùng nổ của MXH. Trong đám mây bụi của thông tin thì sự mất định hướng là có, tác động hàng ngày. Không chỉ có báo điện tử mà cả một số tờ báo có tiềm lực, có tiền, có đầy đủ điều kiện nhưng vẫn “vô tình” chạy theo sự đòi hỏi của một bộ phận công chúng và bản thân người tham gia làm báo vì thế cũng nhiều lúc lúng túng trong xử lý nguồn tin nên đôi khi chúng ta mặc định những tin MXH làm nguyên liệu. Thế nên mới nói, trên con đường chạy theo MXH, người ta buộc lòng phải nhận thức được tin giả, tin thật, tin một chiều trên MXH.
+ Thách thức đầu tiên là về nội dung giữa báo chí và mạng xã hội, suy cho cùng cũng có thể lý giải ở góc độ chạy định mức, rồi cơm áo gạo tiền?
- Điều đó cũng đến từ thách thức thứ 2 là phía tòa soạn, tài chính là quảng cáo giảm sút, tài chính không đảm bảo thì nó sẽ tác động đến nội dung. Khi bài nhuận bút được trả mà ở mức độ cao, ở mức 5 triệu hoặc trung bình 2 - 3 triệu, thấp chỉ vài trăm ngàn, vài chục ngàn đồng nghĩa với việc tác động lớn tới hàm lượng chất xám. Họ đầu tư cho tác phẩm có giá trị bằng 3 lần lương cơ bản thì chất lượng sẽ khác với tác phẩm chỉ bằng bát phở thôi. Bên cạnh đó, áp lực thứ ba là hình ảnh của người làm báo đã có phần không còn được lung linh như lời tung hô “những chiến sĩ”, “quyền lực thứ 4”... như trước đây cũng tạo ra những thách thức nhất định đối với thế hệ nhà báo hiện nay, nhất là lớp phóng viên trẻ.
+ Nói như thế, nghĩa là những bài viết chứa đựng hàm lượng chất xám và sự dấn thân ngày càng ít ư, thưa nhà báo?
- Tôi nghĩ những khó khăn đã nói ở trên góp phần tạo ra một lớp nhà báo không có sự đam mê, hy sinh và xông pha, thậm chí thiếu muối, thiếu những ý tưởng và phát hiện mới. Cái khác biệt giữa báo chí và MXH là sự đổi mới. Để tự vượt lên trong bão MXH chính là sự sáng tạo và lao động. Nhưng nói thật là, khái niệm lao động trong báo chí với lớp trẻ hiện nay là đáng báo động. Tất nhiên là còn rất nhiều bạn phóng viên lăn lộn, lăn xả, cống hiến nhưng tỉ lệ là thấp hơn so với các bạn tự thỏa hiệp và chất lượng tác phẩm bình bình với chính mình, tự cảm thấy mình luôn thua thế lực khác, tự mình thua, chỉ kiếm cuộc sống có đồng lương hoặc là một chân trong tờ báo để làm việc khác. Những tác phẩm mang tính dấn thân, phát hiện, sáng tạo trong báo chí có xu hướng giảm so với cách đây 10, 20 năm. + Vậy mà đã có ý kiến cho rằng, có thể tương lai sẽ là câu chuyện của dữ liệu, nạp dữ liệu vào để có bài, thay thế phóng viên. Ông nghĩ sao, thưa nhà báo?
- 20 năm trước báo chí in số 1, sau đó là báo điện tử, sau đó là MXH. Câu chuyện tương lai cũng khó nói. Nhưng dù có trí tuệ nhân tạo thì vẫn không thể thay thế sức sáng tạo của con người và sáng tạo làm cho báo chí tồn tại và tìm cách chiếm lĩnh về thông tin. Tôi nghĩ, sự thật luôn có giá trị mọi mặt và mỗi sản phẩm báo chí cần mồ hôi công sức và hàm lượng trí tuệ. Nếu người làm báo xác định như vậy thì mỗi người làm báo sẽ coi công nghệ chỉ là sự hỗ trợ và không quá bị chi phối. Nghề báo luôn cần những nhà báo biết tạo ra nội dung tốt, khác biệt. Đầu tư vào nội dung là đường đi không thể chối bỏ, và là cửa SINH cho báo chí. Tuy nhiên, đầu tư nội dung mà không đối đầu với công nghệ, mà phải tận dụng công nghệ là chuyện của làm báo hiện đại. Bài toán tận dụng công nghệ để sáng tạo nội dung vì thế đã trở thành là con đường duy nhất.
Phóng sự điều tra chuyên sâu được tích cực chuyển dần sang báo điện tử
+ Nhân câu chuyện “không có giọt mồ hôi thì không có nội dung tốt”, chuyên mục phóng sự một thời được xem là “đặc sản” của báo Lao Động” giờ đã có những thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, báo Lao Động chúng tôi luôn xác định đầu tư vào những chuyên mục mang hàm lượng trí tuệ, chất xám cao và sự dấn thân. Dĩ nhiên có nhiều cái khó là hiện nay về mặt bạn đọc, phóng sự đang ở giai đoạn trầm lắng, đang không còn ở thời hoàng kim như nó đã từng có, từng là thương hiệu của Lao Động. Thực tế, bạn đọc thiếu độ chững cần thiết để đọc phóng sự dài từ 2.000 - 5.000 chữ hoặc dài kỳ. Đó là điều đáng tiếc và trên báo in tần suất phóng sự hiện giờ không cao. Những người viết phóng sự càng ít (vì thời gian, công sức, tiền bạc dành cho nó quá nhiều). Và thực tế đó, chúng tôi đã có sự thay đổi để đến gần hơn với bạn đọc. Một mặt vẫn giữ phóng sự Báo in là đặc sản của Lao Động, chưa bao giờ phủ nhận. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi về định hướng của Ban Biên tập, phát triển báo Lao Động điện tử. Do đó, các phóng sự điều tra chuyên sâu được tích cực chuyển dần sang báo điện tử. Trước đây, chúng ta nghĩ là báo in bài chuyên sâu, phóng sự dài hơn nhưng thực tế báo điện tử với hình thức Emagazine sâu hơn công nghệ đồ họa và video tốt hơn. Do đó, phóng sự điều tra trên điện tử Lao động đang khá được công chúng quan tâm. Ví dụ gần nhất là vụ chùa Ba Vàng, Vụ đột nhập trại nuôi người lấy thận...
+ Nhưng làm thế nào để chúng ta có được đội ngũ phóng viên máu lửa, dấn thân, làm thế nào để không bị “cám dỗ” trong khi thực hiện phóng sự điều tra?
- Chúng tôi khuyến khích đam mê song hành với việc nghiêm túc thực hiện những quy định khắt khe của tòa soạn, nghĩa là luôn tạo điều kiện tốt nhất nhưng luôn đề cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương. Lãnh đạo báo luôn phải nắm lịch công tác của phóng viên, đi bao lâu, gặp ai, làm cái gì là đều phải có báo cáo. Quy định của báo Lao Động là không đi công tác ngoại tỉnh nếu không có báo cáo và được lãnh đạo đồng ý thì sẽ bị phạt. Vì đó là điều không thể chấp nhận được, đặc biệt là với phóng viên điều tra. Kể cả chỉ là chuyện mới điều tra ban đầu thì cũng phải báo cáo với Trưởng ban. Điều này sẽ tránh được những khuất tất và rất kịp thời nắm bắt xử lý nếu vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, hàng tuần chúng tôi thường lựa chọn bài báo tốt trong tuần, view cao, dư luận tốt thì sẽ được khen thưởng trong giao ban toàn cơ quan. Khen thưởng cũng khá hấp dẫn với phóng viên, không chỉ về tiền mà còn là KPI (chỉ số đánh giá hiệu suất công việc) nâng lương hàng quý. Chính vì thưởng, phạt rõ ràng nên lớp trẻ của báo Lao Động hiện nay là khá tốt, nhiều loạt bài hay, hot đều là do lớp trẻ làm. Đưa các bạn trẻ dấn thân và được thể hiện mình, mạnh dạn giao việc khó chính là điều mà chúng tôi quan tâm. Chúng tôi luôn luôn nói với các em rằng, phải ghi nhớ trong thông điệp hàng ngày, làm gì thì làm, cần đứng trên góc nhìn của thành viên báo Lao Động - một tờ báo tồn tại 90 năm nay. Một điều được cho là văn hóa Lao Động, niềm tự hào của Lao Động đó là lịch sử và mỗi bạn trẻ khi về Lao Động là lĩnh hội được sự tự hào của những lớp cha anh đi trước. Và sự cố gắng của phóng viên, sự chỉ đạo sát sao của Ban Biên tập thực sự là ngôi nhà của các bạn, đặc biệt là bạn trẻ muốn gắn bó, muốn đóng góp, muốn thể hiện và muốn được tiếp tục trưởng thành.