Nghề báo vốn dĩ khắt khe, nghiệt ngã. Nghề luôn phải rèn đức luyện tâm. Chuyện nghề với Hồ Quang Lợi ăm ắp lý lẽ. Hệt như người viết bình luận thường sử dụng các thao tác nghiệp vụ đa cách như tổng hợp, chứng minh, phân tích, so sánh, cắt nghĩa, lý giải vấn đề hoặc sự kiện có ngọn có ngành.
Nói Hồ Quang Lợi – Một tài năng lý lẽ! Xem ra hẹp quá. Đúng hơn, anh là một tài năng báo chí. Điểm qua các chức vụ anh từng đảm nhận đã nói lên điều ấy, nào là: Đại tá, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân; Nguyên Tổng Biên tập báo Hànộimới; Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội; Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN... Với nghề báo, anh đoạt tới cả chục Giải cao - Giải Báo chí Quốc gia và Giải Báo chí Toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam!... Chỉ bằng những Giải thưởng có được cùng hơn chục đầu sách thuộc thể luận do các Nhà xuất bản danh tiếng ấn hành từ 1997 tới nay, quá dư để khẳng định: Hồ Quang Lợi – Một cây bút bình luận quốc tế xuất sắc nhất của báo chí Việt Nam! Một nhà báo tài năng luôn ở đầu nguồn sự kiện và các vấn đề đại sự quốc gia, quốc tế!... Dẫu vậy, ấn tượng với tôi thì Hồ Quang Lợi như một điển hình sâu đậm nhất về tài năng lý lẽ. Bởi thông tin trong bình luận, trước hết là thông tin lý lẽ, thông tin của tư duy tổng quát, chính chuẩn!
Vốn tính tò mò, nên ngay từ khi Hồ Quang Lợi đoạt Giải A (Giải A duy nhất) năm 1991, năm đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải Báo chí Toàn quốc của Hội, tôi đã để tâm tới “ngón nghề” của cây viết này. Ngày ấy Hồ Quang Lợi mới 35 tuổi, phóng viên bình luận quốc tế năng nổ của báo Quân đội nhân dân. Ngày ấy, Hội đồng Giám khảo chỉ vẻn vẹn 15 người, nhưng toàn những vị “tai to mặt lớn” tên tuổi, chức sắc bề bề sáng danh của làng báo Việt Nam, đều hạ bút cho điềm tuyệt đối (điểm 10) tác phẩm dự thi của Hồ Quang Lợi. Ngày ấy (tôi, tác giả bài viết này) là Trưởng Ban Thư ký Tổng hợp Giải, nên biết rõ và rất ngưỡng mộ anh. Thời ấy, bão thông tin toàn cầu đã ùa vào Việt Nam, người ta không chỉ chăm chú đón nhận thông tin, mà đã bắt đầu để tâm xem xét bản chất cũng như xu hướng vận động, tác động của chúng đối với đời sống xã hội của đất nước như một đòi hỏi thiết thân. Khi ấy, những bài bình luận của Hồ Quang Lợi trên báo chí, hoặc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ. Ngày ấy, tôi tìm đến căn nhà riêng của Hồ Quang Lợi thuộc Khu chung cư Lý Nam Đế (Hà Nội), loáng thoáng chuyện gần chuyện xa, tôi vận ngay sang chuyện nghề:
- Vì sao thể bình luận lại được bàn dân thiên hạ ưa chuộng?Thể loại hóc búa này, ai “bỏ bùa” mà anh mê say đến thế? Đôi mắt sáng, nét tinh anh hiện diện tất cả trên khuôn mặt của người lính theo nghề chữ nghĩa, đáp say sưa:
- Bình luận là thể loại hết sức quan trọng, thể loại trụ cột, vừa thể hiện tầm vóc của một cơ quan ngôn luận vừa tăng sức hấp dẫn của báo chí... Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, thế giới đã trở thành một ngôi làng bé nhỏ. Mọi biến đổi trên thế giới đều tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến nước ta, đòi hỏi báo chí phải phân tích, lý giải kịp thời. Những câu hỏi lớn luôn thường trực đối với bạn đọc là: Thứ nhất, thế giới đang vận động theo quỹ đạo nào, theo trật tự nào và sẽ đi về đâu? Thứ hai, Việt Nam đang tồn tại và phát triển thế nào trong một thế giới luôn đổi thay sâu sắc? Theo đó, các nhà báo nói chung và các nhà báo chuyên viết bình luận phải ý thức để góp phần giải đáp cho được những đòi hỏi này của công chúng và bạn đọc thân yêu của mình!... Anh chưa dứt lời, tôi đã dồn hỏi: - Đặc điểm cơ bản nhất của bình luận là gì? Giọng chậm, chắc, mạch lạc, lời như mơi ra từ gan ruột: - Bình luận là tổ từ nói về một thể loại báo chí gồm hai yếu tố cần được quan tâm thấu đáo là bình và luận. Bình là xem xét, phân tích, thẩm định, đánh giá các góc cạnh của sự kiện hoặc vấn đề, đồng thời đặt nó trong mối quan hệ so sánh, đối chiếu với những sự kiện, vấn đề liên quan. Khi ấy luận là sự suy luận, bàn bạc sâu rộng hơn nhằm đi đến những nhận định có tầm bao quát, đồng thời dự báo chiều hướng biến đổi, phát triển của tình hình. Vì thế, thông tin trong bình luận trước hết là thông tin lý lẽ. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa chính luận nói chung, bình luận nói riêng với các thể loại báo chí thông dụng khác!... Tôi lại chen lời:
- Anh nghĩ gì về “cái tôi” trong bình luận? Hồ Quang Lợi đáp ngay, cứ như kiến thức, vạn điều nghĩ suy luôn ăm ắp trong đầu trong óc, “khai khẩu” là đâu đã vào đó:
- Bình luận là dạng lao động sáng tạo, là “ngón võ” hoàn toàn mang tính cá nhân. Sáng tạo càng cao, tư duy xúc cảm càng sâu thì hiệu quả càng lớn. Cái tôi trong bình luận là cái tôi lý lẽ. Nó được gột lên bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng sự nhạy cảm, sắc sảo, bằng trình độ hiểu biết sâu rộng. Bàn luận về cái cần có của nhà báo chuyên sâu bình luận như anh, nhưng chẳng khi nào Hồ Quang Lợi ám chỉ mình, tự nói về mình. Dẫu thế, thâm tâm tôi vẫn nghĩ cái cần nói thêm đó là sự không ngừng học, không ngừng tích lũy kiến thức từng ngày, từng giờ như chính Hồ Quang Lợi. Anh sinh ra ở miền đất khó Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhưng là xứ sở của sự học. Anh từng tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp; Đại học Tổng hợp Bucharest (Romania). Hơn thế, suốt cuộc đời với trăm công ngàn việc được bầu, được cử... thì, việc gì, ở đâu, thời khắc nào anh cũng làm tốt, tạo dựng thế đứng mới cho tổ chức, để lại tiếng thơm, tiếng đẹp cho đời.
Nghề báo là nghề suốt đời phải tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin, và chọn đúng lúc để loan tin. Anh từng thổ lộ: Ít có những đêm ngủ trọn vẹn! Sự kiện trong nước và thế giới luôn nẩy sinh, biến đổi không ngừng. Tất cả, tất cả hình như đều không trượt khỏi bộ óc minh mẫn và tư duy lý lẽ sắc sảo của Hồ Quang Lợi. Các sự kiện, các vấn đề lớn nẩy sinh nơi hành tinh ta ở, hình như không khi nào diễn ra mà lại không có bình luận của Hồ Quang Lợi. Cứ điểm lại hơn 10 ấn phẩm đầy dặn của anh theo thời gian là đủ biết. Ví như: “Từ sau cuộc chính biến 19/8/1990 dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, nước Nga bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Trong dòng xoay hỗn mang của “một thời đang đảo lộn và đang được sắp xếp lại”, liên tiếp các sự kiện “long trời lở đất” kích ứng nhau diễn ra, hầu hết theo những cách thức “vô tiền khoáng hậu” (Lời Nhà Xuất bản Hà Nội). Cho dù chỉ đôi lần qua lại với nước Nga, vậy mà Hồ Quang Lợi vẫn viết theo nhịp thời gian của nước Nga tới 64 bài bình luận, in trang trọng trong tập “Nước Nga hành trình tới tương lai” nhân kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2017). Tập sách gây ấn tượng sâu sắc với hàng trăm khách dự Lễ ra mắt sách, đặc biệt là khách Nga do bà Tham tán Đại Sứ quan Nga dẫn đầu... Theo đó, năm 2019, Nhà Xuất bản lại tổ chức Lễ ra mắt tập “Thời cuộc và Văn hóa”. Người tham dự đông như nêm, lời chia sẻ đằm thắm, nhất mực vinh danh tài ba với thể bình luận của Hồ Quang Lợi...
Nghề báo vốn dĩ khắt khe, nghiệt ngã. Nghề luôn phải rèn đức luyện tâm. Chuyện nghề với Hồ Quang Lợi ăm ắp lý lẽ. Hệt như người viết bình luận thường sử dụng các thao tác nghiệp vụ đa cách như tổng hợp, chứng minh, phân tích, so sánh, cắt nghĩa, lý giải vấn đề hoặc sự kiện có ngọn có ngành. Lý lẽ tạo nên Hồ Quang Lợi - Nhà bình luận quốc tế sắc sảo nhất của báo chí Việt Nam. Bởi thế, tôi luôn ngầm nghĩ: Hồ Quang Lợi – Một tài năng lý lẽ!