Phụ nữ làm báo – Tình yêu và sự hy sinh

Thứ ba - 12/11/2019 16:40

Nghề báo – nghề mà lâu nay vẫn được ví là “quyền lực thứ tư” nên luôn có sức hấp dẫn rất lớn mặc dù đây là nghề vất vả, nguy hiểm và nhiều sức ép. Với phụ nữ làm báo, chúng tôi phải gánh trên vai gánh nặng vô hình nhưng hiện hữu: một bên là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với công chúng, với xã hội... và một bên là gia đình với những “thiên chức” mà lâu nay vẫn dành cho nữ giới. Vì vậy, đến với nghề báo, làm nghề và sống với nghề, những nhà báo nữ chúng tôi cần tình yêu lớn dành cho nghề, tình yêu lớn của gia đình, người thân dành cho mình, cùng với đó, phải hy sinh nhiều cho công việc mình đã chọn.
111

Chuyên ngành đại học của tôi là Quốc tế học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một chuyên ngành mở và rất năng động. Tại đây, ngoài kiến thức chuyên ngành, kiến thức tổng hợp, chúng tôi được học thêm một số nghiệp vụ như Báo chí, điều tra xã hội học, lễ tân ngoại giao,…; Trong quá trình học, chúng tôi được Khoa tạo điều kiện giao lưu, trải nghiệm và viết bài nghiên cứu, viết báo… Và tình yêu với nghề báo lớn dần trong tôi bởi đây là một nghề luôn mới. Mới theo sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, mới trong việc chuyển tải, phản ánh hơi thở của cuộc sống, mới trong cách thể hiện tác phẩm. Đây còn là nghề mà mình có thể rèn luyện, khẳng định bản thân; truyền tải suy nghĩ, cảm nhận, lập trường của người làm báo đối với mỗi sự kiện thông qua tác phẩm báo chí của mình…

Bước chân vào nghề báo tôi mới cảm nhận hết được những khó khăn, vất vả của nghề, nhất là đối với phụ nữ. Đây là nghề hầu như không có sự phân biệt yếu tố giới tính cũng như sự ưu tiên đối với nữ giới khi mà sản phẩm cuối cùng là các tin, bài, chương trình phát thanh – truyền hình phản ánh trung thực hơi thở cuộc sống qua lăng kính, góc nhìn, cá tính và cảm xúc của từng người làm báo. Do vậy, đòi hỏi người theo nghề phải luôn luôn sáng tạo và phải có phong cách riêng biệt, không thể dập khuôn theo một khuôn mẫu nào hết. Vì thế, buộc người làm nghề báo phải có kiến thức vừa sâu vừa rộng, phải đam mê, phải sáng tạo không ngừng, lúc nào cũng trăn trở, suy nghĩ, đau đáu về nghề. Cái đó đã làm cho người làm báo vất vả hơn, khó nhọc hơn chứ không hẳn chỉ dừng lại ở việc thường xuyên phải di chuyển, phải trực tiếp đi sâu đi sát bám cơ sở. Và đây thực sự là một áp lực đối với tất cả các nhà báo cả nam và nữ khi đã thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề.

Ở Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, hầu hết các cán bộ nữ đều đã và đang làm tất cả các công việc để cho ra các tin bài, chương trình phát thanh - truyền hình một cách tâm huyết, trách nhiệm, không phân biệt đó là công việc của nam hay nữ. Từ các nữ phóng viên, biên tập viên đến phát thanh viên, kỹ thuật viên trong công việc là bình đẳng. Mỗi nhiệm vụ một đặc thù, đều có những khó khăn, vất vả riêng, nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, chúng tôi đều nỗ lực làm tốt, khẳng định được mình không hề thua kém đồng nghiệp nam giới cả về sự đam mê cũng như chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.

Những nữ nhà báo chúng tôi đến với nghề bằng tình yêu, làm nghề bằng con tim và nghề báo cũng đem lại cho chúng tôi nhiều tình yêu, niềm hạnh phúc. Đó là tình yêu thương của khán thính giả, là sự trân trọng của đồng nghiệp, của lãnh đạo và đối tác, là niềm hạnh phúc khi sáng tạo ra được tác phẩm hay, có ý nghĩa.

Và để làm nghề, nữ nhà báo chúng tôi cũng phải hy sinh cho tình yêu mình đã chọn. Với bản thân, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận vất vả, khó khăn, đi sớm, về muộn, làm ngoài giờ; hy sinh những điều mà phụ nữ luôn có nhu cầu như: váy vóc, giày cao gót, spa, … để khoác trên mình những bộ quần áo có phần bụi bặm, giày bệt và làn da sạm nắng. Với gia đình, con cái, hạnh phúc riêng tư, chúng tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều để cân bằng bởi mặc dù công việc không phân biệt nam nữ, nhưng ở gia đình, rất nhiều công việc đổ dồn lên vai người phụ nữ. Có một số đồng nghiệp may mắn nhà gần cơ quan có thể đưa đón con đi học, nhưng với những người nhà xa, việc này là một điều xa xỉ. Nhiều khi, sau khi lo toan hết việc gia đình, chúng tôi lại tranh thủ mở máy tính viết bài khi mà đồng hồ đã điểm sang ngày hôm sau,…

Mặc dù trên vai những nữ nhà báo luôn nặng gánh giữa công việc và gia đình, song tình yêu với nghề, đam mê cầm bút và niềm hạnh phúc riêng có mà nghề báo mang lại là động lực để phóng viên nữ lao động sáng tạo miệt mài, thậm chí không ngại hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng xông pha trên mặt trận tư tưởng để cho ra đời những món ăn tinh thần hay nhất, ý nghĩa nhất phục vụ khán, thính giả.

Nguyễn Lương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây